Sư Thích Minh Tuệ 'ẩn tu' giữa lúc chính quyền thắt chặt quản lý tăng sĩ?
Mỹ Hằng
Việc sư Thích Minh Tuệ dừng cuộc bộ hành vốn truyền cảm hứng cho nhiều người được một số nhà quan sát nhìn nhận là "điều có thể thấy trước". Nhưng cách chính quyền phản ứng với một hiện tượng xã hội hiếm có và cách quản lý tăng ni nói chung để lại không ít câu hỏi.
Có thực sự sư Thích Minh Tuệ tự nguyện ẩn tu hay không? Việc chính quyền can thiệp để ông đưa ra quyết định này có cần thiết và hợp lý?
Sư Thích Minh Tuệ từng nhiều lần khẳng định ông "không nhà, không chùa", không thuộc giáo hội nào, không là thầy của ai.
Ông nói ông "đã phát tâm bộ hành khất thực cho đến chết" để thực hành chánh pháp của đức Phật, liệu ông có dễ dàng từ bỏ?
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau khi sư Thích Minh Tuệ đột ngột dừng hành trình của mình vào sáng 3/6. Hiện nay cũng không có thông tin rõ ràng về nơi mà ông đang tu tập.
Cùng ngày với việc chính quyền "thuyết phục" sư Thích Minh Tuệ "tự nguyện dừng" hành trình khất thực, Bộ Công an Việt Nam đã công bố phần mềm quản lý tăng ni Phật tử mang tên VnPhattu.
Theo mô tả của công an, tăng sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tự điền thông tin cá nhân vào ứng dụng này để nhà nước quản lý.
Chưa biết hiệu quả và sự cần thiết của các công cụ này đến đâu, nhưng cần biết rằng ngoài năm triệu tín đồ Phật tử là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam được chính quyền công nhận - còn một số lượng chưa được thống kê những tu sĩ không muốn nằm trong hệ thống này, trong đó có sư Thích Minh Tuệ.
Đưa sư Minh Tuệ vào diện 'được quản lý'?
Ngay sau khi mạng xã hội lan truyền hình ảnh sư Minh Tuệ làm căn cước công dân hôm 3/6, một lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện việc này.
Chưa bàn tới việc vì sao sư Minh Tuệ đêm 2/6 vẫn còn ở Huế nhưng sáng 3/6 đã đi làm căn cước ở Gia Lai, việc chính quyền có mặt và can thiệp vào hành trình bộ hành của ông Minh Tuệ gây ra nhiều bàn tán trong dư luận.
Một số ý kiến cho rằng đã quá rõ về bàn tay của chính quyền khi cùng ngày sư Minh Tuệ đi làm căn cước, Ban Tôn giáo Chính phủ ra thông báo chính thức, một lần nữa khẳng định quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng ông "không phải là tu sĩ Phật giáo" và "tự nguyện dừng bộ hành khất thực".
Ông Bửu Nguyễn, nghiên cứu sinh ngành Phật học ứng dụng tại Nan Tien Institute (Úc), nói với BBC rằng chính quyền Việt Nam có đủ năng lực, công cụ và kinh nghiệm để dẹp đám đông, và lẽ ra chỉ nên làm như vậy, thay vì tác động tới sư Minh Tuệ.
"Thầy Minh Tuệ thì ngày trước chắc đã có chứng minh nhân dân rồi, nhưng trong nhiều năm đi khất thực thì có lẽ chưa có làm căn cước công dân.
"Tôi nghĩ việc đưa thầỳ Minh Tuệ đi làm căn cước giống như là một lý do để thuyết phục thầy ẩn tu."
Việc chính quyền Việt Nam thuyết phục các tu sĩ, các chùa hay tổ chức tôn giáo "độc lập" tham gia vào các giáo hội do mình quản lý đã trở thành chỉ tiêu thi đua, phấn đấu của nhiều địa phương.
Thượng tọa Thích Đồng Long từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - một tổ chức tôn giáo được thành lập năm 1964 và được chính quyền Việt Nam Cộng hòa công nhận nhưng không được chính phủ Việt Nam hiện nay công nhận - nói với BBC:
"Họ gây khó dễ cho công tác tu học của chúng tôi. Họ đã nhiều lần kêu gọi chúng tôi phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam quốc doanh của họ."
Dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam, thành viên của các tổ chức không nằm dưới sự quản lý của giáo hội chính thống thì không được công nhận là tu sĩ.
Các vụ việc chính quyền can thiệp vào đời sống tu hành của những người không nằm trong giáo hội nhà nước, như vụ bắt giam thành viên gia đình ông Bùi Văn Trung theo Đạo Tràng Út Trung, mới nhất là việc sư Minh Tuệ "tự nguyện" dừng bộ hành, cho thấy cách quản lý "độc tài" của nhà nước Việt Nam, theo sư Thích Đồng Long: "Trong vấn đề sư Thích Minh Tuệ, chính quyền nói lý do mất an ninh, trật tự và ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, đó là ngụy biện."
"Lý do chính là chính quyền Việt Nam không thích và không muốn sư Minh Tuệ tiếp tục hành trình vì như vậy ông sẽ thu hút số lượng đông quần chúng Phật tử và cả người dân không theo chỉ đạo sắp xếp của chính quyền. Do đó, người ta sẽ lo ngại có những biến động xảy ra cho nên người ta muốn ngăn chặn, chấm dứt việc này.
"Nếu chính quyền Việt Nam là một nhà nước dân chủ tự do, tôn trọng nhân quyền thì phải hỗ trợ việc sư Thích Minh Tuệ cùng đoàn đi khất thực."
"Hiếm có một người có thể thực hành theo lời Phật dạy như vậy, nên đây cũng là cơ hội tốt để người dân tự nhìn lại mình trong một thời đại chuộng vật chất như bây giờ."
Hòa thượng Thích Viên Định, thay mặt Hội đồng Điều hành Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã chính thức có phát biểu về sư Thích Minh Tuệ hôm 3/6.
Bài phát biểu có đoạn:
"Nhà cầm quyền đã quyết định vô hiệu hóa thầy Minh Tuệ bằng cách tách thầy ra khỏi Phật tử và người dân, an trí thầy một nơi để họ dễ kiểm soát.
"Việc làm này đi ngược lại lòng dân và Phật tử.
"Nhà cầm quyền có thể kiểm soát xã hội nhưng không thể kiểm soát được lòng người..."
"Yêu cầu Nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn trọng sự chọn lựa tu hạnh đầu đà của Thầy Minh Tuệ mà không can thiệp."
Thông báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng khẳng định sư Minh Tuệ là tu sĩ:
"Tu sĩ Thích Minh Tuệ là một người giữ giới luật, tu theo hạnh đầu đà của Phật dạy, không nhà không cửa, không chùa viện, am thất, rày đây mai đó, ngày ăn một bữa, mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, nơi đất hoang, nghĩa địa, tự do tự tại, không nơi cố định, đúng phẩm hạnh một vị tu sĩ Phật giáo, mọi người ai cũng kính phục, noi theo, công nhận đúng là một tu sĩ Phật giáo, thì còn cần gì phải theo giáo hội này, tổ chức kia cho thêm phiền phức, buộc ràng?"
Quản lý tăng ni
Việc chính quyền tạo ra các công cụ để quản lý tăng sĩ không mới trong xã hội Việt Nam.
Năm 2023, Bộ Công an đã phát triển ứng dụng VNeID trên thiết bị di động để quản lý thông tin cá nhân của người dân nói chung.
Các tăng ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau đó cũng được huy động tham gia kích hoạt và sử dụng tài khoản này.
Theo ông Bửu Nguyễn, Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn luôn quản lý các tăng sĩ thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chủ yếu thông qua giấy tờ.
Các tăng sĩ thuộc giáo hội này được cấp giấy chứng nhận tăng ni, hay còn gọi là tăng tịch.
Đến nay, với phần mềm Vnphattu, chính quyền chỉ đang số hóa công tác này.
Tuy nhiên, ông Bửu Nguyễn cho rằng nhà nước không quản lý được những người tu hành tại gia hoặc không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo cách này mà chỉ có thể quản lý theo quy định của pháp luật.
"Phật tử chỉ đơn thuần là những người tin và tu hành theo lời Phật dạy. Hôm nay họ có thể là Phật tử của chùa này, ngày mai họ không thích họ lại qua chùa khác.
"Con số này thay đổi rất lớn và thường xuyên nên không cần thiết phải quản lý tới mức độ Phật tử vì nó chỉ làm tổn hại nguồn lực mà thôi.
"Quản lý tu sĩ trên phương diện hành chính là được rồi," ông Bửu Nguyễn nói.
Riêng về tính năng "cúng dường trực tuyến" của phần mềm Vnphattu, ông Bửu Nguyễn cho hay đây là mô hình mà một số nơi như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore đã làm rồi, nhưng khác ở chỗ dịch vụ cúng kính của họ được niêm yết và đánh thuế, được quản trị thông qua một bộ phận quản trị hoạt động rất bài bản ở các chùa.
Còn ở Việt Nam, tiền cúng dường được coi là tiền từ thiện và không phải đóng thuế, nhà nước không quản lý.
Trong khi đó, sư Thích Đồng Long nhận định với BBC rằng việc ra mắt phần mềm quản lý tăng ni cho thấy chính quyền Việt Nam đang muốn củng cố quan điểm là họ không đàn áp tôn giáo và rằng Việt Nam có tự do tôn giáo, đồng thời củng cố tính chính danh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ông nói:
"Chắc chắn là những vị thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ công bố danh sách các thành viên đăng ký phần mềm này là tu thật, còn lại thì là tu giả, là phần tử xấu.
"Để sau này khi có xảy ra đàn áp hay là bắt bớ thì người ta sẽ nói với dư luận là họ chỉ trừng phạt những phần tử xấu, chống đối lại chính quyền."
Sư Thích Đồng Long khẳng định rằng sự xuất hiện của các công cụ quản lý này không thể làm ảnh hưởng tới việc tu học và sinh hoạt tôn giáo của các tu sĩ đứng ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
'Rất khó để có thêm các Thích Minh Tuệ'
Theo Thượng tọa Thích Đồng Long, để tương lai Phật giáo Việt Nam có nhiều người tu với những công hạnh đáng ngưỡng mộ như sư Thích Minh Tuệ, trước tiên phải cần có tự do tôn giáo tự do về tín ngưỡng đúng nghĩa.
Như vậy, những tổ chức độc lập hoặc những tu sĩ, cư sĩ không trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể tự do hành đạo, chỉ cần không gây ảnh hưởng xấu đến xã hội nói chung.
"Nhưng thực ra việc này rất là khó," sư Thích Đồng Long nói với BBC.
"Sư Minh Tuệ là người đầu tiên có sức ảnh hưởng lớn như vậy đối với quần chúng Phật tử.
"Với những công hạnh mà sư đang tu học, chỉ trong một thời gian ngắn mà công chúng đã biết đến nhiều.
"Nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn sư đã bị ngăn cản không cho tu học như vậy nữa.
"Điều này cho thấy rằng để có nhiều vị như sư Minh Tuệ trong bối cảnh Việt Nam có nhiều vi phạm nhân quyền thì rất là khó."
Ông Bửu Nguyễn thì cho rằng cá nhân ông Minh Tuệ, dù mang lại hy vọng cho nền Phật giáo Việt Nam đang suy thoái, cũng chỉ đủ gióng lên một hồi chuông, bởi bản thân ông cũng chỉ đang thực hành và đã nói rõ là không giảng đạo pháp.
"Cách thực hành của ông Minh Tuệ cho thấy rõ điều mà trong Phật giáo gọi là thân pháp, tức là lấy thân mình ra thực hành, làm tấm gương cho mọi người. Ông Minh Tuệ làm được điều này và thực sự có giá trị.
"Nhưng rồi, theo thời gian, hiện tượng này sẽ lắng xuống. Mọi người sẽ dần trở về với công việc thực tại.
"Có chăng là nhận thức của Phật tử sẽ sáng ra nhiều. Từ đó họ có nhu cầu nghiên cứu thêm về Phật pháp thì họ sẽ hiểu được chùa nào tu thật, sư nào tu thật."
Play video, "13 hạnh đầu đà là gì?", Thời lượng 2,00
Để có nhiều hơn những "Thích Minh Tuệ" dưới sự quản lý của Đảng Cộng sản Việt Nam, với những chính sách về tôn giáo mà người dân không thay đổi được, thì theo ông Bửu Nguyễn, có hai điều quan trọng từ phía tăng ni và Phật tử.
Tăng ni phải là những người thực tu - tức là xác định xuất gia là để thực hành giáo pháp chứ không phải tham gia quá nhiều vào các công việc mang tính thế tục của giáo hội, hay sa đà và các công tác quản lý mang tính hành chính hoặc các công tác xã hội từ thiện.
Phật tử cần nâng cao nhận thức, kiến thức về đạo pháp để không sa vào mê tín dị đoan hay dung dưỡng những vị sư giả. Chẳng hạn, hiện nhiều Phật tử vẫn quan niệm một thầy hoặc sư cô giỏi có nghĩa là họ phải có chùa to hoặc tượng lớn. Điều này vô tình thúc đẩy các vị sư này sa vào con đường kiếm tiền và nguồn tiền không chân chính sẽ mang lại hậu quả.
"Do đó nếu cộng đồng Phật tử hiểu đạo thì sẽ thúc đẩy việc tu hành của tăng ni trở nên nghiêm túc hơn," ông Bửu Nguyễn nói.