Quốc hội bầu lại Chủ tịch nước là thách thức của Tổng Bí thư Tô Lâm

Trong phiên họp bất thường lần thứ 8 ngày 26/8, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng mới cho nhiệm kỳ 2021 – 2026. Giới quan sát xem đây là một đợt cải tổ nhân sự tương đối lớn, sau khi ông Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư.

Ai sẽ là Chủ tịch nước?

Đáng chú ý, vào cuối phiên họp bất thường trên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước mới, vào tháng 10 tới đây, trong kỳ họp Quốc hội thường niên. Đây là thông tin chấm dứt các đồn đoán lâu nay, về việc, ông Tô Lâm có từ bỏ chức Chủ tịch nước hay không.

Đây là điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoàn toàn không muốn. Nếu không được giữ chức Chủ tịch nước, thì nó sẽ cản trở rất lớn cho các hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư, và vai trò người thống lĩnh các lực lượng vũ trang sẽ không thuộc về ông.

Theo một số nhận xét, cho đến thời điểm này, mọi chủ trương hay ý đồ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đều được cụ thể hóa trên thực tế một cách nhanh chóng, và khó có thể đảo ngược.

Theo giới quan sát quốc tế, lý do lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạm “ưu ái”, để ông Tô Lâm đóng một lúc 2 vai trò, là nhằm tạo điều kiện cho Tô Lâm trong chuyến công du Trung Quốc, vào trung tuần tháng 8 vừa qua, cũng như chuyến đi Hoa Kỳ, dự kiến từ ngày 18 đến 25/9 sắp tới.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh, 2 vai trò giúp ông Tô Lâm có vị thế ngang hàng, đồng cấp với ông Tập Cận Bình. Còn tư cách Chủ tịch nước giúp ông dự phiên họp Khóa 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, và có thể kết hợp gặp gỡ giới chức lãnh đạo Hoa Kỳ.

Trong khi, tập thể Bộ Chính trị và Ban Bí thư của Đảng đòi hỏi, phải duy trì nguyên tắc có sự “phân quyền” trong tổ chức và lãnh đạo. Với lý do, để tránh tập trung quyền lực quá lớn vào một cá nhân, dẫn đến tình trạng độc đoán, độc tài, như thời Tổng Bí thư Lê Duẩn, điều đó là trái với tinh thần lãnh đạo tập thể.

Ngoài ra, xét về bề dày kinh nghiệm và các chuẩn mực của lãnh đạo tối cao, ông Tô Lâm được đánh giá là có hồ sơ lãnh đạo “cấp cao” khá mỏng.

Các đời Tổng Bí thư gần đây đều đã làm trọn một nhiệm kỳ 5 năm trong “Tứ trụ”, hoặc trên cương vị Thường trực Ban Bí thư. Trong khi đó, ông Tô Lâm chỉ mới được bầu vào “Tứ trụ” hồi trung tuần tháng 5/2024.

Nghĩa là, ông chưa phục vụ trọn một nhiệm kỳ với tư cách Chủ tịch nước, nhưng ông vẫn được chọn kế nhiệm Tổng Bí thư. Đây là điều trái với quy định 214, về tiêu chuẩn trở thành người lãnh đạo Đảng.

Những điều kể trên cho thấy, nội bộ Đảng đã chịu một sức ép rất lớn, sau khi ông Tô Lâm lên cầm quyền. Cũng như, nội bộ Đảng chưa có được sự đồng thuận theo kiểu “nhất hô, bá ứng”.

Theo một số ý kiến, ông Tô Lâm, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, bị đánh giá là đang ở trong bối cảnh “thập diện mai phục”. Ông và phe cánh đã và đang phải đối diện với một tình thế “nội công, ngoại kích”, của một số cá nhân và phe cánh trong Đảng. Những người này đang nỗ lực chống lại ý định trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, theo mô hình nhất thể hóa của Trung Quốc của Tô Lâm.

Trong nhiều sự vụ gần đây, người ta thấy ông Tô Lâm đã phải đặt vấn đề, bàn thảo với các phe cánh khác, để tạo sự “đồng thuận”. Thậm chí, Tổng Bí thư Tô Lâm phải chấp nhận tháo lui dự kiến bố trí Bí thư Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa “sang làm Bộ trưởng Bộ Tài chính”, là một ví dụ.

Tuy nhiên, từ nay đến Đại hội Đảng 14 còn hơn 16 tháng. Đó là thời gian để các cá nhân, và phe cánh trong Đảng nỗ lực đảo ngược tình thế. Cũng như thế, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ bằng nỗ lực cao nhất của mình, để khẳng định quyền lực độc tôn.

 Trà My –  Thoibao.de

Previous
Previous

Thế và lực của Tổng Bí thư  kiêm chủ tịch nước Tô Lâm

Next
Next

Những lời xin lỗi xuất phát từ nỗi sợ hãi