Thẩm Thúy Hằng, huyền thoại điện ảnh Sài Gòn trước 1975, qua đời ở tuổi 83 

Thẩm Thúy Hằng, giai nhân được săn đón hàng đầu của điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975, vừa qua đời tại TPHCM, thọ 83 tuổi.

Ngôi sao nổi tiếng hàng đầu của làng nghệ thuật miền Nam Việt Nam trước năm 1975, Thẩm Thúy Hằng, qua đời hôm 7/9 ở tuổi 83 tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo các bản tin của báo chí trong nước.

Thông tin về sự ra đi của Thẩm Thúy Hằng, người từng là một trong ‘tứ đại mỹ nhân’ của Sài Gòn – cùng với Kiều Chinh, Thanh Nga và Kim Cương – trong những thập niên từ 1950 đến 1970, được Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy xác nhận với các báo mạng ở Việt Nam.

Sinh ra tại Hải Phòng năm 1940, Thẩm Thúy Hằng, tên thật là Nguyễn Kim Phụng, được gia đình đưa vào An Giang sinh sống và sau đó lên Sài Gòn lập nghiệp. Nổi lên từ vai Tam Nương trong phim “Người đẹp Bình Dương” cuối thập niên 1950, Thẩm Thúy Hằng sau đó nhanh chóng trở thành biểu tượng nhan sắc trong làng điện ảnh Sài Gòn nói riêng và miền Nam Việt Nam nói chung.

Được mệnh danh là “tuyệt đỉnh giai nhân”, Thẩm Thúy Hằng không những nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam lúc đó mà còn được biết tiếng tại nhiều nước châu Á, theo Zing News. Ngoài các bộ phim Việt Nam, bà còn hợp tác với điện ảnh của Mỹ và một số nước trong khu vực như Hong Kong, Philippines và Nhật Bản.

Ở đỉnh cao của sự nghiệp, bà hai lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc Á Châu tại Liên hoan phim Đài Bắc. Sắc đẹp của bà được công nhận cả ở ngoài Việt Nam khi bà đoạt giải Ảnh hậu Á châu tại LHP Á Châu ở Hong Hong và Đài Loan, lần lượt năm 1972 và 1974, và giải Nữ diễn viên khả ái nhất tại LHP Moscow và Tasken của Liên Xô đầu thập niên 1980.

Thẩm Thúy Hằng tham gia diễn xuất trong khoảng 60 bộ phim. Bên cạnh đó, bà còn đóng kịch và hát cải lương. Bà là một trong số ít nghệ sĩ tham gia điện ảnh của cả hai thời kỳ trước và sau năm 1975. Với nhiều vai diễn trong các bộ phim của điện ảnh cách mạng, bà được nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú.

‘Trai tài, gái sắc’

Với sắc đẹp nổi bật, Thẩm Thúy Hằng đã vượt qua hơn 2.000 thí sinh để giành giải nhất cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân khi mới 16 tuổi. Nghệ danh Thẩm Thúy Hằng được ông chủ hãng phim Mỹ Vân đặt cho bà. Sau vai diễn đầu tiên trong “Người đẹp Bình Dương” của hãng phim này năm 1958, bà trở thành ngôi sao tỏa sáng của làng điện ảnh lúc bấy giờ với mức cát-xê lên đến một triệu đồng – tương đương 1kg vàng 9999 thời đó, theo Người Lao Động.

“Thẩm Thúy Hằng sở hữu một nhan sắc lộng lẫy, kiều diễm,” nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận định trên trang Facebook cá nhân hôm 7/9. “Bà được so sánh với Elizabeth Taylor – người đàn bà mắt tím của Hollywood, không phải là không có lý do.”

Không chỉ nổi tiếng trong làng điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn được biết tới khi là phu nhân của Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Xuân Oánh, người được đào tạo về kinh tế tại Đại học Harvard và từng làm việc ở Mỹ trước khi trở về phục vụ chính quyền miền Nam Việt Nam.

Được xem là một cặp đôi “trai tài gái sắc”, giữa một nữ minh tinh điện ảnh khả ái và một chính khách đang nổi trên chính trường, bà và ông Oánh, người đảm nhận vai trò Thống đốc Ngân hàng quốc gia ngay sau khi về nước năm 1963 trước khi trở thành phó thủ tướng và từng có thời gian nắm quyền thủ tướng, kết hôn năm 1970 sau khi vượt qua tất cả những bàn tán của dư luận một thời.

Tiến sĩ Oánh được cho là người có ảnh hưởng tới quyết định ở lại Việt Nam sau ngày Sài Gòn sụp đổ năm 1975 của Thẩm Thúy Hằng. Người chồng hơn bà 20 tuổi đã không rời Sài Gòn như hầu hết những người từng phục vụ trong chính quyền miền Nam Việt Nam lúc đó. Ông Oánh ở lại và được tin tưởng trong vai trò cố vấn kinh tế của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng như được bầu vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là đại biểu quốc hội.

Trong khi đó, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục đóng phim và tham gia trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của chính quyền cách mạng. Vai diễn cuối cùng của bà là Phồn Y trong vở “Lôi vũ” của đoàn kịch nói Kim Cương.

Theo phóng viên Peter R. Kann của Wall Street Journal trong một bài viết công bố vào tháng 4/1985 được BBC trích dẫn, Thẩm Thúy Hằng đang ở Bangkok, Thái Lan, để quay phim khi quân đội Cộng sản tiến vào Sài Gòn tháng 4/1975.

Nói với Wall Street Journal về lý do ở lại Việt Nam sau năm 1975, Thẩm Thúy Hằng cho biết bà “không biết gì về chính trị, mà chỉ biết đây là quê hương tôi.”

Sống ẩn dật

Sau khi giã từ màn ảnh và đặc biệt là sau khi chồng mất vào năm 2003, Thẩm Thúy Hằng không còn xuất hiện trước công chúng mà chọn một cuộc sống ẩn mình. Bà tu tại gia, nghiên cứu thiền học, làm từ thiện cũng như ít tiếp xúc bên ngoài, theo Dân Trí.

Một trong những lý do được cho là khiến giai nhân được săn đón hàng đầu một thời của điện ảnh Sài Gòn có cuộc sống khép kín là vì những biến chứng sau các cuộc phẫu thuật để duy trì sắc đẹp của bà.

Lần hiếm hoi duy nhất xuất hiện trước công chúng của Thẩm Thúy Hằng được báo chí đưa tin là hình ảnh của bà tại đám cưới con trai của nghệ sỹ Mỹ Chi, một người bạn thân của bà, năm 2013 tại TPHCM. Theo VnExpress, đây là lần bất ngờ lộ diện của bà sau nhiều năm ẩn cư.

Nghệ sỹ Kim Cương, người được biết là đồng nghiệp thân thiết với Thẩm Thúy Hằng hàng chục năm qua, được VnExpress trích lời nói rằng dù đã giải nghệ, ẩn cư từ lâu nhưng Thẩm Thúy Hằng "vẫn giữ đam mê với kịch nói, quan sát tình hình sân khấu đương đại."

Nói với Thanh Niên, nghệ sỹ Lê Thiện, người nhận tin Thẩm Thúy Hằng qua đời và chia sẻ với Hội Sân khấu, cho biết bà biết Thẩm Thúy Hằng bị “bệnh lâu rồi” và “xót xa, tiếc thương cho cuộc đời một nghệ sỹ tài năng nhưng lận đận ở tuổi xế chiều.”

Được biết Thẩm Thúy Hằng có 4 người con trai với ông Oánh và họ đều sống ở nước ngoài. Theo NSƯT Kim Cương họ hiện đang trở về Việt Nam để lo hậu sự cho bà.

Thẩm Thúy Hằng còn có một người con gái với người chồng đầu tiên trong cuộc hôn nhân ngắn ngủi vào cuối thập niên 1950 – đầu thập niên 1960 nhưng đã cho con đi khi sự nghiệp của bà đang thăng tiến. Theo Tri thức & Cuộc sống, con gái bà, được cho là đang sống ở Mỹ, đã không nhận bà là mẹ và từ chối mọi sự dính líu tới bà.

“Có lẽ vị thế của một ngôi sao điện ảnh, một giai nhân kiều mị như Thẩm Thúy Hằng khiến bà luôn đứng giữa lằn ranh của sự ái mộ lẫn sự chỉ trích, giữa những hào quang rực rỡ lẫn những góc khuất, những cay nghiệt của miệng đời và cả một ‘đại lộ hoàng hôn’ nhiều cay đắng buồn tủi,” Lê Hồng Lâm viết.

Theo nhà phê bình điện ảnh này, nếu có một “Sunset Boulevard” của Việt Nam, thì “không ai khác để đóng vai chính ngoài Thẩm Thúy Hằng. Thế nhưng, tên tuổi của bà mãi vẫn là một huyền thoại của điện ảnh Sài Gòn trước 1975.”

Previous
Previous

Việt Kiều Mỹ tố bị một phụ nữ ở Sài Gòn lừa 139.000 USD

Next
Next

Kiều Chinh nhớ về Thẩm Thúy Hằng