Hiện tượng Thích Minh Tuệ
LTS.- Trong tuần qua, hai sự kiện quan trọng được truyền thông, báo chí và dư luận nói đến nhiều nhất là hiện tượng Sư Thích Minh Tuệ và Bồi Thẩm Đoàn Tòa Án New York kết luận cựu Tổng Thống Donald Trump có tội!
Đắc biệt trong số báo này, chúng tôi xin chia sẻ với quý vị quan tâm đến “Hiện tượng Sư Thích Minh Tuệ” với nhiều cách nhìn khác nhau về cuộc đời, cách tu tập và cái kết của vị Sư đặc biệt này!
Người Việt Dallas
CHUYỂN HƯỚNG KHỦNG HOẢNG?
Nhất Hùng
Hơn tháng qua, cư dân mạng Việt Nam xôn xao bàn tán và theo dõi cách tu tập theo lối khổ hành tăng của “thầy Thích Minh Tuệ”. Gần trăm triệu kết quả tìm kiếm trên Google của từ khóa “Thích Minh Tuệ”. Thầy đã 3 lần đi dọc chiều dài đất nước, từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc, nhưng đến lần thứ 4 thì đột nhiên thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, với hàng ngàn người cùng hành trì, gây thành “hiện tượng”. Chúng tôi đã viết bài “Hiện Tượng Thích Minh Tuệ”, vì thấy có quá đông người hành trì theo Thầy và không ít chuyện “không may” đã xảy ra. Có vài người đã phải được cấp cứu, nghe nói cũng có người đã “tử vong” vì sốc nhiệt. Nên chúng tôi có kết luận bài viết:
“Theo chúng tôi, có lẽ thầy Thích Minh Tuệ sẽ sớm tìm một địa điểm “Thâm Sơn Cùng Cốc” nào đó, tạm dừng chân để tĩnh tâm, thiền định và tu tập, tránh cho thầy cái cảnh tượng huyên náo mỗi lúc mỗi nơi thầy xuất hiện, mà chắc những xao động đó cũng không phải là điều mà thầy mong đợi. Nhà Nước, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chắc cũng muốn thế”.
Trước đó thầy Minh Tuệ cũng từng nói về “an cư kiết hạ”, “ẩn tu ba tháng hạ”, thường là từ tháng 7, “trú xứ” để thiền định theo lời Phật dạy, vì ông mới giữ “Giới”, vẫn chưa “Định” được, theo như “Giới-Định-Tuệ”. Nhiều người tán đồng việc ẩn tu của thầy Minh Tuệ ở thời điểm này. Nhưng việc “tự nguyện-tự ẩn tu” và “bị bắt buộc-bị hốt” là hai chuyện khác nhau.
Chỉ hai ngày sau bài viết, chúng tôi nhận được tin: “Tối 02/06, “đoàn tăng” được sắp xếp nghỉ đêm trong nghĩa trang cạnh một ngọn núi nhỏ thuộc ngoại ô thành phố Huế, gần doanh trại quân đội với ba lớp rào đặt cách xa nhau, ngăn chặn tách biệt hoàn toàn “đoàn tăng” với đám đông Phật tử. Rồi bất ngờ, sáng sớm ngày 03/06, khi rào chặn được tháo dỡ, chở đi thì “đoàn tăng” cũng bốc hơi biến mất. Không thấy thầy Minh Tuệ đâu và cũng không còn tăng sĩ nào bộ hành khất thực trên các con lộ nữa.
Hôm sau, đồng loạt các tờ báo chính thống đăng tin kèm thông báo của Ban Tôn Giáo Chính Phủ: “…các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, xong cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực…”.
Được biết nhà cầm quyền CSVN luôn cảnh giác cao độ trước bất cứ hiện tượng xã hội nào tạo hiệu ứng đám đông, gây tiếng vang rộng ngoài ý Đảng và khi có tác động lớn với xã hội thì ra tay ngăn chặn, triệt tiêu, thậm chí truy tố, chẳng hạn như vụ án “Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ”, vụ án “Nguyễn Phương Hằng”…Và sau này họ còn khẳng định sẽ triệt tiêu các sự việc gây ảnh hưởng lớn đến xã hội mà bất lợi cho họ từ “Trong Trướng Nước”
Vậy tại sao CSVN lại để cho sự việc trở thành “hiện tượng Thích Minh Tuệ” hơn một tháng nay, rồi “đột ngột” ra tay “bóp chết”?. Chúng ta thử đưa ra vài giả thuyết lý giải sự việc này:
1- Do đánh giá thấp sự kiện?
Lý giải này khó chấp nhận vì Bộ Máy Công An Trị của CSVN rất cảnh giác, rất có kinh nghiệm theo dõi, dự đoán và ứng phó với các hiện tượng xã hội có thể vượt tầm kiểm soát của họ. Họ hành xử theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” hoặc chúng ta cũng thường nghe CS nói: “giết lầm hơn bỏ sót”.
2- Cùng thời gian này, quốc tế đang quan tâm đến vấn đề "Tự Do Tôn Giáo” ở VN. Phải chăng nhà cầm quyền để xảy ra hiện tượng này cũng là cách để “bắn tiếng”: VN có tự do tôn giáo, cụ thể như vụ Thích Minh Tuệ?.
Lập luận này không ổn, có nhiều mâu thuẫn. Để vận động cho VN thoát khỏi “Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt” vì đàn áp Tự Do Tôn Giáo và tránh lọt vào “Danh Sách Các Quốc Gia Phải Quan Tâm Đặc Biệt” vì đàn áp Tôn Giáo cực kỳ nghiêm trọng. Ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng Ban Tôn Giáo CSVN và Thượng Tọa Thích Đức Thiện, phó chủ tịch, Tổng Thư Ký Hội Đồng Trị Sự GHPGVN (không phải là Phật Giáo VN Thống Nhất) đã đến Hoa Kỳ để vận động (nhưng đã thất bại).
Rồi cũng chính ông Thích Đức Thiện trước, ông Vũ Chiến Thắng sau, là người đặt bút ký thông báo ngày 16/5 khẳng định “người được mạng xã hội gọi là Sư Thích Minh Tuệ không phải là Tu Sĩ Phật Giáo” trong khi thầy Minh Tuệ chỉ an nhiên thực hành niềm tin của mình, chân trần đi khất thực, khoác áo chắp vá từ nhiều mảnh vải, sống cảnh màn trời chiếu đất, buông bỏ, phá chấp và toàn văn bản có hình thức như là tố giác tội phạm. Đây là văn bản vô lý, vô luật, tự cho mình quyền năng công nhận “ai là tu sĩ Phật Giáo, ai là Phật Tử, ai không”, bất chấp nguyện vọng của dân, vi phạm trắng trợn Quyền Tự Do Tôn Giáo của người khác, vi phạm nghiêm trọng không chỉ điều 5 của Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo và cả điều 18 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà nhà nước Việt Nam đã ký và sắp phải ra giải trình trước LHQ. Chưa kể, ngày 18/5, Thượng tọa Thích Minh Đạo, trụ trì Tu viện Minh Đạo tại Bà Rịa-Vũng Tàu, bị Giáo hội Phật giáo địa phương kiểm điểm bằng cách quỳ sám hối sau khi ông đăng video khen ngợi hạnh tu của thầy Thích Minh Tuệ.
3- Có quan điểm cho rằng: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (không phải là GHPGVN Thống Nhất) ngày càng biến chất. Nhiều Sư Tăng rao giảng xàm bậy. Chùa Lớn, Tượng To, Tín Đồ đông có thể vượt ra tầm kiểm soát của Đảng nên Đảng thả lỏng cho thầy Thích Minh Tuệ để cảnh cáo, để dẫn đến cao trào chỉ trích GHPGVN và nắm lại quyền quản lý?.
Lập luận này không hợp lý, GHPGVN là con đẻ của CSVN nhằm chia rẽ một tổ chức tôn giáo lớn nhất VN. Hiện tượng “Tâm Linh”, Chùa To, Tượng Lớn, nằm trong kế hoạch của Đảng, là nơi đầu tư thu lợi bội phần, nơi rửa tiền an toàn nhất của những Quan To Nhũng Lạm. Đám cán bộ cấp cao và xàm tăng có quyền lợi mật thiết với nhau. Phá GHPGVN đồng nghĩa với hủy diệt quyền lực ngầm và nguồn lợi khổng lồ, siêu lợi nhuận cho cả hai. Đảng CSVN không dại như vậy.
4- Hiện tượng Thích Minh Tuệ xảy ra trùng hợp thời gian với những “cơn địa chấn chính trị” khi có những cuộc hạ bệ thanh trừng khốc liệt trong thượng tầng chính trị của Đảng CSVN, có phải đây là một hình thức khỏa lấp, đánh lạc hướng dư luận của Đảng CSVN?.
Chúng ta đã lập luận, Đảng CSVN khó ngây thơ, khó chủ quan khi đánh giá thấp các sự kiện xã hội không do họ chủ động. Xác xuất rất thấp để có sự ngẫu nhiên xảy ra cùng một lúc hiện tượng Thích Minh Tuệ và sự rối ren, nát bấy trong nội tình cấp cao của Đảng CSVN. Họ cũng là bậc thầy trong trò chơi “CHUYỂN HƯỚNG KHỦNG HOẢNG”, đánh lạc hướng dư luận. Thầy Thích Minh Tuệ đã hành trì suốt sáu năm, đi từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam gần bốn lần mà chưa hề có bất cứ một bản tin nào, thế sao lần này lại “ảnh hưởng xã hội” lớn đến vậy. Nếu không “thuận” thì phải có “biện pháp” ngay từ lúc vừa bùng nổ khi qua một hai Tỉnh, có đâu lại hết ngày này đến ngày khác, hết Tỉnh nọ đến Tỉnh kia và rồi “vỡ trận” ở Thừa Thiên Huế thì ra tay và cũng là lúc cuộc đấu đá trên thượng tầng Đảng tạm xong.
Chuyển Hướng Khủng Hoảng là chiến lược tốt nhất mà nhà cầm quyền ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều sử dụng để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi các rối rắm nội tình.
Nhiều bạn của tôi còn ở VN không đặt cho tôi bất cứ câu hỏi nào, đúng hơn là không hề quan tâm, chú ý về sự khủng hoảng nội tình của Đảng CSVN mà lại liên tục email hỏi tôi về sự kiện cựu Tổng Thống Trump bị kết tội sẽ có ảnh hưởng thế nào đến cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ, dù rằng, còn đến năm tháng nữa mới đến ngày bầu cử.
Tôi tin là Đảng CSVN đã rất thành công khi dùng hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ để chuyển hướng cuộc khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng trong thượng tầng Đảng. Còn bạn nghĩ thế nào?.
Dẫu sao, hiện tượng hành giả Thích Minh Tuệ đã trở thành sự kiện đặc biệt hôm nay và rồi sẽ là một Sự Kiện Lịch Sử Của Việt Nam.
……………………………………………………………………………………….
TU SĨ MINH TUỆ ĐÃ HOÀN THÀNH CÔNG HẠNH – BAN TÔN GIÁO ĐÃ ĐÁNH MẤT PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO?
Trần Kiêm Đoàn
Thực trạng mất còn của đạo Phật trong suốt 2568 năm qua không nằm trong quy ước mất còn của thế tục bởi bản chất cứu khổ của đạo Phật không tính bằng đơn vị cân đo đong đếm của đời thường.
Phật giáo mất như thế nào?
Đây không còn là một câu hỏi mà thật ra cần một câu trả lời.
Phật giáo là một biểu tượng thanh thoát của đời sống tinh thần bình thường mà an lạc. Bởi vậy, sự lẩn quẩn trong một thế giới chỉ thấy vật chất và hình tướng, bị nguyên tắc bao quanh thì dẫu cho ở chốn đại thiền môn chùa to tượng lớn, tứ chúng rầm rộ, lễ lạc tưng bừng thì cũng vắng bóng đạo Phật ví như biển nước đục ngầu dậy sóng thì làm sao thấy được bóng trời xanh.
Cho nên cái “được” trong Phật giáo rất có thể là cái “mất” giữa đời thường và ngược lại. Sau khi đắc đạo trở về thăm lại Hoàng cung và phụ vương, đức Phật đã gặp lại người anh em họ đầy tỵ hiềm và ganh tỵ. Thấy đức Phật đi chân đất, tay ôm bình bát khất thực, mình choàng tấm áo cà sa đơn giản. Đề Bà Đạt Đa nhếch mép cười thách thức và hỏi: “Thế Anh ra đi bao lâu, sáu năm khổ hạnh để được cái gì?”
“Ta mất đi nhiều hơn là được” mỉm cười, đức Phật trả lời.“Thảo nào! Đấy là một sự thất bại lớn…” Đề Bà Đạt Đa kêu lên và cười to thỏa mãn.
Chẳng cần quan tâm dao động thị phi, đức Phật nhẹ nhàng hóa giải, “Ta mất đi lòng tham danh lợi, mất hết tức giận hận thù, mất hẳn si mê bám chấp và bảo thủ. Mất nhiều mà chỉ được một, đó là thân tâm thường an lạc.”
Năm 520, diện kiến Đạt Ma Tổ sư, Lương Vũ Đế hỏi: “Từ ngày lên ngôi tới nay, trẫm đã cho xây nhiều chùa to tượng lớn, ấn tống kinh sách, hảo độ hàng vạn tăng chúng, công đức như thế có lớn không?”
Đạt Ma đáp: “Chẳng có gì đáng kể cả”
“Tại sao hộ pháp, độ tăng nhiều như thế mà lại không có công đức gì cả?”
“Bởi vì những việc vua làm chỉ là nhân ‘hữu lậu’. Đấy chi là những thành quả nhỏ trong vòng nhân thiên, ảo tướng tùy hình, có mà chẳng thật.”
“Như thế, thật tướng công đức là gì”
Đạt Ma thuyết: “Tâm thanh tịnh, thể trống không rỗng lặng mới thật là công đức, công phu. Vì thế không thể lấy việc thế gian mà đo lường được.”
Và có bao nhiêu cái được đời thường hóa ra là mất trong tầm nhìn Phật giáo.
Sau cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo năm 1963, giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Năm 1981, giáo hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tôn giáo Chính phủ với khẩu hiệu: Dân Tộc – Đạo Pháp – Xã hội Chủ nghĩa. Đại chúng Phật giáo nghiêm khắc đặt vấn đề: “Có chăng thay khẩu hiệu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc bằng Độc lập – Tự do – Giải thoát liệu Ban Tôn Giáo có khả dĩ chấp nhận được chăng?”
Một đạo Phật truyền thống, vô hình chung, bị cột buộc vào một chủ nghĩa chính trị và xã hội của thế lực cầm quyền thì sự phát triển của Phật giáo tất nhiên sẽ bị rẽ hướng theo nhu cầu chính trị thế quyền. Và hơn 40 năm qua, Phật giáo Việt Nam đã trở thành một phương tiện của chính quyền về mặt lãnh đạo, tổ chức và sinh hoạt.
Vai trò của Phật giáo đối với đất nước suốt dòng lịch sử là gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Tổ quốc điêu tàn thì Đạo pháp cũng suy vong. Thời thịnh trị có sự đồng hành tương tác giữa tôn giáo và thế lực lãnh đạo như thời đại Lý Trần, Phật giáo đóng vai trò tham vấn về đạo lý và sức mạnh tinh thần cho vua quan ứng dụng tinh thần thân dân và thực hiện vai trò bảo vệ đất nước. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng cởi cẩm bào khoác chiến bào chống xâm lăng và khi tổ quốc bình trị thì treo chiến bào để khoác áo cà sa. Những thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Tuệ Trung… là những nhà tham vấn lỗi lạc làm chỗ dựa cho vua quan trong quá trình trị nước an dân.
Nhưng một khi tôn giáo (bất cứ tôn giáo nào) đã biến thành phương tiện làm đẹp tinh thần của chính trị thế quyền thì tôn giáo đó chỉ còn là những cổ xe tứ mã để trang điểm cho người nắm quyền lực hơn là còn có được một vai trò dù là khiêm tốn đến mức nào để có cơ hội đóng góp cho quá trình trị nước an dân.
Đánh mất là khi đã cầm trên tay nhưng để rơi ra ngoài tầm hành hoạt. Đạo Phật đã rơi khỏi tay của Ban Tôn giáo khi quan hệ tương tác giữa đôi bên không còn là đối thoại song phương mà thi hành chỉ thị. Hoạt động nội bộ của đạo Phật như bổ nhiệm trụ trì, tấn phong đạo vị, hoàn thiện nhân sự cho giáo hội… đã phải phủ phục nhận quyết định từ thế lực cầm quyền.
Ban Tôn giáo đã đánh mất Phật giáo như thế nào:
– Phật giáo đã bị thu lại thành một đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Tổ quốc.
– Hàng giáo phẩm Phật giáo được bổ nhiệm như quan chức Nhà Nước.
– Giáo quyền do thế quyền chủ động hành xử và chỉ còn đóng vai trò lễ nghi, thụ hưởng
– Giới luật nhà Phật triển khai và ứng dụng bị vận dụng hay cưỡng chế bằng pháp luật xã hội.
– Nội dung hoằng pháp, hộ pháp và trạch pháp do thế quyền chỉ đạo.
– Tăng Ni và Phật tử biến tướng thành khối quần chúng phụ thuộc, vô danh.
Trong một hoàn cảnh như thế tuy Phật giáo vẫn còn tồn tại; thậm chí phát triển tưng bừng, hoa hòe hơn nhưng chỉ là hình tướng và phương tiện nên phàm tăng, tục chúng nhiễu loạn cửa thiền càng trầm trọng. Chân tăng, thiện tri thức và tín chúng thì rút lui vào im lặng trong khi cảnh chùa viện Phật giáo càng ngày càng náo nhiệt như một bệnh dịch đang hoành hành.
Bậc cao minh lắc đầu ngao ngán, phường phàm phu đắc chí vênh vang. Cửa thiền rộng mở nhưng không phải cảnh thiền môn thanh tịnh, Tam Bảo trang nghiêm mà ngược lại, Tam Bảo bất an, nhân tâm náo loạn.
Khi Phật giáo bị đánh mất thì “Phật sự đa đoan” trở nên tha hóa, mập mờ và hỗn tạp với những hiện tượng bất pháp, vô minh, thân tàn, tâm diệt.
Khi Phật giáo bị đánh mất thì thiền môn bất tịnh, chân tăng thối chuyển, ma quỷ vận áo cà sa lên ngôi với những trò thuyết pháp mỵ tín đồ, pháp ngôn dung tục, nội hàm cẩu thả và pháp chủ tà môn.
Khi Phật giáo bị đánh mất thì ba ngôi Tam Bảo chỉ còn một ngôi Nhất Bảo Kim Cang Phật may ra yên vị; trong lúc Tăng Bảo thoái trào và Pháp Bảo lung lay.
Khi Phật giáo bị đánh mất thì pháp nạn tự thân xuất hiện: Tu sĩ biến thành doanh nhân; tín đồ Phật tử biến thành những phẩm vật tế thần cúng dường vô điều kiện cho những dịch vụ ma vương như những trò lừa mị kiểu xá lợi Phật, cúng tế cầu vong, oan gia trái chủ… trùng trùng mê tín dị đoan loạn động, công khai mà mọi người đều chứng kiến.
Công án Minh Tuệ: Hoàn Không
Chữ “không” trong Phật giáo được các học giả phương Tây dịch ra thành nhiều cách, mỗi cách mang một nội dung khác nhau: Không (nothingness = không có gì cả), không (emptiness = trống không), không (nihility = hư vô), không (voidness = không có ). Tôi chọn khái niệm sau cùng nầy khi nhìn tấm ngân phiếu mình đã ghi lên đó số tiền bao nhiêu, trả cho ai nhưng khi muốn hủy tất cả “cái có” thành “cái không” thì tôi viết trên chi phiếu đó một chữ đậm là “VOID”: Cái ngân phiếu thành ra thực tế có đó nhưng nó hoàn toàn trống rỗng, không mang một cái có thực hữu nào cả. Khái niệm này chỉ ra rằng tất cả các hiện tượng đều không có bản chất tự thân và không tồn tại độc lập. Mọi vật đều phụ thuộc lẫn nhau và chỉ tồn tại do các nhân duyên hợp lại.
Công án, nói một cách phổ thông và dễ hiểu là những lời nói, việc làm, động thái, sự kiện nhưng chúng ta không thể hiếu hay tìm ra ý nghĩa rõ ràng của nó bằng kiến thức, cảm quan, suy luận theo ý nghĩa thông thường mà chỉ có thể thâm nhập hay nhận thức nó bằng trực giác.
Từ mấy hôm nay, hiện tượng Minh Tuệ làm tôi suy nghĩ. Tuy mọi sự kiện xoay quanh nhân vật nầy trong suốt như pha lê, thật như đếm, rõ như ban ngày, dễ hiểu như hơi thở của chính mình; thế nhưng tôi cũng như nhiều người vẫn mịt mờ không hiểu nổi “vì sao như thế”?!
Hàng triệu con mắt, tấm lòng và cảm quan đã dồn về Tu sĩ Minh Tuệ đều thấy rõ rằng nhân vật này không có gì đặc biệt cả: Kiến thức Phật học sơ cơ, chẳng có một danh vị nào để xưng tán, chưa được đăng đàn thọ giới, chưa từng qua chùa viện tu trì, không nói một câu Phật lý nào minh triết, chẳng kinh kệ sớm hôm… nghĩa là không một dấu chỉ có sự trói buộc nào vào những quy lệ thường tình của một người xuất gia theo Phật truyền thống.
Thế nhưng Tu sĩ Minh Tuệ có cả một vùng hào quang vô hình trong suốt bao bọc và tỏa chiết đến mọi người: Cái tôi không còn bám chấp, danh lợi là hư không, tham sân đều xả bỏ, ái dục đã xa lìa, cái ngủ cái ăn chỉ đủ để duy trì sự sống, bệnh tật sống chết không màng, tiền bạc của cải vật chất không bao giờ dính tay, lấy khổ hạnh du phương làm an nhiên tự tại. Cái Tánh Hữu đời thường của Tu sĩ Minh Tuệ phảng phất đạo vị Tánh Không tự tại của nhà Phật.
Những ngày theo dõi khá thường xuyên con người và hành trạng của Tu sĩ Minh Tuệ, thoạt tiên tôi cho đó một nguyên cớ, một giọt nước tràn ly của một cái ly đã gần tràn. Chất liệu chứa đầy trong ly mang một nội dung tượng trưng mà rất thật: Đó là Phật giáo Việt Nam với đủ tướng trạng, nội hàm cùng phong cách sinh hoạt của chùa viện, tu sĩ và đại chúng.
Tôi đã viết một tham luận nhỏ có đề tài là: “Tu sĩ Minh Tuệ…giọt nuớc tràn ly” nói lên cảm tưởng của mình về Phật giáo Việt Nam trong tầm quan sát và hiểu biết trực tiếp cũng như gián tiếp của mình.
Theo dõi bước chân của Tu sĩ Minh Tuệ và phản ứng của quần chúng trong cả nước và thế giới quan tâm từng giờ, từng phút, suốt đêm ngày, ai cũng tự hỏi rằng: Sức hút và “phép lạ” nào đã quyện vào một nhân vật chơn chất, thật thà, đạo hạnh gần như vô danh trong chỉ vài ba tuần trước đó nay bỗng nhiên lại trở thành đối tượng “siêu quần bạt chúng” làm sôi động cả nước như thế?
Thử lật ra vài trang sử các phong trào quần chúng trên thế giới có sức hút tương tự còn ghi dấu trong ký ức của mọi người như “Tank man”, người thanh niên trẻ tuổi vô danh một mình tay không đứng chặn cả đoàn xe tăng 59 chiếc đang rầm rập tiến vào Thiên An Môn để đàn áp phong trào quần chúng đòi tự do và quyền sống tại Trung Quốc ngày 5-6-1989. Chỉ một phút trôi qua với ống kính của Jeff Widener của AP, “Tank man” đã trở thành biểu tượng thiên thu về lòng can đảm của người dân yêu chuộng tự do và sự hung tàn của thế lực đàn áp. Hình ảnh người phụ nữ da đen không chịu nhường ghế “dành riêng cho người da màu” cho một thanh niên da trắng trên một chuyến xe buýt phân biệt chủng tộc tại Montgomery năm 1955 đã làm dấy lên phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới…
Và, bao nhiêu cá nhân yếu đuối, vô danh, vươn lên như ánh đèn, như tia chớp, như giọt nước tràn ly, như tiếng chuông cảnh tỉnh gây nên những phong trào quần chúng nhất thời hay lâu dài; địa phương hay toàn diện đứng lên đấu tranh đòi hỏi sửa sai đối với sự sai lầm, chấn hưng đối với tình trạng thoái trào, trừng phạt đối với tội ác. Người đóng vai “khởi động” vô tình hay cố ý, dù chỉ thoáng qua hay lâu dài một khi tạo ra được tác dụng tích cực hay ảnh hưởng tốt đẹp trong quần chúng sẽ mãi mãi trở thành biểu tượng chiếu rọi âm u thành ánh sáng.
Sớm hôm nay, ngày 3-6-2024, được tin là Tu sĩ Minh Tuệ đã “tình nguyện chấm dứt” (?!) cuộc đi bộ hành cước khổ tu. Hình như hết thảy những người mà tôi được gặp hay tiếp xúc qua mạng lưới truyền thông, sẽ không có ai ngạc nhiên nếu có “sự cố” nào xảy ra cho Tu sĩ Minh Tuệ; kể cả cái chết bất đắc kỳ tử bởi bất cứ cách xếp đặt hay phương tiện nào xảy ra.
Điều quan trọng nhất: Tu sĩ Minh Tuệ đã làm xong nhiệm vụ, đem 6 năm khổ tu dồn lại mấy tuần, đem chính thân mạng của mình để minh họa lại hình ảnh và đạo hạnh của một nhà tu theo Phật:… là như thế đó. Phật tử và quần chúng cả nước và khắp năm châu ít nhất cũng có một khái niệm về hình ảnh và phẩm chất tối thắng của một người tu theo Phật giáo chân chính căn bản là như thế nào. Tuyệt nhiên không phải là những màn múa may thời mạt pháp với những Tăng (ông), Ni (bà) đang lợi dụng một đạo Phật thậm thâm vi diệu thành hí trường gây quỹ hay môi trường kinh doanh trục lợi trên sự nhẹ dạ vô tâm của quần chúng Phật tử đang phủ phục cúng dường!
Ước mong và cầu nguyện chúng ta nên thực hành theo con đường Trung Đạo của nhà Phật: Không thái quá mà cũng chẳng bất cập. Kẻ tham lam xin dẹp bớt lòng tham; người khổ hạnh xin nhẹ dần khổ hạnh.
Cám ơn Tu sĩ Minh Tuệ đã đem hạnh tu trong sáng của người tu sĩ theo Phật để giúp khai thị hay nhắc nhở cho những ai trong tứ chúng Phật Tử hiện tiền đã và đang cố tình hay vô tâm đi sai đường Chánh Đạo.
Xin kính chúc Tu sĩ Minh Tuệ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng được viên thành đạo quả.
Trần Kiêm Đoàn
……………………………………………………………………………………
SƯ MINH TUỆ, THÁCH THỨC AN NINH MỚI ĐỐI VỚI CHẾ ĐỘ
Theo sách lược an ninh của chế độ, một cá nhân hoặc tổ chức có khả năng tập hợp, hiệu triệu, điều khiển quần chúng, có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội đều là sự thách thức, là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh chế độ cho dù cá nhân hoặc tổ chức ấy không có hoạt động gì liên quan đến chính trị.
Biện pháp được đặt ra để giải quyết luôn luôn là phải bóp nghẹt mọi mối đe dọa ấy từ trong trứng nước.
Đó là lý do dù hiến pháp quy định, nhưng chế độ vẫn cố tình cho trì hoãn vĩnh viễn việc soạn thảo các đạo luật về lập hội, công đoàn hoặc bất kỳ tổ chức độc lập nào khác nếu chúng không được thành lập bởi chế độ và phục vụ cho chế độ. Đồng thời, buộc giải tán hầu hết các tổ chức chính thức đã từng được thành lập dưới thời chính quyền Sài Gòn cũ hoặc vừa tập hợp theo cách không chính thức. Bên cạnh đó, chế độ luôn sẵn tay đàn áp các cá nhân sở hữu các yếu tố có dấu hiệu đe dọa chế độ.
Có thể kể vài trường hợp điển hình xảy ra gần đây như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, Đồng Tâm, ông Lưu Bình Nhưỡng, bà Nguyễn Phương Hằng, thậm chí, người mẫu Ngọc Trinh vốn chỉ hoạt động trong lĩnh vực giải trí... cũng đều bị chế độ ra tay đàn áp nếu có khả năng tập hợp quần chúng.
Với sách lược như thế, chắc chắn, sư Minh Tuệ, người đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ công chúng ở mọi miền đất nước, người vô tình khai tử trên danh nghĩa cả một đế chế Giáo hội Phật giáo quốc doanh giàu có phủ rộng trên khắp 63 tỉnh thành được chế độ chống lưng từ bốn thập kỷ qua... Cho nên, sẽ không bình thường nếu hồ sơ về sư chưa được đặt trên bàn làm việc của cơ quan an ninh. Trong đó, tiểu sử, các ảnh chụp trên đường hành đạo, danh tính các sư sãi đi theo cũng như cá nhân tiếp cập sư... Tất tần tật đều được thu thập. Theo đó, việc chế độ ra tay đàn áp sư chỉ là việc ngày một, ngày hai mà thôi.
Mà sao không thể đàn áp khi sự hiện diện của sư đã trở thành tấm gương chiếu yêu đối lập hoàn toàn với nhiều giá trị mà chế độ hoặc Giáo hội Phật giáo quốc doanh hành xử trên đất nước không có đối lập này.
Sự chân thật của sư chẳng phải đã đối lập với sự xảo trá mà chế độ hàng ngày hành xử với công chúng?
Sự khiêm nhường xưng con của sư chẳng phải đã đối lập với sự xưng bác với cả dân tộc một cách đầy trịch thượng của lãnh tụ?[*]
Sự thuyết phục của một mình sư với công chúng chẳng phải đã đối lập với cả một hệ thống truyền thông hàng nghìn báo đài nhưng nói chẳng ai tin?
Sự hành đạo đơn sơ nhưng đầy Phật tính của sư chẳng phải đã đối lập với những chùa to, tượng lớn nhưng đặc sệt màu kim tiền?
Sự khất thực một bữa ăn trong ngày chẳng phải đã đối lập với lời điệp khúc kêu gọi cúng dường tiền tỷ nhằm tạo phước của ma tăng?
...
Việc đàn áp có thể chính thức bằng quyết định hành chính, bằng sự sách nhiễu, đe dọa của côn đồ hoặc chính quyền nơi sư Minh Tuệ đi qua, bằng cách ném đá dấu tay thông qua "quần chúng tự phát"... đều là những nghiệp vụ điển hình của lực lượng an ninh cả. Tất cả đều chỉ hướng đến mục tiêu chung cuộc là vô hiệu hóa khả năng thu hút công chúng của sư Minh Tuệ, cho dù điều đó/sự thu hút công chúng hoàn toàn nằm ngoài mục đích tu hành của sư.
Mới đây, lực lượng an ninh đã sử dụng đến xe phá sóng viễn thông là một phương tiện nghiệp vụ an ninh để ngăn chặn sự truyền tải thông tin về việc di chuyển của đoàn sư sãi tháp tùng theo sư Minh Tuệ là dấu hiệu mở đầu, hứa hẹn các bước đàn áp sắp tới.
Đàn áp bằng cách thức nào đi nữa, với bậc chân tu, chúng đều chỉ là những khổ nạn, nghiệp chướng thử thách mà thôi. Cứ nhìn tấm gương Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì rõ, đời tu hành của ngài không hề được rải hoa hồng, trái lại chúng đầy chông gai cho đến khi ngài đắc đạo.
Với sư Minh Tuệ cũng vậy, sư chọn con đường Đức Phật đã đi, trong đó, sư biết rõ có khổ nạn và nghiệp chướng. Sư có thể đi bằng đời này, hoặc nhiều đời sau nếu đó là nghiệp, là duyên của sư...
DC, ngày 30/05/2024
Đặng Đình Mạnh
……………………………………………………………………………………
Thích Minh Tuệ ‘Chân trần, Chí thép’
Trần Đông A
Sư Minh Tuệ ‘đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực’, theo truyền thông nhà nước. Đây là kết quả làm việc ‘của các cơ quan chức năng sau khi gặp gỡ trao đổi’ với Sư hay do sự đốn ngộ của nhà sư… mỗi kết thúc là một sự khởi đầu mới?
Thật khó trả lời vế thứ hai của câu hỏi, vì đa số chúng ta không phải là bậc tu hành. Còn đối với vế thứ nhất thì khỏi cần phải trả lời! Đại chúng từng mắt thấy tai nghe hằng hà sa số các trường hợp, ai đó bị công an bắt vào đồn rồi tử thương do ‘bị té ngã’; hay nhờ sự vận động cũng ‘của các cơ quan chức năng’ mà trước đây Trịnh Xuân Thanh ‘đã tự thú và ‘cũng tình nguyện về nước (?!)
Cái gì đến sẽ phải đến! Đó là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Con người chỉ là những hạt cát nhỏ bé trong dòng chảy thời gian. Chấp nhận sự thật này giúp ta sống an nhiên và trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc đời vô thường này. Mỗi kết thúc là một sự khởi đầu mới, mỗi phép thử là một cơ hội để dân trí trưởng thành hơn? Hãy đón nhận mọi điều với tinh thần lạc quan và niềm tin vào ngày mai. Mặc cho hàng chục YouTuber quốc doanh la làng ‘cào lưng ăn vạ’ hãy cảnh giác với thế lực thù địch (1). Sáng sớm ngày 3/6, nhiều thông tin trên mạng cho biết, sư Minh Tuệ đột nhiên ‘biến mất’, sau khi ngài đến địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế vào buổi chiều hôm trước, không ai rõ tung tích…
Thích Minh Tuệ đã ‘chân trần chí thép’ (2) từng hành thiền ba vòng rưỡi trên các nẻo đường từ Bắc vô Nam mà chẳng cần quảng bá. Minh Tuệ chưa bao giờ nhận mình là thầy. Ngài chỉ bộc bạch, con chỉ là người học tu… Sư đã bộ hành như thế hầu như suốt 6 năm trời ròng rã, một mình. Chỉ từ đầu tháng Năm vừa qua, khi đặt chân đến Thanh Hóa thì ‘cư dân mạng’ mới bắt đầu chú ý đến thầy. Và sau hơn một tháng, số người quan tâm ban đầu là hàng trăm, rồi lên đến hàng chục ngàn và giờ này gõ vào Google ba chữ ‘Thích Minh Tuệ’, số người quan tâm đã lên đến gần trăm triệu viewers.
Phép tu ‘Hạnh đầu đà’ của Sư cũng chỉ là một trong hàng vạn phép tu mà Phật pháp từng xiển dương. Thế mà bỗng dưng những ngày qua, hiện tượng Thích Minh Tuệ đã trở thành một “trend” cuồn cuộn, cuốn hút hàng loạt tu sĩ tình nguyện đi khất thực cùng Sư. Sát cánh với ‘tăng đoàn tình nguyện’ ấy là đám đông đại chúng, gồm những người hâm mộ lẫn những kẻ tò mò theo sát các vị từng cung đường, dưới cái nắng như lửa thốc vào mặt và những trận mưa rào xối xả…
Thích Minh Tuệ phải chăng là phép thử từ ‘Cõi Trên’ (a test from the ‘Upper Realm’)? Phép thử ấy hàm ý về hành động tu tập hoặc sự hiện diện của Sư và tăng đoàn ‘tình nguyện’ quá đỗi phi thường, cuốn hút cộng đồng trong và ngoài giới Phật tử, ở cả Việt Nam lẫn quốc tế. Phép thử ấy hàm ý như một cuộc kiểm tra về mặt thế tục cũng như tâm linh, nhưng trong một số biểu hiện cụ thể, nó còn là sự giao thoa và bổ sung lẫn nhau giữa những hoạt động đời thường với các trải nghiệm siêu nhiên.
Kẻ chê bai, phỉ báng Sư vẫn còn đó, ngay trên báo chí nhà nước. Nhưng rồi lời thị phi và đố kỵ, những câu chuyện vu khống và ngã mạn của họ giảm dần theo từng bước chân tăng đoàn. Có cả tu sĩ từ ngoại quốc về để gia nhập cuộc khất thực do Thích Minh Tuệ dẫn đầu. Số người tràn ra đường quá đông đảo, nơi thì xô bồ như khi qua địa bàn Quảng Trị, nơi thì được tổ chức hết sức trật tự và văn minh như lúc đoàn tiến vào cố đô Huế.
‘Phép thử Thích Minh Tuệ’ diễn ra như một phép lạ. Phép lạ nhưng lại rất đỗi đời thường… Đúng như bình luận trên truyền thông nước ngoài, ‘một con người xuất hiện mà làm lộ ra bao nhiêu điều’ (3). Hay như một khái quát nhiều ẩn ý: ‘Thích Minh Tuệ – người được chọn?’ (4). Điều không hiểu nổi là phản ứng của truyền thông trong nước và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Trên thực tế họ đại diện cho chính quyền thế tục.
GHPGVN và Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra hai công văn nói sư Thích Minh Tuệ ‘không phải tu sĩ Phật Giáo’, người đàn ông bộ hành qua các tỉnh thành đã ‘gây dư luận trái chiều ảnh hưởng đến GHPGVN’. Thật là những kẻ tự ‘lấy đá ghè chân mình’ (5). Hai công văn này nói lên ranh giới giữa ‘sư quốc doanh’ với các các bậc chân tu? Còn báo chí nhà nước, ban đầu cũng có một số bài hàm ý xúc xiểm lối tu ‘ăn bờ, ở bụi’ của thầy (6), nhưng trước các trends của đại chúng, dàn báo chí mậu dịch được lệnh ‘wait and see’, không ‘máu lửa’ như hồi đầu. Nhưng nay thì lại bắt đầu la lối om sòm tuy vẫn còn đó hiện tượng ‘vượt rào’, như toát lên một sự thức tỉnh. Đó bài trên báo Hải Dương: ‘Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ’ (7).
Cuộc đời và hành tung của Thích Minh Tuệ còn là một thử thách về đức tin, về sự kiên cường của một con người tìm đến sự giác ngộ. Hãy nghe nhà sư bộc bạch tâm can: ‘Bình thường như con khi chưa phát tâm tu hành chánh đẳng, chánh giác thì không sao, nhưng khi phát tâm tu hành rồi thì đầy đủ các thứ đánh đập, chửi bới bệnh đau nó đến để thử thách lòng mình có vượt qua được không, có chiến thắng với bốn nỗi khổ: Sinh, già, bệnh, chết không’. Sự hiện diện và những phát ngôn của thầy có thể được coi là sứ điệp, nhằm hướng dẫn hoặc thách thức mọi người hướng tới sự hoàn thiện bản thân. ‘Thay vì học bói toán, mọi người nên học đạo đức, giới luật’, nhà sư khuyến cáo chúng sinh nên ‘cố gắng giữ năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu, sẽ được hạnh phúc. Việc giữ giới là quan trọng đầu tiên trong Giới – Định – Tuệ’ (8). Tất cả các phát biểu của sư Thích Minh Tuệ trong nhiều năm qua không phải là những lời kể lể về cá nhân, đấy chỉ là những câu thầy trả lời đại chúng. Vậy mà kỳ diệu biết bao, tất cả là một tập hợp rất logic và thống nhất bao gồm giáo lý, thiền định, thực hành đạo đức và phương pháp tu tập.
Cuối cùng, trong một kỷ nguyên hôn ám của cả đạo lẫn đời ở Việt Nam hiện nay, phép thử Thích Minh Tuệ như một luồng sáng ban mai chiếu rọi vào cái không gian đầy bụi bặm. Đối với các bậc Chân Tu, chẳng bao giờ có nhị biên giữa ra đi và dừng lại! Điều này thì không chỉ guồng máy đàn áp của nhà nước công an trị, mà ngay cả GHPGVN cũng không thể đốn ngộ!
GHPGVN và bộ máy kìm kẹp tôn giáo cảm thấy giờ là lúc họ phải ra tay đối với thầy và tăng đoàn, đồng thời cần phải bó hẹp hơn nữa đối với không gian truyền thông xã hội. Họ đâu biết, Sư Minh Tuệ và tăng đoàn sẽ tự hòa mình vào cuộc đời, vào cát bụi trần gian, trải dài mênh mông, tự do và tự tại, cho dù Sư sẽ ẩn trên hang núi hay xuống bến chợ lưng đèo… Tất cả sẽ hòa vào cuộc sống thường nhật… Đấy là minh triết của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh – Minh triết về một cách sống an nhiên, tự tại giữa cuộc đời ô trọc: ‘Muôn dòng nhập cuộc rong chơi/ Hoà chan cát bụi ngút vời phiêu nhiên’ (9).
Chính quyền tưởng cho an ninh ‘gặp gỡ trao đổi’ với Sư, cho báo chí gào thét ‘chống lại các thế lực thù địch’ là có thể giải tỏa khỏi áp lực về cái nhìn của đại chúng đối với bộ máy lãnh đạo đất nước đang mục ruỗng hiện nay. Họ nhầm!
………………………………………………………………………………
BÀI GIẢNG CỦA LINH MỤC NGUYỄN QUỐC VĂN TRONG LỄ RỬA TỘI 14 TÂN TÒNG VÀ NHẮC ĐẾN THẦY THÍCH MINH TUỆ
Gia tài của Sư Thích Minh Tuệ (TMT) là nồi cơm điện, những miếng giẻ rách phế bỏ lâu ngày không ai dùng đến kết thành y với đầu trần và chân trần đi khắp nơi từ Nam ra Bắc và ngược lại.
Điều gì cho thấy thầy TMT cuốn hút mọi người như vậy, làm cho đám đông vây quanh Thầy và làm gì cho bao nhiêu con người phải khóc vì Thầy!
Trong những ngày gần đây chúng ta thấy trên các mạng xã hội nhất là trên các youtuber hình ảnh của Thầy TMT tràn ngập không phải chỉ là những người gặp Thầy mà ngay những người rất xa cũng đảng lễ kính trọng!
Thầy có nhà lầu, đi xe hơi đắt tiên cũng không trang bị bằng những bộ đồ lộng lẫy hàng hiệu mà gia tài chỉ có nồi cơm điện và những miếng vải rách đã vức ngoài sọt rác để khâu thành tấm y. Đôi chân trần và đầu trần đi khắp nơi đi khắp Bắc Nam. Điều gì Thầy TMT cuốn hút mọi người như thế- Điều gì đám đông vây quanh Thầy như vậy! Điều gì cho bao nhiêu người phải khóc và rất nhiều lý do thưa Cộng đoàn. Nhưng con muốn chia sẻ với Cộng đoàn một lý do thôi. Đó là sự khao khát tâm linh. Thầy TMT muốn tìm một con đường giải thoát, muốn tìm thấy một sự an lạc trong cuộc đời. Người ta muốn tìm hạnh phúc. Có lẽ nếu phỏng vấn thì cuộc đời này không biết bao nhiêu người sẽ quan niệm rằng hạnh phúc là giàu sang – Hạnh phúc là quyền lực – Hạnh phúc là tuổi trẻ - Hạnh phúc là sức khỏe – Hạnh phúc là sắc đẹp, những thứ mà chúng ta sở hữu! Nhưng những thứ đó không có ở Thầy TMT.
Điều mà người ta cảm được là sự buông bỏ đến lạ lùng – Buông bỏ tất cả kể cả mạng sống của mình. Sự buông bỏ ấy diễn tả một nỗi khao khát tâm linh, khao khát giải thoát. Và nếu chúng ta nói với nhau bằng ngôn ngữ nhà Đạo của mình đó là sự khao khát nước Trời, khao khát Thiên Chúa. Không có gì lấp đầy sự khao khát ấy! Và hình ảnh Thầy TMT đang làm cho biết bao nhiêu con tim rung động. Chúng ta không đi đầu trần chân đất được và cũng không phải là nẻo đường chúng ta có thể bước nhưng chúng ta đã có một vị Thầy đã đạt đến hạnh phúc tuyệt đối bởi vì Thầy từ cha mà đến. Thầy từ Chúa mà đến – Thầy từ Trời mà đến! Vị Thầy đó là Đức Chúa Giesu Kitô chỉ cho chúng ta con đường và chúng ta biết con đường ấy. Chúng ta không thể đi một mình. Chúng ta không thể đi bằng sức riêng của chúng ta. Chúng ta không đạt được Nước Trời bằng sự cố gắng mà Thầy đi trước dẫn chúng ta đi. Thầy đi trước kéo chúng ta về và Thầy đồng hành với chúng ta và có thể nói vác chúng ta như mục tử vác chiên trên vai. Được biết Chúa Kitô là một ân huệ vô cùng to lớn của người Công giáo chúng ta nếu nói về sự hy sinh so với Thầy TMT. Thật vậy, chúng ta cảm thấy xấu hổ biết bao một năm ăn chay 2 ngày cho Thứ Sáu Tuần Thánh khối người đã quên.
Ai đó quẹt vào xe mình, chúng ta sững cồ ngay tức khắc. Trong nhà Thờ ta quen một chỗ ngồi nhưng ai đó ngồi mất chỗ của ta thì khó chịu liên! Cái tôi của chúng ta vĩ đại đâu chịu buông bỏ được. Thế nhưng chúng ta biết được Chúa Giesu vẫn kiên nhẫn chờ chúng ta. Con đường của Chúa Giesu nếu xét cho cùng cũng là một sự buông bỏ…
Ai muốn theo Tôi hãy từ bỏ chính mình. Chúa không bảo là bỏ áo, bỏ quần, tiền bạc. Những cái đó là phụ. Chúa bảo là bỏ cái tôi của mình, bỏ chính bản thân mình theo Chúa. Chúa Kitô đã từ bỏ địa vị là con Thiên Chúa vào trần gian mặc xác phàm. Dung nhan của Ngài bị khuất lấp, vương vị của Ngài bị che đi. Người ta chỉ còn gặp một ông Giuse giữa cuộc đời. Đó là Thầy của chúng ta. Đấng đó đã mời gọi chúng ta trở thành Kitô hữu nghĩa là đi vào bước chân của Thầy. Từ bỏ chỉ mới là một điều kie65nma2 thôi quan trọng là theo Thầy. Ai muốn theo Tôi từ bỏ mình để theo và theo Thầy là lý tưởng của người Kitô hữu. Tạ ơn Chúa vì chúng ta đã theo Chúa. Có người 70, 80 và có người 30. Hôm nay c1o 14 anh chị em bắt đầu theo Chúa…
Có thể lý do theo Chúa của 14 anh chị em đây khác nhau. Có người quen một cô gái bên đạo. Có chị quen một anh bên đạo hoặc một lý do nào khác. Mà dẫu là lý do gì cũng chỉ là cái cớ. Cái cớ giống như một chàng trai tán tĩnh cô gái vậy đó:
Hôm qua tát nước đầu đình
Để quen chiếc áo trên cành hoa sen
Có được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà!
Chàng trai muốn gặp cô gái qua câu chuyện tát nước. Có thề là cái cớ trong duyên vợ chồng để rồi Thiên Chúa đến gặp các anh chị. Thiên Chúa mời gọi anh chị trở thành môn đệ và các anh chị đã đáp lời. Trước đây khi quyết định trở thành Kitô hữu các anh chị em Tân Tòng phải có thời gian rất dài học giáo lý và hơn thế nữa phải từ bỏ nhiều thứ. Có những thứ nghề phải bò hẳn để được đổ nước rửa tội và khi trở thành Kitô hữu thì phải sống của những người Kitô hữu. Các anh chị chắc chắn đã suy nghĩ chin chắn cho sự chọn lựa của mình và anh chị đã đón nhận các bí tích khai tâm để lấy vợ, lấy chồng mà chính các anh chị thực tâm tìm kiếm hạnh phúc. Hạnh phúc ấy là được làm môn đệ Chúa Kitô. Hạnh phúc ấy là được trở thành con cái Chúa. Hạnh phúc ấy là trở thành con cái của Hội Thánh…
……………………………………………………………………………………
Thông Bạch
Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Chùa Giác Hoa, 15/7 Nơ Trang Long, Phường 7, Q. Bình Thạnh, TP Sài Gòn
Chùa Phước Thành, 360 Phan Chu Trinh, P. An Cựu, TP Huế.
Phật lịch 2568 Số: 03/HĐĐH/TB/VT
Về Hiện tượng Thích Minh Tuệ
Kính bạch Chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni,
Kính thưa Quý Thiện Tín Nam Nữ Phật tử các giới trong và ngoài nước,
Hiện nay, tại Việt nam xuất hiện một vị tu sĩ tên là Thích Minh Tuệ, nổi tiếng khắp thế giới. Người tu hạnh đầu đà, một hạnh khó khổ nhất trong đạo Phật.
Trong Phật giáo, có nhiều phương pháp tu hành, tùy theo sở thích, căn cơ, mỗi người tự chọn cho mình một pháp tu. Như Ngài Ma ha Ca Diếp là vị tu hạnh đầu đà đệ nhất, ngài Xá lợi Phất là trí huệ đệ nhất, ngài Mục kiền Liên là thần thông đệ nhất, ngài Phú lâu Na là thuyết pháp đệ nhất…mỗi vị tu theo một hạnh tùy thích, tu hạnh nào cũng được.
Riêng tu theo hạnh đầu đà là đơn giản nhưng khó khổ nhất. Cần thiết phải có một cơ thể mạnh khỏe, cường tráng, chịu đựng được sương gió, đói khát, nóng lạnh …vì hạnh tu này phải tuân theo 13 pháp khổ hạnh như: ăn ngày một bữa, trước giờ ngọ, mặc y phấn tảo tức là dùng vải vụn, người ta đã vứt bỏ, chắp vá lại thành cái y để dùng, và chỉ có ba y, không được nhiều hơn, ngủ ở dưới gốc cây, ở rừng, nơi đất trống hay nghĩa địa, đi chân đất, không mang giày dép…khó vô cùng, nói chung là phải “ ít muốn, biết đủ, tinh tấn, viễn ly”, nên rất ít người tu theo hạnh này được. Thầy Thích Minh Tuệ đã giữ giới và tu đúng theo 13 hạnh đầu đà của Phật dạy, nên ông đúng là một tu sĩ Phật giáo, một tu sĩ kiệt xuất nhất, rất hiếm khi xuất hiện.
Nhiều Phật tử thắc mắc rằng, tu như vậy, nếu đúng là tu sĩ Phật giáo thì xây chùa chiền, am thất để làm gì?
Việc này, trong kinh Na Tiên tỳ kheo đã có giải thích rõ ràng. Trong câu hỏi thứ 125, Mi Tiên vấn đáp, khi vua Mi Lan Đà chất vấn ngài Na Tiên rằng, Phật dạy người tu hành như nai trong rừng, rày đây mai đó, muốn ăn, muốn ngủ chỗ nào cũng được, không cố định nơi nào, tự do tự tại, đó là hạnh của tỳ kheo. Nhưng có nơi khác, Phật lại dạy rằng, người Phật tử nên xây lập chùa viện, am thất để chư Tăng có nơi chỗ an ổn tu hành, thì phước đức vô cùng to lớn, kiếp sau có thể sanh lên các cõi trời người, an lạc, sung sướng vô cùng và cũng có thể dứt được sanh lão bệnh tử, giải thoát niết bàn. Phật dạy hai lời như vậy, thì cái nào đúng, cái nào sai?
Ngài Na Tiên trả lời nhà vua rằng, cả hai điều này, Phật dạy đều đúng cả.
Thứ nhất, Phật dạy thầy tỳ kheo sống tự do tự tại, rày đây mai đó, như nai trong rừng, cái ý chính là dạy cho chư Tăng không được đắm chấp, lưu luyến, dính mắc chỗ nào cả.
Còn điều thứ hai, Phật dạy người Phật tử nên xây dựng chùa viện, am thất để chư Tăng có nơi cư ngụ an ổn, sẽ được phước đức, là vì nếu không có chùa viện, am thất thì các Phật tử lấy đâu có nơi để học hỏi, tham vấn giáo lý, chư Tăng lấy đâu chỗ để truyền giới cho đệ tử, để phổ biến giáo lý rộng rãi, để Phật pháp được lưu truyền lâu dài?
Đức Phật không có chỗ nào ngăn cấm chư Tăng, không được ở chùa viện, am thất, cũng không có chỗ nào khuyên bảo chư Tăng phải ở trong rừng, dưới gốc cây, nơi nghĩa địa. Điều quan trọng là muốn chư Tăng không được lưu luyến, dính mắc, đắm chấp nơi nào, mà phải sống đời thanh thản, tự do tự tại mới đúng phẩm hạnh của một vị Tỳ kheo.
Ngày xưa, thời Phật còn tại thế, chỉ có Tăng đoàn còn gọi là giáo đoàn để phân biệt tu sĩ và cư sĩ tại gia. Nhưng trong hoàn cảnh ngày nay, gặp thời mạt pháp, ma chướng rất nhiều, một mình rất khó tu, nên chư Tăng phải hòa hợp, đoàn kết lại để bảo vệ lẫn nhau, tránh các sự phá rối từ bên ngoài, nên mới có các tổ chức giáo hội.
Và một thắc mắc nữa là sư Thích Minh Tuệ có đúng là một tu sĩ Phật giáo không?
Việc này tu sĩ Thích Minh Tuệ cho biết rằng, ông đã xuất gia, vào chùa tu và được Pháp danh là Thích Minh Tuệ, và ông đã giữ giới, tu đúng theo 13 hạnh đầu đà mà đức Phật đã dạy, vậy thì rõ ràng ông là một tu sĩ Phật giáo.
Tu sĩ Thích Minh Tuệ là một người giữ giới luật, tu theo hạnh đầu đà của Phật dạy, không nhà không cửa, không chùa viện, am thất, rày đây, mai đó, ngày ăn một bữa, mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, nơi đất hoang, nghĩa địa, tự do tự tại, không nơi cố định, đúng phẩm hạnh một vị tu sĩ Phật giáo, mọi người ai cũng kính phục, noi theo, công nhận đúng là một tu sĩ Phật giáo, thì còn cần gì phải theo giáo hội này, tổ chức kia cho thêm phiền phức, buộc ràng?
Cách đây hơn 6 năm, Sư Minh Tuệ đã vân du tứ phương từ nam ra bắc rồi ngược lại, thầy độc hành trên con đường vạn dặm để mang ánh sáng từ bi trí tuệ của Phật giáo đến với mọi người, nhất là người dân và Phật tử bên kia vĩ tuyến còn rất mơ hồ về Phật giáo.
Và gần đây đạo hạnh của Thầy đã toả sáng, tâm từ của Thầy đã làm cảm động lòng người và quỷ thần, nên đã có hàng ngàn, hàng chục ngàn rồi đến hàng trăm ngàn người đã tháp tùng cùng thầy từng đoạn trên đường thầy đi qua.
Thảm đỏ, hoa hương và những tấm lòng người Phật tử từ khắp nơi tìm đến đã tạo ra một biển người làm Nhà cầm quyền hoảng sợ.
Tình yêu và sự ngưỡng mộ của người dân và Phật tử dành cho Thầy Minh Tuệ làm lu mờ tất cả mọi thần tượng của chế độ, làm sụp đổ tương lai của một Giáo hội được thành lập và nuôi dưỡng bởi nhà cầm quyền và cũng làm cho nhiều thế lực khác đứng trước một thách thức chưa từng có trong lịch sử khi sự tồn vong của mình bị đe doạ.
Nhà cầm quyền đã quyết định vô hiệu hoá Thầy Minh Tuệ bằng cách tách Thầy ra khỏi Phật tử và người dân, an trí thầy một nơi để họ dễ kiểm soát.
Việc làm này đi ngược lại lòng dân và Phật tử, Nhà cầm quyền có thể kiểm soát xã hội nhưng không thể kiểm soát được lòng người. Kể từ đây, lòng dân và Phật tử sẽ oán trách Nhà cầm quyền và cả Tổ chức Phật giáo do Nhà cầm quyền thành lập, đã tiếp tay cho Nhà cầm quyền.
Và cũng kể từ đây Phật giáo sẽ là nơi quy ngưỡng của người dân Việt trên ba miền đất nước và trên thế giới.
Có thể, một số chùa viện Phật giáo sẽ giảm lượng Phật tử đến viếng, nhưng trong lòng mỗi người Việt nam đã dựng lên trong đó một nơi thờ cúng trang nghiêm cho Phật đà và tất nhiên trong đó có Thầy Thích Minh Tuệ.
Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất hoan hỷ đón chào sự xuất hiện của Sư Minh Tuệ, ủng hộ thầy tiếp tục con đường tu hạnh đầu đà, và cũng cám ơn Thầy Minh Tuệ đã thổi một luồng gió mới vào xã hội Việt nam đã suy đồi đạo đức và mất niềm tin vào đạo Phật.
Yêu cầu Nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn trọng sự chọn lựa tu hạnh đầu đà của Thầy Minh Tuệ mà không can thiệp.
Hãy để Thầy Minh Tuệ vân du tứ phương, khai hoá người dân, làm cho xã hội từ đó tốt hơn, tử tế hơn và văn minh hơn.
Con chim là của bầu trời, con cá là của biển khơi, đem nhốt con chim vào lồng, nhốt con cá vào chậu là bức tử nó.
Thầy Minh Tuệ sẽ ra sao nếu Thầy bị tách ra khỏi người dân và Phật tử, bị tách ra khỏi những nẻo đường quê hương đất nước từng trải ra dưới bước chân Thầy.
Mong rằng các nước, các chính phủ hãy tuân theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, không dàn áp những người tu hành, ai muốn tu theo đạo nào, tu cách nào tuỳ thích để được an ổn tu hành. Đó là điều mong muốn nhất hiện nay của những người theo tín ngưỡng, tôn giáo.
Kính chúc quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni và quý Thiện Tín, Phật tử một mùa Hạ an cư trang nghiêm, thanh tịnh.
Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tổ Đình Thập tháp, Bình Định, Mùa An cư năm Giáp Thìn, 2024.
T.M. Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn GHPGVNTN,
Viện trưởng,
(ấn ký )
Tỳ kheo Thích Viên Định