Cuộc chiến Israel-Hamas tác động Bầu Cử Hoa Kỳ 2024
Thái Hóa Lộc
Cuộc chiến Israel và Hamas đã bước qua tháng thứ hai và càng ngày càng khốc liệt hơn trong khi thế giới cũng như Hoa Kỳ hiện rõ hai xu hướng đối nghịch. Những cuộc biểu tình chống nhà nước Do Thái lại nổi lên như một áp lực khi ngày bầu cử của Hoa Kỳ ngày càng đến gần.
Ngày 05/11/2024, người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để bầu tân tổng thống và quốc hội Hoa Kỳ. Bên đảng Dân Chủ, có nhiều khả năng đương kim tổng thống Joe Biden sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Về phía đảng Cộng Hòa, cựu tổng thống Donald Trump vẫn là ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng, bất chấp những rắc rối pháp lý mà ông đang phải đối mặt. Mặc dầu lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử sơ bộ Hoa Kỳ của Đàng Cộng Hòa, cựu TT Trump trong ba lần tranh biện đều không tham gia. Ngày 8 tháng 11 năm 2023 là lần tranh biện cuối cùng tại Miami, tiểu bang nhà Florida của Thống đốc DeSantis.
Cuộc chiến Israel-Hammas trở thành một thách thức lớn khi sự xung đột leo thang và sự giải quyết không dứt khoát của Tổng thống Joe Biden. Theo tờ Politico và New York Times ngày 5/11, những lo ngại đang ngày càng gia tăng trong các đảng viên Đảng Dân chủ về việc Tổng thống Joe Biden nguy có cơ thất bại trong cuộc bầu cử năm 2024 khi trong nội bộ đảng này, ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự ủng hộ của Tổng thống Biden dành cho Israel liên quan đến cuộc chiến với Hamas đang làm suy yếu niềm tin đối với ông ở những tiểu bang chiến địa mà ông Trump đang dẫn trước. Phản ứng của người Mỹ đang thay đổi nhanh chóng về cuộc xung đột Israel – Hamas. Các cuộc biểu tình và tranh luận sôi nổi đã xảy ra trên toàn quốc, điển hình là ở New York, trong các trường đại học và thậm chí tại điện Capitol, nơi các nhà hoạt động vì hòa bình người Do Thái kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và đòi công lý cho người Palestine và rất nhiều điều có thể biến động khó lường từ nay đến tháng 11 tới, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng khi Israel tấn công vào Gaza để đáp trả cuộc đột kích của lực lượng Hamas vào ngày 7/10, Đảng Dân chủ của ông Biden đang rạn nứt vì cuộc chiến. Cuộc thăm dò của hai tờ báo trên cho thấy các cử tri ở các bang chiến địa tin tưởng ông Trump hơn ông Biden trong việc quản lý cuộc xung đột Israel - Palestine với chênh lệch 11 điểm. Các cử tri dưới 30 tuổi, giống như đại đa số cử tri, thích ông Trump giải quyết vấn đề hơn ông Biden 10 điểm. Ngoài ra, theo các cuộc khảo sát, cử tri ở các bang dao động có những nghi ngại nghiêm trọng về cách quản lý nền kinh tế của ông Biden - thường quan trọng hơn nhiều đối với cử tri so với các vấn đề thế giới - cũng như vấn đề tuổi tác của ông. Nhưng chính sách đối ngoại cũng là một điểm yếu đối với Tổng thống Biden, và một số đảng viên Đảng Dân chủ cho rằng điều đó đang làm trầm trọng thêm những hạn chế khác của đương kim tổng thống Mỹ, đặc biệt là trong giới cử tri trẻ và không phải da trắng.
“Xung đột đang tác động đến cách mọi người, đặc biệt là giới trẻ Mỹ nghĩ về bản thân, về tổng thống và về nước Mỹ”, John Della Volpe, Giám đốc thăm dò ý kiến tại Viện Chính trị của Trường Harvard Kennedy, người đã cố vấn cho nhóm vận động tranh cử năm 2020 của ông Biden và vẫn là tiếng nói bên ngoài đáng tin cậy của Tòa Bạch Ốc, cho biết. Kết quả thăm dò của tờ New York Times công bố hôm 5/11 đã gây ra làn sóng “hoảng sợ” đối với những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của ông Biden. Bill Kristol, một nhà chính sách đối ngoại nổi tiếng có quan điểm diều hâu, đã kêu gọi Tổng thống Biden tuyên bố không tái tranh cử vào năm 2024.
Rõ ràng là bối cảnh chính trị, đặc biệt là tình hình ở Dải Gaza, có những ảnh hưởng khá rõ ràng đối với triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Biden. Trong những ngày gần đây, các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Hồi giáo và Arab đã cảnh báo các trợ lý hàng đầu của ông Biden rằng các chính sách của tổng thống có thể gây tổn hại với ông vào năm 2024 trong số các cử tri trong cộng đồng của họ. Mặc dù họ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số cử tri trên toàn quốc, nhưng cử tri người Mỹ gốc Arab có thể là nhóm bỏ phiếu quan trọng trong các cuộc bầu cử ở những tiểu bang không có thế áp đảo, đặc biệt là ở bang dao động Michigan.
Theo truyền thống qua các lần bầu cử trong lịch sử, chính sách đối ngoại thường không gây nhiều ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng lần này, mọi chuyện có thể khác, do xung đột bùng phát ở Trung Đông. Trên thực tế, cuộc chiến giữa Israel và Hamas được theo dõi rất kỹ không những tại Hoa Kỳ mà cả thế giới. Trong khi đảng Cộng Hòa và tất cả các ứng cử viên bầu cử sơ bộ đều đứng về phía Israel, thì đảng Dân Chủ lại có vẻ bị chia rẽ hơn trong vấn đề này. Tổng thống Biden, theo truyền thống, ủng hộ lợi ích của nhà nước Do Thái, đã rơi vào thế bí kể từ ngày 07/10, khi ông vừa tìm cách bảo vệ đồng minh chiến lược Israel, qua việc ủng hộ nước này đối phó với các cuộc tấn công của Hamas, nhưng đồng thời không tỏ ra vô cảm với những nạn nhân người Palestine do hành động đáp trả của quân đội Israel gây ra.
Tổng thống Biden luôn duy trì mối quan hệ khăng khít với Israel, đất nước mà ông luôn ủng hộ trong suốt sự nghiệp chính trị lâu dài của mình, bất chấp những khoảng thời gian xích mích với đương kim thủ tướng Benyamin Netanyahu, người mà ông đã nhiều lần tiếp cận kể từ khi ông còn là phó tổng thống dưới thời Barack Obama. Do đó, và ngay lập tức hứa sẽ hỗ trợ chính phủ Israel một cách vô điều kiện. Lời hứa này được hiện thực qua chuyến thăm của ông tới Israel vào ngày 18/10, bất chấp những rủi ro chính trị và an ninh, mà trên hết là qua việc Washington tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, cùng với việc cung cấp cho Israel vũ khí vốn dành cho Ukraine. Nhưng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, ông Biden sẽ khó lòng duy trì được lập trường vốn có : Tổng thống Mỹ phải tìm cách tránh cho xung đột tại Trung Đông lan rộng, nhưng đồng thời bị cả cánh tả lẫn cánh hữu đả kích, trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước hết sức căng thẳng. Ông Biden bị cánh tả của phe Dân Chủ chỉ trích là không thực sự quan tâm đến số phận của thường dân Palestine ở dải Gaza, và quá nhu nhược đối với chính phủ Netanyahu. Còn đảng Cộng Hòa thì cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công Israel, khi ông tỏ ra nhu nhược với Iran, quốc gia ủng hộ tổ chức Hamas.
Nhận thức được tầm mức của sự việc, lần thứ hai trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Joe Biden đã phát biểu trước quốc dân từ Phòng Bầu Dục vào ngày 21/10, và lên án cả nạn bài Do Thái lẫn bài Hồi Giáo, hai hiện tượng gia tăng đáng kể từ ngày 07/10. Trong bài phát biểu, ông kêu gọi Israel đừng “để bị mù quáng bởi cơn thịnh nộ” và hãy rút ra những bài học của một “nước Mỹ đã trải qua địa ngục sau sự kiện 11/09” và “đã phạm sai lầm”, ám chỉ đến cuộc can thiệp quân sự vào Irak được chính quyền Bush phát động vào năm 2003…
Trong nhiều năm, đảng Dân Chủ đã bị chia rẽ về vấn đề Israel. Cánh tả của đảng ngày càng bất bình với cách mà Israel đối xử với Palestine, và bao quát hơn là bất bình với chính phủ cánh hữu và cực hữu do thủ tướng Benyamin Netanyahu lãnh đạo. Điều này không chỉ được thể hiện qua việc nội bộ đảng bị chia rẽ, mà còn qua sự chuyển hướng của các cử tri đảng Dân Chủ trong các cuộc thăm dò dư luận. Sự kiện ngày 07/10 lẽ ra có thể đảo ngược xu hướng này, nhưng sự khác biệt về thế hệ và chủng tộc vẫn còn là một vấn đề nan giải : giới trẻ và những người da màu thuộc cánh tả phản đối việc hỗ trợ quân sự cho Israel nhiều hơn những nhóm xã hội khác. Trong khi đó, ngược lại Đảng Cộng Hòa lại thống nhất hơn về sự ủng hộ Israel. Hành động đầu tiên của tân chủ tịch Hạ Viện, Mike Johnson, là thông qua một nghị quyết yểm trợ Israel “bất cứ thứ gì nước này cần trong cuộc chiến chống lại Hamas”, nghị quyết được thông qua với đa số áp đảo.
Một điều chắc chắn không thể tránh khỏi là hậu quả xung đột Israel-Hamas sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2024.