Việt Nam quyết tâm gỡ ‘thẻ vàng’ thủy sản vì ‘lợi ích quốc gia’ và ‘hình ảnh đất nước’
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhiều lần yêu cầu các địa phương giải quyết tình trạng khai thác thuỷ sản bất hợp pháp để được châu Âu gỡ "thẻ vàng".
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu giới hữu trách Việt Nam phải thúc đẩy để người dân “tích cực vào cuộc” nhằm giải quyết tình trạng khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), một điều kiện để được Uỷ ban châu Âu (EC) gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản sau 5 năm bị áp dụng hình thức cảnh cáo này.
“Chúng ta phải làm việc này vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân, vì hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”, Tuổi Trẻ dẫn lời thủ tướng Việt Nam nói tại cuộc họp trực tuyến của chính phủ với các tỉnh thành vào ngày 1/12.
Vào tháng 9 năm ngoái, ông Phạm Minh Chính đã định ra thời hạn cho các địa phương có tàu cá đánh bắt bất hợp pháp bị Liên minh châu Âu phạt “thẻ vàng” phải chấm dứt tình trạng vi phạm vào cuối năm, trước nguy cơ có thể tiếp tục bị phạt “thẻ đỏ” nếu không cải thiện.
Tuy nhiên đến nay, tình trạng này vẫn không mấy cải thiện. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022, tính đến thời điểm thanh tra có 73 tàu vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Bộ này cũng thừa nhận công tác thực thi pháp luật, xử phạt hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) tại địa phương rất yếu kém, thiếu trách nhiệm và chưa thống nhất, đồng bộ.
Việt Nam bị Ủy ban châu Âu đã phạt “thẻ vàng” vào tháng 10/2017 và cảnh báo có thể sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng IUU.
Hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt thủy sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”.
“Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của quốc gia đó.
Kể từ sau khi phạt “thẻ vàng”, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 3 lần vào các năm 2017, 2019 và tháng 10 vừa qua. Sau lần thanh tra mới đây, phía châu Âu đang chuẩn bị báo cáo đánh giá về sự tiến bộ của Việt Nam và công bố vào đầu năm tới. Sau khi có báo cáo này, Việt Nam sẽ có 6 tháng để giải quyết những tồn tại cần khắc phục.
Việt Nam hiện đang đối mặt với khoản thiệt hại lên tới 480 triệu USD mỗi năm trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU nếu bị phạt “thẻ đỏ”.