Với những vụ từ chức mới nhất, ‘Trò chơi vương quyền’ của Việt Nam càng trở nên dữ dội hơn

Huynh Tam Sang

Cù Tuấn chuyển ngữ

Tóm tắt: Vụ trấn áp tham nhũng của Việt Nam, dẫn tới sự ra đi của hai lãnh đạo cấp cao trong những tuần gần đây, phản ánh sự leo thang đáng báo động của chủ nghĩa thân hữu và đấu đá nội bộ trong Đảng.

Vương Đình Huệ

Vào ngày 26 tháng 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), cơ quan ra quyết định hàng đầu của Việt Nam, đã chấp thuận đơn từ chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, theo yêu cầu của cá nhân ông. Theo Ủy ban, những vi phạm, khuyết điểm của ông Huệ đã “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông“.

Thông báo này theo sau tin đồn rằng ông Huệ sẽ từ chức sau khi trợ lý lâu năm của ông, Phạm Thái Hà, bị bắt giữ. Theo Bộ Công an, ông Hà, người từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã bị bắt hồi tuần trước với cáo buộc lạm dụng quyền lực. Ông bị bắt vì liên quan đến cuộc điều tra hối lộ tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An có trụ sở tại Hà Nội và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan. Trọng tâm của vụ bắt giữ hiện nay là việc Hà thể hiện mình là đồng minh trung thành của Huệ và là trợ lý đáng tin cậy trong Quốc hội.

Việc từ chức của ông Huệ diễn ra không lâu sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng từ chức chỉ sau một năm [giữ chức vụ này]. Cuộc điều tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc ông Thưởng vi phạm điều lệ Đảng đã dẫn đến kết luận tương tự như trường hợp của ông Huệ: Những vi phạm, khuyết điểm của ông Thưởng đã gây bất bình trong dư luận, hạ thấp uy tín của Đảng, nhà nước và bản thân ông. Mặc dù chưa rõ ràng, nhưng những tin đồn về sự ra đi của ông đã lan truyền trong một thời gian liên quan đến nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, giai đoạn năm 2011—2014 và trách nhiệm được cho là của ông về sự giả mạo, khai man sổ sách có chọn lọc đã diễn ra tại Công ty xây dựng và bất động sản hàng đầu Phúc Sơn, trong và sau khi ông Thưởng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Đáng chú ý rằng ông Thưởng đã được chọn để kế nhiệm cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ một tháng rưỡi sau khi ông [Phúc] đột ngột từ chức hồi đầu năm ngoái, do vi phạm và làm sai của các quan chức cấp cao làm việc dưới sự giám sát của ông [Phúc] trong thời gian ông làm Thủ tướng.

Vụ từ chức chưa từng có của hai nhân vật trong trong nhóm “tứ trụ” — những chức vụ quyền lực nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam — đã làm nổi bật nỗ lực chống tham nhũng với chiến dịch đốt lò do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, một trụ cột mạnh mẽ nhất, khởi xướng.

Nhìn chung, nhiều nhà quan sát coi nỗ lực chống tham nhũng là một chiến dịch toàn diện chống lại nạn tham nhũng đã làm hoen ố danh tiếng của chính phủ Việt Nam, cả trong công chúng lẫn các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Năm 2022, ông Trọng tuyên bố không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong chiến dịch này. Việc từ chức và truy tố các chính trị gia cấp cao và cấp dưới của họ ở Việt Nam cho đến nay là bằng chứng cho thấy Đảng không khoan nhượng đối với các nhà lãnh đạo và quan chức tham gia vào các hoạt động gây tranh cãi hoặc làm việc không đạt tiêu chuẩn mà người ta mong đợi. Do những hành vi sai trái và những sai phạm liên quan đến tham nhũng, hàng trăm quan chức cấp cao, trong đó có các quan chức cấp cao của Đảng, đã từ chức hoặc bị buộc phải từ chức.

Nhưng những vụ bê bối tham nhũng và những vụ từ chức sau đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi quan sát kịch bản đang diễn ra ở Việt Nam. Hai yếu tố cần được chú ý. Thứ nhất, các quan chức Đảng và nhà nước bị sa thải thường có quan hệ mật thiết với tham nhũng và hành vi sai trái của cấp dưới. Thứ hai, những cuộc thanh trừng này có mối liên hệ mật thiết với chủ nghĩa thân hữu về kinh tế: Một hệ thống trong đó chính trị và kinh tế gắn bó với nhau, dẫn đến sự lạm dụng quyền lực của các quan chức Đảng và chính phủ.

Previous
Previous

‘Đòn hồi mã thương’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Next
Next

Tại sao phải “tứ trụ” mà không là “nhứt trụ”?