Mỹ không muốn Việt Nam chọn bên
Việt Nam là một trong 3 quốc gia được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chọn tới thăm trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực Đông Nam Á. Theo nhận định của các nhà quan sát, việc lựa chọn này cho thấy tầm quan trọng của khu vực đối với chính sách ngoại giao của Chính quyền Biden và vai trò của Việt Nam ngày càng tăng cao đối với Mỹ. Trong chuyến thăm từ ngày 28-29/7, Bộ trưởng Austin, người được Tổng thống Biden bổ nhiệm giữ chức vụ này hồi tháng 2 năm nay, đã gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.
Tại trụ sở của Bộ Quốc phòng Việt Nam ở Hà Nội, người đứng đầu Ngũ Giác Đài nói với người đồng cấp phía Việt Nam, Đại tướng Giang, rằng Hoa Kỳ có một mối quan hệ hiệu quả và nồng ấm với Việt Nam, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Nhưng “Hoa Kỳ không yêu cầu Việt Nam phải chọn giữa các đối tác,” Bộ trưởng Austin nói với Bộ trưởng Giang. “Trên thực tế, một trong những mục tiêu trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo rằng các đồng minh và đối tác của chúng tôi có quyền tự do và không gian để xây dựng tương lai của chính họ.”
Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin tới Hà Nội được xem là nhằm tìm cách thúc đẩy mối quan hệ an ninh quốc phòng ngày càng sâu sắc hơn với Việt Nam giữa lúc cả hai nước theo dõi các hoạt động của Trung Cộng ở Biển Đông trong tình trạng báo động ngày càng tăng.
Người đứng đầu Ngũ Giác Đài không đề cập đến Trung Cộng nhưng Bắc Kinh được cho là đang khiến các quốc gia ở châu Á phải lựa chọn giữa Trung Cộng và Mỹ khi hai cường quốc đối đầu nhau.
“Có một mối quan ngại rằng trong những tình huống cụ thể, các quốc gia trong khu vực có thể bị yêu cầu phải chọn bên giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ,” theo ông Nguyễn Nam Dương, phó viện trưởng Viện Biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho biết tại Hội nghị Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, Mỹ, tổ chức trực tuyến hôm 30/7. “Có một số quốc gia nhỏ hơn có thể rất lo ngại về một sự đối đầu giữa các cường quốc lớn.”
Trong nhiều năm qua, Mỹ đặt đối trọng với Trung Cộng trong chính sách an ninh quốc gia của mình và chính quyền Biden xem sự cạnh tranh với Bắc Kinh là “thử thách địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ này.
Trong bài phát biểu tại Singapore hôm 27/7 trước khi đến Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông là không có cơ sở trong luật phát quốc tế. Ông Austin chỉ ra các hành vi hung hăng của Trung Cộng trên vùng biển đầy tranh chấp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khu vực này tự do và thông thoáng.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Greg Polling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của CSIS, Bộ trưởng Austin đã không đặt sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh vào trọng tâm của bài phát biểu này, mà thay vào đó là trấn an với các đồng minh và đối tác rằng chính quyền Biden nhận thức được rằng Đông Nam Á có vai trò rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực.
Ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kết thúc chuyến thăm 2 ngày tới Việt Nam, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Cộng ngay lập tức đưa ra bài xã luận cảnh báo rằng Washington “sẽ thất vọng trong việc ép buộc các quốc gia Đông Nam Á chống lại Trung Cộng.”
Tờ báo của Trung Cộng nhận định rằng dù Mỹ nói không muốn Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á chọn bên “nhưng lại yêu cầu các nước này chọn theo Mỹ để cùng kiềm chế Trung Cộng.” Theo Hoàn cầu Thời báo, Việt Nam hoanh nghênh sự ủng hộ của Washington nhưng điều đó “không làm Việt Nam chọn bên.”
“(Việt Nam) có chính sách không liên minh,” ông Dương, từng là tham tán Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ở New York, cho biết. “Chính sách ngoại giao của Việt Nam khá là nhất quán trong những thập kỷ qua và nó cho thấy thành công. Vậy thì vì sao chúng tôi phải thay đổi?”
Tờ Hoàn cầu Thời báo nói rằng các chuyến thăm liên tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Austin trong tuần qua và của Phó Tổng thống Kamala Harris sắp tới trong tháng 8, dù cho thấy sự chú ý ngày càng tăng của Mỹ tới Việt Nam, nhưng sẽ không làm cho Hà Nội từ bỏ chính sách “4 Không” và sẽ không bị Washington “lừa phỉnh.”