Khánh Ly với ‘Gia tài của mẹ’ vẫn còn bị chính trị hóa?

Bình luận của Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

Ca sỹ Khánh Ly hát trong một chương trình biểu diễn ở Đà Lạt hôm 25/6/2022 - Lao Động

Nhiều năm nay, việc ca sĩ Khánh Ly trở về hát ở trong nước là một dấu hiệu tích cực không chỉ về hoạt động văn hóa, mà còn về tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc.

Trong hành trang của bà, chiếm chủ yếu là các ca khúc Trịnh Công Sơn, cũng tựa như lời nhắn nhủ tới các thế hệ trong và sau chiến tranh, các quan điểm chính trị khác biệt, là hãy cùng nhau hướng tới tương lai hòa bình cho Việt Nam.

Nới trói

Việc những ca khúc trước 1975 ở miền Nam và sau này ở hải ngoại được thoát cảnh “cấp phép” (kiểu nhỏ giọt) là cả một đoạn trường gian nan. Đương nhiên nó liên quan tới việc ca sĩ hải ngoại về nước  biểu diễn có thuận lợi hay không. 

Đã có nhiều tranh cãi và cả chuyện khôi hài, ví như bài “Nối vòng tay lớn” mà cũng bị liệt vào loại “cấm” (2017), hay “Con đường xưa anh đi” thì bị cấm vĩnh viễn, dẫn đến lãnh đạo quản lý văn hóa cấp vụ đã phải kiểm điểm, rồi bị “điều chuyển” ngay sau đó.

Nhìn lại, để có bước ngoặt giảm đói nghèo vật chất, nhiều trí thức, nhà kinh tế có tư tưởng tiến bộ đã phải đấu tranh không mệt mỏi mới có được Luật Doanh nghiệp năm 2000, cho phép thành lập doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng đói nghèo tinh thần thì cứ dai dẳng, tận 20 năm sau mới được “nới” chút ít, với Nghị định 144, trong đó bỏ quy định cấp phép phổ biến hai loại ca khúc nói trên. 

Còn bó

Tuy không còn “trói” như trước với từng ca khúc, nhưng Nghị định 144 lại vẫn “bó” với hoạt động biểu diễn, bằng những quy định cấm khá chung chung (Điều 3). Trong đó, đáng chú ý có Khoản 2, cấm “xuyên tạc lịch sử”, hay Khoản 3, cấm “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại”.

Khi một tổ chức, cá nhân làm thủ tục xin phép biểu diễn tại địa phương, sẽ dễ nảy sinh tình trạng mỗi nơi hiểu theo một cách khác nhau về những quy định “cấm” trong đó, ví như thế nào là “xuyên tạc lịch sử” với một ca khúc ra đời từ rất lâu rồi?

Không những nó làm khó cho người thực thi nhiệm vụ một cách chính trực, mà còn dễ sinh lỗ hổng cho hành vi tiêu cực, hay những quan điểm bảo thủ vẫn muốn níu kéo cơ chế cũ, chỉ sợ trách nhiệm mà coi nhẹ đời sống văn hóa tinh thần của công chúng. 

Thực tế …

Thấy ngay qua buổi diễn mới đây của Khánh Ly tại Đà Lạt, mở màn cho tua lưu diễn tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Nhà hát lớn Hà nội, với tên gọi Như một lời chia tay

Theo danh sách cấp phép, có 24 ca khúc trong đêm nhạc, nhưng Khánh Ly đã hát “thêm” bản Gia tài của mẹ, thế là sinh chuyện. Ở mọi xứ khác trên thế giới, trong các chương trình âm nhạc, ai cũng thấy nó phóng khoáng đến thế nào trong tương tác giữa khán giả và ca sĩ. Họ có thể hát cùng, có thể hát thêm, … chẳng phải gửi “xét duyệt” nội dung trước nhiều ngày. Nhưng xứ Việt là một ngoại lệ. 

Oái oăm hơn, bản Gia tài của mẹ, tuy không bị cấm với nghị định mới, nhưng người ta có thể “ngầm cấm” bởi cách nhận thức khác nhau giữa cơ quan quản lý và người dân, ở hai khoản nêu trên. Cụ thể:

Câu “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” có thể bị cho là “xuyên tạc lịch sử”, bởi lâu nay chế độ này vẫn coi đó là “cuộc kháng chiến chống Pháp/ chống Mỹ cứu nước” đấy chứ.

Câu “Gia tài của mẹ là nước Việt buồn” cũng có thể bị cho là “xuyên tạc lịch sử”, nhất là về giai đoạn sau 75’ đến nay, toàn dân hồ hởi phấn khởi đấy chứ.

Câu “Ôi lũ con cùng cha quên hận thù” cũng có thể bị cho là “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước”, trong đó có Trung Quốc (khi nó đi cùng với câu “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” ngay đầu bài hát).

Thậm chí, nếu quyết liệt hơn, người ta còn có thể cho rằng bài hát coi gia tài của mẹ VN toàn là “một bọn lai căng”, “một lũ bội tình”, nên việc truyền bá nó là nói xấu xã hội, chế độ, là vi phạm vào Điều 331, Bộ luật Hình sự, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cho nên, việc ban tổ chức bị cơ quan quản lý địa phương mời làm việc, rồi có thể bị phạt hành chính, dù cho lý do chỉ là ca sĩ đã hát một ca khúc không có trong danh sách được cấp phép cho buổi diễn, nhưng không loại trừ khả năng còn có những lý do khác khó nói. 

Chính trị

Hầu như các báo đưa tin chỉ có Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh làm việc với nhà tổ chức buổi diễn, có báo cho biết thêm là có cả “cơ quan chức năng”. Nhưng Tuổi trẻ thì rõ hơn, là còn có “PA03 (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Lâm Đồng)”. Bức ảnh hiếm hoi ở đầu bài viết này, lấy từ báo Lâm Đồng, minh họa rõ. 

Tại sao lại phải cần đến công an, mà lại là an ninh (chuyên chống … “phản động”, “các thế lực thù địch”, “nội gián”), trong khi lẽ thường chỉ cần sở văn hóa thôi? 

Chưa hết, lại cả Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng vào cuộc; không khéo còn có cả cục nào đó trên Bộ Công an tham gia cũng nên. 

Với bao nhiêu bài viết trong nhiều năm nay, trên các báo Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, lên án “các thế lực thù địch” hay “xuyên tạc lịch sử”, trong đó coi cuộc chiến ở miền Nam VN trước 75’ là “nội chiến”, thì người dân có thể dễ dàng luận ra đằng sau (các) buổi làm việc này là điều gì. 

Nếu cứ như dân gian nói vui, bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng, công an nhìn ai cũng ra … kẻ địch, sẽ dễ đoán sức tưởng tượng cho diễn biến vụ việc này còn đi bao xa … 

Dù kết cục ra sao thì cuộc vui cũng ít nhiều mất vui cho nhân vật chính.

Previous
Previous

Mỹ cho công ty Việt Nam vào danh sách đen vì ‘hỗ trợ quân đội Nga’

Next
Next

Hơn 25.000 người Việt bị nước ngoài trục xuất trong vòng ba năm