Vì sao nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị lệnh bắt trước thềm Hội nghị Trung ương 5?
Chỉ vài ngày trước khi Hội nghị Trung ương 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc, Bộ công an ra lệnh khởi tố Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vì cáo buộc tham nhũng trong khi truyền thông Israel cho rằng nữ doanh nhân từng có nhiều ảnh hưởng bị ra lệnh bắt giam vì tham gia vào các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel.
Bà Nhàn, người từng nhận nhiều giải thưởng được xem là “cao quý”, bị khởi tố và lệnh bắt giam hôm 29/4 cùng với 8 người khác, trong đó có Giám đốc sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ trong vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu” gây thiệt hại tài sản nhà nước 152 tỷ đồng. Vụ khởi tố và bắt giam được thực hiện 5 ngày trước khi HNTW 5 khai mạc dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người phát động chiến dịch chống tham nhũng trong 6 năm qua.
Theo Haaretz, tờ báo uy tín và lâu đời nhất của Israel, việc bà Nhàn, người được Forbes bình chọn vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017, bị ra lệnh bắt giam có thể gây khó khăn cho việc xuất khẩu an ninh của Israel sang Việt Nam vì nữ doanh nhân này “là một trung gian mấu chốt của các thương vụ mua bán” vũ khí giữa hai nước.
Bộ Công an không cho biết bà Nhàn, người bị cáo buộc có những sai phạm liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đã bị bắt giữ hay chưa nhưng nói rằng đã khám xét và phong tỏa tòa nhà văn phòng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) tại Hà Nội. Theo những nhà báo và blogger có ảnh hưởng ở Việt Nam, bà Nhàn đã sang Nhật từ năm ngoái. Trong khi đó tờ Haaretz cho biết bà Nhàn bị lệnh bắt giữ vắng mặt vì nữ doanh nhân 53 tuổi này đã sang châu Âu từ trước đó.
Theo tiết lộ của nhà báo Yossi Melman, chuyên viết về các vấn đề tình báo và chiến lược của Haaretz, bà Nhàn là nhân vật chủ chốt trong việc môi giới các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập kỷ qua và lý do bà bị bắt là vì bà tham gia vào các thương vụ này. Nguồn tin dấu tên nắm rõ tình hình từ Việt Nam được nhà báo Melman trích lời nói rằng lý do của vụ bắt giữ “bắt nguồn từ sự tranh giành quyền lực ở Việt Nam giữa Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng – người sắp thôi chức, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.”
Vẫn theo nguồn tin này, bà Nhàn – người mà blogger Lê Nguyễn Hương Trà cho là một nhân vật “sân sau” của nhiều quan chức – được coi là “rất thân cận” với Thủ tướng Chính.
VOA không thể độc lập kiểm chứng những thông tin trên.
Trong vòng 15 năm qua, Việt Nam đã trở thành một thị trường quan trọng cho ngành công nghiệp an ninh quốc phòng của Israel, theo nhận định của Haaretz. Hai nước đã ký một thỏa thuận mật vào năm 2011, và theo tờ báo được thành lập vào năm 1918, thỏa thuận này giúp củng cố quan hệ an ninh giữa hai Israel và Việt Nam. Vẫn theo Haaretz, trong thập kỷ qua, Lực lượng Phòng vệ Israel và Bộ Quốc phòng đã cử các tùy viên quân sự và đại diện bán hàng đến làm việc tại Đại sứ quán Israel ở Hà Nội.
Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Israel được tăng cường mạnh mẽ từ sau chuyến thăm của đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Israel vào năm 2015 và, theo truyền thông trong nước, một bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Israel được ký kết trong dịp này. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh lúc đó nói rằng Việt Nam muốn phát triển sâu rộng với Israel trong lĩnh vực quốc phòng. Theo một bản tin của Báo Nghệ An vào tháng 7/2018, Israel trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Quân đội Việt Nam chỉ sau đối tác truyền thống Nga.
Các thương vụ mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam đã đạt giá trị hơn 1 tỷ USD trong 10 năm qua và một trong những thương vụ lớn nhất hiện nay là việc bán cho tình báo quân đội Việt Nam vệ tinh do thám “Ofek” do Israel Aerospace Industries (IAI), một trong 3 tập đoàn chủ chốt và lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước Israel, sản xuất. Thương vụ này, theo Haaretz, là một thỏa thuận trực tiếp với Bộ Quốc phòng Việt Nam và đã giúp IAI thu về khoảng 550 triệu USD.
Thỏa thuận vũ khí lớn nhất giữa Việt Nam và Israel là vụ mua hệ thống tên lửa phòng không SPYDER cách đây 5 năm, theo Haaretz. Việt Nam đã dùng tên lửa được coi là hiện đại hàng đầu châu Á này, để đảm bảo an ninh cho cuộc họp cấp cao APEC tại Đà Nẵng cuối năm 2017, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến tham dự.
Theo một bản tin của Israel Defense, trang tin chuyên về quốc phòng của Israel, đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái, bà Nhàn đã kết nối giữa Israel và Việt Nam thông qua đại diện của mình ở Tel Aviv và Singapore vào năm 2018-2019. Vẫn theo trang tin này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết định đặt hàng vệ tinh do thám quân sự của IAI và Thủ thướng Phạm Minh Chính đã thảo luận thương vụ này qua điện thoại với người đồng cấp phía Israel, Naftali Bennett, vào ngày 12/7/2021.
Ông Chính lần đầu đến thăm Israel để thảo luận thương vụ này trước đó 2 năm khi còn là người đứng đầu dịch vụ tình báo của Việt Nam. Báo Quốc tế hồi tháng 7/2019 đưa tin ông Chính, lúc đó là trưởng ban tổ chức Trung ương đã gặp Thủ tướng Israel lúc đó Benjamin Netanyahu và đại diện tập đoàn IAI.
Theo phát hiện của nhật báo Intelligence Online, chuyên về tin tức tình báo toàn cầu, hồi tháng 10/2020, đã có các nghi án tham nhũng trong các thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỷ USD giữa Việt Nam và Israel, gây nên mối quan ngại nghiêm trọng cho Israel và các công ty nước ngoài làm ăn với Việt Nam.
Hội nghị Trung ương 5 khai mạc hôm 4/5, dự kiến kéo dài tới 10/5, và theo ông Trọng nói trong diễn văn khai mạc, các chủ đề thảo luận gồm có chống tham nhũng, tiêu cực và việc tự kiểm điểm tự phê bình của lãnh đạo Đảng cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.