Tập Cận Bình thăm Việt Nam kỳ này: tên gọi gì cho mối quan hệ?

RFA

Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 12/12/2023 - AP

Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình công du Việt Nam trong hai ngày 12 và 13/12/2023. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Bản tuyên bố chung; theo đó mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” của hai nước sẽ hướng tới xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Cộng có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.” Theo một số nhà nghiên cứu, sự thay đổi tên gọi này cho thấy nhiều điều thú vị đằng sau mối quan hệ của hai nước láng giềng này.

Vì sao không còn tên gọi “chung vận mệnh”? 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học Canberra, Úc, việc đổi tên gọi quan hệ của hai nước rất thú vị. Không phải là “cộng đồng chung vận mệnh” mà là “chung tương lai”. Và họ không chỉ “chung tương lai” mà cái tên này có bổ ngữ rất dài phía sau: “có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.” Theo ông Nguyễn Thế Phương, cái bổ ngữ rất dài phía sau tên gọi này là một chỉ dấu quan trọng để thấy những điều Việt Nam muốn có từ mối quan hệ. Điều đó cho thấy Việt Nam chính là bên chủ động, cố gắng thay đổi tên gọi, làm cho bản chất quan hệ sẽ thay đổi so với quan hệ của Trung Cộng với các nước khác, và quan hệ của Việt Nam với Trung Cộng cũng khác quan hệ với các cường quốc khác. 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật Tp. HCM nhận xét rằng trong chuyến thăm này của Tập Cận Bình tới Việt Nam, có một số vấn đề mà Việt Nam quan tâm: trước hết là kinh tế thương mại, đó là cái Việt Nam rất cần; thứ hai là một loạt sáng kiến của Trung Cộng. 

Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh là một sáng kiến lớn, trong đó có nhiều sáng kiến nhỏ, như BRI (vành đai con đường), Sáng kiến Văn minh toàn cầu, Sáng kiến an ninh toàn cầu... Khi “du hành” tới Việt Nam thì Trung Cộng đã phải đổi tên gọi “Sáng kiến” này thành “Cộng đồng chia sẻ tương lai.” Theo ông Hoàng Việt, nếu dùng khái niệm "vận mệnh" thì Việt Nam có thể phản đối. Việt Nam có lẽ e ngại khái niệm này vì "vận mệnh" có khả năng dẫn tới cách diễn giải là "tôi sống thì anh sống, tôi chết thì anh chết". Trong đó khi đó, quan điểm của Việt Nam là "không chọn bên". Chiến lược của Việt Nam là “ngoại giao cây tre”, tức phần gốc thì vững chắc, không đổi, nhưng phần thân và ngọn thì linh hoạt. Nếu nói hai nước "chung vận mệnh" thì sẽ bị diễn giải là Việt Nam chọn bên. 

Sáng kiến Vành đai con đường là một bộ phận của Sáng kiến Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Cộng. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận định rằng tuyên bố của cả hai bên trước đây nói rất rõ là tiếp tục phát triển tuyến đường sắt kết nối Lào Cai - Hà Khẩu Bắc (Trung Hoa) và Hải Phòng, đồng thời thảo luận về tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam. 

Nghi thức đón tiếp: ai hơn ai?

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng chuyến thăm của Tập Cận Bình thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vì Việt Nam mới nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Dù sao thì Mỹ và Nhật cũng đang là đối thủ của Trung Cộng. 

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden, nghi thức được giảm thiểu tối đa, không trải thảm đỏ, không bắn 21 phát đại bác. Nhưng với Trung Cộng thì các biểu tượng nghi thức rất quan trọng. Ngoài ra, khi Việt Nam thăm Trung Cộng thì Trung Cộng cũng đón rất trọng thể. 

Các biểu tượng trong nghi thức đón tiếp ông Tập Cận Bình do đó cũng là cách mà Trung Quốc và Việt Nam muốn chứng tỏ là Trung Cộng đóng vai trò rất quan trọng, hơn Mỹ. Tất nhiên, đó mới là xét về nghi thức, vì còn nhiều vấn đề khác. 

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, trong bối cảnh ông Tập Cận Bình đang muốn cân bằng lại ảnh hưởng ở Việt Nam, có những vấn đề ẩn giấu bên trong quan hệ hai nước, trong đó có tranh chấp Biển Đông. Nhất là gần đây thì xung đột giữa Trung Cộngvà Philippines vẫn đang dâng cao. 

Previous
Previous

Gia đình Nguyễn Tiến Trung đã đến được bến bờ tự do

Next
Next

Sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học: Khi nào Bộ Giáo dục sửa thông tư?