Đạo đức lãnh đạo chính trị qua các cuộc thăm dò

Thái Hóa Lộc

Trong hai năm qua, Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực rất nhiều để vận động cộng đồng cử tri ủng hộ Đảng Dân Chủ bị chia rẽ ủng hộ kế hoạch ​​“Build Back Better” (Xây dựng Lại Tốt hơn) của ông với hy vọng đảo ngược tình trạng suy giảm tín nhiệm mà ông đang phải đối mặt trong các cuộc thăm dò. Còn một năm nữa đến ngày bầu cử, TT Biden tiếp tục đối mặt với mức xếp hạng tín nhiệm ngày càng suy giảm. Ngược lại, cựu Tổng thống Donald Trump tỷ lệ dư luận ủng hộ ông qua các cuộc thăm dò quốc gia hiện cao hơn so với một năm trước.

Hết cuộc thăm dò này đến cuộc thăm dò khác cho thấy vị tổng thống thứ 46 này rõ ràng đang gặp khó khăn trong việc lấy lòng cử tri Mỹ với nghị trình kinh tế của mình. Ngoài ra, chính sách ngoại giao của ông, đặc biệt là cách ông giải quyết xung đột Israel-Hamas, đã khiến việc đảo ngược tình thế của ông trở nên khó khăn hơn nhiều. Theo cuộc thăm dò mới nhất của NBC News, xếp hạng tín nhiệm công việc của Tổng thống Biden đã đạt mức thấp nhất mọi thời đại kể từ khi ông nhậm chức, với chỉ 40% cử tri ghi danh tán thành thành tích của ông và 57% không tán thành. Theo NBC News, phản ứng của ông đối với cuộc xung đột ở Gaza là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm gần đây…Chiến tranh khốc liệt tại nơi này với nhiều người chết và đặc biệt là các trẻ em trong khi TT Joe Biden lại thiếu khả năng quyết định chấm dứt cuộc xung đột. Nhiều người trong số cử tri Đảng Dân Chủ tin rằng Israel đã đi quá xa trong các hành động quân sự ở Gaza. Ngoài ra, trong số các cử tri từ 18 đến 34 tuổi, có lượng đáng kể 70% không tán thành cách ông Biden giải quyết cuộc khủng hoảng ở Gaza. Đáng chú ý, 46% cử tri trong độ tuổi này tán thành hiệu quả công việc của tổng thống hồi tháng Chín, nhưng con số đó đã giảm xuống còn 31%. Cuộc khảo sát này cũng cho thấy cựu Tổng thống Trump đã dẫn trước Tổng thống Biden với tỷ lệ 46% so với 42% trong số cử tri dưới 35 tuổi, làm dấy lên tranh luận về việc liệu cựu tổng thống có thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Hoa Kỳ về phương diện đạo đức của người lãnh đạo ngoài kết quả thực tế về điều hành.

Chúng ta đã bắt đầu nhận ra từ một cuộc thăm dò này rồi, giờ hãy khép lại bằng một cuộc thăm dò khác. Một cuộc thăm dò của Gallup hồi tháng 05/2023 cho thấy mức cao kỷ lục với 54% người Mỹ trưởng thành đánh giá các giá trị đạo đức ở đất nước Hoa Kỳ là quá kém. Một kỷ lục khác đã bị phá vỡ khi cuộc thăm dò tương tự cho thấy 83% người Mỹ tin rằng các tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta đang ngày càng tồi tệ hơn. Một cuộc thăm dò khác có tính quốc gia do Harris X thực hiện vào mùa hè 2023 năm nay cho thấy đa số người Mỹ đã nghĩ rằng các chính trị gia nên tập trung nhiều hơn vào đạo đức hơn là kết quả thực tế. Theo kết quả cho biết về cử tri đảng Cộng Hòa thiên về giá trị đạo đức của ứng cử viên là 55% và kết quả thực tế là 45%. Trong khi đó cử tri Đảng Dân Chủ đánh giá người lãnh đạo chính trị phải trung thực và tin cậy 53%; ngoài ra còn một khía cạnh khác là đa dạng, công bằng và hòa nhập. Ngoài ra không còn sự đồng thuận ý kiến nào thêm nữa. Từ danh sách do nhà thăm dò này cung cấp, cử tri Đảng Dân Chủ liên kết sự lãnh đạo có đạo đức chặt chẽ nhất với DEI (sự đa dạng, công bằng, và hòa nhập) và đối xử công bình với những người khác. Cử tri Đảng Cộng Hòa đã lựa chọn những giá trị gia đình và lý tưởng của các Tổ phụ Lập quốc. Đối với các cử tri Độc Lập mà chúng ta sẽ thấy xuất hiện trong lần bầu cử năm 2024. Họ đã chọn lựa các giá trị gia đình cho sự lựa chọn thứ hai về mối liên hệ với sự lãnh đạo có đạo đức và sau đó chọn đúng và sai cho vị trí thứ ba. Vì vậy, đúng, người Mỹ muốn có những nhà lãnh đạo của mình phải có đạo đức. Điểm mà chúng ta không đồng thuận với nhau là định nghĩa của chúng ta về đạo đức.

Điều đáng chú ý trong cuộc khảo sát này là sự thiếu vắng những phẩm chất đạo đức mà cho đến gần đây dùng để để xác định bất kỳ một người Mỹ lãnh đạo có đức hạnh nào. Giống như những người được hỏi, các thế hệ trước đều đồng ý rằng đạo đức và tầm nhìn nên hướng dẫn cho các quyết định thực tế, và họ cũng đánh giá cao sự trung thực và đáng tin cậy ở người khác. Tuy nhiên, trong khi họ đồng ý rằng đối xử công bình với người khác hoặc tôn trọng gia đình là những mục tiêu đo lường thích hợp về nhân cách, thì trước tiên họ sẽ xem xét một số đức tính cơ bản hơn có thể được xem là đáng ngưỡng mộ ở một nhân vật của công chúng. Trong lịch sử Hoa Kỳ, chúng ta đã có những vị tổng thống, những lãnh đạo anh hùng như Tổng thống lập quốc đầu tiên George Washington. So với những người cùng thời như ông Thomas Jefferson và ông John Adams thì ông George Washington không có gì nổi bật về nền tảng học vấn hay năng lực trí tuệ. Ông không có  bằng cấp cao hơn, và cũng chưa từng hành nghề luật như rất nhiều Tổ phụ Mỹ quốc khác. Mặc dù lúc bấy giờ ông nổi tiếng là một vị tướng, nhưng thực tế là ông là một nhà chiến lược kém, thua nhiều hơn thắng. Tuy nhiên, thanh thế của ông Washington vào cuối Chiến tranh Cách mạng khiến nhiều người kỳ vọng vị Tổng Tư lệnh Lục quân Lục địa này sẽ trở thành vua của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một số người còn khuyến khích ông lên ngôi vua.

Khi được thông báo rằng ông Washington có thể sẽ gác kiếm và giao lại quyền chỉ huy của mình để quay về trang trại ở Virginia, Vua George Đệ tam của Anh quốc đã thốt lên, “Nếu làm được như vậy thì ông ấy sẽ là người đàn ông vĩ đại nhất thế giới.”. Thực vậy, ông Washington không màng đến danh lợi chức vụ, và ngày 23 tháng 12 năm 1783 từ chức khỏi ủy ban của mình, “rời khỏi tất cả các công việc của cuộc sống công vụ”. Ông lên đường đón Giáng Sinh tại Mount Vernon. Ông Washington được kính trọng vì những đức hạnh của ông bởi một phần ông là con người chính trực (probity), nguyên là một từ ngữ theo lối cổ kết hợp giữa danh dự, sự trung thực, vẻ bề ngoài, và tính liêm khiết, đặc biệt là ở nơi công cộng. Khi còn nhỏ, ông Washington đã chép tay “Những quy tắc Lịch sự và Hành vi Đứng đắn trong Xã giao và Đối thoại” và chính ông đã áp dụng các quy tắc này cho bản thân. Ngoài những quy tắc về cách ứng xử và hành vi này, ông còn sống theo một quy tắc ứng xử đạo đức thẳng thắn và cứng rắn như tư thế người lính của mình. Khó mà tưởng tượng được ông có thể thích thú những câu chuyện cười và trí tuệ dân gian như ông Abraham Lincoln hoặc thực hiện những “cuộc trò chuyện bên lò sưởi” như ông Franklin Roosevelt. Không phải vậy — trừ vài lần ngoại lệ, chủ yếu là trên chiến trường — ông Washington là người dè dặt, một hình mẫu về thái độ chính trực và phẩm giá cổ điển. Quy tắc đó đã làm nên người đàn ông này.

Trong một nền dân chủ như đất nước Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo được bầu thường phản ánh giá trị của những người bỏ phiếu cho họ. Ông John Adams có thể đã tiên liệu điều này khi ông viết, “Hiến Pháp của chúng ta được soạn thảo chỉ dành cho những người có đạo đức và mộ đạo. Hiến Pháp hoàn toàn không phù hợp với chính phủ của bất kỳ chính phủ của bất kỳ người nào khác.”. Thông điệp này đã quá rõ ràng là yếu tố đạo đức của người lãnh đạo không thể không ảnh hưởng đến lá phiếu quyết định của chúng ta vào năm 2024.

Previous
Previous

60 năm sau vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy

Next
Next

APEC San Francisco có gì lạ!