Không gian dân sự ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, các tổ chức có đăng ký cũng gặp nguy hiểm
RFA
Trang bìa báo cáo mới nhất về không gian dân sự của CIVICUS
00:00/05:40
Không gian dân sự ở Việt Nam bị thu hẹp trong nhiều năm qua và không chỉ giới bất đồng chính kiến mà các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) có đăng ký với nhà nước cũng là đối tượng đàn áp bởi nhà nước độc đảng, theo Tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang A.
Phát biểu được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể) đưa ra hôm 07/12 sau khi tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) ra báo cáo mang tựa đề People Power under Attack 2023 (tạm dịch: Sức mạnh của dân chúng trước sự tấn công 2023).
Tổ chức có trụ sở ở Johanesburg (Nam Phi) cho biết Việt Nam là một trong tám quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á có không gian dân sự đóng.
Trên bình diện toàn cầu, 27 quốc gia khác cũng bị xếp loại như quốc gia độc đảng ở Đông Nam Á, đồng nghĩa với việc nhà nước không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội của dân chúng.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A có đánh giá cho rằng, không gian dành cho xã hội dân sự trong khoảng thời gian sáu năm qua bị thu hẹp lại một cách rất nghiêm trọng. Ông nói qua điện thoại với RFA:
"Điều mà dễ nhìn thấy nhất là các vụ bắt giữ người hoạt động xã hội dân sự. Trước đây, lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ có đăng ký hoạt động một cách hợp pháp theo luật Việt Nam là những tổ chức có những cơ hội hợp tác, thậm chí hợp tác với chính quyền Việt Nam một cách rất tích cực.”
Theo ông, mọi việc trở nên xấu đi bắt đầu bằng việc bắt giữ nhà báo độc lập Mai Phan Lợi và luật sư Đặng Đình Bách vào tháng 7/2021, và hiện nay, lãnh đạo các tổ chức XHDS có đăng ký cũng là mục tiêu trấn áp của chính quyền độc đảng ở Việt Nam.
“Lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự như thế cũng có thể bị bắt, từ cái vụ của ông Mai Phan Lợi, ông (Đặng Đình) Bách, cho đến bà Nguỵ Thị Khanh, luật sư Hoàng Ngọc Giao, rồi bà (Hoàng Thị Minh) Hồng.”
Cho tới nay, đã có năm nhà hoạt động xã hội dân sự có đăng ký bị bắt và kết án về tội danh “trốn thuế” với mức án từ 18 tháng đến năm năm, trong khi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển Hoàng Ngọc Giao bị bắt vào cuối năm ngoái về cùng cáo buộc nhưng vẫn còn bị tạm giam.
Ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS cho rằng, Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tuy nhiên lại không thể hiện mình là một thành viên góp sức vào mục tiêu cải thiện nhân quyền toàn cầu.
Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 06/12, ông nói:
“Hơn một năm kể từ khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, rõ ràng Việt Nam đã đi ngược lại những cam kết của mình nhằm đảm bảo việc người dân được hưởng thụ tốt hơn các quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
Thay vào đó, những gì chúng ta đã thấy là những nỗ lực liên tục nhằm hình sự hóa và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền, bao gồm các nhà hoạt động môi trường và các nhà hoạt động vì quyền của người thiểu số, sử dụng một loạt điều luật an ninh quốc gia sau những phiên tòa xét xử không công bằng.”
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế không nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm này và hành động để buộc chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và bãi bỏ mọi điều luật hạn chế quyền con người.
Lạm dụng cáo buộc "trốn thuế"
Ông cho biết CIVICUS vô cùng lo ngại về việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng cáo buộc “trốn thuế” có động cơ chính trị đối với những người bảo vệ quyền đất đai và môi trường ở Việt Nam, nhằm hạn chế các hoạt động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu của họ.
Báo cáo của CIVICUS nhắc đến trường hợp nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng- người bị kết án ba năm tù giam, và luật sư Đặng Đình Bách, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), bị kết án năm năm cũng về tội danh “trốn thuế” và đang bị đối xử tàn tệ trong Trại giam số 6 của Bộ Công an.
“Kể từ năm 2021, chiến thuật như vậy ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Nếu Việt Nam nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thì phải phóng thích tất cả các nhà hoạt động, nhà vận động và chuyên gia môi trường ngay lập tức,” ông Benedict nói.
Đàn áp xuyên quốc gia
Báo cáo của CIVICUS cũng nhắc đến vụ bắt cóc blogger Đường Văn Thái, người sang Thái Lan tị nạn từ 2018 và được Văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của LHQ cấp quy chế.
Ông Benedict nói về tình trạng đàn áp xuyên quốc gia mà lực lượng an ninh Việt Nam đã thực hiện:
“Có những lo ngại nghiêm trọng rằng Việt Nam hiện đang sử dụng biện pháp đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào những người bất đồng chính kiến và người chỉ trích chế độ ở nước ngoài với vụ bắt cóc Đường Văn Thái bởi nhân viên an ninh Việt Nam khi đang sống lưu vong ở Thái Lan.”
Ông kêu gọi các quốc gia láng giềng của Việt Nam, đặc biệt Thái Lan, phải bảo đảm rằng các nhà hoạt động có quy chế tị nạn được bảo vệ và họ không bị cưỡng bức quay trở lại.
Báo cáo của CIVICUS đánh giá và theo dõi các quyền tự do cơ bản ở 197 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian dân sự đóng, 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian dân sự “bị kiềm chế” và 40 nước có không gian dân sự bị xếp hạng “cản trở,” 43 quốc gia có không gian dân sự “thu hẹp” và chỉ có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian dân sự mở.
Phóng viên có gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về đánh giá của CIVICUS, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Bộ Ngoại giao Việt Nam thường không trả lời câu hỏi báo chí của RFA.