Không tin nhau thì tin Trời cũng tốt
Niềm tin của con người đặt vào thần linh (bất kể là ai) cũng tốt, vì giúp con người hướng thiện, tránh xa điều ác. Nhưng ở Việt Nam, điều kỳ lạ là niềm tin đó hiện xuất hiện một cách "quá đà", khi từ lâu cả xã hội không có sẵn nền tảng tôn giáo - trừ số dân theo đạo Công giáo luôn trung thành với các tín điều của họ bất chấp sự thay đổi thể chế.
Điều nghịch lý là sau 1975 với chủ trương vô thần của Đảng Cộng sản, nhiều người theo đạo Phật thường không xưng danh phật tử và tuyệt đối không có cúng kiến trong các công sở, nhưng hơn 10 năm nay, đi chùa và ăn chay niệm Phật, xưng tên pháp danh…đã trở thành xu hướng mới của giới trẻ và âm thầm lan rộng trong giới cán bộ, công chức, kể cả doanh nhân khối công ty nhà nước.
Nhiều công sở và công ty thuộc doanh nghiệp nhà nước không chỉ có bàn thờ ông địa dâng hương mỗi ngày mà mỗi khi rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy đều tổ chức cúng lớn. Khi hình ảnh các ông lớn bái vọng ở các điểm hành hương Phật ở nước ngoài trôi nổi trên mạng và việc nhà nước cho phép xây dựng các ngôi chùa lớn ở miền bắc - với không ít tai tiếng về chuyện cầu siêu, giải vong, cúng dường… của các ông "sư quốc doanh" thì Phật giáo hiện có vẻ được xem là quốc giáo của Việt Nam.
Chùa quy định mỗi người chỉ được đốt một cây nhang ngoài sân và cắm vào lư hương nhưng sau đó nhân viên phụ trách đã đến rút bớt nhang và dụi tắt lửa cho đỡ ngộp
Một mặt, niềm tin vào tôn giáo thể hiện nỗi bất an của người Việt khi họ không có niềm tin vào chính quyền và sự bất định của các chính sách - rõ nhất là chính sách về đại dịch vừa qua. Người dân cần có chỗ dựa để hy vọng và sống tiếp. Mặt khác, niềm tin vào tôn giáo cũng thể hiện sự nghi ngờ lẫn nhau của người Việt: khi các sư còn không tin nhau (tiêu biểu như việc quản lý tiền cúng dường và bất nhất trong việc truyền giảng đạo Phật) và các quan chức chung một đảng cũng thiếu niềm tin vào nhau.
Ở thời buổi mà hôm nay nhà nước vinh danh, tặng bằng khen, ngày mai đã kết tội như Việt Á; hoặc hôm nay còn tại chức, tiền hô hậu ủng, ngày mai đã phải đứng trước vành móng ngựa cầu xin tha tội vì từng "có công với cách mạng" hoặc bị bệnh hiểm nghèo (lẫn tâm thần)… như rất nhiều quan chức thì giữa họ với nhau và giữa họ với dân làm sao có niềm tin?
Tuy nhiên, theo cá nhân tôi thì niềm tin vào thần linh ở Việt Nam dường như chỉ là vỏ bề ngoài, không có thực tâm. Bởi sau một năm tang thương vì đại dịch ở miền Nam lẫn miền Bắc, trong sáu ngày Tết vừa qua vẫn có gần 3.000 người phải cấp cứu vì đánh nhau, trong đó gần 200 người tử vong, theo báo chí nhà nước.
Thói quen nhậu nhẹt, tính hơn thua và hiếu chiến của người Việt có phải là nguyên nhân? Đọc thông tin này bạn cười hay vừa cười vừa khóc?