Văn kiện Đại hội 13: bình cũ mà rượu cũng cũ!
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc vào ngày 26 tháng 1 năm 2021.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày bản báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 về các văn kiện trình Đại hội 13. Báo cáo gồm ba mục lớn. Thứ nhất là Về quá trình chuẩn bị văn kiện. Thứ hai là Về tổng kết nhiệm kỳ và nhìn lại 35 năm đổi mới. Thứ ba là Về phương hướng và nhiệm vụ sắp tới.
Ông Trọng nhấn mạnh, Đại hội lần này là ‘sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn dân, có ý nghĩa quyết định với sự phát triển, hội nhập của đất nước. Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn của đại hội’. Ông Trọng khẳng định, việc chuẩn bị văn kiện rất công phu, chu đáo, bài bản qua nhiều vòng, nhiều lần, có đổi mới về tư duy, phương pháp, áp dụng cả lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi.
Trong email với RFA nhận xét về bản báo cáo này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, mục Về quá trình chuẩn bị văn kiện, có vẻ là một nội dung mới mà báo cáo tại các đại hội trước đây hình như không có, nhưng đó là thứ gần như không cần trình bày. Viết và đọc mục này ông Trọng muốn kể công. Đúng là để viết văn kiện đã phải tốn rất nhiều công sức, (60 người làm việc trong hơn 2 năm, gần một trăm cuộc họp các loại, 50 đoàn khảo sát trong nước, 2 đoàn đi nước ngoài) nhưng phần lớn chỉ là lao động giản đơn và nhiều lãng phí. Ông viết thêm:
“Báo cáo này cũng như Báo cáo chính trị đã được một số người ca ngợi có nhiều điểm mới, sắc sảo, có giá trị cao. Tôi cho rằng những lời ca ngợi như thế nặng về phụ họa và tuyên truyền. Quả thật các báo cáo vừa nêu có một vài điểm mới so với trước đây, nhưng đó chỉ là một số ngôn từ sáo rỗng, một vài ý vụn vặt chứ về phương hướng, đường lối và những vấn đề quan trọng thì vẫn giữ nguyên, vẫn bình cũ mà rượu cũng cũ. Vẫn kiên trì Mác Lê và định hướng XHCN, vẫn phát triển kinh tế quốc doanh và trông cậy vào đầu tư nước ngoài, vẫn tăng cường chống lại các thế lực thù địch, vẫn chủ yếu là hô khẩu hiệu.
Điểm mới được tuyên truyền nhiều là: Nhận định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”; Việc xây dựng đảng kết hợp với việc củng cố, làm trong sạch hệ thống chính trị; Năm bài học kinh nghiệm quý giá; Tầm nhìn đến năm 2030, 2045.
Nhận định về đất nước là quá lạc quan khi chỉ dựa vào một phần bên ngoài, bề nổi của sự thật mà không hoặc ít quan tâm đến những tai họa dân tộc phải gánh chịu. Phải chăng ông Trọng kêu gọi hãy tôn trọng sự thật, nhưng bản thân ông bị che phủ, bị bưng bít nên chỉ biết một phần của sự thật mà thôi.”
Theo ông Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt coi trọng. Nhiều vấn đề đặt ra từ những năm trước và nhiệm kỳ này có kết quả tích cực, cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, xử lý nghiêm minh, có tính răn đe nên được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Tình hình tham nhũng, tha hóa từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương nêu quan điểm của ông về báo cáo văn kiện mà ông Nguyễn Phú Trọng đọc trong buổi lễ khai mạc:
“Về cấu trúc thì vẫn như thế. Nói vống lên thành tích thì nhiều, kiểm điểm về những khuyết điểm, những yếu kém thì hình thức và sơ sài. Đáng lẽ phải tập trung nói rõ những lý do, những nguyên nhân về thể chế, nguyên nhân về năng lực, nguyên nhân về đội ngũ, nguyên nhân về trình độ xã hội để mà nói về những thiếu sót, yếu kém thời gian vừa qua.
Cái yếu kém rõ nhất là nó vẫn thể hiện ở ba điều mà họ luôn khẳng định nó phải là mũi nhọn, phải đột phá. Tức là thể chế; hạ tầng kinh tế và nhân lực. Nhân lực thì họ nhấn mạnh là nhân lực kỹ thuật. Nhưng thật ra nhân lực vận hành, tức là nhân lực quản trị thì rõ ràng rất yếu kém. Cái nhận thức cũng như là trình độ và quan điểm của người điều hành. Đấy là những vấn đề mà đáng lẽ phải phân tích đầy đủ.”
Ông Hồ Chí Minh từng nói, một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.
Ngoài ra, báo cáo cũng nêu ra năm kinh nghiệm trong việc xây dựng Đảng. Trong đó nhắc nhở việc kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đấu tranh phòng chống tham nhũng; Quán triệt quan điểm dân là gốc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Kiên quyết thực hiện dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; Trong lãnh đạo phải phát huy mọi nguồn lực và tính ưu việt của CNXH, phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị; Tập trung ưu tiên xây dựng thể chế, đảm bảo giữa đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, văn hóa; Chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình. Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Chủ động hội nhập trên cơ sở tự chủ, độc lập.
Đại hội 13 cũng xác định mục tiêu phương hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045 là kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định:“Việc xây dựng đảng kết hợp với hệ thống chính trị chẳng có gì mới, phải chăng trước đây vẫn làm mà chưa viết ra. Năm kinh nghiệm thật ra là sự trộn lẫn những việc cần làm. Trong rất nhiều báo cáo chính trị ở các Đại hội trước đều có đủ 5 kinh nghiệm tương tự như vậy. Tầm nhìn đến năm 2030, 2045 phải chăng chỉ là mong ước có tính hoang tưởng, tàn dư của tư duy kế hoạch hóa.”
Tại buổi khai mạc Đại hội 13, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng có bài diễn văn khai mạc. Ông Phúc nêu rõ, Đại hội 13 diễn ra trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đang đặt ra cần phải giải quyết, từ tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục chuyển biến phức tạp, khó lường, đến các thách thức mang tính toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và cả những thành tựu ngoạn mục của tiến bộ khoa học công nghệ đang tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống kinh tế xã hội của đất nước ta cũng như toàn thế giới. sư Nguyễn Khắc Mai
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận xét:“Việt Nam hiện nay đang đứng trước ba cái thách thức lớn. Một là đối thoại với Tàu cộng như thế nào. Vẫn chơi với họ chứ không phải cắt đứt quan hệ với họ, nhưng mà làm sao để tránh mình trở thành chư hầu.
Cái thứ hai là sẽ quan hệ mở rộng làm ăn với thiên hạ. Với Âu Mỹ, với Nhật Bản… nó đặt ra vấn đề là anh phải có tài năng, có năng lực mới, có chính sách, phương thức hoạt động mới thì mới có thể vươn lên. Còn nếu không thì vẫn tiếp tục như mấy chục năm nay là một ‘kẻ gia công’.
Cái thứ ba là có dám mở rộng quyền tự chủ của dân tộc, trao lại quyền cho dân để dân tự lập, tự chủ, kiểm tra, giám sát đảng hay không?
Dân quyền phải được giải phóng. Tích cực sửa những luật lệ để bảo đảm cho một nền kinh tế thị trường vận hành đàng hoàng, văn minh.”
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền tại Việt Nam được bảo đảm bằng Điều 4 Hiến pháp 1980. Theo Cương lĩnh và Điều lệ chính thức hiện nay, Đảng Cộng sản lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Đại hội Đại biểu toàn quốc là đại hội then chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập thường lệ 5 năm 1 lần, theo Điều lệ là "cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng".
Đại hội 13 sẽ diễn ra từ ngày 26 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2 năm 2021. Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Đại hội 13 sẽ thành công, tức là họ sẽ bầu ra được một tập đoàn cai trị mới nhưng vẫn đứng trước những thách thức rất lớn.
Diễm Thi, RFA