Việt Nam giảm mạnh nhập khẩu vũ khí bất chấp căng thẳng khu vực

Hỏa tiễn đất đối đất R17-E do Nga sản xuất được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 được tổ chức tại Hà Nội.

Việt Nam nhập khẩu ít vũ khí nhất trong gần 20 năm qua dù tình hình thế giới và khu vực tiếp tục căng thẳng. Tại sao?

Theo dữ liệu do Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm thứ Hai (11/3), lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam năm 2023 giảm xuống mức nhỏ giọt giữa lúc nước này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.

Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo điều này có thể khiến Việt Nam trở nên mong manh khi xung đột xảy ra ở khu vực.

Dữ liệu cho biết thêm rằng mặc dù ngân sách nhập khẩu vũ khí hằng năm của Việt Nam rơi vào khoảng 1 tỷ USD, quốc gia này không đặt bất kỳ đơn hàng mới đáng kể nào trong năm ngoái.

Với giao dịch quan trọng nhất là một tàu hộ tống hải quân do Ấn Độ trao tặng, lượng nhập khẩu vũ khí năm 2023 của Việt Nam nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2007 (không kể năm 2020, trong đại dịch Covid-19), theo báo cáo nói trên

Trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Trung Cộng và Đài Loan, cũng như những xung đột thường xuyên xảy ra trên Biển Đông giữa tàu Trung Cộng và tàu của các quốc gia khác trong khu vực, các chuyên gia quốc phòng nhận định rằng Việt Nam đang thiếu hụt vũ khí hiện đại để tự vệ trong một cuộc xung đột quy mô lớn.

“Nếu Việt Nam tiếp tục trì hoãn, sự chênh lệch về sức mạnh quân sự truyền thống sẽ ngày càng nghiêng về phía Trung Cộng,” Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia cấp cao về an ninh Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, đánh giá.

Chính phủ Việt Nam từ chối bình luận để lý giải cho sự chững lại rõ rệt này.

Vào tháng 1/2024, một quan chức quốc phòng cấp cao nói rằng Việt Nam đã đạt được một loạt thỏa thuận tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế diễn ra hồi tháng 12/2022 [tại Hà Nội].

Bộ Quốc phòng Việt Nam không cung cấp thêm thông tin.

Nhiều cuộc đàm phán phức tạp đang diễn ra, trong đó Việt Nam tiếp tục xem xét những đề nghị cạnh tranh khác, có thể là lý do dẫn tới sự thiếu vắng các thỏa thuận công khai, theo Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI. Theo ông Thayer và các chuyên gia khác, Việt Nam chủ yếu cần tàu chiến, máy bay chiến đấu và drones.

Việt Nam đang sử dụng các hệ thống phòng không được nhập khẩu từ Nga và Israel.

Trong đó, một số hệ thống đã được đưa vào vận hành hơn 30 năm trước, theo báo cáo năm 2019 của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Việt Nam vẫn chưa thể tự sản xuất các loại vũ khí cỡ lớn như máy bay hoặc tàu chiến, dù đã có những nỗ lực cải thiện ngành công nghiệp quốc phòng.

Số liệu của SIPRI cho thấy Nga - nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ - có lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu sụt giảm đáng kể vào năm ngoái.

Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thanh toán đơn vũ khí cho Nga do lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, theo hai người nhận được báo cáo nhanh về nội dung của các cuộc thảo luận liên quan.

Previous
Previous

Chính trường Việt Nam sau khi phế truất ông Võ Văn Thưởng

Next
Next

“Thượng bất chính, để hạ tắc loạn”: Cháy nhà lộ mặt Tổng Trọng?