Đánh hổ dọa báo, ông Trọng tung chiêu mới, trò chơi đến hồi căng?
Trò chơi chính trị vốn là trí trá, bởi không dùng chiêu thì khó mà giành được thế thượng phong trước đối thủ. Cho tới nay, chưa ai đánh chiến với đồng chí mạnh như ông Nguyễn Phú Trọng. Khi ông bước lên với vai trò người đứng đầu Đảng, ông Trọng đã tính được bài toán quyền lực. Cân bằng giữa trong và ngoài. Mục đích là cho ông được nhiều quyền lực hơn.
Ngay từ khi kế nhiệm ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Phú Trọng đã biết o bế nhân vật tương lai trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là ông Tập Cận Bình. Năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng cho đón ông Tập Cận Bình lúc đó là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc rất long trọng, mà lại còn đón bằng cờ 6 sao. Quả thật, ông Trọng có con mắt tinh tường khi quyết định o bế Tập Cận Bình như thế.
Sau khi Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch Trung Cộng, quả thật, ông Tập đã thâu tóm quyền lực về một mối bằng những trận chiến kinh thiên động địa bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nhờ đó, ông Tập mới phá bỏ quy định 2 nhiệm kỳ và tiếp tục. Chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Tập Cận Bình diễn ra trong thời gian ngắn là thâu tóm được toàn bộ quyền lực. Ông Nguyễn Phú Trọng được tiếp bước ông Tập với chiến dịch đốt lò. Khác với ông Tập, ông Nguyễn Phú Trọng đốt hoài mà không hết củi, quyền lực của ông cũng trở nên mạnh hơn, nhưng không tuyệt đối như ông Tập bên Trung Cộng.
Ngày nay trong chính trường Trung Quốc, không còn ai đủ sức làm cản đường ông Tập, tuy nhiên, trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng còn đó những trụ cứng mà ông Trọng không thể nhổ, còn đó những thanh củi gộc mà ông Trọng chưa thể chẻ ra cho vào lò. Cho nên ông Trọng cứ đốt lò, đốt nữa, đốt mãi và ông dùng đủ mọi cách. Kể ra ông Nguyễn Phú Trọng vất vả hơn ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến quyền lực nội bộ Đảng.
Cho tới nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã làm 2 trận đánh được xem là chấn động chính trường Việt Nam. Trận thứ nhất là triệt hạ Đinh La Thăng và cho ông này vào tù. Trận thứ nhì là triệt hạ ông Nguyễn Xuân Phúc để thu hồi ghế Chủ tịch nước. Ở lần đánh ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Phú Trọng truy tới cùng và tống Đinh La Thăng vào tù. Tuy nhiên, với trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc, thì có vẻ như không có hành động “truy cùng diệt tận” như thế. Ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ bị mất chức.
Hổ chiến với báo thì có khi hổ cũng bị thương và hao tổn nội lực chứ không thể dễ dàng như bắt nai. Vì thế để chiến với báo thì hổ dùng chiến tích để dọa là cách thông minh nhất. Nó vừa làm cho kẻ thù sớm buông, tiết kiệm được bao sức lực. Với con người làm chính trị già dặn như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ắt ông hiểu chiêu trò này.
Ngày 5/2, chỉ một ngày sau khi đến dự phiên bàn giao nhiệm vụ của ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, ông Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định 96 của Bộ Chính trị, về việc lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Quy định này đưa ra các nguyên tắc, trong đó nghiêm cấm và xử lý hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm. Đáng nói, trong Quy định này, ông Nguyễn Phú Trọng đưa vấn đề xem xét tiêu chí gương mẫu của vợ, chồng, con đối với quan chức. Đây được cho là lời cảnh cáo của ông Tổng Bí thư đối với những người đang bước theo con đường của ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trò này được một nhà quan sát cho rằng, chiêu đánh hổ dọa báo của ông Tổng Bí thư.
Thực ra những người làm như ông Nguyễn Xuân Phúc rất nhiều, dùng quyền chức để bao che cho người thân tư lợi. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng làm cứng như những gì ông tuyên bố trong Quy định 96, thì có thể sẽ có những trận chiến căng trong Đảng vào thời gian tới.
Ngọc Bảo – Thoibao.de (Tổng hợp)