Việt Nam tiếp tục đàm phán để có thêm vaccine từ các nước, Tp HCM phản hồi việc Hải Phòng mượn 500,000 liều Sinopharm
Chiều 5/8, tại họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các nước, đối tác, nhà sản xuất và cung ứng vaccine trên thế giới, trong đó có Trung Cộng.
Cũng tại cuộc họp, bà Hằng cho biết thêm, tới nay, Việt Nam nhận được khoảng 18 triệu liều vaccine COVID-19 từ nhiều nước đối tác và tổ chức quốc tế. Trong đó, theo số liệu được công bố từ Tòa Bạch Ốc, Việt Nam đứng trong top 7 nước nhận hỗ trợ vaccine nhiều nhất từ Hoa Kỳ.
Tại một diễn biến khác diễn ra trong ngày, liên quan đến việc Tp Hải Phòng mượn 500,000 liều vaccine Sinopharm, trong cuộc họp báo chiều 5/8, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch Tp HCM cho hay, đã nhận được văn bản đề nghị của Hải Phòng, và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.
Trước đó sáng 5/8, Chủ tịch Tp Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng ký công văn hỏa tốc gửi Bộ Y tế và Tp HCM với nội dung mượn 500,000 liều vaccine Sinopharm mà thành phố này đang có.
Lý giải về việc này, chiều cùng ngày, ông Phạm Hưng Hùng, Chánh văn phòng Tp Hải Phòng cho biết, toàn thành phố cần 3.2 triệu liều vaccine. Thành phố đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 2 triệu liều Sinopharm và 1.2 triệu liều vaccine khác. Tuy nhiên đến nay, Bộ Y tế mới phân bổ cho tỉnh này gần 165,000 liều các loại.
Với lý do để kịp thời chích ngừa cho người dân, ông Hùng đã ký văn bản, đề nghị được mượn tạm 500,000 liều/1 triệu liều vaccine Sinopharm mà Tp HCM đang có.
Cũng theo ông Hùng, Hải Phòng muốn mượn số vaccine trên để chích cho 3 nhóm đối tượng ưu tiên là: lái xe, phụ xe đường dài; công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp Trung Cộng và công nhân tại các khu/cụm công nghiệp; người dân đề nghị được chích.
Hiện 1 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Cộng chuyển về Tp HCM vào ngày 31/7 đang được Bộ Y tế thẩm định theo quy trình, do đó trong đợt chích ngừa thứ 5, Tp Saigonchưa chích vaccine Sinopharm cho người dân. Và đối với Hải Phòng, ông Hùng cho hay, thành phố chắc chắn cũng đợi Bộ Y tế thẩm định xong mới triển khai chích ngừa.
Vì sao người dân phản đối chích vaccine của Trung Cộng?
Hôm 31/7, Tp HCM đã tiếp nhận 1 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Cộng trong tổng số 5 triệu liều đặt mua của hãng này. Đây là lô vaccine nhập khẩu đầu tiên do Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) mua của Sinopharm theo sự uỷ quyền của Tp Saigon.
Tuy nhiên, đa số người dân không tin vào vaccine do Trung Cộng sản xuất. Cô Lan, một người dân quận Bình Thạnh cho hay, chỉ mong được chích vaccine càng sớm sàng tốt, nhưng với vaccine Trung Cộng thì cô từ chối.
Anh Minh, một tài xế xe tải cho biết, anh tiếp xúc với nhiều người, tất cả đều từ chối chích vaccine của Trung Cộng. Bản thân anh cũng thẳng thừng từ chối với lý do “không thể tin cái ông vừa ‘sản xuất’ và có thể phát tán ra con virrus này, vừa sản xuất ra thuốc ngừa để bán”.
Ngoài ra, những thông tin về vaccine Trung Cộng được báo chí quốc tế loan tải và truyền thông Việt Nam dẫn lại cũng khiến người dân hoài nghi về tính hiệu quả của loại vaccine này.
Hôm 11/4, báo Công an nhân dân đưa tin, ông Gao Fu, Giám đốc CDC Trung Cộng xác nhận vaccine ngừa COVID-19 do nước này chế tạo có tỷ lệ bảo vệ không cao và các chuyên gia đang cân nhắc kết hợp các mẫu vaccine khác nhau để tăng hiệu quả.
Cũng trong tháng 4, bài viết “Chile bị COVID-19 ‘nhấn chìm’ vì ỷ lại vào vaccine Trung Quốc” được báo Tuổi trẻ đăng tải. Bài báo cho biết, 93% lượng vaccine CoronaVac của Trung Cộng được triển khai cho chương trình chích ngừa tại Chile.
Tờ The Star dẫn tin từ Giám đốc Sở Y tế bang Kelantan của Malaysia, ông Zaini Hussin cho biết, từ cuối tháng 7/2021, Kelantan sẽ ngừng chích vaccine Sinovac và thay bằng Pfizer-BioNTech tại tất cả các điểm chích ngừa. Vị Giám đốc sở này từ chối đưa ra lý do cho việc ngừng sử dụng Sinovac và khẳng định, vấn đề không liên quan đến việc thiếu nguồn cung.
Còn trên thế giới thì sao?
Bahrain, quốc đảo thuộc Vịnh Ba Tư, vào tháng 3/2021 bắt đầu nhận được lô vaccine Sinopharm đầu tiên của Trung Cộng, nhưng đến tháng 5, Bahrain cũng chính là quốc gia đầu tiên hoài nghi tính hiệu quả của vaccine Trung Cộng mặc dù trước đó, nước này bày tỏ sự ủng hộ đối với vaccine này.
Theo Washington Post, gần một nửa dân số Bahrain đã được chích ngừa đầy đủ, nhưng trong vài tuần, Bahrain đã chứng kiến làn sóng số ca bệnh mắc kỷ lục khiến chính phủ phải tuyên bố phong tỏa trong hai tuần. Vào ngày 3/6, Bahrain có tổng cộng 1,936 ca nhiễm mới được báo cáo, tổng số ca mắc vượt quá 240,000 người trên 1.6 triệu dân cả nước, hơn 1,000 người đã tử vong.
Seychelles, Chile và Uruguay cũng đã tiến hành chích ngừa trên diện rộng. Họ sử dụng vaccine Sinopharm hoặc Coxing của Trung Cộng, nhưng số ca mắc cũng tăng mạnh.
Một báo cáo của nhóm WHO vào tháng 5 cho thấy, Sinopharm có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng COVID-19 ở người lớn từ 18 đến 59 tuổi. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của WHO cảnh báo, do thiếu số liệu nên họ “không đủ tin tưởng” vào hiệu quả của vaccine Sinopharm ở những người từ 60 tuổi trở lên và vaccin này có thể gây ra các tác dụng phụ tiềm ẩn cho nhóm người có độ tuổi trên.
Vậy nếu từ chối trích ngừa vaccine COVID-19 của Trung Cộng, người dân Việt Nam có bị phạt?
Giải đáp vấn đề trên, ngày 3/8, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Tp HCM cho biết, người dân có quyền từ chối chích vaccine Sinopharm của Trung Cộng mà không bị phạt.
Hiện Việt Nam đã chích ngừa 7,553,318 liều, trong đó, chích 1 mũi là 6,774,332 liều, chích mũi 2 là 778,986 liều.
Nam Hải tổng hợp