Tòa án Pháp bác đơn kháng cáo vụ kiện của bà Nga chống các công ty Mỹ: ‘Tôi tiếp tục theo kiện’

Bà Trần Tố Nga trả lời các phóng viên sau khi kết thúc phiên xét xử phúc thẩm hôm 7/5 ở Paris. Tòa phúc thẩm hôm 22/8 đưa ra phán quyết rằng các công ty Mỹ bị bà Nga kiện "có quyền miễn trừ".

Một tòa án ở Paris hôm 22/8 bác đơn kháng cáo của bà Trần Tố Nga, một cựu nhà báo Pháp gốc Việt, người đã theo đuổi vụ kiện 14 công ty Mỹ sản xuất chất độc da cam vì vai trò của họ trong việc cung cấp chất khai quang độc hại cho quân đội Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam.

“[Họ] bác đơn kiện của tôi giống như ở tòa sơ thẩm,” bà Nga cho VOA biết ngay khi biết kết quả của phiên tòa. “Họ đưa ra lập luận rằng các công ty Mỹ làm theo lệnh của chính phủ Mỹ cho nên họ được quyền miễn trừ pháp lý.”

Phán quyết bằng văn bản mà VOA xem được cho thấy tòa án cho rằng yêu cầu của bà Nga “đi ngược lại với tư cách miễn trừ của các công ty,” trong đó có Monsanto và Dow Chemical. Tòa án Pháp đưa ra phán quyết sau hơn 3 tháng kể từ phiên xét xử phúc thẩm hôm 7/5.

Vụ kiện của bà Nga, bắt đầu từ cách đây 12 năm, đã bị tòa sơ thẩm bác bỏ hồi năm 2021 khi tòa này nói rằng họ không có thẩm quyền xét xử vụ án liên quan đến các hành động trong thời gian chiến tranh của Chính phủ Mỹ. Tòa phúc thẩm hôm 22/8 đưa ra cùng lập luận, rằng các công ty này được hưởng quyền miễn trừ pháp lý khỏi bị truy tố vì họ làm theo lệnh của chính phủ Mỹ, để bác đơn kháng cáo của bà Nga.

Nhưng theo bà Nga, các công ty Mỹ phải chịu trách nhiệm cho việc này.

“Hồ sơ chứng minh là các công ty này đấu thầu chứ không phải theo lệnh,” bà nói nhưng không cho biết chi tiết.

Lý do để bà Nga đâm đơn kiện các công ty Mỹ, theo bà cho biết, là vì bà muốn “tìm cơ may” cho hàng triệu nạn nhân da cam ở Việt Nam. Chính phủ Hà Nội ước tính có khoảng 4,8 triệu nạn nhân chất da cam ở Việt Nam. Cho đến nay, chỉ có các cựu chiến binh tham gia chiến tranh Việt Nam của Mỹ, Úc và Hàn Quốc được bồi thường cho hậu quả từ loại hóa chất này.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 22/8 nói rằng “Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của tòa phúc thẩm Paris về vụ việc mà chúng tôi đã nhiều lần nêu quan điểm về việc này,” theo Báo Tin Tức của TTXVN. Bà Phạm Thu Hằng nói rằng hậu quả “lâu dài” và “nghiêm trọng” của chất độc da cam/dioxin “vẫn còn tác động sâu sắc đến đất nước và người dân Việt Nam.”

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã đưa ra phản ứng tương tự sau khi bà Nga thua kiện tại phiên tòa sơ thẩm năm 2021 và cho biết chính phủ “sẵn sàng hỗ trợ” bà trong vụ kiện chống lại các công ty sản xuất chất da cam.

Bà Nga, người trở thành công dân Pháp vào năm 2004 và nhận mình là một nạn nhân chất độc da cam, đã bắt đầu nộp đơn kiện lên tòa đại hình Evry ở Paris vào năm 2014 trong vụ kiện ban đầu chống lại 26 công ty sản xuất chất độc da cam trong thời gian chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, sau nhiều năm chuẩn bị. Sau này chỉ có đại diện của 14 công ty ra hầu tòa.

Từng là phóng viên chiến trường của TTXVN trong những năm giữa và cuối thập niên 1960, bà Nga cho VOA biết trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây rằng, bà bị phơi nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam để khai quang các khu vực có quân Bắc Việt trú ẩn trong thời gian này. Bà Nga nói rằng bà bị các bệnh ung thư, tiểu đường và lao trong khi người con gái đầu tiên của bà chết vì dị tật bẩm sinh.

Theo thống kê của Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, các máy bay của Mỹ đã rải khoảng 19 triệu gallon (gần 72 triệu lít) chất diệt cỏ, trong đó có ít nhất 11 triệu gallon (41,6 triệu lít) chất da cam xuống các khu rừng của Việt Nam trong thời gian từ 1962 đến 1971. Mỹ chấm dứt việc sử dụng chất làm rụng lá trong chiến tranh vào năm 1971 và hoàn toàn rút khỏi Việt Nam vào năm 1975.

Dow Chemical, một trong các công ty đa quốc gia bị bà Nga kiện ra tòa tại Pháp, nói trong một lần trả lời yêu cầu bình luận của VOA trước đây rằng họ không chịu trách nhiệm về vấn đề của “thời chiến” và rằng vụ việc này nên được giải quyết qua sự hợp tác giữa hai chính phủ.

Chính phủ Việt Nam đã thay mặt các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đâm đơn kiện các công ty hóa chất tại Mỹ nhưng tòa án ở Mỹ 3 lần bác bỏ những vụ kiện này.

Previous
Previous

Vì sao tân Tổng Bí thư Tô Lâm phải vội sang thăm Trung Cộng?

Next
Next

Tại sao họ ra đi?