Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản

16.jpg

Vietnam Airlines hiện có số nợ phải trả lên đến 6.240 tỉ đồng và dự kiến lỗ tới 10.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đang đối diện với những kiện tụng pháp lý vì số nợ quá hạn cao và có nguy cơ phá sản, theo dự thảo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021.

Truyền thông Việt Nam, trong đó có Tuổi Trẻ, VNExpress và Zing News, dẫn báo cáo này cho biết hàng không là nhóm doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm nghiêm trọng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với nhu cầu sử dụng vận tải hàng không giảm 34,5 – 65,9% năm 2020, khiến doanh thu của các doanh nghiệp ngành này giảm 61% so với năm trước đó.

Tình trạng này còn tồi tệ hơn trong gần nửa đầu năm 2021. Chỉ riêng thời điểm Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ ba vào dịp Tết Nguyên Đán đã khiến cho doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của Bộ KHĐT cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ phá sản của các hãng hàng không lớn trong nước, trong đó Vietnam Airlines với số nợ hiện phải trả lên đến 6.240 tỉ đồng và dự kiến lỗ quý 1 năm 2021 vào khoảng 4.800 tỉ đồng, có thể lên tới 10.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm.

“Vietnam Airlines đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn ở các ngân hàng”, trang Zing News dẫn báo cáo nói.

Theo Bộ KHĐT, hãng hàng không quốc gia Việt Nam rơi vào tình trạng sắp phá sản vì các ngân hàng chưa nhìn thấy gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng của Chính phủ dành cho hãng này nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Ngoài Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân khác như Vietjet Air, Bamboo Airways… cũng đang rơi vào tình trạng suy giảm khả năng thành toán và “tiến sát giới hạn mất khả năng thanh toán”, mặc dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng tài sản trong năm 2020, theo nhận định của Bộ KHĐT.

Bộ này cho rằng nếu Việt Nam kiềm chế được dịch COVID-19, thì phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước đó. Ngoài hàng không, du lịch cũng là ngành chịu thiệt hại nặng nề vì dịch COVID-19.

Báo cáo của Bộ KHĐT cho biết có đến 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn của Việt Nam phải dừng hoạt động; 10% còn lại chỉ “hoạt động cầm chừng”.

Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng khiến cho ngành dệt may Việt Nam lần đầu tiên tăng trưởng âm 10,5% trong 25 năm qua, với mức kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt 35 tỉ USD vào năm 2020, giảm 4 tỉ USD so với năm 2019.

Previous
Previous

Đặc điểm của mô hình Trung Cộng độc đoán mà Việt Nam không thể buông bỏ

Next
Next

Vietnam Airlines được Mỹ cấp phép cho 12 chuyến bay hồi hương người Việt