Kiều hối đổ về Sài Gòn nhiều gấp ba lần đầu tư nước ngoài

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới

Số ngoại tệ do người Việt ở nước ngoài gửi về thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay dự kiến đạt 9 tỷ đô la Mỹ, một quan chức lãnh đạo thành phố này cho biết, góp phần giúp kinh tế thành phố phát triển.

Đây là con số mà ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch thành phố lớn nhất nước, đưa ra tại Hội nghị Ngoại giao toàn quốc hôm 21/12 ở Hà Nội, theo tờ Tuổi Trẻ.

Con số này nhiều gần gấp ba lần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thành phố là 3,4 tỷ đô la và so với năm ngoái đã tăng 35%.

Ông Hoan được trang mạng VnExpress dẫn lời cho biết kết quả này một phần nhờ vào chính quyền thành phố ‘tập trung vào xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư cũng như thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài’.

Ông nói số kiều hồi này sẽ phần nào giúp kinh tế thành phố phát triển và đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới.

Dẫn thông tin từ chi nhánh của Ngân hàng nhà nước tại thành phố, trang mạng VnExpress cho biết lượng người dân Việt Nam đi xuất khẩu lao động tăng trở lại sau khi một số nước dỡ bỏ các lệnh cấm nhập cảnh sau đại dịch COVID-19 cũng là một nguyên nhân khiến dòng kiều hối đổ về Việt Nam tăng mạnh.

Cơ quan này dự báo sang năm 2024 khi tình hình kinh tế thế giới khả quan hơn thì lượng kiều hối đổ về thành phố sẽ tăng khoảng 20%.

Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm, lượng kiều hối về thành phố đã đạt 6,6 tỷ đô la, tăng 40% so với cùng kỳ và vượt cả năm 2022, ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, được VnExpress dẫn lời cho biết.

Trong số này, nguồn kiều hối từ khu vực châu Á chứ không phải Mỹ hay châu Âu mới là nguồn kiều hối lớn nhất, chiếm hơn 53% kiều hối về thành phố, cũng theo lời ông Lệnh.

Thành phố này hiện chiếm hơn một nửa lượng kiều hối của cả nước, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước được VnExpress dẫn lại.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan được dẫn lời nói tại hội nghị ngành ngoại giao rằng thành phố lớn nhất nước sẽ ‘nỗ lực cải thiện nhiều mặt như năng lực cạnh tranh, có mô hình và hướng đi phù hợp, có các quyết sách đột phá để thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn’ để đạt được mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của khu vực.

Ông cũng kêu gọi chính quyền trung ương ‘hình thành khung chính sách vượt trội’ so với các trung tâm tài chính khác để thành phố thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế đến với trung tâm tài chính quốc tế thành phố Sagon.

Previous
Previous

Trần Tuấn Anh dính chàm: Hệ luỵ chế độ ‘thái tử Đảng’?

Next
Next

Gia đình Nguyễn Tiến Trung đã đến được bến bờ tự do