Tiền đang phá nát môi trường giáo dục Việt Nam
Thái Hạo
Từ đầu năm học tới giờ, tôi liên tục nhận được các tin nhắn của phụ huynh khắp nơi, chia sẻ những bất bình về các khoản thu trên trời dưới đất tại các nhà trường. Trên báo tất nhiên là cũng đang tràn ngập thông tin loại này. Như một đại dịch chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.
Về đại nạn này, trước mắt khi nhà nước chưa có một hành động gì dứt khoát để giải quyết thì chỉ còn biết trông cậy vào phụ huynh. Nếu phụ huynh không tự mình lên tiếng thì chịu, nạn dịch cứ thế lan tràn và ngày càng tàn phá kinh hoàng, làm băng hoại hoàn toàn môi trường giáo dục.
Phụ huynh cần nhớ, nhà trường chỉ được thu và phụ huynh chỉ phải bắt buộc nộp hai khoản tiền, là HỌC PHÍ và Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh.
Tất cả các khoản khác chỉ nộp khi có sử dụng dịch vụ hoặc TỰ NGUYỆN ủng hộ. Ví dụ, nếu con bạn không đi học thêm thì không phải nộp, nếu bạn không sử dụng dịch nhận tin nhắn thì không phải đóng tiền, v.v… Các khoản ủng hộ cũng thế, đó là tự nguyện, không ai có quyền chia đầu người và bắt các bạn nộp được.
Tóm lại là thế này, bạn chỉ nộp học phí và bảo hiểm y tế; từ chối tất cả các khoản tiền khác nếu bạn không dùng dịch vụ hoặc không ủng hộ. Ngoài hai khoản tiền trên, bất cứ trường nào có dấu hiệu ép buộc thì đều đang vi phạm pháp luật.
Bạn phải lên tiếng và đấu tranh. Một mình không được thì kêu nhau cùng đấu tranh. Xin xem thêm chi tiết các khoản được và không được thu ở văn bản luật đính kèm: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ho-tro-phap-luat/cac-khoan-nha-truong-duoc-thu-va-khong-duoc-thu-cua-hoc-sinh-nam-20232024-la-nhung-khoan-nao-104593.html
Để làm trong sạch trở lại môi trường giáo dục, cần giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh, vì tổ chức này đã bị biến tướng nặng nề, dưới danh nghĩa các loại quỹ và xã hội hóa, ngoài làm cánh tay nối dài để thu hộ nhà trường ra, Ban này hầu như không có tác dụng gì khác.
Tiền đang làm băng hoại môi trường giáo dục, phá nát quan hệ thầy trò, hủy hoại quan hệ nhà trường – phụ huynh, bóp méo và làm hỏng chương trình giáo dục quốc gia… Một cách căn bản, cần phải “trục xuất” tiền ra khỏi nhà trường, chỉ dùng thuế của người dân đã đóng góp để vận hành nền giáo dục.