Vài suy niệm về Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Anh Phương TRẦN VĂN NGÀ

Lễ Giỗ lần thứ 60 Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm cũng là ngày đánh dấu sự sụp đổ của chánh thể Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa. Chúng ta cùng nhau đốt nén hương lòng tưởng nhớ công ơn và suy tôn một lãnh tụ quốc gia vĩ đại yêu nước đã khai sáng chế độ, Chính Thể Cộng Hòa - dân chủ pháp trị đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Ngược dòng thời gian, một tấm huy chương có mặt trước và mặt sau, nói cách khác có 2 mặt: mặt phải và mặt trái. Tương tự như những nhân vật chánh trị thực hiện những công việc có tính quốc kế dân sinh, tầm vóc quốc gia, chắc chắn thành công mặt này, mặt khác không tránh khỏi những sai phạm nhỏ hay lớn. Và có thể va chạm đến quyền lợi cá nhân hay tập thể của tổ chức khác...đó là lẽ đương nhiên của con người, vì nhân vô thập toàn. Nhưng, đa số thức giả thường suy ngẫm, tổng hợp và phân tích những việc làm của các nhân vật chính trị có tính lịch sử như hai vị Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Chúng ta phải thận trọng vì hai vị Tống Thống này là hai nhà kiến trúc xây dựng nền móng chế độ, chính thể Đệ I và Đệ II Cộng Hòa - dân chủ pháp trị, nhằm đương đầu trực diện với chủ thuyết độc tài đảng trị của chế độ cộng sản Bắc Việt, đang trị vì một nửa nước Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 (cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị) ra Bắc đến Ải Nam Quan.

Nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã mang đến cho toàn thể nhân dân miền Nam Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 đến Mũi Cà Mau những năm tháng an bình thịnh trị, độc lập tự do, dân chủ pháp trị...

Sau khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm qua trưng cầu dân ý ngày 23.10.1955, trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa - Từ 26.10.1956 đến ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại 2.11.1963 (chết trẻ - 62 tuổi), tồn tại được 7 năm, chấm dứt chánh thể Đệ Nhất Cộng Hòa.

Trước ngày nền tảng chánh thể Đệ Nhất Cộng Hòa bị "đổi mới", lúc bấy giờ, Thủ Đô Sài Gòn được quốc tế ví von là "Hòn Ngọc Viễn Đông" với đầy đủ văn minh, tiện nghi và năng động trong mọi sinh hoạt ngang hàng với nhiềuThủ Đô của các nước tiên tiến văn minh khác trên thế giới. Về phát triển kinh tế "dân giàu nước mạnh", Việt Nam Cộng Hòa vượt trội hơn nước Đại Hàn, Singapore và tất cả các nước Đông Nam Á. Sau ngày 30.4.1975, nước VNCH đã bị bức tử, có nhiều nước trong vùng vươn lên, được phong tặng là con Rồng của Châu Á hay Đông Nam Á. Trong lúc nước Việt Nam cộng sản ngày càng đứng tụt hậu sau các nước này, thua sút đến hàng chục lần. Sự tệ hại thấp kém của nước VNCS về mọi mặt: xã hội băng hoại, tự do dân chủ, nhân quyền dân sinh bị chà đạp hạn chế, thu nhập lợi tức đầu người kém xa nhiều nước trong vùng. Văn minh, giáo dục, y tế, kỹ cương đạo đức...tất cả đều thua kém xa các nước từng phải học hỏi noi gương phát triển của nước Việt Nam Cộng Hòa, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nền Đệ Nhất Cộng Hoà (từ năm 1956 đến năm 1963 - Hai năm 1954 và 1955, ông Ngô Đình Diệm còn là Thủ Tướng Chính Phủ, chưa phải là Tổng Thống, chưa có đầy đủ tam quyền phân lập, độc lập: Hành Pháp - Lập Pháp - Tư Pháp...). Với công việc làm đội đá vá trời của Nội Các Ngô Đình Diệm - phương châm xây dựng thể chể mới từ chế độ Quân chủ phong kiến sang chế độ Cộng Hoà theo mô thức chính trị: dân chủ, tự do, pháp trị như các nước Tây Phương. Cùng một lúc, Nội Các Ngô Đình Diệm, từ ngày 7.7.1954, ngày ông Ngô Đình Diệm, được sự bổ nhậm của Quốc Trưởng Bảo Đại, ký Sắc Lệnh từ nước ngoài - Pháp Quốc, nhận lãnh chức vụ Thủ Tướng Chính Phủ, trong khi Quốc Gia Việt Nam (tự do - dân chủ) như con thuyền lênh đênh sắp đắm vì Hiệp Định Genève ngày 20.7.1954 sẽ được ký kết chia đôi đất nước. Với nhiều công việc quốc gia đại sự, Quốc Trưởng Bảo Đại đổ ập lên vai Thủ Tướng Ngô Đình Diệm để giải quyết, thi hành vãn hồi hòa bình trên cả nước và có thể nói toàn cõi ba nước Đông Dương theo tinh thần của Hiệp Định Genève do quốc tế ký kết, đặt để dù chính phủ Quốc Gia Việt Nam không thừa nhận. Vì vậy, mới có "ngày lịch sử" Song Thất 7.7 (1954), đánh dấu ngày ông Ngô Đình Diệm về Thủ Đô Sài Gòn chấp chánh và thành lập Nội Các mới. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, Thủ Tướng Ngô Đình muốn giải quyết dứt điểm các khó khăn trước mắt để mở sinh lộ cho Quốc Gia Việt Nam tiến kịp theo trào lưu mới và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định Genève (20.7.1954), dù Việt Nam Cộng Hòa không ký. Trước tiên là phải vượt thoát khỏi ba nanh vuốt đã có từ lâu chận đứng đà tiến của một quốc gia Việt Nam non trẻ vừa thoát ra sự đô hộ của thực dân Pháp. Nội Các của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm quy tụ những thành phần trí thức của nhiều khuynh hướng tôn giáo, đảng phái chính trị và cùng lúc mở ba mặt trận tấn công vào sào huyệt, gọi là: bài phong, đả thực và diệt cộng, tất cả đều thành công ngoạn mục đưa đất nước VNCH từ năm 1955 đến năm 1962 luôn thanh bình êm ả, người dân no ấm, Quân đội hùng mạnh. 1 - Công lao lớn nhứt của Thủ Tướng (Tổng Thống) Ngô Đình Diệm, bằng mọi cách, ngoại giao với Mỹ và các nước dân chủ tự do khác, giúp phương tiện đưa gần một triệu người dân sống lầm than cơ cực dưới chế độ cộng sản, đã bỏ hết tài sản ở miền Bắc di cư vào miền Nam tự do. Trong khi đó, Chính Phủ và Quân Đội Pháp có trách nhiệm thi hành Hiệp Đình Genève lo phương tiện chuyển chở dân chúng miền Bắc vào Nam, chỉ thực hiện được trong một thời gian hạn định và ước tính chỉ có trên 100 ngàn người di cư mà thôi. Và con số người di cư được tăng tốc thay đổi lên gần 1 triệu người ở miền Bắc quyết lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, lìa bỏ chế độ cộng sản vô thần trốn chạy vào miền Nam tự do, chánh phủ phải lo đủ mọi thứ, từ nơi ăn, chỗ ở, trường học... Đó là công lao vĩ đại của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mà chúng ta kẻ hậu sinh phải cúi đầu khâm phục. 2 - Nội Các Ngô Đình Diệm can đảm dứt bỏ không thương tiếc một chế độ tha hóa, phong kiến lạc hậu, Quân Chủ với một vị Vua - Quốc Trưởng Bảo Đại "trị vị thiên hạ" Việt Nam mà luôn "đóng đô" ở Pháp, có cuộc sống phè phởn ăn chơi, la cà các sòng bài, các hộp đêm, vui thú xác thịt...Trong lúc nước nhà đang hồi nghiêng ngửa, con thuyền quốc gia sắp đắm chìm vì âm mưu của thực dân Pháp vẫn còn cố bám víu, vớt vát quyền lợi ở Miền Nam Việt Nam. Mặc dù, Pháp đã trao quyền lãnh đạo đất nước cho chính quyền Quốc Gia Việt Nam từ trước khi có Hiệp Định Genève 1954. Hơn nữa, các sứ quân như lực lượng vũ trang của Bình Xuyên tại Thủ Đô Sài Gòn, các giáo phái có võ trang ở Tây Ninh, Cần Thơ (Cái Vồn), Long Xuyên (Thốt Nốt - Chợ Mới), Châu Đốc (Cái Dầu)..., con đẻ của thực dân Pháp đang tồn tại tại Miền Nam Việt Nam, cần phải giải giới quy thuận chánh quyền quốc gia hay phải bị thanh toán dứt điểm. 3 - Trong khi đó, cán binh cộng sản phải tập kềt thi hành Hiệp Định Genève 1954 rút hết ra miền Bắc. Nhưng, nhiều cán bộ chánh trị, quân sự cao trung cấp như Lê Duẫn (sau này là Tổng Bí Thư đảng CSVN) của cộng sản tìm cách trốn ở lại "ém quân" và lén lút sống trà trộn với dân. Sau khi hết hạn rút quân về Bắc, cộng sản tiến hành kế hoạch rèn cán chỉnh quân nhằm thực hiện âm mưu, sách lược trường kỳ mai phục quân đội và cán bộ chính trị nòng cốt đang có mặt ở miền Nam, chờ thời cơ nổi dậy cướp chánh quyền. Âm mưu sách lược này đã lộ rõ sau 6 năm "trường kỳ mai phục" khi cộng sản Bắc Việt khai sanh cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam năm 1960 để lừa bịp quốc tế và đồng bào Việt Nam nhẹ dạ theo chúng với quyết tâm giựt sập chế độ dân chủ pháp trị của chính thể Việt Nam Cộng Hòa còn non trẻ. Với cao kiến của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Nội Các của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đưa ra Quốc Sách Ấp Chiến Lược, Khu Trù Mật - Dinh Điền nhằm đoàn ngũ hóa đồng bào bẽ gãy, chận đứng được âm mưu xâm nhập trà trộn của các cán bộ cộng sản vào thôn xóm của Miền Nam. Vì vậy, từ năm 1955 đến năm 1960, toàn cõi VNCH thật thanh bình, êm ả, mọi người được no cơm ấm áo, an ninh trên toàn lãnh thổ rất tốt đẹp. Từ cuộc đảo chánh của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và phe nhóm, ngày 11.11.1960, nhằm thay đổi chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, không thành công. Từ mốc thời gian này đến ngày chánh biến được gọi là cuộc cách mạng lịch sử 1.11.1963, nội tình chánh trị trong nước luôn có bàn tay lông lá của Mỹ xen vào làm cho thêm trầm trọng, đưa đến ngày sụp đổ hoàn toàn, cáo chung nền Đệ Nhất Cộng Hòa từ 2.11.1963. Chưa có cuộc đảo chánh 1.11.1963, từ thời điểm này trở về năm 1955, giá sinh hoạt, đời sống của người dân, công chức quân nhân rất thoải mái so với đồng lương hàng tháng. Cá nhân tôi, lúc bấy giờ, niên học 1954 - 1955, lương giáo chức công nhựt (không tốt nghiệp sư phạm) được 2 ngàn 500 kể cả phụ cấp sư phạm 300/tháng. Nếu tôi không tiêu xài mua được hơn 2 cây vàng, ăn cơm tháng 50 đồng/tháng tại xã tôi dạy học. Đến năm 1963, chưa đảo chánh, tôi đang phục vụ tại Trung Đoàn 33 Bộ Binh, đóng tiền cơm câu lạc bộ sĩ quan, ngày 3 bữa, $150/tháng, trong khi lương Chuẩn Úy được 3 ngàn tám... Đây là thời điểm dân giàu nước mạnh của chế độ Đệ Nhất VNCH (từ năm 1955 - 1963). Từ năm 1960 - 1962, chính quyền Mỹ muốn đổ quân vào Miền Nam Việt Nam để có cơ hội tiêu thụ hết số vũ khí thặng dư vĩ đại còn tồn động sau Đệ Nhị Thế Chiến và thử nghiệm vũ khí mới cũng như chiến thuật, chiến lược mới... mà chính cá nhân Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng như Nội Các của ông không đồng ý, không chấp nhận. Tổng Thống Ngô Đình Diệm tuyên bố chỉ cần Hoa Kỳ giúp trong vai trò cố vấn, huấn luyện quân sự, viện trợ dồi dào của Mỹ để cho VNCH có thêm sức mạnh đối đầu và chiến thắng CSBV. Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thường hé lộ, nói rằng để cho quân lính Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền đất tự do Nam VN thì chủ quyền của người dân Việt kể như đã bị Mỹ tước đoạt, chẳng khác nào thực dân Pháp trở lại Việt Nam. Đó là lý cớ, CSBV tuyên truyền xuyên tạc, dụ dỗ được một số nhà trí thức và dân chúng VN theo chúng thành lập cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từ tháng 12 năm 1960. Sự từ chối thẳng thừng đó làm cho chính quyền Mỹ lúc bấy giờ mất mặt, đi ngược lại kế hoạch của tư bản Mỹ... Từ những mắc mứu đó, dẫn đến nhiều cuộc chống đối dữ dội ở miền Trung do Việt cộng (và có thể cả Mỹ) xúi dục, vì có sự sai lầm thi hành nhiệm vụ của thuộc cấp ở Thành phố Huế và chính phủ trung ương đã biết sửa sai. Nhưng, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bất lực, không ngăn cản được số mệnh của nước nhược tiểu đối với ý muốn, chính sách, quyền lợi của đại siêu cường quốc Hoa Kỳ. Đó là lý do Mỹ "thay ngựa giữa dòng" để Mỹ tự do đưa quân ồ ạt vào Miền Nam Việt Nam từ sau sự kết thúc cuộc đời của "Ngô Tổng Thống muôn năm" (hưởng dương 62 tuổi). Sự sụp đổ hoàn toàn Miền Nam Việt Nam 30.4.1975 đã bắt nguồn - tiền đề mất VNCH - từ sau cái chết của lãnh tụ - Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà Tổng Thống bị giết chết một cách man rợ dành cho nguyên thủ quốc gia VNCH?, một nhà lãnh đạo đồng minh quan trọng với Mỹ. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã có công xây dựng nền móng chế độ triệt để chống cộng, Chính Thể Cộng Hoà dân chủ pháp trị đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một lãnh tụ tài ba lỗi lạc ngăn chặn hữu hiệu làn sóng đỏ đang tiến về Miền Nam Việt Nam và Đông Nam Á, rất đáng khâm phục.

Ôn Cố Tri Tân: Tổng Thống Ngô Đình Diệm, sanh ngày 3.1.1901 tại làng Phước Quả quận Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên. Có tài liệu nói TT Ngô Đình Diệm sanh ở xã Đại Phong, quận Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình - nơi mà cha, ông của TT Diệm sanh trưởng . Ông Diệm mới là con dân Xứ Huế, sáng lập nền Cộng Hòa. Qua cuộc Trưng Cầu Dân Ý ngày 23.10.1955, truất phế Vua Bảo Đại, chấm dứt chế độ quân chủ đã ngự trị trên đất nước Việt Nam trải qua mấy ngàn năm lịch sử. Tổng Thống Ngô Đình Diệm là cha đẻ Chính Thể Đệ I VNCH, có công vĩ đại là đưa được gần 1 triệu người từ Bắc di cư vào Nam sau Hiệp Định Genève 20.7.1954, Ngài chấp chánh trên cương vị Tổng Thống từ ngày 26.10.1956 và cũng là ngày có bản Hiến Pháp, nền tảng của Chánh thể Đệ Nhất Cộng Hòa - dân chủ pháp trị, nên ngày này được chọn làm ngày Quốc Khánh 26.10 cho đến hết ngày 2.11.1963.

Tôi may mắn được tham dự cuộc Diễn Binh Chào Mừng Quốc Khánh 26.10.1962, tại Bến Bạch Đằng - Thủ Đô Sài Gòn mà được đứng hàng đầu trong toán hầu kỳ của Khóa 13 Thủ Đức và có dịp nhìn Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất rõ, cũng là một kỷ niệm hiếm có nhớ đời của tôi cho đến tận bây giờ. Đây cũng lả cuộc Diễn Binh Chào Mừng Quốc Khánh cuối cùng của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Ngày Lễ Quốc Khánh năm sau - 26.10.1963, tình trạng bất an cao điểm của đất nước đang sôi sục nên không thể tổ chức Diễn Binh như các năm trước. Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức với Khóa 13 đàn anh sẽ mãn khóa ngày 28.12.1962 và Khóa 14 sẽ mãn khóa năm 1963 được tham dự cuộc Diễn Binh này. Khóa 13 Thủ Đức chúng tôi được chính Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm đặt tên khóa là Khóa Ấp Chiến Lược cùng với Khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia - Đà Lạt và Khóa 3 Trường Đồng Đế - Nha Trang, cũng tốt nghiệp ra trường tháng 12.1962. Cả 3 khóa đều được đặt tên Khóa Ấp Chiến Lược và đích thân Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến chủ tọa Lễ Mãn Khóa. Chỉ có Khóa 13 Thủ Đức, vào giờ chót, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bận chuyện khẩn cấp, Tổng Thống ủy nhiệm ông Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng thay Tổng Thống đến chủ tọa Lễ Mãn Khóa 13. Tại Thủ Đức, dù địa điểm này rất gần Thủ Đô hơn Đà Lạt và Nha Trang mà Tổng Thống không đến được. Chứng tỏ Tổng Thống đang phải quyết việc gì quan trọng lắm vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Nội Các của Tổng Thống luôn đặt trọng tâm chiến lược vào quốc sách Ấp Chiến Lược mà Khóa 13 Thủ Đức chúng tôi (có trên dưới 2 ngàn sinh viên sĩ quan theo học kể 3 đại đội Bảo An) được dành nhiều thì giờ học tập về sách lược Ấp Chiến Lược vô cùng thấu đáo và phải thi lấy điểm ra trường. Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng với bào đệ - Cố Vấn Ngô Đình Nhu, bị sát hại dã man sáng sớm ngày 2.11.1963, chấm dứt nền Đệ I Cộng Hòa trong đau buồn và tủi nhục. Lịch sử Việt Nam sang trang từ đó...và cuối cùng đưa Việt Nam Cộng Hòa đến ngày hoàn toàn sụp đổ 30.4.1975, cộng sản Bắc Việt cưởng chiếm được Miền Nam VN../.

NHỮNG MỐC THỜI GIAN KHAI SÁNG CHÁNH THỂ ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA:

* Ngày Song Thất (7.7.1954) - Ông Ngô Đình Diệm từ nước ngoài mang Sắc Lệnh bổ nhiệm Thủ Tướng Chánh Phủ của Quốc Trưởng Bảo Đại về nước.

* Ngày Quốc Hận 20.7.1954 - Hiệp Định Quốc Tế Genève chia đôi đất nước, từ vĩ tuyến 17 ra Bắc đến Ải Nam Quan thuộc cộng sản VN - từ vĩ tuyến 17 đến Mũi Cà Mau thuộc Chánh Quyền Quốc Gia. Từ thời điểm chia cắt có hiệu lực, lực lượng quân sự, chánh trị, hành chánh...của 2 bên đối nghịch phải rút hết về lãnh thổ mình. Cuộc di cư vĩ đại có gần 1 triệu đồng bào miền Bắc (bên kia Vĩ tuyến 17) vào Nam tái định cự lập nghiệp.

* Ngày 23.10.1955 Trưng Cầu Dân Ý - truất phế Vua Bảo Đại và suy tôn Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống.

* Ngày 26.10.1956 - khai sáng nền Đệ Nhất Cộng Hòa theo chánh thể Tổng Thống Chế (dựa theo khuôn mẫu của nước Hoa Kỳ) với tam quyền phân lập: Hành Pháp - Lập Pháp - Tư Pháp và ngày 26.10 hàng năm được gọi là ngày Lễ Quốc Khánh.

* Ngày 11.11.1960 - Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và phe nhóm tổ chức đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thất bại, phải lưu vong sang Cao Miên và một số khác bị phạt tù

* Ngày 1.11.1963, cuộc đảo chánh lật đổ Đệ Nhất Cộng Hòa

* Ngày 2.11.1963, cuộc đảo chánh hoàn toàn thành công vì giết được TT Ngô Đình Diệm và bào đệ là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Chấm dứt chánh thể Đệ Nhất Cộng Hòa.

@ Anh Phương Trần Văn Ngà (Khóa 13 Ấp Chiến Lược)

Previous
Previous

Cuộc chiến Israel-Hamas tác động Bầu Cử Hoa Kỳ 2024

Next
Next

Tổng Thống Biden ngày càng nhiều thách thức