Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt - Tiếng nói bảo vệ dân oan bị dập tắt

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Quochoi.vn

“Bản thân tôi rụng rời hết chân tay, còn bà con dân oan ở Ngô Thời Nhậm khi nghe tin ông bị bắt thì mọi người đều rất buồn, có một người dám nói lên sự thật giúp bà con nhưng bây giờ bị “bịt mắt bịt miệng” thì bà con rất là vô vọng.”

Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói với RFA về cảm xúc của mình khi hay tin ông Lưu Bình Nhưỡng, phó Ban Dân nguyện Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội bị bắt về tội “cưỡng đoạt tài sản” vào hôm 14/11 vừa qua.

Ông Lưu Bình Nhưỡng là tiếng nói hiếm hoi từ Quốc hội lên tiếng một cách công khai về lệnh thi hành án đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng vào đầu tháng 8 vừa qua. Ông Nhưỡng cũng đã nhắn tin trực tiếp cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị tạm hoãn thi hành án, đồng thời tiến hành xem xét theo thủ tục đặc biệt đối với tử từ này.

Ngoài ra, hôm 27/9, ông Nguyễn Trường Chinh còn được gặp trực tiếp ông Lưu Bình Nhưỡng để trình bày về những oan khuất trong vụ án của con trai mình:

“Nói chung vào buổi tiếp hôm ấy, ông ấy cũng hỏi cặn kẽ và cho tôi trình bày hết những oan sai của con tôi.

Ông ấy bảo “cái này thì tôi sẽ tiếp nhận đơn của bác và tôi sẽ đề đạt lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội để có phương pháp giải quyết. Tôi sẽ làm hết sức của mình, còn được như thế nào đó là tùy vào cấp trên của tôi… Thành thử bác cứ chờ đợi. Tôi mong bác có nhiều sức khỏe để tiếp tục con đường tìm công lý cho con của bác.”

Lúc chia tay ông ấy có dặn như thế.”

Không chỉ lên tiếng trước các vụ án oan nổi cộm trong thời gian qua, ông Lưu Bình Nhưỡng còn quan tâm đến các vụ khiếu kiện đất đai lâu năm, điển hình như vụ ở Thủ Thiêm, TP. HCM vốn đã kéo dài hàng chục năm qua.

Ông Nguyễn Hồng Quang, một người dân khiếu kiện đòi đất ở Thủ Thiêm  cho biết ông đã in tất cả hồ sơ, chứng từ khiếu nại và trao tận tay ông Lưu Bình Nhưỡng hồi tháng 6/2022:

“Chúng tôi lên gửi cho toàn bộ tập hồ sơ rồi. Ông ấy hứa nhiều lần là sẽ đeo đuổi cái vụ Thủ Thiêm cho tới cùng, cho tới khi giải quyết xong. Ông Nhưỡng hứa nhiều lắm và liên tục gặp người dân Thủ Thiêm, đến bốn năm lần.”

Ông Quang cho biết, trước đây hay đến tận bây giờ, khi ông Lưu Bình Nhưỡng không còn là Đại biểu Quốc hội mà chuyển sang làm bên Ban Dân nguyện, bà con Thủ Thiêm vẫn gởi đơn cho ông là vì: 

“Vì tin tưởng ông Lưu Bình Nhưỡng, không phải ông ấy lo lắng cho dân oan, nhưng ông ấy là một người một giáo sư luật 20 năm, ông ấy cũng là một luật sư giỏi, ông ấy cũng là một người am tường về nội tình guồng máy và những tiêu cực, những ách tắc trì trệ trong guồng máy, ông ấy luôn luôn gần gũi người dân, vạch trần, lên tiếng nói cho người dân rất là sâu sắc.” 

Tiếng nói phản biện hiếm hoi giữa nghị trường

Trong suốt 17 năm trời ròng rã kêu oan cho con trai của mình, ông Chinh đã từng gởi đơn đến rất nhiều các cơ quan hữu trách, các lãnh đạo tối cao qua các thời kỳ, và một số Đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, trong số tất cả những người mà ông gởi gắm niềm tin, Lưu Bình Nhưỡng là người hiếm hoi dám lên tiếng về các vụ án oan ngay trong nghị trường Quốc hội: 

“Ông ấy đã từng nói về vụ Hồ Duy Hải rất mạnh mẽ trên thị trường Quốc hội, thì đó là một minh chứng cho thấy ông ấy là người đứng về phía người dân.

Ông ấy cũng nói về sự lạm quyền của công an, của nền tư pháp Việt Nam xuống cấp, ông ấy nói rất đúng thực tại luôn chứ không sai một cái gì. Gần 500 Đại biểu Quốc hội thì chỉ có một mình ông ấy dám nói mà thôi. 

Hồ Duy Hải là một tử tù bị cáo buộc là thủ phạm giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi ở Long An hồi năm 2008. Tuy nhiên, chứng cứ và thủ tục tố tụng của vụ án này bị cho là có nhiều sai phạm. Ông Hải và gia đình cho đến nay vẫn liên tục kêu oan.

Ông Quang nói vô cùng thất vọng đối với 500 vị đại biểu nhân dân. Những vụ đại án, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngàn người dân như vụ Thủ Thiêm đã không được ai nhắc tới trong nghị trường. Trong khi đó, các vị đại biểu lại tranh luận về các vấn đề mà ông Quang cho là nhỏ nhặt, như “đấu giá sim điện thoại số đẹp” hay “đại biểu phải mặc áo dài khi đi họp”…

Vì vậy, khi một người quan tâm đến các vụ dân oan khiếu kiện như ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt, ông Quang cảm thấy rất bất ngờ, buồn và hụt hẫng:

“Người dân chúng tôi hụt hẫng, buồn vì trong 500 anh em Đại biểu Quốc hội, không có mấy người dám nói, riêng ông Lưu Bình Nhưỡng thì đã nói rõ ràng, rất mạch lạc, đi xoáy vào trọng tâm của vấn đề mà thực tế xảy ra.”

Tranh cãi quanh vụ bắt giữ

Ông Lưu Bình Nhưỡng, trước khi bị bắt đã nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông bới các phát biểu khá thẳng thắn, dám chỉ trích khuyết điểm của cả “siêu bộ” Công an và Quốc hội. Chính vì vậy, có nhiều ý kiến trong dư luận trái chiều về nguyên nhân ông này bắt, trong đó, có quan điểm cho rằng ông này bị “trả đũa” vì những phát ngôn của mình.

Tối ngày 14/11, Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. 

Ông Nhưỡng bị cáo buộc có liên quan đến Cường “Quắt” - người đứng đầu một băng nhóm giang hồ, thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. 

Luật sư Lê Quốc Quân, người từng là học trò của ông Lưu Bình Nhưỡng khi ông này còn giảng dạy ở Đại học Luật Hà Nội nhận định về vụ bắt giữ người thầy của mình: 

“Thầy đã có những phát biểu rất mạnh mẽ trực tiếp phê phán ngành công an, mà còn trực tiếp phê phán luôn cả Quốc hội “đừng đóng kín cửa chia chác quyền lực với nhau”. Đó là những điều thực sự hiếm hoi trong điều kiện hiện tại.

Khi thầy bị bắt thì chắc chắn có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sự kiện này và tôi nghĩ là có rất nhiều ý kiến bảo vệ và bênh vực thầy.”

Ông Lê Quốc Quân còn cho rằng, việc bắt và cáo buộc tội danh “cưỡng đoạt tài sản” cho ông Lưu Bình Nhưỡng là một kế hoạch nhằm bôi nhọ danh tiếng người thầy cũ của mình:

“Người ta đưa tin liên quan đến chuyện “Cường Quắt”, rồi lại tiến hành lập biên bản hai cánh cửa gỗ của nhà thờ họ của thầy, thì đó là những việc làm hoàn toàn có chủ đích là hạ nhục thầy, gán ghép thầy với những hoạt động của xã hội đen, giang hồ hoặc là tham lam.

Và điều tôi lo ngại là người ta có thể khởi tố thầy về những điều khác nữa, ví dụ điều gì đó liên quan đến tham nhũng.”

Previous
Previous

Vì lẽ gì người Việt ở Việt Nam không có cơ hội như cô Minh ở Nam Hàn?

Next
Next

11 du học sinh Việt Nam ở Úc bị bắt vì tội sản xuất và tàng trữ ma-túy