Thủ tướng thăm châu Âu về xử Đoan Trang thế nào?

Phân tích của Trần Bình
03/11/2021

Việt Nam thừa biết, châu Âu có hai nhược điểm: cả tin và đã làm ăn thì “máu tham hễ thấy hơi đồng” là OK. Thủ tướng Phạm Minh Chính đang kêu gọi châu Âu đầu tư. Vì thế, chính quyền “hoãn binh”, chưa xử Phạm Đoan Trang, người được giải thưởng “Tác động” của RFS. Nhưng đi châu Âu về, Đảng có cho xử nặng hơn?

Hình minh hoạ: Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhà báo Phạm Đoan Trang /AFP/RFA edit 

Nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết các cáo buộc chống lại bà Phạm Đoan Trang xuất phát từ ít nhất ba báo cáo nhân quyền, mà bà là đồng tác giả, cũng như các trả lời phỏng vấn với một số hãng truyền thông nước ngoài. Ba báo cáo bao gồm báo cáo về thảm họa môi trường biển Formosa năm 2016 (liên quan đến công ty Đài Loan Formosa), Luật về tôn giáo năm 2016 và về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nói chung. Các chuyên gia nhận định: “Điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam 1999, mà bà Phạm Đoan Trang bị buộc tội, được định nghĩa một cách mơ hồ và vi phạm các chuẩn mực nhân quyền quốc tế”. Các chuyên gia một lần nữa kêu gọi Chính phủ Việt Nam bãi bỏ tất cả các điều khoản xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Các chuyên gia cho biết, việc bắt và giam giữ một cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình để báo cáo về các vấn đề nhân quyền là tước đoạt tùy tiện quyền tự do của người dân theo luật pháp quốc tế về nhân quyền. Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ đã khẳng định việc chính quyền Việt Nam giam giữ bà Phạm Đoan Trang là tùy tiện trong thông báo “Opinion 40/2021”, ban hành tháng 9/2021 [2].

Có thể gọi là “nghịch lý Việt Nam” khi các báo cáo tổng kết lại những quan ngại về nhân quyền đang được sử dụng chống lại chính những người bảo vệ nhân quyền, được sử dụng làm bằng chứng chống lại Đoan Trang trong phiên tòa hình sự. Điều này, theo các chuyên gia của LHQ,  có thể gây ra những hậu quả sâu rộng và củng cố bầu không khí khủng bố ở Việt Nam, dẫn đến việc tự kiểm duyệt và ngăn cản những người khác hợp tác với LHQ. Hoạt động của các báo cáo viên đặc biệt và các chuyên gia độc lập nằm trong “Các Thủ tục Đặc biệt” của Hội đồng Nhân quyền, tên gọi chung để chỉ cơ chế giám sát độc lập của cơ quan Nhân quyền LHQ. Các chuyên gia về “các Thủ tục Đặc biệt” không phải là nhân viên LHQ, làm việc tự nguyện và không nhận lương. Công việc của các chuyên gia nói trên độc lập với bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào.

Về sức khỏe của bà Phạm Đoan Trang, theo nhóm chuyên gia LHQ, bà chỉ mới được điều trị y tế gần đây, bất chấp sức khỏe của bà ngày càng giảm sút.

Ông Phạm Chính Trực, anh trai nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nói với truyền thông quốc tế hôm 23/10 rằng, từ khi Phạm Đoan Trang bị bắt giam tới nay đã một năm nhưng gia đình vẫn chưa một lần được gặp. Các chuyên gia kêu gọi các cơ quan chức năng trước mắt cho phép bà Phạm Đoan Trang nhận được tất cả các chăm sóc y tế cần thiết. Một trong những lý do khiến Phạm Đoan Trang có thể được xử nhẹ lần này, theo ông Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí cho biết, có thể do chính quyền Việt Nam đang phải đàm phán với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ và EU, Canada, Úc, để có thêm nhiều vắc-xin và nhanh chóng ổn định tình hình kinh tế hiện nay. Bên cạnh đó, có thể Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giữ chân các doanh nghiệp phương Tây, vốn đang tính chuyển kinh doanh sang các nước khác do tình hình khó khăn vì dịch COVID.

“Do đó, đây có thể là những bất lợi đối với chính quyền Việt Nam liên quan đến nhân quyền, nhưng có lợi cho các vụ án chính trị hiện nay,” ông Long nói.

Cũng theo ông Trịnh Hữu Long, các can thiệp, ý kiến từ LHQ vẫn rất quan trọng. “Lâu nay nhiều người vẫn chỉ trích LHQ là một tổ chức kém hiệu quả. Tuy nhiên tôi cho rằng ý kiến của họ vẫn rất có giá trị và là những ý kiến mà chính quyền Việt Nam phải để ý tới và phải phản hồi”. Bên cạnh đó, ông Long nhấn mạnh vai trò của sức ép trong nước. Ông nói: “Những hoạt động vận động của chúng ta ở trong nước từ xưa tới nay có hiệu quả tới đâu quả thật rất khó nói. Nhưng tôi cho rằng đây chính là sức ép mà chính quyền Việt Nam e ngại nhất. Chỉ bằng cách gây sức ép chúng ta mới có thể bảo vệ được những người đã dấn thân đấu tranh cho dân chủ… Do đó mong công chúng Việt Nam quan tâm tới các vụ án chính trị nhiều hơn, trong đó có vụ án của nhà báo Phạm Đoan Trang và lên tiếng về vụ án này bằng bất kỳ phương tiện nào bạn có”.

RFA

Previous
Previous

Sự kiện giới thiệu sách của cựu đại sứ Mỹ tại VN bị đột ngột hủy

Next
Next

Tang lễ ông Bùi Diễm, cựu Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ (1967-1972)