APEC San Francisco có gì lạ!
VÀI NÉT VỀ APEC
Các thành viên APEC gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Cộng, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Các thành viên luân phiên tổ chức hội nghị APEC mỗi năm một lần, lần cuối cùng Hoa Kỳ tổ chức là 2011, dưới trào Obama.
APEC chiếm khoảng 62% GDP toàn cầu và gần một nửa thương mại toàn cầu. Nhóm này hoạt động theo nguyên tắc các cam kết không ràng buộc, được thực hiện dựa trên tự nguyện và các quyết định đạt được bằng sự đồng thuận.
APEC độc đáo ở chỗ nó là một tập họp của các nền kinh tế hơn là tập họp của các quốc gia, do đó, Hồng Kông và Đài Loan vẫn được mời tham gia. Nhưng John Lee, đặc khu trưởng của Hồng Kông đang bị Hoa Kỳ trừng phạt về nhân quyền. Chính quyền Hồng Kông cho biết ông Lee sẽ không đến San Francisco do có “xung khắc về lịch làm việc” nên Bộ trưởng Tài chính Paul Chan sẽ đi thay. Tổng thống Đài Loan năm nay không tham dự, Morris Chang, người sáng lập công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC sẽ đại diện cho hòn đảo này tại San Francisco.
Tổng thống Nga Putin cũng sẽ không có mặt. Năm ngoái ở Bangkok ông ta đã không đến. Lý do ai cũng hiểu.
Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, muốn tham gia APEC nhưng chưa được chấp nhận vì nền kinh tế của Ấn Độ không hội nhập vào hệ thống toàn cầu và tại thời điểm này hồ sơ gia nhập đang bị ngâm.
Theo thông lệ, các nguyên thủ quốc gia sẽ nhóm họp từ thứ Tư đến thứ Sáu, sau các cuộc họp chuẩn bị của các Bộ trưởng kinh tế tài chính. Bên cạnh cuộc gặp các nguyên thủ còn có hội nghị của các CEO của APEC từ thứ Ba đến thứ Năm.
ÁNH ĐÈN SPOTLIGHT
Mọi cặp mắt đều đổ dồn về cuộc gặp tay đôi bên lề APEC giữa Joe Biden và Tập Cận Bình vào thứ Tư. Nhiều lúc cuộc họp bên lề mang lại nhiều khai thông hơn các hội nghị chính thức
Sân khấu APEC năm nay đã trở thành nơi cạnh tranh chiến lược giữa nước đứng số một và số hai thế giới, nước số hai muốn giành vị trí số một, mỗi nước đều có những khó khăn nội bộ riêng và nước nào cũng muốn khẳng định vị trí của mình bằng cách đóng vai trò lớn giải quyết các điểm nóng trên thế giới, trước mắt là Ukraine và Trung Đông.
Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ hai kể từ khi ông Biden nhậm chức vào đầu năm 2021. Đối với Tập, đây là lần thứ hai đặt chân đến Mỹ kể từ khi lãnh đạo Trung Cộng, lần trước cách nay 6 năm gặp Trump tại Cali.
Xét về thân xác bề ngoài của hai võ sĩ, một bên là cụ già đi đứng lạng quạng, nói trước quên sau; một bên là xì thẩu bệ vệ, to béo, giọng nói như sư tử hống.
Trước khi thi đấu, bên kia đã gửi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và bên này đã gửi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đi dọn đường.
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden hôm Chủ nhật cho biết ưu tiên hàng đầu là phía Mỹ sẽ tìm cách “thúc đẩy” việc lập lại liên lạc quân sự với Trung Cộng để tránh “sai lầm hoặc tính toán sai lầm hoặc thông tin sai lệch”.
Trong thực tế, từ năm ngoái, Trung Cộng đã cắt đứt các cuộc đối thoại quân sự hai nước ở cấp cao để phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện khi đó là Nancy Pelosi.
Quan hệ quân sự trở nên phức tạp hơn khi Bắc Kinh vào tháng 3 bổ nhiệm một vị tướng bị Mỹ trừng phạt làm Bộ trưởng Quốc phòng. Trung Cộng yêu cầu Mỹ rút lại lệnh trừng phạt đó trước khi có đàm phán giữa hai bộ trưởng quốc phòng.
Tuy nhiên, vào tháng trước ông Tập bất ngờ cho nghỉ việc Bộ trưởng Lý Thượng Phúc, dọn đường cho Bắc Kinh bổ nhiệm một bộ trưởng không bị Mỹ trừng phạt, coi như loại bỏ một rào cản cho các cuộc đàm phán cấp cao. Trung Cộng vẫn chưa nêu tên người thay thế ông Lý.
Tin chính thống nói ông Lý bị thanh trừng vì một cái tội đã xảy ra từ nhiều năm trước, khi ông giữ chức mua bán vũ khí cho PLA; trong khi tin ngoài luồng nói ông bị loại phản đối chuyện đánh chiếm Đài Loan. May là cái đầu của ông vẫn còn ngồi trên cái cổ, chưa bị nhồi máu cơ tim giống như cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ngoài quan hệ quốc phòng, hai nước dự kiến sẽ bàn về quan hệ kinh tế và thương mại “công bằng”, trí tuệ nhân tạo, nhân quyền… Không biết phía Mỹ có đặt vấn đề ngày càng có nhiều công dân Trung Cộng vượt rào vô Mỹ qua ngả Mexico không? Vào được rồi thì có người nói với tờ Economist: “Tôi không bao giờ quay lại Trung Cộng cho dù phải… bò tới Mỹ hoặc chết trên đường đến đó!”. Rõ khổ, muốn làm bá chủ thế giới mà người dân của mình cứ bỏ nước ra đi thì đến bao giờ mới tới đích?
Dĩ nhiên hai ông Biden và Tập cũng bàn đến các vấn đề toàn cầu, từ cuộc chiến Israel-Hamas đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, mối quan hệ của Triều Tiên với Nga, Đài Loan, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương…
Iran cũng là vấn đề phức tạp giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Mỹ muốn trừng phạt Iran vì đã cung cấp vũ khí cho các phe chống Do Thái ở Trung Đông – trong đó có phe Hamas ở dải Gaza, phe Hezbollah ở Liban, phe Houthi ở Yemen – nhưng Tàu đang mua rất nhiều dầu hỏa của Iran nên Mỹ chưa biết phải tính sao.
SAN FRANCISCO, APEC, VIỆT NAM
Trong thập niên 1960, thời son trẻ của thế hệ sinh trong những năm 1940, San Francisco là thành phố của Hippy, của Make Love Not War. Tuổi trẻ thành phố miền Nam Việt Nam hầu như ai cũng nghe qua bài hát của Scott McKenzie, ai có qua thành phố này cũng đừng quên cài một nhánh hoa lên tóc…
Cũng có thời San Francisco là thành phố của người đồng tính, nếu có đi trên đường Market thấy có tờ giấy bạc ai làm rơi thì chớ có cúi xuống mà lượm.
Giờ đây, San Francisco là thành phố của người homeless. Số liệu được thống kê vào tháng 2 năm 2022: bất kỳ đêm nào cũng có khoảng 3.400 người ngủ trong các nhà tạm trú cho người vô gia cư của San Francisco, trong khi khoảng 4.400 người ngủ trên các con đường của thành phố.
Ban tổ chức APEC năm nay dự trù sẽ có nhiều cuộc biểu tình. Với khu Chinatown đông đúc, phe thân Đài Loan cũng nai nịt sẵn sàng như phe thân Bắc Kinh. Đặc biệt năm nay sẽ có biểu tình của phe ủng hộ Ukraine và phe ủng hộ Nga, phe ủng hộ Israel và phe ủng hộ Hamas…
Xin đừng quên San Francisco đã từng có duyên nợ với Việt Nam.
Cách nay 72 năm, tại thành phố này, ở hội nghị 51 nước bàn về trách nhiệm bồi thường của Nhật Bản, nước thua trân trong Thế Chiến 2, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Vì sắp theo thứ tự ABC, phái đoàn Việt Nam đứng áp chót, chỉ trước phái đoàn Nhật Bản là nước bại trận. Vì vậy phái đoàn Việt Nam được mời phát biểu gần như sau cùng ngày 8-9-1951. Vào cuối phần phát biểu của mình, thủ tướng Trần Văn Hữu nhấn mạnh: “Chúng tôi phải thẳng thắn lợi dụng tất cả các cơ hội dành cho chúng tôi để chận đứng những mầm mống bất đồng, chúng tôi xác định chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vốn luôn luôn thuộc Việt Nam.”
Phát biểu của Thủ tướng Trần Văn Hữu không bị đại diện phái đoàn nào trong hội nghị phản đối và được ghi vào biên bản, chứng tỏ hội nghị đồng ý với quan điểm của chính phủ Quốc gia Việt Nam.
Không biết lần này Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ho he gì hay không, có thể là không phù hợp, nhưng chắc chắn cậu Thưởng sẽ được dàn chào bằng những người Việt cư ngụ chung quanh vùng Vịnh, tay cầm lá cờ mà cậu Thưởng rất dị ứng.
Đường xá xa xôi, không có dịp tham gia với các bạn biểu tình, nếu có dịp thuận tiện, xin các bạn hỏi cậu Thưởng hộ tôi: “Tại sao bốn tiếp viên hàng không mang ma túy về thì không sao, còn người dân ăn cắp con vịt lại bị tù 7 năm?” Xin cám ơn các bạn.
Châu Quang