Đổi chác dâm và cưỡng dâm trong chính trường
Sau đúng 10 năm từ khi đưa ra Quy định 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, Đảng CSVN đã có văn bản mới, Quy định 37-QĐ/TW.
Mặc dù cả hai đều có số điều như nhau (19), nhưng có một số “điểm mới” trong văn bản vừa ban hành, được báo chí phân tích.
Thế nhưng, những điểm mới đó có thể vẫn chưa đủ giữa lúc ngày càng bộc lộ nhiều hơn, đa dạng hơn hiện tượng suy thoái đạo đức trong hàng ngũ đảng viên.
Thực tế là nhiều khi không phải dùng tới tiền bạc, mà chỉ mối quan hệ tình ái thôi là có thể xoay chuyển được những quyết định rất lớn nơi chính trường.
Vụ Bí thư huyện ủy Cô Tô bị tố cáo hiếp dâm rất có thể như một lời nhắc nhở giúp ĐCSVN quyết không né tránh, để bổ sung một, hai điều cấm nữa mà lâu nay đã thấy nhưng phải chăng do quá “nhạy cảm” nên chưa đưa vào văn bản quy định.
Có thể phần vì sự “thiếu” đó đã làm cho vụ việc xem ra đang khó giải quyết. Đảng, chính quyền, công an địa phương vào cuộc cả tuần nay, nhưng vẫn chưa có được thông tin rõ ràng để làm yên dư luận.
Cụ thể: sao chưa khởi tố vụ án? Một vụ hiếp dâm hay chỉ là thông dâm, hối lộ tình ái nhưng bị lộ rồi vu cáo bị hiếp dâm? …
Chẳng phải chỉ ở xứ ta, mà khắp các chính trường thế giới, chuyện mua bán trao đổi tình dục, lợi dụng chức quyền để cưỡng dâm đã có nhiều.
Ở Mỹ, hiện tượng đình đám nhất là của cựu TT Clinton, mà đến giờ đã có cả phim tài liệu và phim truyện nhiều tập.
Ở Anh mới đây, là Bộ trưởng Y tế, chỉ vì một nụ hôn bị phát hiện mà dẫn tới mất chức.
Ngay cả ở xứ “cộng sản anh em” Trung Quốc, trong nhiều năm nay, chuyện công khai quan chức bị kỷ luật do “suy thoái đạo đức” kiểu này đã khá phổ biến. Đến độ trong đó có cả vài “quan bà”, với khái niệm “trao đổi quyền, tiền, sắc”.
Từ gần 20 năm trước, ĐCSTQ đã ban hành quy định cấm đối với đảng viên, có tới 178 điều.
Vậy mà ở Việt Nam, có vẻ như khác hẳn với … thế giới. Chuyện quan chức bị phanh phui những hành động lợi dụng chức quyền để cưỡng dâm và đổi chác, hối lộ tình dục để thăng tiến hầu như chưa thấy có.
Vụ tai tiếng của Bí thư Thừa Thiên-Huế sàm sỡ nữ nhân viên nhà hàng từ nhiều năm trước là rất hiếm và quá nhỏ.
Hay mới hơn, vụ cựu Phó viện trưởng kiểm sát Đà Nẵng dâm ô cháu bé.
Còn trường hợp có vẻ nặng, là mối quan hệ “tình cảm cá nhân” của Phó chủ tịch TPHCM với một chủ doanh nghiệp, cùng lắm cũng chỉ thuộc loại “bán dâm”.
Vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao bị tội “hiếp dâm” cũng tương tự, tất cả đều chưa ở cấp độ mang tính chính trị như đổi chác dâm ô nơi công sở nhằm phục vụ thăng quan tiến chức.
Phải chăng trong lĩnh vực này VN “nghiêm” hơn các xứ khác nên ít có? Những đồn thổi ngoài xã hội và thông tin trên mạng xã hội lại cho thấy ngược lại.
Một logic tự nhiên, khi thực trạng đạo đức suy đồi, tham nhũng khủng khiếp trong hàng ngũ quan chức đảng viên đương nhiên không tránh khỏi nạn đổi chác tình dục.
Có ít nhất hai lý do để lý giải về chuyện “thầm kín” nơi công sở liên quan mua quan bán chức ở Việt Nam khác với thiên hạ – khó được phanh phui.
Thứ nhất, do có một thời quá dài, việc tuyên truyền về đạo đức của người cộng sản quá mạnh, vô đạo đức thì được che giấu, để phục vụ cho thắng lợi trong chiến tranh, và tất nhiên cả sự “chính danh” của Đảng. Nay “tập quán” đó chưa thay đổi.
Thứ hai, chưa quyết liệt diệt trừ tham nhũng. Đây là điểm dễ dàng thấy khi so sánh với Trung Quốc. Đối chiếu quy định những điều cấm đối với đảng viên giữa hai đảng cũng có thể thấy rõ.
Có vẻ như điều cấm của ĐSCVN nặng về những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa quá” quá, tức là quá sợ đảng viên có quan điểm chính trị “lệch lạc”, mà nhẹ đối với loại đạo đức suy đồi.
Những quan chức tham nhũng thường lại là những đảng viên cao giọng “đạo đức cách mạng” hơn cả; có thể họ chiếm thành phần áp đảo để hình thành nên quy định cấm đảng viên.
Một khi trong nội bộ cấp cao của đảng chưa thống nhất những nội dung cần cấm đối với đảng viên sao cho nghiêm khắc hơn, bao quát hơn với những biểu hiện suy thoái đạo đức, thì đáp án cuối cùng vẫn là phải DÂN CHỦ TRONG ĐẢNG.
Đáng tiếc, trong 19 điều cấm nói trên, việc quy định quá chung chung ngay ở Điều 1 (cấm “nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng”) lại đã cản trở những phản biện, tố cáo của đảng viên về hiện tượng suy thoái đạo đức của quan chức.
Những đảng viên có chức quyền tham nhũng rất dễ lợi dụng điểm chưa rõ ràng, cụ thể đó để trừng phạt đảng viên, quần chúng cấp dưới tố cáo mình.
Trở lại vụ việc bí thư bị tố hiếp dâm nói trên để làm ví dụ. Nếu các cấp dưới không sợ quyền lực của cấp trên, không bị bó buộc quá mơ hồ trong việc tố cáo, phản đối hành vi sai trái, thì làm sao có thể dẫn đến hiện tượng cả một “nhóm người” như tham gia (?) vào một vụ việc suy đồi như vậy được?
Cho nên, ngoài việc cần sửa đổi, bổ sung những điều cấm đối với đảng viên liên quan tệ nạn đổi chác tình dục, còn cần phải sửa theo hướng dân chủ, cởi mở hơn.
“Không có vùng cấm” nói mới có thể “không có vùng cấm” xử lý.
Cũng về chuyện quan chức dâm ô, dư luận còn chưa quên vụ ông Viện phó Viện Kiểm Sát nhân dân Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh dâm ô một bé gái trong thang máy.
Cũng nhờ có camera trong thang máy mà sự việc được công luận biết đến và lên tiếng mạnh mẽ.
Tối 22/5, cựu phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh đã chính thức bị truy tố, theo hồ sơ của Viện Kiểm Sát TPHCM, VTC đưa tin.
Ông Linh bị truy tố theo khoản 1 Điều 146 BLHS 2015 về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, với mức án từ 6 tháng đến 3 năm.
Việc truy tố ông Linh là kết quả mà phần lớn dư luận mong chờ hơn một tháng qua kể từ khi ông Linh bị trông thấy ‘ôm hôn’ một bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9, quận 4, hôm 1/4.
Clip dài gần 1 phút lan truyền trên mạng xã hội cho thấy bé gái cố bước đến cửa thang máy nhưng lại bị ông Linh kéo lại để ôm và sờ soạng. Khi cánh cửa mở, bé vội chạy nhanh ra ngoài.
Trước đó 20/4, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong 20 ngày. Khi đó có thông tin ông Linh “biến mất khỏi nơi cư trú” ở Đà Nẵng.
Tuy nhiên sau đó truyền thông bác thông tin này khi ông Linh đang làm việc với cơ quan điều tra tại TP HCM.
Tuy gia đình đề nghị không khởi tố ông Linh, vụ việc vẫn khiến dư luận phẫn nộ, nhiều cơ quan ban ngành lên tiếng đòi phải khởi tố, xử lý nghiêm ông Linh.
Trong một vụ việc riêng biệt, hồi tháng 11/2017, ông Nguyễn Khắc Thủy, 77 tuổi, nguyên giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bị kết án 3 năm tù giam vì tội dâm ô đối với hai cháu bé hồi 2014.
Nhưng việc ông Thủy được hưởng án treo khiến nhiều người bức xúc.
Vụ việc của ông Linh gây nhiều bức xúc hơn trong dư luận vì hình ảnh camera cho thấy rõ hành vi của ông Linh và đồng thời ông Linh từng là một quan chức trong ngành tư pháp.
Vụ việc lại xảy ra sau khi có một vụ quấy rối tình dục trong thang máy ở Hà Nội, nơi kẻ quấy rối, ông Đỗ Mạnh Hùng chỉ bị phát hành chính với số tiền 200.000 đồng.
Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)