Vì sao Việt Nam vẫn tuyên truyền chống Mỹ?
Trung Khang
Ảnh minh họa chụp tại TPHCM trước đây.
Một cựu chiến binh Mỹ muốn quay trở lại thăm Việt Nam để xem hiện giờ đất nước thay đổi ra sao kể từ sau chiến tranh. Nhưng đã ngần ngại thay đổi ý định khi nghe đến những chiến dịch tuyên truyền chống phương Tây cực đoan trên mạng ở Việt Nam.
Câu truyện trên được tiến sĩ Phạm Thanh Vân chia sẻ trên trang Facebook cá nhân sau khi tham dự một hội nghị về Biển Đông ở Philippines.
Câu hỏi đặt ra là có hay không việc chính quyền Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tuyền truyền chống Mỹ, mặc cho hai nước đã trở thành ‘đối tác chiến lược toàn diện’, và thái độ hằn học với Hoa kỳ sẽ mang lại những hệ lụy gì trong bối cảnh nước Mỹ đang ngày càng trở nên quan trọng với Việt Nam?
Việt Nam có tuyên truyền chống Mỹ?
“Có người bên quân đội khẳng định quân đội không đứng đằng sau các tuyên truyền chống phương tây”, tiến sĩ Phạm Thanh Vân viết trên trang cá nhân một ngày sau khi đăng tải câu truyện về vị cựu binh người Mỹ.
Bà cũng viết thêm rằng “các bạn bên quân đội” đổ cho thế lực “phản động” đứng sau nỗ lực tuyên truyền chống phương tây.
Tiến sĩ Thủy Nguyễn cho rằng, Đảng CSVN rất sợ “bóng ma” dân chủ. Họ càng không muốn người dân đặt ra những câu hỏi như: nhờ đâu mà Mỹ và Châu Âu lại giàu có, môi trường sạch sẽ, giáo dục tốt như vậy? Việt Nam mình có thay đổi mô hình chính trị và cách quản trị nhà nước để được như vậy không? Bởi vậy, nhà cầm quyền phải thúc đẩy báo chí tuyên truyền tô đậm những điểm tiêu cực trong các xã hội này.
“Xét cho cùng, mong muốn của Đảng Cộng sản VN là người dân phải mãi mãi biết ơn họ, tức mãi mãi công nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của họ. Quan trọng là chỉ biết ơn Đảng Cộng sản VN thôi, đừng nhìn xa quá sang phía các quốc gia đối tác bên kia, đừng đặt câu hỏi tại sao người ta lại hay hơn mình. Như vậy, tuyên truyền chống đế quốc Mỹ và châu Âu là phương cách để người dân phải ghi nhớ công trạng của Đảng CS trong quá khứ, sợ hãi trước các âm mưu can thiệp của các đế quốc này trong bối cảnh hiện nay, đồng thời để người dân tin rằng mô hình dân chủ ở các nước này cũng đầy rẫy bất cập chứ chẳng hay ho gì.” - Tiến sĩ Thủy Nguyễn nêu ý kiến.
Cũng theo Chỉ thị 24, mối đe dọa từ Mỹ và các nước phương Tây khác còn phức tạp hơn, “do cán bộ đảng và chính quyền Việt Nam không giám sát và kiểm soát đúng mức các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.
“Tuyên truyền chống Mỹ lan truyền trên mạng xã hội Việt Nam là một phần của chiến dịch phối hợp của lực lượng an ninh và đảng viên nhằm bảo vệ nhà nước độc đảng của Việt Nam vào thời điểm Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực hội nhập quốc tế thông qua việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.” - Giáo sư Carl Thayer nhận định.
Ngoài ra theo Giáo sư Carl Thayer, các chiến binh mạng trong Lực lượng 47 được thành lập vào năm 2016 bởi Tổng cục Chính trị của quân đội đã bị liên lụy vào các blog chống Mỹ và chống phương Tây trên mạng xã hội (Facebook, TikTok và YouTube) để thể hiện lòng yêu nước của họ.
Trong bối cảnh hiện tại, theo Tiến sĩ Thủy Nguyễn, giữ cho kinh tế phát triển là mục tiêu tối quan trọng, vì dù có công trạng trong quá khứ bao nhiêu, mà tình hình hiện tại đói kém thì Đảng CS cũng khó thuyết phục được người dân.
Nhưng mâu thuẫn nội tại mà Đảng CSVN không hoá giải được, đó là một mặt vẫn phải nhắc đi nhắc lại vị thế lãnh đạo và công trạng đánh giặc trong quá khứ của mình, mặt khác vẫn phải bắt tay làm ăn với các “đế quốc” này.
“Nhà cầm quyền không muốn người dân trong nước bắt đầu đầu đặt câu hỏi: Năm xưa Mỹ có định chiếm đất, chiếm người của mình không? Tại sao năm xưa lại phải đánh Mỹ? Tại sao không bắt tay làm ăn với Mỹ và châu Âu ngay từ đầu như Nhật, Hàn đã làm?” - Tiến sĩ Thủy Nguyễn nói thêm.
Kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995, rồi hiệp định thương mại song phương Hoa Kỳ – Việt Nam có hiệu lực vào năm 2001… thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng trưởng từ 451 triệu USD vào năm 1995 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020. Hoa Kỳ giờ đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.