Vòng hoa sau phi vụ cứu người
LTS.- Tôi biết Chiến Hữu Phan Văn Phúc từ anh sinh hoạt Khu Hội Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam Dallas-Fort Worth. Hai lần được tập thể TNCT địa phương tín nhiệm trong chức vụ chủ tịch Khu Hội…Cũng từ đó, anh dấn thân nhiều hơn với Tổng Hội cựu TNCT với nhiệm vụ Phụ tá Tổng Hội trưởng đặc trách về chương trình Thương Phế Binh dưới nhiệm kỳ của Tổng Hội Trưởng Nguyễn Trung Châu.
Tôi không được biết nhiều về anh Phan Văn Phúc ngoài sinh hoạt với tập thể TNCT và anh xuất thân từ binh chủng Không Quân với bộ đồ bay mà tôi thường gặp mỗi lần có các tổ chức quan trọng truyền thống của Việt Nam Cộng Hòa Không Quân, Ngày Quân Lực và Quốc Hận 30 tháng 4…Tôi chưa được anh chia sẻ cuộc đời binh nghiệp của anh và tôi vô cùng ngạc nhiên khi tìm hiểu về Phi đoàn 219 Kingbee qua bài viết người đồng đội Phạm Minh Mẫn, tôi mới biết thêm anh là gốc Nhảy Dù chuyển sang Không Quân và gia nhập Phi Đoàn nổi tiếng một thời của Không Lực VNCH là Phi Đoàn 219 trước khi chuyển về Phi Đoàn Tân Lập 253 Nha Trang.
Với tâm sự cuối đời của một người đã từng trải qua nhiều thử thách đặc biệt trong thời gian quân ngũ với nhiều kỷ niệm khó quên và anh muốn ghi lại bằng cảm xúc những gì đã trải qua để gửi lại cho người thân, bạn hữu như một lời chia tay trong đời sống vô thường. Những bài viết và tâm tư của anh Phan Văn Phúc sẽ lần lượt phổ biến trên tuần báo Người Việt Dallas.
Xin mời quý độc giả đón đọc.
Thái Hóa Lộc
Người Việt Dallas-Fort Worth
Vòng hoa sau phi vụ cứu người
Phan Văn Phúc PĐ 219 Kingbee
Gia Vực là một chi khu (quận) nằm sâu trong dẫy Trường Sơn, muốn bay vào chi khu, chúng tôi phải bay thật cao để tránh hỏa lực phòng không của địch, bố trí rải rác trên các triền núi dọc theo hướng bay của các trực thăng chúng tôi. Điạ phận chi khu Gia Vực nằm gần một nhánh đường mòn HCM. Là một gai nhọn đối với quân Cộng Sản Bắc Việt nên bằng mọi cách địch quân phải “nhổ” cái gai nhọn khó chịu đóđi.
Trong Gia Vực ngoài bộ chỉ huy chi khu, còn có trại Lực Lượng Đặc Biệt Gia Vực do một toán A Mũ Xanh (LLĐB) Hoa Kỳ và một toán A LLĐB/VN chỉ huy khoảng 460 quân biệt kích Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) người Thượng. Ngày 30 tháng Chín năm 1970, trại LLĐB được cải tuyển qua binh chng Biệt Động Quân và trở thành tiểu đoàn 70 BĐQ/BP (Biên Phòng), sau này tiểu đoàn nằm trong hệ thống chỉ huy của liên đoàn 11/BĐQ.
Lần cuối cùng, tôi bay với ông liên đoàn trưởng, liên đoàn 11/BĐQ, Đại Tá Phạm Khắc Ấn, một cấp chỉ huy can đảm, tài ba của binh chùng.Lúc đó bộ chỉ huy liên đoàn đang đóng trong tểu khu Quảng Ngãi, ông Ấn cao lớn, da ngâm đen trông rất ngầu, nhưng tốt với đám đàn em, quân nhân thuộc cấp. Tôi phục tác phong làm việc của ông ta, những lần đi bay trước, anh em phi hành đoàn, mỗi người một ổ bánh mì, kể cả ông ta và sĩ quan hành quân của ông (ban 3), rồi tiếp tục làm việc, có hôm đi bay cả ngày với ông ta… không biết mệt. Trong khoảng thời gian đó, các tiền đồn biệt động quân đều bịáp lực của địch rất nặng, và trước khi rời vùng hành quân, tôi nghe ông ban lệnh rút hết các tiền đồn về chi khu để cố thù, chờ giải pháp cuối cùng…
Sau hiệp định ngừng bắn Paris, chiến trường miền Nam lại trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, phi đoàn 219 chúng tôi phải bay hành quân liên tục, quên lãng sự mất còn của chi khu Gia Vực ngày nào.
Một buổi sang tinh sương, đơn vị chúng tôi còn đang ngon giấc, tôi bị đánh thức để nhận lệnh hành quân đích thân từ cấp chỉ huy không đoàn trưởng, chuẩn bịđưa biệt đội vào đáp trong phi trường Quảng Ngãi chờ lệnh gấp (ứng chiến). Trong điều kiện thời tiết giá lạnh của buổi sớm mai, tôi nhìn thấy ông Đại Tá thân yêu khom người chạy đến khi động cơ máy bay chưa tắt hẳn. Lệnh hành quân ngắn, gọn “Anh đi theo phi cơ quan sát bào chi khu Gia Vực, tìm và xác định bãi đáp, xong trở về hướng dẫn hợp đoàn (trực thăng) vào cứu một đoàn người chạy thất lạc hơn 10 ngày nay, vừa mới bắt liên được.” (chi khu Gia Vực cùng tiểu đoàn 70 Biệt Động Quân / Biên Phòng bị địch tràn ngập, một số quân dân chạy thoát, tìm đường về với quân bạn.)
Nồi trên phi cơ quan sát (L-19), từ trên cao tôi nhìn thấy được tấm Panô (mầu cam hoặc mầu xanh đậm, dùng để làm dấu cho phi cơ trông thấy, nhận ra quân bạn) đánh dấu vị tríđoàn người trên một ngọn đồi, trải dài ra từ dẫy Trường Sơn, gần đường ranh giới với tỉnh Kontum, tỉnh xa nhất trên vùng cao nguyên ráp ranh Vùng I Chiến Thuật. Tôi ra hiệu cho phi công L-19 quay trở về, và được biết, hầu hết các nhóm dân quân VNCH chạy về hướng tỉnh Quảng Ngãi (hướng đông) đều bị địch chận đánh tan rã. Nhóm đang ở dưới nhờ một binh sĩ Thượng dẫn đường chạy về hướng nam nên thoát hiểm (hy vọng).
Tôi quay trở về phi trường Quảng Ngãi, chuẩn bị hợp đoàn gồm có 7 trực thăng Slick (tiếng lóng - trực thăng chở quân), 4 trực thăng Gunship (trực thăng võ trang bay yểm trợ mấy chiếc chở quân). Với cương vị chỉ huy, tôi sẽ bay vào đầu cùng với hai trực thăng võ trang bay theo yểm trợ. Từ trên không, nhìn thấy mục tiêu (đoàn người), tôi báo hiệu cho hợp đoàn trực thăng rồi cho trực thăng rơi thật nhanh, nhào lộn theo phương thức bay thả các toán biệt kích Lôi Hổ ngay vùng biên giới ngày nào, đểđánh lạc hướng địch.
Từ cao độ 7000 bộ, tôi cố lái chiếc trực thăng đáp thật nhanh, dễ làm bia cho các ổ súng phòng không của địch, nhưng nhờ yếu tố bất ngờ, và lớp mây vẫn còn che phủ, nên sung phòng không của địch vẫn chưa nhìn rõ hợp đoàn trực thăng. Bầu trời vẫn còn qúa sớm, lúc vào cận phòng, tôi nhìn thấy được một anh bộ đội vắt khăn trên vai ngồi đánh răng, và lố nhố mấy anh khác đang chơi bóng chuyền (Voley ball) nơi bãi đất trống gần đó. Rồi bất ngờ chúng bỏ chạy toán loạn (có thể họ phát giác tiếng động cơ trực thăng), không biết có tên nào trúng đạn từ hai khẩu đại liên sáu nòng minigun trên hai chiếc trực thăng võ trang bay phiá sau không! Tôi quẹo gắt vào bãi đáp, bốc người rồi cất cánh thật nhanh, rồi được báo cáo đã hốt gọn 22 người gồm cả đàn bà, trẻ con.
Vì sức chuyên chở qúa tải, chiếc trực thăng chở quân của tôi bay lên không nổi, sát đầu ngọn cây. Tôi nhờ hai trực thăng võ trang bắn dọn đường và quan sát xung quanh, sẵn sàng yểm trợ cho mọi bất trắc có thể xẩy ra. Tay chân tôi gồng cứng, toát mồ hôi cố gắng lái chiếc trực thăng bay là là cao hơn đầu ngọn cây một chút, mặc dầu lúc đó buổi sáng trời lạnh gắt.
Xong nhiệm vụ, đã làm cú “bốc” người nhanh chóng, cả hợp đoàn bay phiá sau được lệnh quay trở về phi trường Quảng Ngãi (nơi xuất phát). Bầu trời lúc đó mới bắt đầu sáng tỏ, tiếng súng đại liên (12 ly 7), đại bác phòng không 37 ly của địch nổ dòn. Tần số làm việc trên hệ thống truyền tin bắt đầu liên lạc, náo loạn lên vì lo tránh đạn phòng không.
Hợp đoàn trực thăng thi hành xong nhiệm vụ, tin tức đã về đến phi trường nhanh chóng, dân chúng tràn ùa vào bên trong phi trường. Tiếng ồn ào, kẻ khóc người cười vì vui mừng vang lên khu vực chiếc trực thăng của tôi vừa đáp xuống, có người ôm chầm lấy tôi và phi hành đoàn, cám ơn rối rít. Tôi nhìn qua phiá bên kia phi đạo, có nhiều người ngồi bên lề phi đạo khóc lóc vì không tìm thấy thân nhân của họ… Lòng tôi quặn đau khó tả, chiến tranh đã để lại biết bao mất mát đau thương.
Vài hôm sau, chúng tôi được mời đến trường trung học Sao Mai đểđược vinh dự choàng vòng hoa chiến thắng từ các cô nữ sinh. Trước hội trường đông đủ quan khách, chúng tôi được tuyên dương công trạng và trong tiếng nhạc quân hành “Giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu.” Chúng tôi bước ra giữa tiếng vỗtay vang dội, đón nhận vòng hoa từ các cô nữ sinh xinh đẹp của thành phố.
Đặc biệt, theo sự sắp xếp của ban tổ chức, tôi được đi đầu và đón nhận thay vì vòng hoa chiến thắng từ các nữ sinh Sao Mai, riêng tôi được thêm một khăn choàng của người vợ sắp cưới của mình, cô Phan Thị Ly Lan, nhân viên Tín Nghĩa ngân hàng đã thêu tặng, mà hơn 50 năm nay, nàng vẫn cất giữ, Sau này mỗi lần tôi mặc áo bay đi dự hội đoàn, nàng thường muốn tự tay thắt lại khăn choàng cũ yêu thương của chúng tôi.
Năm 1972, phi doàn 219 của chúng tôi được lệnh thuyên chuyển về Nha Trang, và sau một thời gian ngắn phục vụ, tôi xin thuyên chuyển ra phi đoàn 253 tân lập để được gần gia đình. Phải rời xa phi đoàn 219 thân thương, đầy tình chiến hữu, biết bao gian nan nguy hiểm, những lúc chia xẻ, sống chết, gắn bó nơi đường biên giới, trong lòng địch, khiến tôi không khỏi bùi ngùi. Thời gian bay bổng ở phi đoàn Long Mã (Ngựa Rồng) đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, những phương thức bay bất bình thường, đôi khi mất cảan phi (luật lệ an ninh lúc bay). Những lúc “biểu diễn” táo bạo, làm mấy phi công Đồng Minh le lưỡi lắc đầu. Những lúc thật nguy hiểm, thả, bốc toán biệt kích Lôi Hổ giữa lòng địch, tiếng súng nổ như pháo, như đùa giỡn với tử thần.
Về phi đoàn Sói Thần 253, sau này qúy niên trưởng của tôi hầu hết đã có “ghế ngồi”, riêng tôi vẫn lận đận với nhiều lý do sinh ra bất mãn, liều lĩnh nhất quyết “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực.” thêm máu anh hùng cá nhân nên luôn hăng say trong mọi phi vụ, không từ bỏ bất cứ một phi vụ nào, càng khó khăn lại càng hăng say. Có lẽ vì nhận thấy khả năng đặc biệt này nên vị không đoàn trưởng thường trao cho tôi những nhiệm vụ hiểm nghèo nhất, mặc dầu tôi đang bay biệt phái ở đâu đó. Đôi khi cũng cảm thấy bất mãn nhưng “Thi hành trước, khiếu nại sau” Rồi mọi chuyện hiểm nguy đều qua đi, thoát hiểm biết bao lần, đạn AK bắn thủng tầu (trực thăng) nhiều lần, nhiều dấu đạn đầy than tầu, nhưng vẫn lết về phi trường bình an, vô sự.
Âu cũng là số phận, nhờ trời thương, còn ngồi được để viết lại, hồi tưởng lại biết bao kỷ niệm, lúc tuổi đời đã hơn 7 bó. Tuổi đời chồng chất, gần đất xa tri chỉ mong có ngày gặp lại hợp đoàn, cùng những người bạn phi hành năm xưa là điều rất quý. Xin chào hẹn ngày tái ngộ.
K.Q. Phan Văn Phúc