Ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt, nhưng Facebook cá nhân vẫn đăng bài?

Trang Facebook cá nhân cùng tên ông Nguyễn Lân Thắng, bị bắt vì cáo buộc chống nhà nước Việt Nam, hiện vẫn tiếp tục đăng bài, là một tình tiết mới gây chú ý cho người quan tâm vụ việc.

Trong các bài đăng mới nhất, Facebook này nói về Nga-Ukraine, và bình luận cả về ông Nguyễn Lân Thắng, với cách dùng từ "anh Lân Thắng nhà mình".

Diễn tiến khó hiểu này đặt ra câu hỏi liệu việc thu thập chứng cứ của công an thành phố Hà Nội có gặp khó khăn hay không.

Ông Thắng bị công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam hôm 5/7, với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".

Tội danh quy định tại Điều 117 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Facebook là một trong vài nền tảng "phát tán, tuyên truyền" phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay.

Trang Facebook Nguyễn Lân Thắng, với trên 150 ngàn người theo dõi, được cho là có ảnh hưởng khá lớn.

Nhưng sau khi ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt, trang này vẫn đăng bài đều đặn, tạo ra suy đoán ai đang nắm trang cá nhân này.

Chụp lại hình ảnh, ông Nguyễn Lân Thắng.

Vợ ông Nguyễn Lân Thắng thăm chồng

BBC News Tiếng Việt ngày 7/7 đã liên hệ với bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng.

Bà cho biết sáng nay gia đình bà vừa vào thăm ông Thắng trong trại tạm giam nhưng không nói thêm chi tiết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đài, một luật sư bất đồng chính kiến hiện đang sống tại Đức, nhận định:

"Hiện nay cơ quan an ninh điều tra của công an thành phố Hà Nôi chưa công bố những chứng cứ nào mà họ sử dụng để cáo buộc anh Nguyễn Lân Thắng có hành vi "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

"Tuy nhiên, theo tôi, điều 117 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 là một điều luật rất mơ hồ để triệt tiêu quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân Việt Nam."

"Để cáo buộc một người có hành vi phạm tội theo điều 117, thì cơ quan an ninh phải chứng minh người bị cáo buộc thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội phạm đó là: yếu tố khách thể, chủ thể, khách quan, chủ quan. Nếu một trong bốn yếu tố không thỏa mãn thì người bị cáo buộc sẽ không phải là tội phạm."

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhấn mạnh yếu tố chủ quan của điều 117 là yếu quan trọng nhất.

"Cơ quan an ninh phải chứng minh được anh Nguyễn Lân Thắng có ý thức chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong hành vi "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm".

"Ý thức chống Nhà nước ở đây là có lời nói, việc làm, bài viết, tài liệu, vật phẩm… thể hiện ý thức muốn chống đối, xóa bỏ hoàn toàn Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam."

"Nhưng theo tôi, tuyệt đại đa số những nhà hoạt động nhân quyền, xã hội dân sự, bảo vệ môi trường, bất đồng chính kiến chỉ bày tỏ sự bất mãn, không hài lòng hoặc mang tính chỉ trích, phê bình chính quyền cộng sản qua lời nói, bài viết, việc làm của họ."

Trên trang Facebook cá nhân, PGS, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, sống ở Hà Nội, chia sẻ một bức thư được cho là của ông Nguyễn Lân Thắng từng viết cho cho con gái của ông.

Bà Nguyễn Hoàng Anh cũng bày tỏ ý kiến: "Quen biết anh từ Phong trào Cây Xanh, ngạc nhiên là một con người có những phát ngôn rất quyết liệt thế nhưng bên ngoài lại là một người chồng chăm sóc, một người cha rất dịu dàng với con."

"Dù hồi này bắt bớ nhiều nhưng việc bắt anh vẫn gây bất ngờ vì hơn hai năm nay, từ khi có bé út, lại dịch bệnh, không thấy anh hoạt động gì, thế mà vẫn không yên."

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, từng là nhà báo lâu năm ở Việt Nam, cũng bày tỏ sự bất ngờ.

Ông viết: "Thắng là nhà hoạt động xã hội dân sự từ rất sớm. Mong muốn của Thắng là có một xã hội tiến bộ, đất nước giàu mạnh không bị tàu cộng hiếp đáp… Nhưng từ hồi sinh con nhỏ đến nay, Thắng lo ở nhà giúp vợ chăm sóc con cái là chính, không còn hoạt động gì nữa."

"Ấy vậy mà bất ngờ sáng nay Thắng bị bắt, chắc lại theo điều 117 như mọi anh chị em hoạt động xã hội dân sự khác."

Điều 117 Bộ luật hình sự quy định người phạm tội có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

Nếu phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bị can có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Người chuẩn bị phạm tội, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, theo quy định của luật.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Previous
Previous

Tập đoàn Tân Tạo lại khởi kiện Việt Nam ra cơ quan trọng tài quốc tế

Next
Next

Hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm VN khi đồng minh phương Tây tập trận?