Vì sao bão Yagi gây ngập lụt cho 20 tỉnh miền Bắc?
Cơ quan khí tượng cho rằng, mưa lớn do hoàn lưu của bão số 3 (bão Yagi) không theo quy luật tự nhiên nên gây ngập lụt ở 20/25 tỉnh, thành miền Bắc.
Hàng loạt kỷ lục về mưa lớn xuất hiện
Tính đến tối 15.9, bão số 3 (bão Yagi) đã làm 330 người chết, mất tích (292 người chết, 38 người mất tích); 1.908 người bị thương, 168.253 nhà bị hư hỏng; 73.248 nhà bị ngập; 183.394 ha lúa, 44.071 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại...
20/25 tỉnh thành miền Bắc ngập lụt sau bão Yagi
Đánh giá về điểm bất thường về mưa lớn của hoàn lưu cơn bão này, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 7 - 12.9, Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 250 - 450 mm, có nơi trên 550 mm. Tại 83/84 trạm đo, lượng mưa cao hơn 4 - 6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9.
Điển hình như tại trạm Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 517 mm, cao hơn 440%; Lục Yên (Yên Bái) 503 mm, cao hơn 461%; Định Hóa (Thái Nguyên) 545 mm, cao hơn 677%; Sơn Động (Bắc Giang) 386 mm, cao hơn 488% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Cơ quan khí tượng đánh giá, bão số 3 di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía tây Bắc bộ. Tuy nhiên, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão số 3 chủ yếu ở phía đông dãy núi Hoàng Liên Sơn dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão. Hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía tây dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Mưa rất lớn trên diện rộng (gồm nhiều tỉnh) thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200 mm/ngày), kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan; trong đó, có những khu vực xuất hiện lượng mưa trên 200 mm chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ (tại TP.Yên Bái, đêm 9.9).
Lũ sông Hồng ở Hà Nội vượt kỷ lục 20 năm
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho rằng, mưa lớn sau bão khiến mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3 (BĐ3), một số sông vượt BĐ3 từ 3 - 4m.
Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73 m, trên mức BĐ3 3,73 m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31 m.
Cùng với đó, lũ trên hồ thủy điện Thác Bà cũng đạt mức lịch sử, đe dọa đến sự an toàn của đập. Cụ thể, hồ thủy điện Thác Bà được khảo sát, thiết kế từ năm 1959 - 1961, số liệu thủy văn đo đạc lưu lượng thời đó còn có hạn chế nên thiết kế đập tràn có khả năng xả lớn nhất chỉ 3.230 m3/s. Trong khi, thực tế lưu lượng lớn nhất về hồ Thác Bà là 5.620 m3/s vào lúc 9 giờ ngày 10.9, vượt đỉnh lũ thiết kế 0,01% (5.100 m3/s) và vượt xa khả năng xả lớn nhất đến 74%.
Theo quy trình vận hành, khi mực nước hồ Thác Bà lên mức 59,60 m sẽ chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt để đảm bảo an toàn đập. Thực tế từ 17 giờ ngày 10.9, mực nước hồ Thác Bà đã đạt mức 59,62 m và chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt, sau đó đạt mức cao nhất là 59,84 m vào hồi 5 giờ ngày 11.9. Theo lý thuyết mực nước kiểm tra của hồ Thác Bà là 61 m và nếu mực nước thực tế đạt đến ngưỡng này sẽ phải thực hiện các phương án để đảm bảo an toàn đập.
Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mực nước cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng cũng là điều hiếm thấy. Theo thống kê có 20/25 tỉnh, thành phía bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.
(Theo Báo Thanh Niên trong nước)