Mua bán trẻ sơ sinh – sự suy đồi của một xã hội bế tắc và bất ổn
Ngày 02/11/2022, cơ quan Công an tỉnh Bình Dương đã công bố kết quả triệt phá một đường dây mua bán trẻ sơ sinh liên tỉnh phía Nam, mà theo họ, đây là một đường dây “đặc biệt lớn” vì có ít nhất 31 đứa trẻ đã bị bán đi.
Những người trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh này thường xuyên la cà ở các bệnh viện phụ sản, các cơ sở y tế. Họ tiếp cận các nhân viên y tế như y tá, điều dưỡng đang làm việc tại các bệnh viện phụ sản này để tìm kiếm thông tin về sản phụ. Đồng thời, họ cũng tiếp cận những thai phụ đến khám thai và những sản phụ mới sinh nhưng không muốn nuôi con do hoàn cảnh hoặc do lầm lỡ. Họ đặt vấn đề “xin” hoặc “mua” các bé sau khi các bé chào đời với những khoản “bồi dưỡng” cho người mẹ vào khoảng 15 triệu và các chi phí viện phí. Sau khi “mua” được các bé, những người này liền rao bán trên mạng xã hội trong các nhóm, nhóm kín, với giá từ 35 đến 60 triệu mỗi bé. Kèm theo mỗi bé là một bộ hồ sơ giả bao gồm: giấy chứng sinh, giấy khai sinh, giấy xác nhận ADN… nếu người mua có nhu cầu, chi phí cho mỗi bộ hồ sơ giả này vào khoảng 30 đến 40 triệu.
Không chỉ mua bán trẻ, những người này còn tổ chức cả dịch vụ nuôi đẻ. Những thai phụ chờ sinh có nhu cầu bán con sẽ được họ bao nuôi chờ ngày sinh. Và đứa trẻ sinh ra sẽ bị bán đi khi mới chỉ vài ngày tuổi.
Trong đường dây này còn có những người phụ nữ vừa làm môi giới, vừa nhẫn tâm bán cả con đẻ của mình khi các bé vừa mới chào đời.
Vụ án này đã được phá từ giữa tháng 8/2022 và đến nay đã có 8 bị can bị khởi tố, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Như (29 tuổi), Chu Thị Cúc Phương (40 tuổi), Nguyễn Thị Thùy Dương (21 tuổi), Nguyễn Thị Kim Loan (33 tuổi), Lê Thị Ngọc Thắm (22 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Mai (25 tuổi) và Châu Gia Hân (18 tuổi), Nguyễn Thị Mai (25 tuổi). 16 người khác đang củng cố hồ sơ để tiếp tục khởi tố. Trong số bị can này, nhiều người là mẹ của những đứa trẻ bất hạnh kia.
Với quy mô và cách thức tổ chức mua bán như trên, từ cách tiếp cận thai phụ, sản phụ, đến cách rao bán, làm giấy tờ giả… rõ ràng đây là một đường dây mua bán trẻ sơ sinh có tổ chức của những con người vô lương tâm, chỉ biết hám lợi mà bất chấp lương tâm và đạo lý.
Có rất nhiều câu hỏi cần phải đặt ra qua vụ án này và rất nhiều những vụ án tương tự:
Tại sao quá nhiều bà mẹ phải bán con? Ngày xưa, thời phong kiến, người nông dân phải “bán vợ, đợ con” vì sưu cao thuế nặng, vì sự nhũng nhiễu của quan tham, vì sự bế tắc không lối thoát… Những vấn nạn này chỉ xảy ra vào những giai đoạn suy thoái của một triều đại, vào đêm trước của một triều đại mới.
Tại sao lại xuất hiện quá nhiều những kẻ vô lương tâm coi mạng người là hàng hóa? Đây rõ ràng là chỉ dấu của một xã hội suy đồi về đạo đức, một xã hội đầy rẫy bất an và bất ổn.
Tại sao và tại sao… ?
Trên các trang báo mạng xuất hiện rất nhiều các bình luận thể hiện sự bất bình, phẫn nộ của người dân trước hành động tán tận lương tâm của những bị cáo trong vụ án này. Bày tỏ quan điểm trên trang báo Thanh Niên, nick Trinh Cuong bình luận: “Quá căng là khi cố ý tham gia mua bán bất hợp pháp… mà ở đây là trẻ em, là con người… Chưa hết, cái “hành vi mua bán con đẻ của mình…” thì nhiều người sẽ cho là nhẫn tâm, không còn gì để nói… Nên giờ phải nhận lấy hậu quả tương xứng.”
Trên trang báo Tuổi trẻ, tài khoản Trần Văn Ri cảm thán: “Tưởng đâu họ bắt cóc đem bán, ai ngờ có bà mẹ trong thỏa thuận bán con. Ôi đạo đức con người…”
Lại có những nghi vấn khác được đặt ra, như quan điểm của tài khoản Nguyễn Mạnh Dũng: “Cần điều tra những đứa trẻ đã bị bán đi, tôi không nghĩ những người mua chỉ đơn giản là muốn nhận nuôi”. Quan điểm này hoàn toàn có lý khi ở Việt Nam đã từng xảy ra rất nhiều vụ bắt cóc, hoặc mua rồi bán trẻ em, phụ nữ qua biên giới phía Bắc. Điển hình như vụ Mai Văn Chung (37 tuổi) sống tại Hà Nội, bị bắt năm 2021 vì tội mua trẻ sơ sinh đem bán sang Trung Quốc.
Số phận của những đứa trẻ bất hạnh trong vụ án này sẽ ra sao cũng cần được dư luận quan tâm.
Đây cũng là câu hỏi lớn được gửi đến đến đảng và chính phủ, cùng những cá nhân đứng đầu đang đưa đất nước tiến lên một CNXH lầm than.
Kim Giang – Thoibao.de (Tổng hợp)