Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yếu đến mức nào mà Chủ tịch nước Tô Lâm phải điều hành
Theo thông báo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn điều hành các hoạt động của Đảng, thay vào đó là Chủ tịch nước Tô Lâm.
Một số nguồn tin giấu tên từ Hà Nội tiết lộ với BBC rằng, ông Trọng “đã rơi vào hôn mê sâu từ chiều hôm qua 17/7”.
Cần lưu ý thêm rằng ông Trọng đã vắng mặt gần một tháng nay. Lần cuối ông xuất hiện trước công chúng là vào 20/6 khi tiếp Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội. Nhưng bất chấp những đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông Trọng, báo chí Việt Nam vẫn im lặng trong khoảng thời gian qua.
Báo Nikkei nhận xét sau khi Bộ Chính trị có thông báo về sức khỏe ông Trọng: “Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6, những hình ảnh ông Trọng do hãng thông tấn Nga chụp trông ốm yếu hơn trước, có thể do tác dụng phụ của thuốc“.
Thông báo chính thức của Đảng về tình hình sức khỏe của tổng bí thư là một hành động hiếm hoi. Vì vậy, có thể thấy sức khỏe của ông Trọng đang trong tình trạng nguy kịch và thời gian qua ông đã phải “vừa điều hành công việc, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe”.
Tính nghiêm trọng của vấn đề được thể hiện qua thông báo:
“Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung huy động đội ngũ các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia đầu ngành và những điều kiện thuận lợi nhất để điều trị, chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Tổng bí thư.
“Đến nay, do yêu cầu cần phải tiếp tục ưu tiên dành thời gian để đồng chí Tổng bí thư tập trung điều trị tích cực và để bảo đảm công tác điều hành chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII, trước mắt, Bộ Chính trị phân công đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định”.
Sau đó là lời kêu gọi “toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tăng cường đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng…”
Theo thông báo, Bộ Chính trị đã thống nhất chọn Chủ tịch nước Tô Lâm “chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Việc chủ trì các công việc của Đảng vốn là quyền hạn của tổng bí thư.
Trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam thì tổng bí thư là người đứng đầu đảng và thường trực Ban bí thư có vị trí và nhiệm vụ tương đương với một phó tổng bí thư. Nghĩa là khi tổng bí thư không thể điều hành Đảng thì thường trực ban bí thư sẽ tạm thay và làm quyền tổng bí thư.
Thế nhưng, Chủ tịch nước Tô Lâm – nguyên thủ quốc gia – lại là người được giao trọng trách “điều hành” Đảng khi sức khỏe của ông Trọng tạm thời không thể đảm đương trọng trách.
Về điểm này, một nguồn thạo tin nói với BBC News Tiếng Việt: “Trước khi hôn mê sâu vào chiều ngày 17/7 thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chọn ông Tô Lâm là người điều hành, sau đó Bộ Chính trị đã thống nhất.”
“Cần lưu ý thông báo của Đảng dùng chữ ‘điều hành’, chứ không dùng từ ‘quyền tổng bí thư’ nên thường trực Ban Bí thư bị gạt ra ngoài và vì thế, Chủ tịch nước Tô Lâm đảm nhiệm là điều không có gì sai.”
Nguồn tin cũng cho BBC biết rằng, trong số các thành viên trong Bộ Chính trị hiện tại thì có Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính là hai người đã làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị và đang trong nhiệm kỳ thứ hai.
Do đó, theo Quy định 214 của Bộ Chính trị, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính là đủ tiêu chuẩn để đảm đương trọng trách.
Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện tại, Thủ tướng Chính tiếp tục điều hành chính phủ để ổn định sẽ là điều hợp lý hơn. Nhưng quan trọng nhất, theo nguồn tin này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng Chủ tịch nước Tô Lâm vì ông Tô Lâm đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đốt lò chống tham nhũng của mình.
Cuộc chiến đốt lò của ông Trọng được giới chuyên gia, quan sát chính trị nhận định sẽ là di sản của ông.