Người dân Việt Nam chi 4.100 tỷ đồng cho tiền công đức trong năm 2023

Người dân đi lễ chùa Hà ở Hà Nội hôm 14/2/2022 (minh họa) - Nhac NGUYEN / AFP

Người dân Việt Nam đã bỏ ra 4.100 tỷ đồng tiền công đức cho các cơ sở tôn giáo và di tích lịch sử trong năm 2023 theo báo cáo mới công bố của Bộ Tài chính công bố hôm 26/6.

Truyền thông Nhà nước trích báo cáo cho biết, hiện Việt Nam có 31.211 di tích lịch sử - văn hóa (31.581 di tích thành phần). Trong tổng số 31.581 di tích thành phần, có 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ.

Số tiền thực thu theo báo cáo của năm 2023 là 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo).

Trong số này, có 3.062 tỷ đồng (chiếm 75%) là thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng. Có bảy di tích thu trên 25 tỷ đồng trong năm qua là: Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang (220 tỷ đồng); Đền Bảo Hà ở Bảo Yên, Lào Cai (71 tỷ); Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa-Vũng Tàu (34 tỷ); Đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa (28 tỷ); Đền Hùng ở Phú Thọ (26 tỷ) và 2 di tích ở Hà Nội là Đình La Khê (28 tỷ) và Đền trình Ngũ Nhạc ở chùa Hương (33 tỷ).

Số thu tại các di tích là cơ sở tôn giáo 1.038 tỷ đồng (chiếm 25%). Các co sở có số thu trên 10 tỷ đồng bao gồm: Chùa Tranh ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương 10,2 tỷ; Chùa Tàm Xá ở Đông Anh, Hà Nội hơn 10 tỷ; Chùa Ông ở Biên Hòa, Đồng Nai 14,2 tỷ; Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Cà Mau 14,4 tỷ.

Các tỉnh, thành thu nhiều tiền nhất là Hà Nội với 672 tỷ đồng, Hải Dương – 278 tỷ dồng, An Giang – 277 tỷ đồng, Bắc Ninh – 269 tỷ đồng, Hưng Yên – 242 tỷ đồng, Nam Định – 215 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Ninh – nơi có chùa Ba Vàng nổi tiếng có số thu trên 200 tỷ đồng trong cả năm 2023.

Cũng theo báo cáo, số tiền chi công đức trong năm 2023 là 3.612 tỷ đồng. Trong số này, chi cho tu bổ, tôn tạo di tích là 1.643 tỷ đồng (chiếm khoảng 46%), chi hoạt động từ thiện, nhân đạo là 290 tỷ đồng (chiếm 8%).

Bộ Tài chính nhận định, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo. Một số chùa không báo cáo với lsy do là việc địa phương đưa chùa vào danh mục kiểm kê di tích không có ý kiến nhà chùa.

Previous
Previous

Đội đầu đà của cụ Tổng Bí Thư Trọng

Next
Next

Luận án tiến sĩ luật của nhà sư Thích Chân Quang bị mổ xẻ, giải mã vụ tốt nghiệp 'thần tốc'