Đạp ngã Đinh Tiến Dũng, giờ là lúc “cả đàn” tranh nhau giành ghế!

Sáng 25/6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tổ chức Hội nghị lần thứ 18, để bàn về việc triển khai các nội dung tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp. Trong Hội nghị này, bà Nguyễn Thị Tuyến – Phó Bí thư Thường trực chính thức được phân công điều hành Thành ủy Hà Nội. Hội nghị lần này chỉ là hợp thức hóa quyết định của Bộ Chính trị trước đó.

Được biết, đây là giải pháp tạm thời, tương tự như ông Trần Quốc Tỏ được phân công điều hành Bộ Công an trong thời gian ngắn, để chờ có Bộ trưởng mới. Việc phân công Phó Bí thư Thường trực điều hành công việc tạm thời, cho thấy, một lần nữa, Bộ Chính trị lại bế tắc trong việc chọn người thay thế.

Ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội thường là để cơ cấu cho người vào “Tứ trụ” trong tương lai, cho nên, phe nào cũng muốn đưa người của mình trám vào. Hiện nay, vẫn chưa có ứng viên nào sáng giá cho chiếc ghế này, có lẽ, đợi kết quả từ những trận thư hùng sắp tới, mới có thể xác định được người ngồi vào vị trí này.

Khi Đinh Tiến Dũng ngã ngựa, có nguồn tin cho biết, một Ủy viên Trung ương Đảng người dân tộc thiểu số, là Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Tuyên Quang, sẽ được bổ sung vào Bộ Chính trị, để tiếp quản chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì của Bộ Chính trị, để chuẩn bị cho nhân vật này nắm ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Thật ra, một vị trí dành cho Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng lại chọn một Ủy viên Trung ương Đảng ngồi vào, cũng không phải là chuyện hiếm. Hồi tháng 10/2020, ông Nguyễn Phú Trọng bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nên, khi đó đang là Ủy viên Trung ương Đảng, về nắm chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, thay cho ông Nguyễn Thiện Nhân. Sau đó, đến đầu năm 2021, ông Nên mới bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.

Hay vị trí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thường được dành cho Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng đã bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Nghĩa, khi đó chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng, nắm giữ. Phải 3 năm sau, ông Nguyễn Trọng Nghĩa mới vào được Bộ Chính trị. Mới đây nhất là trường hợp ông Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, được bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an – một vị trí dành cho Ủy viên Bộ Chính trị.

Hai trường hợp đầu do ông Trọng bổ nhiệm, vào lúc mà thế lực của ông đang mạnh nhất; ông đủ sức dẹp bỏ tiền lệ, dẹp bỏ quy trình, để bổ nhiệm. Còn trường hợp ông Lương Tam Quang là do Tô Lâm ra tay, cũng vào lúc mà thế lực Tô Lâm là mạnh nhất. Tương tự ông Trọng, Tô Lâm cũng chẳng xem tiền lệ và quy trình bổ nhiệm ra gì, để đòi Bộ Chính trị phải bổ nhiệm cho Lương Tam Quang.

Như vậy, nếu một Uỷ viên Trung ương Đảng thay thế vị trí của ông Đinh Tiến Dũng, là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nếu có một phe nào đó đủ mạnh, để buộc phần còn lại phải chấp nhận. Tuy nhiên, việc Uỷ viên Trung ương Đảng người dân tộc thiểu số, theo đồn đoán là sẽ thay thế cho ông Đinh Tiến Dũng, vẫn chưa thể ngồi vào ghế trống, thì xem ra, phe ủng hộ ông này không đủ mạnh.

Từ nay đến Hội nghị Trung ương 10 còn khoảng 4 tháng nữa, trong thời gian này, các phe phái tranh thủ vừa đánh nhau, vừa đàm phán, thì mới thoả thuận được về nhân sự thay thế. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng 4 tháng sau, đánh đấm vẫn chưa xong.

Hiện nay, chưa thấy phe nào nổi trội, và cũng chưa thấy nhân vật nào sáng giá nổi lên, cho nên, cung đình sẽ lại mất nhiều thời gian cho công việc chọn người.

Giờ đây, thượng tầng chính trị Việt Nam như một mớ hỗn độn, chỉ thấy đánh nhau rồi giành giật chức quyền, mà chẳng có chút đồng thuận nào. Họ chỉ có một sự đồng lòng duy nhất, đó là đồng lòng chống dân. Còn vấn đề quốc gia đại sự, họ xem không quan trọng bằng những trận thư hùng để tranh giành quyền lợi. Đất nước này đang bị thả trôi trong vô định, bởi cái Đảng ô tạp này như thế đấy.

Trần Chương – Thoibao.de

Previous
Previous

Hãy cảnh giác với tân Chủ tịch chuyên quyền của Việt Nam

Next
Next

Cập nhật thông tin về phật sĩ Thích Minh Tuệ