Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước là 'cơn địa chấn chính trị' của Việt Nam
Đầu năm ngoái, ông Nguyễn Xuân Phúc rời Phủ Chủ tịch với lời phân bua: "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á". Chỉ một năm sau, ông Thưởng cũng phải rời chức với những “khuyết điểm” tương tự.
21 tháng 3 2024
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) đánh giá với BBC News Tiếng Việt rằng "việc từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mang nhiều hàm ý quan trọng".
"Ông Thưởng là một trong năm thành viên của Bộ Chính trị đủ điều kiện để được bầu lên làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam theo điều lệ đảng."
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, đánh giá với BBC hôm 20/3 rằng đây là một động thái tương đối bất thường vì chỉ trong vòng hai năm mà Việt Nam đã có hai chủ tịch từ chức.
"Sẽ rất khó giải thích việc số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng hai năm. Bởi vậy, người lãnh đạo cấp cao nhất sẽ phải hứng chịu một phần trách nhiệm về việc này," Giáo sư Carl Thayer nói.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS, Singapore đánh giá có thể coi là một "cơn địa chấn về mặt chính trị" của Việt Nam khi ông Thưởng ngồi ghế chỉ được tầm 12 tháng, gần như là nhiệm kỳ ngắn nhất của một Chủ tịch nước, đồng thời ảnh hưởng tới những câu chuyện về chuyển giao lãnh đạo trong năm 2026, xét khi ông Thưởng là ủy viên Bộ Chính trị có độ tuổi trẻ nhất ở trong 15 thành viên Bộ Chính trị (giờ còn 14).
"Ông Thưởng được coi là một người khá thân cận với ông Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là con đường đi lên của ông Thưởng cũng như những quan điểm, phát biểu của ông Thưởng khá là gần gũi với những nhận xét của ông Trọng về mặt ý thức hệ và về tư tưởng. Vì thế tôi thấy là nếu chúng ta nhìn vào tất cả những việc đấy, việc ra đi của ông Thưởng là một sự kiện hết sức quan trọng trong bản đồ chính trị Việt Nam, đặc biệt là từ bây giờ cho tới năm 2026," ông nói thêm.
Nguyên nhân là gì?
Báo điện tử Chính phủ trích thông báo kết luận từ cuộc họp hôm 20/3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng:
“Đồng chí Võ Văn Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vừa qua theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, Đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân Đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.”
Lời lẽ rất nặng nề, nhưng ý nghĩa vẫn chung chung, thật khó để biết tường tận cụ thể ông Thưởng đã phạm lỗi gì, tham ô tham nhũng hay “suy thoái” về đạo đức, lối sống; bản thân ông vi phạm hay cán bộ thuộc cấp vi phạm.
Trong những ngày qua, đã có đồn đoán về sự liên quan của ông Thưởng đối với những sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Nhất là khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, có cán bộ ở ba tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Vĩnh Long được xác định là có liên quan.
Quảng Ngãi là nơi ông Thưởng từng làm bí thư tỉnh ủy; Vĩnh Long là quê hương của ông; còn Vĩnh Phúc có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, người từng là ủy viên Trung ương Đoàn thời ông Thưởng công tác tại cơ quan này.
Bà Lan đã bị khởi tố tội “Nhận hối lộ” liên quan đến vụ việc tại Tập đoàn Phúc Sơn và bị Trung ương Đảng kỷ luật (khai trừ đảng) trong cùng cuộc họp hôm 20/3, cuộc họp mà ông Thưởng nhận quyết định kỷ luật.
Cũng cần lưu ý tới một vụ việc khác, đó là vụ hai cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, gồm ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông, vào giữa tháng 1/2024 bị khởi tố với cáo buộc bán đất công cho tư nhân, dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước.
Hành vi mà hai ông bị cáo buộc xảy ra trong giai đoạn khoảng từ năm 2008 đến các năm sau đó. Đây là giai đoạn mà ông Võ Văn Thưởng làm bí thư thường trực và sau đó là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (2006-2011), cơ quan chủ quản của Báo Thanh Niên.
Với vị trí là thủ trưởng của cơ quan chủ quản, ông Thưởng có thể đã ký duyệt chủ trương để báo Thanh Niên bán bất động sản nói trên. Hoặc ít nhất là ông có thể phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là một vụ việc dường như đã “chìm xuồng” từ lâu gần đây đột nhiên bị khơi lại.
Giáo sư Zachary Abuza đánh giá: "Chúng ta vẫn chưa biết ai đứng đằng sau sự sụp đổ của ông Thưởng. Những vi phạm khiến ông từ chức bắt nguồn từ thời ông còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi chứ không phải từ thời ông giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông phục vụ dưới trướng nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải."
Vào năm 2016, ông Lê Thanh Hải đã bật khóc khi nói về ông Võ Văn Thưởng khi ông Thưởng nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: "Em là người con ưu tú, tiêu biểu của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Thành phố rất tự hào về em."
Giáo sư Carl Thayer đánh giá: "Chúng ta không biết những khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng là gì và chúng đã gây thiệt hại tới Đảng Cộng sản như thế nào. Tôi nghĩ rằng công chúng Việt Nam có thể còn không biết về vụ bê bối ở Quảng Ngãi và mối dây liên hệ giữa những sự kiện này. Mạng xã hội dường như đang tập trung bàn luận về một bê bối ở tỉnh Quảng Ngãi thời điểm năm 2012."
"Chẳng phải ông Võ Văn Thưởng có thể nhận sai và xin lỗi mong Bộ Chính trị tha thứ, nếu sai phạm của ông ấy không là hành vi phạm pháp và bởi sự việc vốn đã xảy ra từ 12 năm trước. Nếu chỉ như vậy, thì tại sao ông ấy phải từ chức chứ?
"Ông ấy công khai xin lỗi, Bộ Chính trị cảnh cáo và chấp nhận lời xin lỗi đó và nói rằng ông Thưởng có 21 tháng để chứng minh bản thân trước kì họp Quốc hội vào năm 2026. Tôi nói điều này bởi vì ông Thưởng là người duy nhất đủ trẻ để có thể giữ hai nhiệm kỳ tổng bí thư. Những người khác đều đã quá già cho việc này," Giáo sư Thayer nói.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang đánh giá: "Sai phạm của ông Thưởng được cho là diễn ra vào giai đoạn ông đang làm Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2011-2014, diễn ra khá lâu rồi, 10 năm rồi, thực sự không liên quan lắm tới vị trí mà ông làm sau này, đặc biệt là vị trí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, sau đấy là Trưởng Ban Tuyên giáo, sau đấy là Thường trực Ban Bí thư và sau cùng là Chủ tịch nước."
"Thật ra ở Việt Nam chưa có trường hợp người trong 'Tứ Trụ' bị xử lý tới mức hình sự. Tôi nghĩ đó là câu chuyện mà Đảng phải rất cân nhắc khi đưa ra chiến dịch chống tham nhũng trong giai đoạn từ 2013 đến bây giờ, đã hơn chục năm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói câu 'đánh chuột không để vỡ bình' thì có rất nhiều hàm ý trong đó."
"Khi chống tham nhũng ở mức cao nhất, chúng ta nói là không có vùng cấm, không có hạn chế và không chịu bất kỳ tác động của ai. Tuy nhiên, nếu chống tham nhũng, đưa ra những cáo buộc lãnh đạo cấp cao nhất, đặc biệt là 'Tứ Trụ', thì sẽ có rất nhiều ảnh hưởng, ảnh hưởng lớn nhất là tính chính danh. Rõ ràng chống tham nhũng là để bảo vệ tính chính danh của hệ thống chính trị Việt Nam. Nếu mà đưa ra những quyết định xử phạt mang tính rất nặng đối với 'Tứ Trụ' chẳng hạn, thì sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều niềm tin của người dân đối với hệ thống," Tiến sĩ Khắc Giang đánh giá.
Ai có thể trở thành tân chủ tịch nước?
Giáo sư Zachary Abuza đánh giá nếu không bị kỷ luật thì tại Đại hội XIV, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026, thì ông Thưởng sẽ chắc chắn là ứng viên hàng đầu để được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng XV."
"Bất cứ người nào được chọn, chẳng hạn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Văn Giang hay Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Trương Thị Mai, đều sẽ tác động lớn hơn đến giới chóp bu đang đua nhau giành quyền lãnh đạo trước Đại hội XIV."
"Nếu Trung ương bế tắc trong việc chọn người thì Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân làm quyền Chủ tịch nước. Là một trong 'Tứ Trụ', Chủ tịch nước làm việc trong Bộ Chính trị. Dù đã đồng thời đảm nhận chức Chủ tịch nước trong một thời gian ngắn sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào tháng 9/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại quá già yếu để nhận chức vụ này ngay bây giờ," Giáo sư Zachary Abuza nói.
Giới quan sát nhận định Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm là một trong những quan chức có khả năng trở thành chủ tịch nước sau ông Võ Văn Thưởng
Về kịch bản ai sẽ là tân chủ tịch nước, Giáo sư Carl Thayer đánh giá về hai khả năng là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.
"Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giữ chức bộ trưởng hai nhiệm kỳ và không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ khác. Ông ta từng ứng cử chức vị chủ tịch nước khi ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức, nhưng ông Võ Văn Thưởng là người được bầu."
"Người thứ hai là Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai. Tuy nhiên, nhiệm kỳ chủ tịch nước hiện tại sẽ kéo dài thêm 21 tháng. Khi hết nhiệm kỳ, bà này sẽ quá 65 tuổi. Do đó, Việt Nam sẽ phải bầu chủ tịch nước mới, hoặc tạo thêm một ngoại lệ."
Giáo sư Carl Thayer đánh giá điều này một lần nữa cho thấy sự không hiệu quả của việc xây dựng đảng qua ba nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đã "không bổ nhiệm được người có đủ năng lực, phẩm chất và tuổi phù hợp" vào các vị trí khi hiện chỉ có ba hoặc bốn thành viên của Bộ Chính trị dưới 65 tuổi vào đầu năm 2026, và theo ông đây là một vấn đề lớn.
Đa số nhận định hiện nay là Phó Chủ tịch nước, bà Võ Thị Ánh Xuân, không phải là thành viên của Bộ Chính trị, sẽ là quyền Chủ tịch nước.
Môi trường đầu tư sẽ bị tác động xấu?
Việt Nam đang có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với bảy nước, mới nhất là Úc.
Giáo sư Abuza đánh giá việc ông Thưởng từ chức có thể tạo tâm lý bất ổn đối với các nhà đầu tư.
"Một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là sự ổn định chính trị. Chẳng hạn, giai đoạn 2018-2023, Malaysia có năm thủ tướng, gây tác động xấu đến đầu tư nước ngoài.
"Với việc hai phó thủ tướng, hai chủ tịch nước và một thành viên bộ chính trị khác buộc phải từ chức trong 15 tháng qua, Việt Nam trông có vẻ bất ổn về mặt chính trị. Với tình trạng thiếu năng lượng, tham nhũng và không thực hiện được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, sự bất ổn chính trị gây tổn hại cho một quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài," ông đánh giá.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng sẽ khó để Việt Nam gây dựng lại niềm tin để các quốc gia tiếp tục các khoản đầu tư lớn trước những biến động trong thượng tầng chính trị gần đây.