Nhân ngày Đại Hội Lần Thứ 63 Nhớ Về: Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, Cựu Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng Biệt Động Quân QLVNCH
Chúa Nhật ngày 21/2/16, cả ngày bầu trời Dallas u ám, vần vũ, rồi đổ những cơn mưa rả rích. Mưa – trời vẫn cứ mưa, những giọt mưa dần nặng hạt và tầm tã suốt đêm, như cùng với đại gia đình các binh chủng của quân lực VNCH và hậu duệ tiếc thương nhận hung tin, cựu Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai đã ra đi ở tuổi 87.
Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai sinh vào tháng 6 năm 1929 tại Bến Tre, miền Nam Việt Nam, trong một gia đình điền chủ. Tháng 6 năm 1951, Ông theo học khóa 5 Hoàng Diệu tại trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, ra trường vào tháng 4, 1952. Tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy hiện dịch. Ra trường, phục vụ tại tiểu đoàn 1 Nhảy Dù đồn trú tại Chí Hòa, Sài gòn. Sau đó Ông thuyên chuyển phục vụ Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, mới được thành lập vào tháng 9 năm 1952, đóng tại Bắc Việt.
Đầu tháng 9 năm 1953, Ông được thăng cấp Trung Úy. Đến tháng 7 năm 1954, sau hiệp định Genéve, Ông cùng với Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù chuyển từ Hà Nội vào đồn trú tại Nha Trang. Đầu tháng 5 năm 1955, Ông được thăng cấp Đại Úy và được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, thay thế Đại Úy Nguyễn Văn Viên. Đến tháng 10 năm 1959, Ông được thăng cấp Thiếu Tá.
Trung tuần tháng 11 năm 1960, Ông chuyển sang làm Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù. Đến cuối năm 1961 đầu tháng Giêng năm 1962, binh chủng Nhảy Dù được tái tổ chức thành 2 chiến đoàn, Ông được cử làm Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 2, kiêm nhiệm Tư lệnh phó Lữ đoàn Nhảy Dù. Đến giữa năm 1964, Ông được thăng cấp Trung Tá, bàn giao chiến đoàn 2 cho Thiếu tá Trương Quang Ân để chỉ giữ chức Tư lệnh phó Lữ đoàn Nhảy Dù. Sang đầu năm 1965, Ông bàn giao lại cho Thiếu Tá Ngô Xuân Nghị chuyển sang làm Tham Mưu Trưởng Sư đoàn 25 Bộ Binh do Đại Tá Nguyễn Thanh Sằng làm Tư lệnh, rồi Tư lệnh phó Sư đoàn 25 sau đó.
Đầu năm 1966, Ông được thăng cấp bậc Đại tá. Đến ngày 15 tháng 9 năm đó, Ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 10 Bộ Binh thay thế Thiếu Tướng Lữ Lan đi làm Chỉ huy Trưởng trường Đại học Quân sự Đà Lạt. Đầu năm 1967, Ông đề nghị cải danh Sư đoàn 10 Bộ Binh thành Sư đoàn 18 Bộ Binh và được Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận. Đến ngày 1 tháng 11/1967, Ông được vinh thăng Chuẩn Tướng. Gần 2 năm sau, ngày 20/8/1969, Ông bàn giao Sư đoàn 18 cho Chuẩn tướng Lâm Quang Thơ và được bổ nhiệm làm Chỉ huy Trưởng Huấn khu Dục Mỹ, bao gồm: Trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân, trường Hạ sỹ quan Nha Trang, và trường Pháo Binh Lam Sơn.
Năm 1971, Ông được cho đi học trường Cao Đẳng Quốc Phòng, sau đó được điều động về phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu. Đến tháng 8 năm 1972, Ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy Trưởng Binh Chủng Biệt Động Quân. Sau gần 2 năm chỉ huy Biệt Động Quân, tháng 4 năm 1974, ông được vinh thăng Thiếu Tướng.
Ngày 28/4/1975, Tướng Times bên Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ngỏ lời sẵn sàng giúp đưa cả gia đình ông đi Mỹ, nhưng vì trách nhiệm của một người làm tướng, Ông đã không rời bỏ đồng đội, Ông quyết định ở lại. Để rồi hai ngày sau, cùng với toàn thể quốc dân đồng bào và chiến hữu, đau đớn chứng kiến quê hương Nam Việt Nam rơi vào tay bọn cộng sản Bắc Việt.
Đến ngày 15 tháng 5 năm 1975, chính quyền cộng sản đến nhà mời Ông đi họp và đưa thẳng Ông vào khám Chí Hòa, bắt đầu những ngày tháng lưu đày trên chính quê hương mình cùng với các vị tướng lãnh và anh em khác của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, qua khắp các ngục tù từ trong Nam ra đến Bắc Việt. Sau 17 năm lưu đày, mãi đến ngày 5 tháng 5 năm 1992, Ông là một trong bốn vị cấp tướng cuối cùng ra trại tù cộng sản. Ba vị tướng kia là: Thiếu Tướng Trần Bá Di, Thiếu tướng Lê Minh Đảo, và Chuẩn tướng Thiếu tướng Lê văn Thân.
Ông và gia đình được xếp vào danh sách H.40 nhưng cuối cùng được đôn lên H.7 nên cả gia đình Ông đã rời Việt Nam và đến Hoa Kỳ qua diện H.O. vào hạ tuần tháng 10 năm 1993, định cư tại thành phố Garland, tiểu bang Texas. Từ tháng 2 năm 2012, vì tuổi già sức yếu, Ông đã phải vào Viện dưỡng lão để được chăm sóc chu đáo hơn. Và… luật sinh tử trong đất trời không từ bỏ một ai, sau vài ngày rất ngắn trên giường bịnh vì một cơn tai biến mạch máu não, Chúa Nhật ngày 21 tháng 2 năm 2016 vừa qua, Thiếu tướng Đỗ Kế Giai đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4 giờ 56 phút chiều tại bệnh viện Baylor, thành phố Dallas, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, thượng thọ 87 tuổi. Ông yên bình ra đi trong vòng tay yêu thương của con cháu và chiến hữu của Ông.
Lúc 10 giờ sáng thứ bảy ngày 27 tháng 2 năm 2016, Linh cửu của Cựu Thiếu Tướng Edmond Marie Đỗ Kế Giai đã được mang vào nhà thờ của Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (thành phố Garland, tiểu bang Texas) tham dự Thánh lễ cuối, và nhận các nghi thức sau cùng dành cho một linh hồn Công giáo. Sau đó là các nghi thức phủ Cờ Tổ quốc dành cho người con trung dũng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước khi Ông vĩnh viễn từ biệt mọi người.
Trong suốt thời gian hai mươi ba năm phụng sự Quốc gia, phục vụ trong Quân lực, Thiếu tướng Đỗ Kế Giai được ân thưởng rất nhiều huân chương cao quý, như: Chương Mỹ Bội Tinh Đệ Nhị Hạng, Đệ ngũ đẳng Bảo Quốc Huân Chương, Đệ tứ đẳng Bảo Quốc Huân Chương, Đệ tam đẳng Bảo Quốc Huân Chương… Thiếu tướng được biết đến và được nhắc đến trong sự yêu thương của các chiến hữu, của đồng đội của Ông, là người sĩ quan vô cùng thanh liêm, là người chỉ huy cương trực, là một chiến hữu hết lòng vì anh em.
Sau quốc biến 1975, và sau 17 năm tù đày cộng sản, Ông đã không muốn nói nhiều về cá nhân mình. Chỉ có ba điều Ông nói đến và đó như là bài học lưu lại cho hâu duệ:
Thứ nhất là lý do Ông đã ở lại khi quốc biến. Ông nói “Tôi quyết định ở lại vì tôi cho hành động như vậy là đúng. Nhưng không phải vì vậy mà tôi công kích những người ra đi năm 1975. Bởi vì, trường hợp mất Nam Việt Nam thật đặc biệt, không thể quy trách cho những người cầm súng giữ nước. Các Đơn vị Quân đội vẫn hiên ngang chiến đấu, chúng ta không hề bỏ chạy trước cộng quân. Quân đội phải buông súng vì lệnh đầu hàng của ông Dương văn Minh. Do đó, nếu quý vị có ở lại thì trước sau cũng vô tù cộng sản như tụi tôi. Hơn nữa, nhờ có một số chiến hữu thoát được ra hải ngoại nên về mặt chính trị mới có cơ hội tranh đấu cho quyền lợi của những người còn kẹt lại. Về mặt kinh tế, đi trước xây dựng được cuộc sống ổn định, sau này có thể tương trợ lẫn nhau. Bây giờ không nên bàn về vấn đề trước sau, mà mọi người phải cùng chung lưng gầy dựng một lực lượng vững mạnh cả chính trị và kinh tế nơi thế hệ tương lai của người Việt hải ngoại.”
Thứ hai là tác phong của một vị tướng! Thiếu tướng Đỗ Kế Giai đã nói: “Tôi là một sĩ quan gốc Nhảy dù, một Tướng lãnh. Truyền thống của Quân lực là thi hành tuyệt đối, trong tinh thần đó, tôi đã ra lệnh cho Biệt Động Quân phải tử thủ để chu toàn trách nhiệm. Những điều tôi yêu cầu các chiến hữu Biệt Động Quân phải làm, cá nhân tôi cũng thực thi đúng vậy. 6,095 ngày ở tù cộng sản, tôi tự nhận đã làm tròn bổn phận trách nhiệm của một tướng lãnh đối với đồng đội, với Tổ quốc khi tại ngũ. Suốt gần 17 năm tù đày, trước mặt kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn cố gắng giữ gìn tác phong để bảo vệ danh dự của Quân lực. Đối với người cộng sản, dù họ không thích tôi, nhưng họ không thể KHINH tôi được”
Thứ ba là việc Ông không nhận lời viết hồi ký, Ông luôn lặp đi lặp lại rằng: “Không! Tôi dứt khoát là không. Vài năm trước đây và ngay bây giờ, có nhiều nhà xuất bản Mỹ và Việt đề nghị tôi viết hồi ký và họ sẽ giúp xuất bản. Tôi trả lời là đối với tôi, điều này khó quá. Bởi nếu đã viết, thì phải nói hết, nói thật, mọi sự việc mà tôi đã nghe, đã biết, đã thấy, như vậy, e rằng sẽ làm mất lòng nhiều người. Hơn nữa, vấn đề này tôi xin bày tỏ quan niệm tôi qua 2 câu của người xưa
Bại Binh Chi Tướng, Bất Khả Ngôn Dũng
Vong Quốc Chi Đại Phu, Bất Khả Ngôn Trí
Nghĩa là:
Tướng bại trận không thể nói mạnh
Quan mất nước, không thể nói hay
Sau đây là bài thơ của Thiếu Tướng đã cảm tác trong những ngày tù cộng sản ở Bắc Việt vào năm 1984. Những bài thơ của ông luôn mang hồn thơ bi hùng của một anh hùng sa cơ lỡ vận. Bài thơ như thấm sâu vào máu và ghi trong tim óc Ông về một giai đoạn bi ai nhất trong đời một con người. Những năm cuối đời, mỗi khi có anh em chiến hữu hay lớp hậu duệ và hay bất cứ ai đến thăm và trò chuyện với Ông, trước khi về đều được ít nhất một lần Ông đọc bài thơ này cho nghe.
TÂM SỰ NGƯỜI BẠI TƯỚNG (Khúc Cuồng Ca)
Hoàng hôn xuống khi nắng vừa liệm tắt
Đời đau thương khi tràn ngập màu tang
Bừng tỉnh giấc hải hùng cơn ác mộng
Thành xây bao năm phút chốc đống tro tàn!
Gươm sẵn có, không đoạn dứt-lòng day dứt
Súng đầy kho đành xếp giáp qui hàng
Môt triệu tinh binh tướng tá kiêu hùng
Thành trì vững quân nhiều không giữ được
Lỗi tại ai? Có phải vì thời cuộc?
Tại ý Trời hay ý của dân sinh?
Tại các tướng cầm đầu hay tại người chiến binh
Không tận tụy hy sinh vì tổ quốc
Thế giặc mạnh lan tràn theo chiến cuộc
Ta đau lòng vận nước quá lâm nguy
Chiến hay hòa? Giải pháp hay chạy đi?
Đều tan vỡ mộng lòng theo ảo ảnh
Giờ Việt Bắc thân tù giam ngục lạnh
Khổ lưu đày cô quạnh núi rừng hoang
Nhớ nhung như hổ nhớ núi non ngàn
Sầu uất khí hùm thiêng đành bó gối
Cơn bão tố đại bàng mang cánh gãy
Sống ê chề nhục nhã lũ người khinh
Nhớ trời xanh bay vượt mấy tầng không
Nhớ biển cả thuở lượn vòng đây đó
Giờ biệt giam hổ nằm trong ủ rũ
Đói dày vò nhục nhã lũ người khinh
Nỗi khốn chế miếng ăn tồi lấp lửng
Án tử hình đâu phải án tù binh
Đường trần thế muôn ngàn tai nạn
Khốn khổ tù muôn vạn gian truân
Công danh như giấc mộng tàn
Nỗi sầu mất nước nỗi tan tình nhà
Sống dỡ sống ta nào tha thiết
Tự sát mình thì thiệt người sau
Thân không dần đánh mà đau
Người không giết bỏ giết sầu độc chưa?
Trăng lạnh mờ sương khuya
Hồn chơ vơ lạc lỏng
Trăm mối sầu cô động
Trong thảm cảnh nhà giam
Chao ơi! Trời ơi! Dân Việt lầm than vì chủ nghĩa Lênin – Mác.
Nhiều người đã thác bởi Cộng sản tà gian
Tiếng kêu hay tiếng khóc than
Tiếng rên thảm thiết muôn ngàn đau thương
Ai đem đày đọa ngục đường
Cho thêm đói rét cho người hời căm
Chao ơi! Thấy cửa đóng như sắt đè nặng ngực
Nghe tiếng cài then như búa bổ đầu rêm
Nghe tiếng khóa cửa như nhức nhói trong tim
Đầy tủi hận buổi vào buồng giam lại
Trong cửa sổ nhìn ra ngoài
Lũ công an qua lại
Trong song sắt nhìn ra ngoài
Bầu trời xanh hẹp lại
Ngục tối mấy ngàn đêm rồi
Khổ trông được các vì sao
Nghe như dẫm tim mình
Làm hồn ta tê tái
Ý thức hệ miền Nam kiếp nạn
Chín năm cố quốc dạ nào quên
Không xoay thế cuộc anh hùng lụy
Hào kiệt ngục trung nợ nước đền
Anh hùng mưu sự chằng nên
Cúi xuống thẹn đất ngước lên thẹn trời
Mài gươm rồi để hận đời
Chôn vùi thế hệ lụy người tù chung
Van thế nhân, xin đừng trách nữa!
Lỗi lầm này hãy sửa sai chung
Đem xương máu học bài đắt giá
Chi đem thành bại luận anh hùng…
Nâng lên tay cành hồng đẫm máu cùng nén hương trầm dâng lên anh linh người con trung dũng của Quê Mẹ Việt Nam – Thiếu Tướng Edmond Marie Đỗ Kế Giai. Mong Ông yên lành trên Thiên quốc và trông về Đất Việt đau thương. Xin vĩnh biệt Người!!!
*Tro cố của Thiếu tướng được đặt nơi Nha Bình An GX Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Garland, TX