Người Việt ở Mỹ cũng đang bị đàn áp trực tuyến từ chính quyền Việt Nam!

Hai thông báo về bài viết bị cấm hiển thị ở Việt Nam của trang Việt Tân

Người Việt ở Mỹ cũng đang bị đàn áp trực tuyến từ chính quyền Việt Nam!

Bài đăng bị xóa khi chỉ chúc mừng một người tù chính trị vừa ra tù hay hàng trăm bài viết có liên quan đến chính trị bị hạn chế hiển thị ở trong nước, chính quyền Việt Nam đang đàn áp trực tuyến cả những người Việt ở Mỹ thông qua các ông lớn công nghệ.

“Tin tốt lành. Anh Trần Huỳnh Duy Thức đã được trả tự do.”

Dòng trạng thái chỉ 13 chữ được luật sư Đặng Đình Mạnh đăng tải trên trang cá nhân hôm 20/9 bị gỡ bỏ chỉ vài phút sau đó, mạng xã hội Facebook đính kèm dòng thông báo: “Có lẽ như bạn đã cố tìm cách thu thập thông tin nhạy cảm của người khác,” và “Điều này vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi về an ninh mạng.”

Ông Mạnh, người cùng gia đình đến Mỹ tị nạn hồi tháng 6/2023, cho biết đây không phải là lần đầu Facebook gỡ bài viết của ông. Trước đó, cuối tháng 7 năm ngoái, nền tảng này cũng gỡ bài viết với tiêu đề “Ra mắt kênh Tiếng nói dân oan- Mạnh Đặng trên nền tảng Youtube.”

Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh, một công dân Hoa Kỳ nhập tịch có 74.000 người theo dõi trên Facebook và hơn 170.000 người theo dõi trên kênh Youtube cùng tên chuyên bàn luận về tình hình Việt Nam và thế giới, cũng bị xoá hoặc hạn chế ở Việt Nam. Ông nói với RFA trong ngày 18/10:

Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook hết sức mơ hồ không biết thế nào là đúng, thế nào là sai, không khác gì điều ‘làm tài liệu tuyên truyền chống nhà nước’ hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ của nhà cầm quyền Việt Nam.”

Ông cũng cho biết thêm, mạng xã hội Youtube không xoá video vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng mà theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Quyền chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cho rằng, các công ty công nghệ của Mỹ đang tuân theo yêu cầu của Hà Nội vì nguồn lợi quá cao từ thị trường gần 100 triệu dân.

Chính phủ Việt Nam không giấu diếm việc yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xoá, hạn chế hoặc chặn những bài viết, video hay kênh có nội dung chỉ trích chế độ.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Quốc hội vào tháng 10/2023 và được truyền thông nhà nước trích dẫn cho hay trong sáu tháng đầu năm, bộ này đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google, YouTube, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung “độc hại.”

Cụ thể, Facebook đã chặn, gỡ bỏ 2.265 bài viết đăng thông tin bị cho là “sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức.”

Nền tảng này cũng gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức và khóa 8 tài khoản “thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.”

Trong khi đó, Google đã gỡ 4.910 video vi phạm trên YouTube, chặn 2 kênh YouTube “phản động” không truy cập được ở Việt Nam.

Kêu gọi bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí

Trang Facebook Việt Tân ở Hoa Kỳ có 1,4 triệu người theo dõi thường đưa tin và bình luận với mục tiêu cổ suý dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Tổ chức này cho hay trong chín tháng đầu năm nay, có 1.000 bài viết và video, chiếm 20% tổng số bài viết của trang, bị ngăn chặn không cho hiển thị ở Việt Nam.

Ông Trần Sơn, uỷ viên trung ương đảng Việt Tân, cho biết khi khiếu nại, Facebook trả lời rằng việc hạn chế này được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam vì các bài viết vi phạm luật địa phương.

Ông nói với RFA trong ngày 17/10:

Facebook đang hợp tác với Nhà nước Việt Nam một cách quá ngây thơ, tất cả những gì Nhà nước Việt Nam yêu cầu ngăn chặn thì Facebook tuân theo mà không có cách nhìn khác để xem lại lời yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam có chính đáng hay không?

Ông cho biết Việt Tân cũng đã yêu cầu Facebook phải minh bạch thêm nữa về cách mà họ nhận những yêu cầu từ Việt Nam và cách họ tuân theo như thế nào.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức Hải Điếu cày), hiện đang sống tại tiểu bang California, cho rằng việc Youtube và Facebook xoá bài/kênh hoặc hạn chế bài của những người Việt đang sống ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác là hành vi đàn áp xuyên quốc gia trên không gian mạng.

Trang Lều của đầy tớ với 74.000 người theo dõi bị xoá năm 2022 còn trang Blogger Điếu cày Nguyễn Văn Hải với 113.000 người theo dõi bị tình trạng tương tự năm 2020. Trang Facebook của Câu Lạc bộ Nhà báo Tự Do mà ông là thành viên cũng bị hạn chế truy cập ở Việt Nam. Lý do đưa ra là các bài viết vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.

Youtube cũng hành xử tương tự. Ông Hải cho biết nhiều video clip của Câu Lạc bộ Nhà báo Tự Do bị Youtube xoá với lý do “vi phạm bản quyền” cho dù những video này do chính người hoạt động ở Việt Nam ghi lại và chuyển cho nhóm.

Phóng viên gửi email cho Google và Meta, chủ sở hữu tương ứng của Youtube và Facebook, với đề nghị bình luận về tố cáo của nhiều người hoạt động Việt Nam, nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Ông Nguyễn Văn Hải, người bị đưa từ nhà tù Việt Nam sang thẳng Hoa Kỳ tị nạn từ năm 2013, khẳng định:

Các nền tảng mạng xã hội phải tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân Hoa Kỳ, không thể nào vì những báo cáo của dư luận viên ở Việt Nam nhưng mà lại xóa tài khoản của công dân Hoa Kỳ là không được.

Quốc hội Hoa Kỳ phải có biện pháp, phải ban hành luật để giải quyết vấn đề này và các nền tảng mạng xã hội cũng phải tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân Hoa Kỳ.”

Previous
Previous

Nữ ngôi sao nhạc trẻ gốc Việt- Hanni Pham, kêu gọi đối xử tốt hơn với giới nghệ sĩ

Next
Next

Báo cáo Tự do Internet 2024: Hà Nội mở rộng sự kiểm soát, tăng cường trừng phạt người dùng