Tại sao Trí Tuệ Việt Nam phải rời bỏ đất nước mới bay cao?
Người ta có thể liệt kê hàng trăm tên tuổi của người Việt thành danh trên đất Mỹ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả lĩnh vực Chính trị, Tư pháp và Quân đội. Gần đây báo chí Việt nam còn nhắc đến tên Thiếu tướng quân đội Hoa kỳ Lương Xuân Việt hay Thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Ngọc là vị thẩm phán gốc Việt đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ được bổ nhiệm chủ tọa Tòa án cấp Liên bang.
Báo chí Việt nam còn ghi nhận hầu như tất cả Quán quân cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia đều định cư ở nước ngoài chứ không có ai muốn về nước.
Ngày 29-5-2023, trên Blog cá nhân của Nhạc sĩ Tuấn Khanh có bài viết “Trí Tuệ Việt, Sao Cứ Phải Xa Nhà Mới Có Thể Bay Cao?”
Nếu tính cả tác giả Dương Thu Hương, diễn viên Quan Kế Huy, thì mùa hè 2023 có vẻ như là giai đoạn thật sự là bội thu, mang lại sự hãnh diện của người Việt Nam, qua những giải thưởng nghệ thuật quốc tế, Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết.
Ngày 27 Tháng Năm, tất cả cả tin tức trên báo chí và hãng tin lớn của thế giới đều xướng tên hai người Việt Nam đoạt giải tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76. Đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất, và đạo diễn Phạm Thiên Ân đến từ Việt Nam được tặng giải Ống kính vàng dành cho phim đầu tay hay nhất.
Giải thưởng năm nay của Trần Anh Hùng tại Liên hoan phim Cannes, chuyển thể từ tiểu thuyết “Cuộc sống và đam mê” của Dodin-Bouffant nói về nghệ thuật ẩm thực Pháp.
Một người Việt khác, là đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân cũng đoạt giải thưởng “Ống kính vàng” với bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng”.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân, sinh năm 1989, sau đó định cư tại Hoa Kỳ vào năm 2015. Phim này anh quay về nước, lấy bối cảnh Việt Nam để thực hiện.
Câu chuyện của những người Việt Nam bước ra thế giới và thành danh, dường như đều có chung những điều khó nói trên báo chí trong nước.
Quan Kế Huy khi được truyền thông Việt Nam rầm rộ đưa tin, nhấn mạnh là gốc Việt, thì không thể thuyết minh được hành trình của ông có mặt tại Hoa Kỳ. Tác phẩm Chốn Vắng của Dương Thu Hương thì tất cả các nhà báo trong nước nhận được lệnh không được đề cập đến.
Phim Xích Lô của Đạo diễn Trần Anh Hùng được báo chí nhà nước mô tả như là một cuốn phim đầy âm mưu chống phá, mô tả đất nước đầy bạo lực.
Đạo diễn bị gán là “một kẻ nguy hiểm”. Dĩ nhiên, đã nguy hiểm thì phải cấm. Trần Anh Hùng bị cấm vào nước trong nhiều năm.
“Năm 1997, tôi được tham gia buổi giao lưu văn hóa giữa Tòa tổng lãnh sự (TLS) Đức với báo chí và các thành phần trí thức ở Sài Gòn nên được chứng kiến câu chuyện liên quan đến đạo diễn Trần Anh Hùng”, Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhớ lại.
“Lúc đó, đại diện tòa tổng lãnh sự Đức phát biểu, trong đó có nhắc và ca ngợi sự thành đạt của điện ảnh người gốc Việt Trần Anh Hùng trên quốc tế. Bất ngờ, nữ nhà báo NNNL (báo Sài Gòn Giải Phóng) đột ngột đứng lên phản đối. Bà nói đó là tên phản động, xuyên tạc đất nước, nên phía Đức không được nói hắn ta là người Việt. Vị đại diện TLS Đức sau khi nghe dịch, thoáng ngập ngừng một chút rồi nói tiếp, mà không xin lỗi. Có lẽ ông ta tin rằng người Việt thì cũng có nhiều thành phần, bao gồm cả thành phần như bà ta. Kể như vậy, để biết bộ phim này đã gây niềm hứng khởi tấn công từ phía các người làm báo tận tụy với công việc tư tưởng như thế nào.”
Trần Anh Hùng nói: “Tôi không hề nghĩ đến chuyện bôi nhọ đất nước của tôi. Tôi là một nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài. Và Tổ quốc Việt Nam rất thiêng liêng đối với tôi. Nếu ai không hiểu về tôi mà kết luận vội vàng về tôi thì đó là một ác cảm ghê tởm tôi không thể tưởng tượng nổi… Mục đích của tôi khi làm phim này là để đưa vào nền Điện ảnh thế giới một tác phẩm nghệ thuật do một người Việt Nam làm.
Ai cũng biết trong xã hội nào cũng có mảng sáng và mảng tối. Đó cũng có nghĩa là thiện và ác. Tôi muốn thể hiện cái ác ghê gớm bao nhiêu thì sự tồn tại và giá trị của cái thiện càng lớn bấy nhiêu”.
Đọc những dòng tự bạch của đạo diễn Trần Anh Hùng, và trải qua những gì đã có trên đất nước, người ta chợt hiểu rằng kiểm duyệt ở Việt Nam, là những ý tưởng lem luốc về chính trị, và phần lớn bao gồm những gì người kiểm duyệt không đủ sức hiểu nổi.
Họ cắt, cấm, chận, bỏ… những điều họ không đủ trình độ thu nạp, mà mục đích là an toàn trên hết. An toàn trong sự chật chội của trí tưởng nông cạn và hèn nhát.
Các hội nghệ thuật âm nhạc, điện ảnh, văn chương… được nhà nước tung mỗi năm hàng ngàn tỷ nuôi dưỡng, cùng vô số hội hè, sao không thấy ai có thể chạm ngõ được thế giới nghệ thuật truyền thống của thế giới, mà chỉ có những người đi xa nhà mới nhận được sự vinh danh?
Nhạc sĩ Tuấn Khanh đặt câu hỏi.
Hoàng Anh – Thoibao.De