Sau tuyên thệ của Tô Lâm, ‘cuộc chiến cung đình’ có đảo chiều?

Trần Đông A

Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam tại Quốc hội Việt Nam ngày 22-5-2024. Nguồn: AFP

Nếu trường hợp Quốc hội sẽ phê chuẩn Phan Đình Trạc làm Bộ trưởng Công an thì ‘chung kết’ giữa Đình Trạc, Tô Lâm và Minh Chính sẽ kịch chiến. ‘Tấn trò đời’ (La Comédie Humaine) từ ĐCSVN sẽ có nhiều tập hay hơn của Balzac.

Khúc khuỷu đường dẫn đến lễ tuyên thệ

Sáng 22/5/2024, Đại tướng Công an Tô Lâm đã tuyên thệ để trở thành Chủ tịch nước (CTN) mới của Việt Nam. Ông Lâm cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của CTN đã được Hiến định (1).

Đáng chú ý là buổi lễ tại Quốc hội có sự tham dự của đầy đủ các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam, nhưng lại vắng mặt Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng vốn theo thông lệ trước giờ đều phải có mặt tại những buổi lễ như thế này, đồng thời cũng không có cả sự hiện diện của cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để chúc mừng người kế nhiệm (2).

Sau khi bầu ông Lâm làm CTN, Quốc hội (QH) đã xúc tiến quy trình miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an (BTCA) cũng trong buổi sáng cùng ngày.

Tin nội chính của Việt Nam những ngày này xoay như chóng chóng. Mới sáng hôm 19/5, báo chí nhà nước vẫn ‘đồng ca’ bài ‘chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an tại kỳ họp thứ 7’ (3). Bời lẽ, sau bế mạc Hội nghị Trung ương bất thường (TW9) ngày 18/5 trước đó, các bên vẫn chưa thể thống nhất được, chọn ra ai sẽ ngồi vào ghế BTCA thay Đại tướng Tô Lâm.

Việc CTN kiêm nhiệm BTCA tưởng như đã là thắng lợi chắc chắn của Đại tướng Tô Lâm. Ấy vậy nhưng trưa ngày 21/5, ‘gió đã đột ngột đảo chiều’. Truyền thông nhà nước đồng loạt thông tin, QH căn cứ ý kiến ‘cấp có thẩm quyền’ (Bộ Chính trị và cuộc họp của các lãnh đạo chủ chốt), căn cứ quy định pháp luật, sẽ bổ sung thêm nội dung miễn nhiệm chức vụ BTCA đối với Tô Lâm, sau khi ông sẽ được bầu làm CTN trong buổi sáng 22/5. Tức là vào phút 89 của trận đấu, ‘cơ quan có thẩm quyền’ lại lật kèo, từ chỗ đồng ý cho ‘ngồi hai ghế’ đến quyết định chỉ cho ‘ngồi một ghế’, cứu cho Hiến Pháp khỏi bị khủng hoảng.

Trước đó, trả lời BBC ngày 19/5, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nói rằng, theo quy định hiện hành của Hiến pháp, CTN không thể kiêm nhiệm chức vụ BTCA. Việc kiêm nhiệm như thế sẽ dẫn đến xung đột thẩm quyền và vi phạm nguyên tắc phân công, phân nhiệm, phân quyền trong bộ máy nhà nước (4).

Tấm hình Tô Đại tướng mà tất cả báo chí nước ngoài chuyển tải trưa 20/5, không thể nào ‘chua’ bên dưới là ‘Nụ cười chiến thắng’ của Tô Lâm! Chưa thấy Nguyên thủ quốc gia nào nhậm chức mà thiểu não đến như vậy!

Sáng 22/5, Thượng tướng – Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công điều hành hoạt động của BCA cho đến khi ‘cấp có thẩm quyền’ – tức Bộ Chính Trị, kiện toàn chức danh BTCA. Chỉ có thể giải thích sự ‘lật kèo’ này bằng quyết định trong cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt nói trên.

Ở đây mới thấy hết ‘tài thao lược’ của TBT Nguyễn Phú Trọng. Khi BCT đã ‘trám’ được 4/6 ghế trống trong cơ quan quyền lực cao nhất nước, tức BCT đã có 16 thành viên, lại hầu hết là người bên Đảng, đủ để thay đổi tương quan lực lượng trong BCT, nên đã ‘thuyết phục’ được ông Tô Lâm ‘buông ghế’ BTCA!

Trong tay ‘Cơ quan có thẩm quyền’ có Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú, Nguyễn Hòa Bình. Tất cả đều là Ủy viên BCT, đã từng lãnh đạo ngành, địa phương và đều đang là đại biểu Quốc hội, 100% đạt tiêu chuẩn BTCA, nhưng phía ông Tô Lâm chưa chịu buông. Trong khi đó, các Thứ trưởng của Tô Đại tướng lại ‘còn non xanh’, tuy đều Ủy viên trung ương nhưng chưa tròn một khóa, lại không phải là đại biểu QH, thì rõ ràng đã không thể ‘trám vào’ một trong hai ghế trống của BCT như ý muốn của Tô Đại tướng trước khi chấp nhận rời BCA.

Số phận của ông Tô Lâm

Trừ khi sức khỏe có gì đột biến, ông Trọng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 với Điều lệ Đảng được sửa đổi trong Đại hội 14. Ông Tô Lâm theo đó nếu may thì hạ cánh an toàn, còn không sẽ bị buộc phải làm vai chính trong hồi cuối cùng của vở kịch dài kỳ mà ông Trọng làm đạo diễn.

Có người nói nếu ông Tô Lâm biết trước như vậy, không lẽ ông chịu thúc thủ bó gối sao? Mình xin hỏi lại: Nếu bạn là ông ấy, bạn có thể làm gì trong một hệ thống mà việc thiết lập và thi hành luật chơi nằm trong tay kẻ khác?

Thực ra thì sau những gì đã làm cho ông Trọng, ông Tô Lâm lẽ ra sẽ được hạ cánh an toàn. Ông cũng có cái may mắn, so với ông Thưởng, ông Huệ, (và có thể là cả ông Chính) ở chỗ cái dớp của vụ Trịnh Xuân Thanh khiến ông có cái cớ để thoái thác vị trí cao nhất. Dư luận trong Đảng trước giờ có thể đặt vấn đề ông Huệ, ông Thưởng, ông Chính kế nhiệm ông Trọng chứ ít ai nhắc đến ông Tô Lâm cũng vì cái dớp này. Trong cái rủi có cái may, ông Tô Lâm nhờ thế mà không trở thành mục tiêu của ông Trọng.

Tuy nhiên, mình vẫn nghĩ ông Tô Lâm vẫn sẽ bị xử, vì một lý do khác ít người nghĩ tới. Sau những xáo trộn chưa có tiền lệ vừa qua, như bất kỳ lực lượng chính trị nào khác, Đảng cần một con dê tế thần để xây lại tình đoàn kết nội bộ. Ông Tô Lâm đã bị “gài” bằng truyền thông vừa qua để trong mắt dư luận trong và ngoài Đảng trở thành một kẻ vì tham vọng quyền lực cá nhân mà thanh trừng đồng chí. Xử lý được Tô Lâm, ông Trọng sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ 4 không phải như một kẻ tham quyền cố vị mà trong tư cách một người cứu Đảng.

Bằng cách này ông Trọng sẽ đạt được mục tiêu tối hậu là cầm quyền suốt đời mà không bị điều tiếng tham quyền cố vị từ cả dư luận trong đảng lẫn ngoài đảng – điều duy nhất mà ông ái ngại.

Previous
Previous

Sự cứu rỗi

Next
Next

Đang mải mê tung đấm vào Tổng Trọng, Tô Lâm bị Phan Minh Chính thọc đòn chí tử!