Nhân tài không nhờ vào sự ưu ái
Thái Hóa Lộc
Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ về Sắc lệnh Affirmative Action ngày 29 tháng 6 năm 2023, sau hơn 60 năm vẫn đang là đề tài gây nhiều tranh cãi trong dư luận các từng lớp người Hoa Kỳ từ các giới lãnh đạo đến người dân. Phán quyết lịch sử với tỷ lệ 6-3 hủy bỏ Sắc Lệnh Affirmative Action dành ưu ái cho sinh viên Da Đen và sinh viên Châu Mỹ La Tinh vào Đại Học là vì đã vi phạm Điều Khoản Bảo Vệ Bình Đẳng – Equal Protection Clause – của Tu Chính Án Thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ!
Vụ kiện Đại Học North Carolina và Đại Học Havard về vấn đề tuyển sinh căn cứ vào chủng tộc, trong đó những ứng viên không phải da đen và Mỹ Châu La Tinh dù hội đủ điều kiện học vấn vẫn bị loại ra ngoài để nhường chỗ cho 2 sắc dân này tính theo tỷ lệ được ấn định, nhân danh sự đa dạng và dựa vào sắc lệnh affirmaive action. Tuy các tòa án cấp dưới đã ủng hộ chương trình đang được áp dụng tại UNC và Harvard, theo đó hai trường này bác bỏ những khiếu nại về việc phân biệt đối xử với các ứng viên người Mỹ gốc Á châu và da trắng. Phán quyết ngày 29 tháng 6, 2023 của Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Hoa Kỳ (6-3 trong trường hợp UNC và 6-2 đối với Havard) đã đảo ngược khuynh hướng của những tòa dưới khi bác bỏ sắc lệnh Affirmative Action, khi tuyên bố "tất cả các hình thức phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc - kể cả cái gọi là Affirmative Action – đều bị cấm vì đi ngược lại Hiến pháp Hoa Kỳ."
Đây là một phán quyết hết sức công bằng, hợp lý và đặc biệt có lợi cho con em người Mỹ gốc Việt - những sinh viên Mỹ gốc Á. Phần lớn những gia đình Việt Nam tị nạn CS đều có kinh nghiệm rất phũ phàng về vấn đề này, trong khi con em học rất giỏi, điểm SAT hay MCAT có khi gần đạt tối đa (1580/1600 và 522/528) nhưng không có hy vọng được học ngành y tại những trường đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ.
Những người chủ trương Affirmative Action – phần lớn thuộc khuynh hướng xã hội – viện dẫn quy chế này để tăng sự đa dạng trong đại học (cũng như trong xã hội), giúp những nhóm ít được đại diện có cơ hội tham dự và thăng tiến trong giáo dục cũng như trong công ăn việc làm. Điển hình như tại California, dân số người Mỹ gốc Á châu chỉ vào khoảng 17% nhưng sĩ số sinh viên trong các đại học vượt quá 40%. Ngược lại tuy người Mễ (Hispanic) chiếm 40% dân số nhưng số SV gốc Mễ không tới 17%. Trường hợp người Mỹ gốc Phi Châu lại còn tệ hơn nữa. Họ cho rằng như vậy những SV gốc Á đã “lạm phát” đã “overrepresented” trong khi vắng bóng những SV Mễ và da đen tại các sân trường đại học. Cánh tả thậm chí còn cho rằng affirmative action là một “sự kỳ thị tích cực” (positive discrimination)”. Thật là mâu thuẫn và trái ngược!
Không có bất cứ bằng chứng nào cho rằng những SV gốc Á hay Do Thái thông minh hơn hay được ưu đãi hơn những SV da đen hay Mễ, sự khác biệt chính yếu là từ truyền thống gia đình và di sản văn hóa. Tương tự như những người Do Thái đến Mỹ nhiều thập kỷ trước, người Mỹ gốc Á nhận ra rằng để khắc phục sự phân biệt đối xử và để tiến lên phía trước, họ cần được giáo dục tốt hơn và làm việc chăm chỉ hơn người bản xứ. Các bậc cha mẹ gốc Á, nhất là những người tị nạn CS Việt Nam, thường đến Mỹ với bàn tay trắng, trình độ học vấn nói chung rất giới hạn, họ thường lao vào làm những công việc lương thấp để chỉ muốn con mình thành công. Đối với họ gia đình là tất cả, cha mẹ sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Có những ông bố bà mẹ VN hy sinh cuối tuần hay buổi tối để chở con đi học thêm, hết chỗ này đến chỗ khác, cứ con học thêm một tiếng thì bố mẹ cũng ngồi một giờ để chờ đón con.
Rõ ràng chẳng phải vì bị kỳ thị hay bị đối sử bất công mà rất ít học sinh da đen nộp đơn và đủ điều kiện vào các trường đại học, nguyên nhân chính là thiếu sự nâng đỡ và khuyến khích từ gia đình. Đã vậy tại nhiều đô thị lớn, những thị trưởng khuynh hướng xã hội thường liên minh với hiệp hôi giáo chức tìm cách ngăn chặn những trường bán công (charter school) và quyền chọn trường (school choice). Việc làm này đã gián tiếp đưa những học sinh da đen, người Mỹ gốc La tinh vào một hệ thống giáo dục thất bại!
Ngược lại trong chính trường Hoa kỳ người gốc Châu Phi, hay người Mỹ da đen, tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ không bị kỳ thị. Ngày nay họ đã đạt được những bước tiến thật dài. Từ khi bị đưa đến xứ sở này làm nô lệ, cho đến bây giờ đã có hai ngoại trưởng kế tiếp trong 2 nhiệm kỳ tổng thống Bush là người da đen, bộ trưởng Quốc phòng hiện tại nhiệm kỳ TT Joe Biden và nước Mỹ đã có một tổng thống da đen là Obama. Người da đen được đến bất cứ nơi nào dành cho công chúng như tất cả mọi mọi da trắng và các sắc dân khác sống ở đất nước này. Tại các trường học, các học sinh, sinh viên da trắng, da đen ngồi bên cạnh nhau cùng học tập. Ngày càng có nhiều người da đen kết hôn với người da trắng, và trước công chúng, tuyệt đối không ai dám có một cử chỉ hay lời nói nào có ý xúc phạm tới người da đen. Giống như mọi sắc dân khác, người da đen ở Mỹ gồm đủ mọi thành phần, trí thức, giàu có, trung lưu hay nghèo khổ. Có những người da đen rất lịch sự, biết điều, nhã nhặn và cũng có những nguiờ da đen hết sức khó chịu, lỗ mãng. Nhưng tại sao thành phần sắc tộc da đen tại Hoa Kỳ cứ than phiền là họ vẫn bị kỳ thị?
Phán quyết Affirmative Action, vô hình chung đã trực tiếp nâng cao phẩm giá của người Da Đen (và người gốc Chấu Mỹ La Tinh), mang một ý nghĩa quan trọng là sự tôn trọng Người Da Đen phải dựa trên tài năng của chính họ, chứ không phải bằng sự “ưu ái” hay “thương hại” vì họ là người Da Đen, do sắc lệnh Affiemative Action ban bố. Chính từ nhận định này, ông Candace Owens, nhà hoạt động bảo thủ da đen có ý kiến: “Wow!!! Affirmative Action, vấn đề mà tôi đã lên tiếng phản đối trong 7 năm qua, cuối cùng đã bị hủy bỏ trong một phán quyết lịch sử của Tối Cao Pháp Viện. Đây là một chiến thắng lớn trong nỗ lực đạt được bình đẳng chủng tộc, loại bỏ thành kiến cho rằng học sinh da đen là yếu kém cần nâng đỡ, đồng thời cho phép người Mỹ gốc Á và da trắng có cơ hội được tường thưởng công bình vì sự chăm chỉ của họ. Chủng tộc không bao giờ là một điều kiện ắt có và đủ để quyết định cho bất cứ điều gì. Đất nước đã mất hơn 60 năm, cuối cùng công lý đã chiến thắng với chủ trương chính sách ưu đãi nhân tài! Thật đáng tiếc khi phải mất nhiều thời gian như vậy, nhưng cuối cùng công lý đã chiến thắng!
Ngay cả bà Michell Obama, cho dù rất đau lòng về phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, cũng nói ra cảm tưởng khi nghĩ rằng bà ấy bị nghi ngờ là nhờ Affirmative Action mà vào được Đại Học: “Khi còn ở đại học, tôi là một trong số ít sinh viên Da Đen trong trường và tôi tự hào khi vào được một ngôi trường được trọng vọng như vậy, tôi biết mình đã làm việc chăm chỉ để đạt được điều đó. Tuy nhiên, đôi khi tôi tự hỏi liệu mọi người có nghĩ rằng tôi được vào nơi đó vì nhờ Affirmative Action hay không. Đó là cái bóng đen mà sinh viên như tôi không thể lay chuyển, cho dù những nghi ngờ đó đến từ bên ngoài hay bên trong tâm trí của chúng tôi…”
Trong khi đó, có thể là hai đối thủ muốn làm chủ Tòa Bạch Ốc năm 2024 là đương kim TT Joe Biden và cựu TT Donald Trump lại hoàn toàn trái ngược về Affirmative Action. Đương kim Tổng Thống Joe Biden lớn tiếng phản đối rằng vẫn còn kỳ thị, vẫn còn kỳ thị ngược lại với cựu TT Donald Trump cho rằng “Đây là phán quyết mà mọi người đã chờ đợi và hy vọng và kết quả thật tuyệt vời. Nó sẽ giúp chúng ta cạnh tranh với thế giới. Những bộ óc vĩ đại nhất của chúng ta phải được trân trọng và đó là điều mà ngày tuyệt vời này đã mang lại. Chúng ta sẽ trở lại với tất cả những gì đều phải dựa trên tài năng và đó là con đường phải đi như vậy! – Với tỷ số 6-3, Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết bác bỏ chương trình ” Ưu Ái Đặc Biệt – Affirmative Action” để đưa đất nước chúng ta trở lại hệ thống giáo dục dựa trên tài năng!”
Denzel Hayes Washington Jr., một người da đen là một diễn viên, nhà sản xuất và đạo diễn trong sự nghiệp kéo dài hơn bốn thập niên, Washington đã nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm Giải Tony, hai Giải Oscar, ba Giải Quả Cầu Vàng và hai Giải Gấu Bạc. Năm 2016, ông nhận giải thưởng Cecil B. Ông sinh ngày 28/12/1954, tại Mount Vernon, New York, tốt nghiệp Cử Nhân tại Fordham University và American Conservatory Theater. Denzel Washington nói rằng việc tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng người da màu bắt đầu từ gia đình: “Thay đổi bắt đầu từ ở nhà. Nếu người cha không có ở nhà, đứa trẻ sẽ tìm cha ở ngoài đường. Tôi đã thấy điều đó trong thế hệ của mình và mọi thế hệ trước tôi, và mọi thế hệ kể từ đó - Nếu đường phố nuôi sống bạn, thì thẩm phán trở thành mẹ của bạn và nhà tù trở thành nhà của bạn.”
Giấc Mơ của Martin Luther King đã thành hiện thực phân nửa qua phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, phân nửa còn lại thì những hậu duệ của ông ấy phải tự mình hoàn tất lấy, không phải nhờ sự ưu ái được ban phát bởi những người khác vì màu da của họ mà do chính phẩm giá của họ.