Vụ ấn vàng Minh Mạng: Việt Nam nên khởi kiện ngay lập tức?

Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vòng ròng từ thời Vua Minh Mạng, đến nay đã có tuổi gần 200 năm

Chính phủ Việt Nam nên tiến hành khởi kiện bất cứ ai chiếm hữu chiếc ấn vàng của Vua Minh Mạng ngay lập tức vì quyền sở hữu chiếc ấn được xác lập thuộc về nhà nước Việt Nam và việc thương lượng để mua lại ‘là hành động dại dột’, một luật sư người Việt ở Mỹ nói với VOA.

Theo lịch dự kiến thì chiếc ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ truyền quốc của nhà Nguyễn sẽ được Nhà đấu giá Millon đưa ra bán đấu giá ở Paris, Pháp, vào ngày 10/11 tới, sau khi phiên đấu giá ban đầu được dời lại 10 ngày.

Trong phiên đấu giá các cổ vật Việt Nam vào ngày 31/10, chiếc bát vàng của Vua Khải Định đã được bán với giá là 680.000 euro chưa bao gồm thuế và phí, tức là cao gấp 27 lần so với mức giá khởi điểm mà Millon đưa ra là 15.000 euro. Trong khi đó, chiếc kim ấn của nhà Nguyễn được ấn định giá khởi điểm là trong khoảng từ 2 đến 3 triệu euro.

Chính quyền Việt Nam đang thông qua Đại sứ quán tại Pháp làm việc với Millon để yêu cầu họ hủy đấu giá để cho Việt Nam ‘thương lượng mua lại với giá thấp hơn giá đấu giá’, báo chí Việt Nam đưa tin.

‘Chiếm hữu không ngay tình’

Trao đổi với VOA từ thành phố Garden Grove thuộc Quận Cam, bang California, Mỹ, ông Cù Huy Hà Vũ, một nhà bất đồng chính kiến lưu vong, đã đưa ra những lập luận và chứng cứ để chứng tỏ rằng Nhà nước Việt Nam ‘có quyền sở hữu hợp pháp’ đối với chiếc kim ấn và ‘hoàn toàn có cơ sở pháp lý để đòi hoàn trả vô điều kiện’.

Ông Vũ là luật sư lấy bằng ở Pháp. Bản thân ông có mối quan hệ đặc biệt với chiếc ấn ‘Kim bảo tỷ’ (tên gọi khác của ‘Hoàng đế chi bảo’) vì thân phụ ông, nhà thơ Cù Huy Cận, là một trong hai người đại diện cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận ấn, kiếm từ tay Vua Bảo Đại trong buổi lễ thoái vị vào cuối tháng 8 năm 1945.

Ông nói hôm 27/10 ông đã viết một lá thư bằng tiếng Pháp gửi cho chủ tịch hãng Millon là ông Alexandre Millon để khẳng định rằng họ ‘đã làm sai luật’ khi đưa chiếc ấn ra bán đấu giá.

“Trong thư tôi đã khẳng định Kim bảo tỷ thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam và đòi nhà đấu giá Millon rút ấn này ra khỏi phiên đấu giá để Nhà nước Việt Nam tiến hành các thủ tục cần thiết để đưa ấn về lại Việt Nam,” ông Vũ cho biết.

Cơ sở pháp lý của quyền sở hữu này, ông lập luận, là ‘kể từ khi Bảo Đại giao ấn và kiếm thì chúng vĩnh viễn đã thuộc quyền sở hữu của nền Cộng hòa mà đại diện là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa’.

Sau khi nhận được ấn và kiếm, Việt Minh đã để chúng lọt vào tay quân Pháp khi họ tháo chạy khỏi Hà Nội lên Việt Bắc. Quân Pháp sau này đã giao lại cho Bảo Đại khi đó là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam.

“Luật Dân sự của Pháp ở điều 2276 có quy định rất rõ ràng rằng bất cứ ai bị mất hoặc bị trộm thứ gì đó thì đều có thể đòi lại được,” vị luật sư này giải thích.

Ông khẳng định rằng cả Bảo Đại, người thừa kế của ông là bà Monique Baudot, người vợ sau cùng của ông, và người thừa kế của bà Baudot đều ‘chiếm hữu phi pháp chiếc ấn’ mà ông gọi theo thuật ngữ là ‘chiếm hữu không ngay tình’ (possession de mauvaise foi)

“Chiếm hữu không ngay tình là khi anh mua lại hay được cho một tài sản bất minh như đồ ăn trộm hay thất lạc mà anh biết rõ nhưng vẫn giữ,” ông Vũ nói. Khi đó, người chiếm hữu không ngay tình ‘buộc phải hoàn trả tài sản vô điều kiện’.

Chính phủ Pháp làm sai?

Khi được hỏi khi ông Bảo Đại đã được quân Pháp trao lại ấn, kiếm hồi năm 1952 thì có phải là quyền sở hữu của ông được Chính phủ Pháp thừa nhận hay không, ông Vũ phân tích rằng ‘người tìm thấy và giao lại chưa chắc đã có lỗi vì họ nghĩ là của Bảo Đại’.

“Ông Bảo Đại nghiễm nhiên nhận lại vật mình đã cho đi thì đó là chiếm hữu không ngay tình và đó là bất hợp pháp,” ông nói và cho rằng lẽ ra khi nhận lại ông Bảo Đại phải nhận rằng không phải đồ của ông và hứa sẽ trao trả lại cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi có điều kiện.

Ngoài ra, chính quân đội Pháp ở Đông Dương, chứ không phải Chính phủ Pháp vào lúc đó, đã bàn giao ấn, kiếm cho Bảo Đại và ‘không có văn bản nào cho thấy tướng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương được ủy quyền của chính phủ Pháp’ trong việc này, ông lập luận.

Quân Pháp lúc đó không thể trao lại cho Việt Minh vì ‘vấn đề chính trị’, ông Vũ nói, vì ‘Việt Minh lúc đó là đối thủ của họ trong khi Bảo Đại theo Pháp chống Việt Minh’.

Về khả năng Vua Bảo Đại giao ấn, kiếm cho Việt Minh trong điều kiện cưỡng ép vì lo sợ cho tính mạnh và sự an nguy của hoàng tộc, nên Việt Minh chiếm hữu không chính đáng, vị luật sư này cho rằng ‘Bảo Đại thoái vị là do áp lực công khai của một cuộc cách mạng’.

“Bản thân Bảo Đại trong cuốn hồi ký ‘Con Rồng An Nam’ (Le dragon d’Annam) không có câu nào viết rằng chính quyền Việt Minh từ trung ương đến Huế đã đe dọa tính mạng của ông và vợ con ông,” ông Vũ chỉ ra bằng chứng.

Ông cũng cho rằng ấn, kiếm đó ‘không phải là tài sản cá nhân của Bảo Đại hay của vương triều Nguyễn’ mà là tài sản quốc gia, bản thân hoàng đế chỉ là người đại diện để nắm giữ, nên khi có thay đổi chính quyền thì cho dù Bảo Đại không bàn giao chúng cũng thuộc sở hữu của chính quyền mới.

Có từ bỏ quyền sở hữu?

Khi được hỏi rằng kể từ khi để thất lạc chiếc ấn đến nay, chính quyền Việt Nam không hề lên tiếng đòi lại hay phản đối việc ấn, kiếm được bàn giao hay để di chúc lại từ người này sang người khác thì có đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền sở hữu hay không, ông Vũ lập luận rằng ‘không đòi lại không có nghĩa là không có quyền sở hữu’.

Theo giải thích của luật sư Vũ thì Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến 1975 ‘chiến tranh liên miên’ nên ‘có thời giờ đâu mà đi đòi lại ấn kiếm huống chi quân Pháp khi đó là kẻ thù của Việt Minh?’.

“Nếu như một cá nhân im lặng, không phản đối thì coi như họ từ bỏ quyền sở hữu, còn một chính phủ thì chỉ khi nào họ ra văn bản chính thức tuyên bố từ bỏ mới được,” ông giải thích. “Ngay cả khi chính phủ Việt Nam đại diện cho người dân Việt Nam im lặng thì không có nghĩa là 100 triệu người dân Việt Nam đồng ý từ bỏ quyền sở hữu ấn, kiếm.”

Nếu sau này có một chính phủ khác, không phải của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đại diện cho người dân Việt Nam thì chính phủ đó cũng có quyền đòi lại ấn, kiếm, cũng theo ông Vũ.

Tuy nhiên, ông chỉ trích chính quyền Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay không hề nghĩ đến việc đòi lại ấn, kiếm đã bị thất lạc mà phải đợi đến bây giờ khi chiếc ấn bị mang ra bán đấu giá.

Ông cũng lên án việc chính quyền trong nước tỏ ý ‘muốn mua lại kim ấn không thông qua đấu giá’: “Nếu đề nghị mua lại thì chính là họ đã từ bỏ quyền sở hữu hợp pháp của mình.”

Kiện tụng và ngoại giao

Luật sư Cù Huy Hà Vũ cũng đưa ra dẫn chứng để chứng tỏ nhà đấu giá Millon ‘biết rõ chiếc ấn bị chiếm hữu không ngay tình mà vẫn đưa ra bán đấu giá’.

“Chính trong lời giới thiệu của hãng về món đồ đấu giá họ cũng nói rõ là chiếc ấn này được Hoàng đế Bảo Đại trao cho Việt Minh,” ông chỉ ra và cho rằng sự kiện Bảo Đại thoái vị, trao ấn, kiếm cho Việt Minh là ‘một trong những sự kiện lớn nhất lịch sử Việt Nam hiện đại’ nên nhà đấu giá Millon không thể viện cớ là họ không biết.

“Millon biết rõ mà họ vẫn tiến hành đấu giá thì họ đã cố tình vi phạm luật pháp nước Pháp. Nếu bị kiện thì họ sẽ đối mặt số tiền phạt rất nặng và còn bị mất danh tiếng nghiêm trọng,” ông phân tích.

Ông Vũ cũng cho rằng bản thân người chiếm hữu chiếc ấn, tức người thừa kế của bà Baudot, ‘chắc chắn biết họ chiếm hữu không ngay tình’ vì Bảo Đại đã nói rất rõ về ấn, kiếm trong hồi ký của ông.

Nhà bất đồng chính kiến này cho biết bên cạnh lá thư gửi cho Millon, ông cũng đã gửi một lá thư khác cho các nhà lãnh đạo Việt Nam trong đó ông kiến nghị Việt Nam ‘tiến hành khởi kiện các đối tượng chiếm hữu để đòi lại bảo vật’.

“Đây là con đường chính đáng để hồi hương ấn, kiếm,” ông nói và cho biết ‘phải khởi kiện cả người thừa kế của bà Baudot và người thừa kế Thái tử Bảo Long (người giữ thanh bảo kiếm) để đòi lại cả ấn và kiếm’.

Theo phân tích của ông thì Việt Nam đã xác lập quyền sở hữu một cách rõ ràng thì ‘trong trường hợp xấu nhất dù chiếc ấn được bán cho bất cứ ai thì Việt Nam cũng có thể đòi lại được’.

“Việt Nam phải khởi kiện ngay cho dù phiên đấu giá có diễn ra hay không,” ông nói và cho biết Việt Nam nên thuê các hãng luật bên Pháp để làm đại diện và trưng ra các bằng chứng như hình ảnh, văn bản về việc tiếp nhận ấn, kiếm, kể cả hồi ký của Vua Bảo Đại.

Ngoài ra, Việt Nam cần phải thông qua con đường ngoại giao nhờ Chính phủ Pháp giúp đỡ, ông Vũ nói thêm, và phải cần Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tiếng với người tương nhiệm Pháp Elisabeth Borne.

“Chính phủ Pháp hiện nay có thái độ rất thiện chí và đi đầu trong việc hoàn trả cổ vật cho các nước,” ông nói và chỉ ra mới đây Pháp đã trao trả cho Benin 25 cổ vật và Quốc hội Pháp cũng đã ra luật yêu cầu Chính phủ hoàn trả cổ vật cho các nước cựu thuộc địa.

Không chỉ chính quyền Việt Nam mà bất cứ người dân Việt Nam nào, dù trong nước hay hải ngoại, dù thuộc chính thể cộng sản hay cộng hòa, cũng ‘đều có quyền đòi lại bảo vật về cho Việt Nam’, vị luật sư lưu vong này nói.

Previous
Previous

Chiếc ấn của vua Minh Mạng được trả về Việt Nam

Next
Next

Người mua trái phiếu qua SCB, Tân Việt: "Cái tết này sẽ rất khủng khiếp với mọi người!"