Thiếu Hiểu Biết Hay Cẩu Thả?

Ba ngày trước Tết Quý Mão 2023, chính quyền Đà Nẵng đã phải gỡ bỏ linh vật mèo Xuân Quý Mão tại đường hoa Tết do bị tố “đạo nhái” thiết kế của một nhà thiết kế người Nam Hàn Lee Sangsoo. Tác phẩm có bảng ghi “Cat with a ball” với tên tác gải là Lee Sangsoo.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope ở Hoa Kỳ viết trên Facebook cá nhân của ông rằng: “Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại mà “sản phẩm trí tuệ” trở nên rất quan trọng trong mọi lĩnh vực về văn hóa, khoa học, y tế, kinh tế và quân sự. Do vậy, việc “tôn trọng” sở hữu trí tuệ cần được quan tâm thực hiện thật nghiêm túc để tạo động lực cho người tài cống hiến và cho xã hội phát triển. 

Mình hy vọng qua việc này Đà Nẵng nên thực hiện nghiêm túc việc sửa sai và có động thái xin lỗi phù hợp với tác giả của chú mèo xoắn cuộn!”

Theo truyền thông nhà nước, khi nghe ý tưởng của mình bị ăn cắp, tác giả Lee Sangsoo cảm thấy xấu hổ và bị xúc phạm. Ông này cho rằng người khác không được nhái ý tưởng của ông, cũng không được phép sử dụng tên của ông như thế.

Lý giải về việc này, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, nói do nhóm tác giả khi nộp tác phẩm dự thi Cat with a ball cho thành phố đã ghi đầy đủ tên tác giả người Nam Hàn, nguồn gốc tác phẩm nên được chọn đưa vào trang trí đường hoa Xuân. Nhóm tác giả sau đó cho biết đã lấy ảnh từ trên mạng, tạo hình theo, trang trí tại tiểu cảnh phụ, gắn tên mà chưa có bản quyền tác giả.

Đây được coi là một trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hay nói cách khác là ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, không bị ban tổ chức phát giác, ngăn chặn.

 Giáo sư Đặng Hùng Võ giải thích với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) hiện trạng này:

“Việt Nam thì rất đểnh đoảng với chuyện xem xét về bản quyền. Nhất là bản quyền của sở hữu trí tuệ. Bởi vì người ta đạo văn, đạo nhạc và cho đấy là chuyện bình thường. Đấy là hành vi ăn cắp chứ không thể nói khác được.

Còn chuyện mà người ta có thể sử dụng của ai đó, thậm chí chỉ cần thuyết minh là có viết tên tác giả chính là ổn. Như thế, cách hiểu về sở hữu trí tuệ của Việt Nam rất là mù mờ, không đúng với cơ chế khẳng định sở hữu trí tuệ trên thế giới hiện nay. Tôi cho rằng, văn hóa về sở hữa trí tuệ ở Việt Nam còn quá thấp.

Đấy là một thói quen, một quan niệm về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam không đúng mức. Không phản ảnh được sự sở hữu và giá trị của sở hữu trí tuệ. Đấy chính là cái cần khắc phục”.

Làm Sao “Trị” Dứt Điểm?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2019), quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Trong đó, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Chuyện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận trí tuệ là chuyện không riêng của nước nào, nhưng cách giải quyết của Việt Nam bị cho là nguyên nhân cho tệ nạn này lan rộng. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng phân tích:

“Chuyện trộm cắp, kể cả trộm cắp sở hữu trí tuệ thì trên thế giới nước nào chả có. Nhưng vấn đề là khi xảy ra nhiều quá thì nó liên quan đến cách tổ chức của chúng ta.

Bằng chứng là ông Nguyễn Đức Tồn, trước là viện trưởng Viện ngôn ngữ học, từng đạo văn ba mươi mấy lần với những bằng chứng không thể cãi. Cuối cùng một ban điều tra được thành lập mà kết quả là huề, vì họ đẩy sang chuyện ‘vi phạm tác quyền’. Mà theo luật, 50 năm sau khi tác giả chết thì không còn tác quyền nữa.

Ngoài ra, ông Chủ tịch Hội đồng Giáo sư - theo luật là Bộ trưởng Bộ giáo dục - lúc đó là ông Phùng Xuân Nhạ, người ra quyết định thành lập Ban thanh tra cựu viện trưởng viện ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn, lại bị ông Nguyễn Tiến Dũng, Giáo sư toán học ở Đại học Toulouse viết bài tố cáo đích danh ông Nhạ đạo văn như thế nào. Chính ông Nhạ đạo văn thì làm sao xử ông đạo văn khác?”

Theo Phó Giáo sư Hoàng Dũng, chuyện vi phạm sở hữu trí tuệ hay sử dụng bằng cấp giả ở Việt Nam, được coi là gian lận về học thuật, xảy ra khá nhiều mà căn nguyên chính là do bệnh thành tích, háo danh của xã hội. 

Tháng 11 năm 2020, một sự kiện liên quan đến giáo dục được báo chí chính thống lẫn cư dân mạng xã hội bàn tán mạnh mẽ, xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô ở Hà Nội - một trong những Đại học ngoài công lập được thành lập sớm nhất tại Việt Nam.

Theo đó, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng Cử nhân giả cho 193 người không qua tuyển sinh, đào tạo. Trong đó có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án Tiến sĩ. Điều đáng nói là các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo này đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành; phần lớn đang làm Thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo Đại học ngành Tư pháp.

 Dư luận yêu cầu công khai danh tánh 55 trường hợp sử dụng bằng giả này. Nhà báo Nguyễn Như Phong, cũng là một cựu đại tá công an Việt Nam, đăng trên Facebook cá nhân của ông rằng ông đang có danh sách 55 vị này. Ông gia hạn nếu trong một tháng, các vị này không làm đơn xin rút ngay khỏi các chức vụ hiện có thì ông sẽ công khai danh tính từng vị. Ông cho biết sẽ chịu trách nhiệm về tính trung thực của danh sách này.

Đến hôm nay, danh sách này vẫn chưa được tiết lộ. Điều này được cho là nạn gian dối về trí tuệ ngày càng lan rộng tại đất nước có nhà cầm quyền CS.

Previous
Previous

Chính quyền VN bị chất vấn về các tù nhân chính trị, tôn giáo ‘đã chết đáng ngờ’

Next
Next

Tết chưa qua, họa ập đến. Đầu năm mèo chuột trồi lên, ông Trọng ra tay hay sợ vỡ bình?