Uỷ ban Tom Lantos: Trường hợp Phạm Đoan Trang là điển hình về vi phạm tự do báo chí
Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos Hạ viện Hoa Kỳ vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, cho rằng trường hợp của bà Trang là điển hình về vi phạm tự do truyền thông và tự do báo chí trên toàn thế giới.
“Hơn một nửa số trường hợp trong Dự án Bảo vệ tự do (Defending Freedoms Project – DFP) có liên quan đến báo chí, blog và truyền thông. Một trường hợp như vậy là trường hợp của bà Phạm Đoan Trang, người đã bị kết án 9 năm tù vào năm ngoái. Việt Nam phải trả tự do cho bà ấy ngay lập tức và vô điều kiện”, Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos viết trên Twitter hôm 19/12.
DFP là một dự án của Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos Hạ viện Hoa Kỳ được thành lập từ hơn 10 năm qua nhằm để hỗ trợ các tù nhân lương tâm trên khắp thế giới, khuyến khích các thành viên Quốc hội vận động thay mặt cho các tù nhân lương tâm để họ được tự do, đồng thời ràng buộc trách nhiệm giải trình đối với việc đối xử bất công.
“Chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho tự do của bà Phạm Đoan Trang. Chính phủ Việt Nam đã nhắm mục tiêu và tra tấn bà vì bảo vệ nhân quyền. Cảm ơn Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos và tổ chức Phóng viên Không biên giới Quốc tế (RSF International) và tất cả mọi người đang đấu tranh để trả tự do cho bà ấy và tự do cho tất cả các tù nhân chính trị ở Việt Nam,” Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Ro Khanna, một thành viên của ủy ban, người bảo trợ cho bà Phạm Đoan Trang, viết trên Twitter hôm 22/12.
Cả Dân biểu Khanna và Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos cho biết rằng họ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc trả tự do cho bà Trang và bảo vệ quyền tự do biểu đạt phổ quát.
Trước đó, nhờ sự vận động của Dân biểu Khanna, vào ngày 8/8/2022, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos chấp nhận bảo trợ cho nhà báo, tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang, đồng thời các dân biểu Hoa Kỳ yêu cầu Bộ Ngoại Giao và Nhà Trắng gây áp lực nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho bà.
Dân biểu đại diện cho Quận 17 bang California, cho biết trong một thông cáo: “Bà Trang là một người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền và là người thẳng thắn chỉ trích chính phủ Việt Nam”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và yêu cầu cho ý kiến về những lời kêu gọi này, nhưng chưa được phản hồi. Nhận định về án tù của bà Trang, từ Houston, Texas, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho VOA biết trong một cuộc phỏng vấn trước đây:
“Bản án 9 năm tù giam mà TAND Hà Nội đã tuyên chính là đòn thù mà nhà cầm quyền Việt Nam đã dành để đáp trả cho lòng can đảm của Phạm Đoan Trang. Tôi hy vọng rằng sự dấn thân của chị Đoan Trang sẽ tạo ra thay đổi tích cực trong một xã hội đầy sợ hãi, khiếp nhược”.
Tương tự, bà Sabrina Tucci, Giám đốc Chiến dịch và Truyền thông của Văn bút Quốc tế (PEN International) nêu nhận định với VOA: “Chúng tôi tin rằng việc bỏ tù bà Phạm Đoan Trang là một hành động trả đũa nhằm mục đích bịt miệng và trừng phạt bà vì những việc bà đã làm cho nhân quyền và tự do ngôn luận cũng như nói ra những sự thật gây khó chịu”.
Bà Phạm Đoan Trang bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào tháng 10/2020 về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”, một cáo buộc thường được sử dụng để bỏ tù các nhà văn bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền. Mặc dù việc giam giữ bà Trang khiến quốc tế lên án, bao gồm cả Nhóm công tác LHQ về Giam giữ Tùy tiện, bà vẫn bị kết án 9 năm tù vào ngày 14/12/2021, và sau đó bà kháng cáo nhưng vẫn bị y án trong một phiên phúc thẩm vào tháng 8/2022.
Ngay sau phiên phúc thẩm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ sự “quan ngại” về bản án 9 năm tù đối với “tác giả và nhà báo Việt Nam nổi tiếng Phạm Đoan Trang”, đồng thời kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam “thực hiện quyền tự do ngôn luận mà không sợ bị trả thù, phù hợp với các quy định về quyền con người trong hiến pháp Việt Nam, cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam”.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vào tháng 10/2022 khẳng định rằng việc thúc đẩy nhân quyền là “một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là chìa khóa cho sự cam kết liên tục của chúng tôi với Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam”, và rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “thảo luận thẳng thắn và dựa trên kết quả” với chính phủ Việt Nam về những vấn đề này.
Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos vào năm 2012 phối hợp với Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) và Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ khởi động Dự án Bảo vệ Quyền Tự do (DFP) để hỗ trợ các tù nhân lương tâm trên khắp thế giới. Trong những năm gần đây, liên minh DFP phối hợp thêm với tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Freedom House, Freedom Now, Scholars At Risk, PEN America và Uỷ ban Nhân quyền Thượng viện Mỹ.
Theo định nghĩa của DFP, tù nhân lương tâm là những người bị cầm tù vì thể hiện ôn hòa niềm tin chính trị, tôn giáo hoặc các niềm tin khác do lương tâm của họ, hoặc vì danh tính của họ, mặc dù họ không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực.
Chính quyền Việt Nam bác bỏ việc giam cầm tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm, và cho rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những người “vi phạm pháp luật”.
Đến nay có 25 tù nhân lương tâm Việt Nam được bảo trợ bởi các dân biểu Hoa Kỳ thông qua dự án DFP và phần lớn đã được chính quyền Việt Nam phóng thích, tuy vẫn còn 6 người chưa được trả tự do bao gồm Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hóa, và hai mục sư Tin lành người dân tộc là Y Pum Bya và Y Yich.
Dẫn thống kê của RSF về số nhà báo bị sách nhiễu trên toàn cầu, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos kêu gọi: “Cuộc đàn áp báo chí đang diễn ra phải được chấm dứt. Năm nay [2022] chứng kiến một số lượng kỷ lục các nhà báo đã bị giam giữ hoặc mất tích. Trong 5 năm qua, số nhà báo bị giam giữ đã tăng hơn 60% và tỷ lệ nhà báo nữ bị giam giữ đã tăng hơn gấp đôi”.
Riêng tại Việt Nam, RSF ghi nhận có 39 nhà báo đang phải ngồi tù trong năm 2022, đứng thứ tư thế giới về số lượng các nhà báo bị chính quyền bỏ tù trong năm qua. Tổ chức này cũng nêu bật trường hợp của bà Phạm Đoan Trang trong số những khuôn mặt nhà báo nữ bị bỏ tù.
Nữ nhà báo người Hà Nội từng được trao giải Tầm ảnh hưởng của RSF hồi năm 2019 hiện bị giam trong một nhà tù ở tỉnh Bình Dương cách nhà 1.000 kilomet, bị RSF xem là một chiêu trò của nhà chức trách để bịt thông tin về tình trạng sức khỏe của tù nhân.