VietJet thua kiện phải bồi thường 180 triệu Mỹ kim
Hãng hàng không giá rẻ VietJet vừa thua kiện trong vụ tranh chấp thương mại với công ty cho thuê máy bay FitzWalter Aviation có trụ sở tại Anh, đối mặt với khoản bồi thường 180 triệu Mỹ kim cũng như phải trả lại bốn máy bay, theo phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh hôm 31/7.
Vụ tranh chấp đã diễn ra trong một thời gian dài tại các tòa án ở London, Singapore và Hà Nội kể từ khi FitzWalter Aviation (FWA) đệ trình kiện việc VietJet ký thuê bốn máy bay Airbus nhưng nhiều lần trễ hạn thanh toán trong năm 2021.
Đại diện truyền thông của VietJet cho biết hãng khẳng định sẽ kháng cáo và tin tưởng vào hệ thống tòa án Anh quốc, đồng thời “chắc chắn rằng công lý sẽ chiến thắng và quyết định cuối cùng sẽ công bằng cho hãng hàng không trong phiên tòa dự kiến đưa ra vào năm 2025”.
Sau phiên tòa kéo dài hai tuần hồi tháng 6/2024, Thẩm phán Simon Picken của Tòa Thượng thẩm Anh hôm 31/7 đã ra quyết định bên cho thuê FWA thắng kiện, nói rằng các khoản nợ không thanh toán của VietJet là “có giá trị lớn và lâu dài, và rằng VietJet đã có thể hoàn thành các nghĩa vụ của mình nhưng đã chọn không thực hiện dù biết điều gì sẽ xảy ra nếu không trả”.
Thẩm phán Picken nói rằng VietJet “đã dàn xếp và thực hiện một chiến dịch ở Việt Nam để can thiệp vào” các nỗ lực thu hồi máy bay của FWA trong nhiều năm.
Phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh ghi nỗ lực cản trở thu hồi máy bay của VietJet, hãng hàng không của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, được thể hiện rõ ràng trong lá thư gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 10/10/2023, khi hãng hàng không giá rẻ “vận động” cơ quan chính phủ cản trở việc đưa máy bay ra khỏi Việt Nam.
Ngoài ra, Thẩm phán Picken cũng chỉ rõ thời điểm “bất thường” mà công ty Silva Star, một cổ đông thiểu số của VietJet do Tổng Giám đốc VietJet Đinh Việt Phương làm giám đốc, đã tìm cách đề nghị nhà chức trách ngăn cản việc đưa máy bay rời khỏi Việt Nam.
Theo ông Picken, Silva Star đã cung cấp các tài liệu mà “một cổ đông thiểu số của VietJet lẽ ra không được sở hữu, bao gồm cả các tài liệu bí mật/không công khai liên quan đến các máy bay”.
Sau khi vấn đề liên kết với VietJet bị chỉ ra, Silva Star đã không tham gia tố tụng nữa mà thay bằng hai hãng khác là Công ty Bất động sản Universe Land Việt Nam và Mango Trading.
VietJet phản hồi với BBC rằng các luật sư của hãng nhận thấy một số hiểu lầm trong phản ánh ban đầu của tòa án về các sự kiện và tình tiết quan trọng của vụ việc.
VietJet cho biết không đồng ý với kết luận rằng bên cho thuê “đột ngột chấm dứt không hợp lệ những hợp đồng vay, thuê mua dài hạn, ổn định của hãng, đúng vào lúc đại dịch lên tới đỉnh điểm”, viện dẫn hãng đã thực hiện các chuyến bay đưa người ra khỏi tâm dịch và hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị y tế. Thông cáo viết:
“Vào thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch với số người chết tại TP HCM lên tới 16.000 người, lấy cớ từ một khoản tiền thuê-mua chưa tới 7,4 triệu USD, là một kỳ thanh toán cho 4 tàu bay mà hãng đã đạt được thỏa thuận giãn thanh toán, các ngân hàng đã đột ngột chấm dứt không hợp lệ hợp đồng thuê-mua ổn định, dài hạn đang có với hãng hàng không và bán các khoản vay cho FWA.”
“Các ngân hàng có dấu hiệu không ngay tình trong thủ tục bán nợ, thông đồng với bên mua nợ cũng là các cựu quan chức ngân hàng. Các ngân hàng đã bán nợ cho FWA – nhà cho vay/nhà đầu tư tài chính không đủ tiêu chuẩn và xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay không qua đấu giá minh bạch, ảnh hưởng quyền lợi của bên đi vay.”
Hãng hàng không giá rẻ này tiếp tục "phản đối mọi cáo buộc của FWA", "bao gồm những cáo buộc cản trở quyền sở hữu hay xuất khẩu tàu bay".
“Hãng có khả năng tài chính, nhiều lần đề nghị tiếp tục trả tiền thuê hoặc mua lại máy bay, nhất là phục vụ cho nhu cầu của hành khách trong và sau đại dịch Covid 19, nhưng FWA không hợp tác,” thông cáo của VietJet gửi cho BBC viết.
Chụp lại hình ảnh,VietJet Air là hãng hàng không tư nhân giá rẻ được thành lập vào năm 2007 và chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2011
Sau phán quyết hôm 31/7 của tòa về vụ án “khó khăn và phức tạp”, tờ The Australian Financial Review mô tả ông Ben Brazil, đồng sáng lập FWA, đã xuất hiện trong tư thế của người chiến thắng khi bước ra khỏi tòa án.
Báo này cũng dẫn lời ông Jonty Nel, giám đốc điều hành FWA, cho biết phán quyết mới nhất đã minh oan cho hãng:
“Với việc chiếc máy bay đầu tiên trong số 4 chiếc đã rời khỏi Việt Nam, sau khi được các cơ quan hữu quan của chính phủ Việt Nam cho phép, quyết định này của tòa án cho thấy hành động của VietJet kể từ khi chấm dứt hợp đồng thuê đã đi ngược lại với hệ thống quốc tế có hiệu lực,