Con đường vào tòa Bạch Ốc năm 2024
Thái Hóa Lộc
Con đường vào Tòa Bạch Ốc năm 2024 càng đến gần thì tình hình chính trị bầu cử Hoa Kỳ lại xuất hiện thêm nhiều sự kiện để người dân quan tâm lo lắng đến nền Dân Chủ Hoa Kỳ sau 247 năm lập quốc. Cựu Tổng Thống Donald Trump, ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng Hòa và có thể là đối thủ Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Ông vừa nhận được Thư Cảnh Báo Điều Tra (Target Letter) từ điều tra viên đặc biệt Jack Smith liên quan đến cuộc điều tra hình sự Jan 06 đã diễn ra hơn một năm.
Target Letter, được hiểu là Thư Cảnh Báo Điều Tra, là thư chính thức từ Bộ Tư Pháp thông báo cho một người biết rằng họ đang bị điều tra. Đây chưa phải là thư báo chính thức buộc tội, nhưng chỉ ra rằng một cuộc điều tra sắp kết thúc và Bộ Tư Pháp đang nỗ lực điều tra để cáo buộc ông Trump và đồng minh.Việc cựu Tổng thống Donald Trump có thể bị truy tố đặt ra thách thức nghiêm trọng nhất đối với hệ thống tư pháp của Mỹ. Một cơn ác mộng mới đang chờ nước Mỹ sau nhiệm kỳ 4 năm đầy biến động của ông Trump, 2 vụ luận tội lịch sử, một cuộc bầu cử gây chú ý bởi những lời cáo buộc bị gian lận mà không có bằng chứng của ông Trump và cuộc bạo loạn tại quốc hội hồi năm 2021.
Bản cáo trạng khiến ông Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố và ảnh hưởng đến nỗ lực tái tranh cử của ông. Lịch sử nước Mỹ chưa từng chứng kiến vụ truy tố nào có khả năng dẫn đến phiên tòa xét xử một cựu tổng thống gây hỗn loạn như thế này khi ông Trump và những người ủng hộ ông cáo buộc bản cáo trạng là "vũ khí hóa hệ thống tư pháp". Ông Trump dường như sẵn sàng đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc khi cáo buộc Đảng Dân chủ vũ khí hóa công lý nhằm cản trở cuộc tranh cử của ông vào Tòa Bạch Ốc năm 2024, tuyên bố có nguy cơ tổn hại uy tín của cuộc bầu cử năm 2024 và đe dọa nền dân chủ của Mỹ. Lên tiếng chỉ trích việc ông Trump bị truy tố, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, ứng viên đối thủ của ông Trump, gọi bản cáo trạng là "phi Mỹ". Theo hãng tin AP, các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump vẫn là ứng viên tổng thống dẫn đầu của Đảng Cộng hòa hiện tại và vị thế của ông không hề suy giảm bất chấp xuất hiện nhiều cáo buộc nhằm vào ông. Ông Gregg Hough, lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở hạt Belknap, bang New Hampshire, nhận định với hãng tin Reuters việc truy tố sẽ thúc đẩy sự ủng hộ đáng kể dành cho ông Trump nếu tòa đưa ra phán quyết luận tội không thuyết phục…
Sự chia rẽ có tính cách đảng phái đã vô tình nhận chìm nền dân chủ Hoa Kỳ đã được xây dưng qua 247 năm. Nước Mỹ từ lâu được coi là lực lượng tiên phong dẫn dắt phong trào dân chủ thế giới, chống lại các chế độ độc tài chuyên chế từ phát xít đến cộng sản. Thể chế dân chủ tự do của Mỹ hiện là niềm cảm hứng cho các cuộc đấu tranh đòi quyền sống khắp thế giới. Nhưng ngày nay, người dân Hoa Kỳ lại cảm thấy bi quan về nền dân chủ của đất nước mình, còn trên trường thế giới, nền dân chủ Hoa Kỳ bị đánh giá là nhiều khiếm khuyết và xếp vị trí rất khiêm tốn. Một cuộc thăm dò của AP-NORC công bố hôm 13 tháng Bảy 2023 cho thấy chỉ 1 trong 10 người Mỹ trưởng thành đánh giá cao hoạt động của nền dân chủ Hoa Kỳ, tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay, cho thấy người Mỹ càng ngày càng thất vọng với thể chế chính trị của đất nước. Dân chủ, nói ngắn gọn, là một chế độ chính trị mà “chính quyền là của dân, do dân và vì dân” (a democracy, that is, a government of all the people, by all the people, for all the people) như định nghĩa của Theodore Parker, nhà cải cách xã hội Mỹ trong bài diễn văn nổi tiếng chống chế độ nô lệ năm 1850. Theo nghĩa đó, mà Parker gọi là một “ý tưởng Mỹ”, chính quyền phải đại diện cho lợi ích của đa số người Mỹ. Cuộc thăm dò của AP-NORC cho thấy chỉ có 10% dân Mỹ đánh giá cao mức độ mà chính quyền hiện nay đại diện cho lợi ích của người Mỹ; đa số người trưởng thành nói rằng luật pháp và chính sách của Mỹ không thể hiện tốt những gì mà hầu hết người Mỹ mong muốn về các vấn đề từ kinh tế và chi tiêu của chính phủ đến chính sách súng đạn, nhập cư và phá thai. Trong hệ thống tam quyền phân lập của Mỹ, Quốc hội được coi là cơ quan quyền lực cao nhất, soạn thảo tất cả các đạo luật mà hành pháp và tư pháp phải tuân thủ. Nhưng hiện có tới 53% người Mỹ nói Quốc hội đang rất tệ hại trong việc duy trì các giá trị dân chủ; chỉ 16% cho rằng Quốc hội đang làm tốt. Xã hội Mỹ có đa đảng, nhưng cuộc cạnh tranh chính trị diễn ra chủ yếu giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Gần đây cả hai đảng đều có xu hướng cực đoan, và đặt lợi ích của đảng lên trước quyền lợi của đất nước. Cuộc thăm dò cho thấy khoảng một nửa cử tri nói rằng cả hai đảng chính trị đều không làm tốt công việc bảo vệ nền dân chủ, gần một nửa (47%) nói như vậy về đảng Dân chủ và hơn một nửa (56%) nói như vậy về đảng Cộng hòa. Xu hướng cực đoan làm cho xã hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc về chính trị. Cuộc thăm dò cho thấy 53% người Mỹ nói rằng quan điểm của họ và “những người như họ” không được chính phủ đại diện đầy đủ; khoảng 6 trong số 10 thành viên đảng Cộng hòa – đảng chiếm đa số ở Hạ viện và Tối cao Pháp viện – cảm thấy dường như chính phủ không đại diện tốt cho những người như họ; còn ngay trong đảng Dân chủ – đảng đang nắm quyền ở Tòa Bạch Ốc và Thượng viện – cũng có khoảng 4 trên 10 thành viên có cảm tưởng như vậy. Nhìn chung, khoảng một nửa quốc gia — 49% — nói rằng nền dân chủ không hoạt động tốt ở Hoa Kỳ, so với 10% nói rằng nó hoạt động rất tốt và 40% chỉ hơi tốt. Nỗi thất vọng về nền dân chủ làm cho ngày càng có nhiều người Mỹ xa rời chính trị, giảm quan tâm đến đời sống công cộng và chỉ tập trung vào việc làm ăn, kiếm sống và hưởng thụ. Sự phân cực đã đặt một số tiểu bang vào chế độ thống trị của một đảng, chẳng hạn như tiểu bang đông dân nhất California là do đảng Dân chủ kiểm soát, ngược lại các tiểu bang Texas và Florida nằm trong sự cai trị của đảng Cộng hòa. Các tiểu bang này xung đột với nhau quyết liệt về gần như mọi lĩnh vực, nếu Dân chủ cởi mở về các vấn đề người nhập cư, phá thai, cộng đồng LGBTQ+, chi tiêu của chính phủ và cứng rắn về súng đạn thì các bang Cộng hòa chống nhập cư, ưu tiên giảm thuế, đề cao đạo đức Thiên Chúa giáo và giá trị gia đình. Bất đồng giữa các tiểu bang đã đẩy chính quyền liên bang vào những tình huống khó xử, không thể nào đề ra những luật lệ, chính sách, biện pháp được đa số người Mỹ chấp nhận. Có những lúc người Mỹ có cảm tưởng các tiểu bang xanh và đỏ không dung hòa được với nhau đến mức có thể dẫn tới ly khai, chia năm xẻ bảy. Trong một mức độ nhất định, có thể nói nền dân chủ Mỹ bị tê liệt một phần, chủ yếu do những mâu thuẫn trong nội bộ đất nước. Vì sự chia rẽ chính trị như vậy làm cho hình ảnh nền dân chủ Mỹ trong mắt cộng đồng thế giới xấu đi đáng kể. Bảng Chỉ số Dân chủ 2022 do tuần báo The Economist của Anh thiết lập (The Economist Democracy Index 2022 – EDI) đánh giá nền dân chủ Mỹ chỉ đạt 7.85/10 điểm, đứng trong nhóm các nền dân chủ khiếm khuyết (flawed democracy) và xếp vị trí 30/176 nước được khảo sát. Điểm số của EDI dựa trên năm nhóm lĩnh vực: Quy trình bầu cử và đa nguyên chính trị; các quyền tự do dân sự; hoạt động của chính phủ; sự tham gia chính trị của người dân và văn hóa chính trị. Ở cả năm lĩnh vực này, nền dân chủ Hoa Kỳ đều kém xa so với nước láng giềng Canada (8.88 điểm, xếp thứ 12), các đồng minh Tây Âu và Úc, thậm chí thua kém cả Đài Loan (8.99 điểm, xếp thứ 10) và Nam Hàn (8.03 điểm, xếp thứ 24).
Cuộc bầu cử năm 2024 sắp tới đặc biệt là cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc của hai ứng viên nhiều “tai tiếng” là cựu TT Donald Trump và TT Joe Biden sẽ là một cuộc trắc nghiệm của người dân Hoa Kỳ qua lá phiếu. Đã đến lúc người Mỹ cần suy nghĩ nghiêm túc về thực tế của nền dân chủ và nỗ lực để thu hẹp khoảng cách giữa các xu hướng chính trị. Nếu cứ tiếp tục bị chia rẽ giữa Dân chủ và Cộng hòa, cấp tiến và bảo thủ, da trắng và da màu, xanh, đỏ, vàng… thì Hoa Kỳ sẽ không thể tiếp tục là ngọn hải đăng dẫn dắt thế giới trong cuộc chiến chống độc tài chuyên chế do sự cầm đầu của Nga và Trung Cộng.