Tân Chủ Tịch Hạ Viện với ngân sách tạm thời
Thái Hóa Lộc
“Đóng cửa chính phủ”, trên thực tế, là một điều quen thuộc, như truyền thống của nền chính trị nước Mỹ. Tình trạng ấy thường xuyên diễn ra hai năm sau của các nhiệm kỳ tổng thống, đặc biệt là nếu đảng đối lập giành được ưu thế rõ rệt ở cuộc bầu cử giữa kỳ, để có thể gây áp lực mạnh mẽ lên tổng thống thuộc đảng cầm quyền tại Tòa Bạch Ốc, nhằm giành thêm lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp. Và hiện tại, đúng như dự báo của giới quan sát quốc tế, các dân biểu tại Hạ viện đảng Cộng hòa đã lại thúc đẩy “cuộc chiến chính trường” theo quỹ đạo quen thuộc không thay đổi…
Chỉ tính từ năm 1976 đến năm 2019, Chính phủ liên bang Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đã có 17 lần phải “đóng cửa” (shutdown) - tình huống mà chính phủ buộc phải tạm thời ngừng cung cấp một số dịch vụ công ích không thiết yếu, xảy ra khi không đạt được một thỏa thuận về ngân sách hoạt động của chính phủ giữa Quốc hội và Tổng thống, dẫn tới thiếu ngân sách cho một số cơ quan chính phủ hoạt động. Lần “đóng cửa chính phủ” lâu nhất lịch sử chính trị Mỹ kéo dài tới 34 ngày, diễn ra vào cuối năm 2018 - đầu năm 2019, trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, khi đảng Dân chủ bất đồng với Tòa Bạch Ốc về kinh phí xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico, khiến 800.000 trong tổng số 2,1 triệu nhân viên của chính phủ liên bang phải nghỉ việc.
Thời điểm ấy, nhiều doanh nghiệp địa phương bị đẩy vào cảnh chật vật, vì bị cắt đứt nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ và hàng hóa cho các viên chức chính phủ cũng như các du khách đến thủ đô tham quan những địa điểm nổi tiếng, như tượng đài kỷ niệm và viện bảo tàng. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump buộc phải mời các vị khách là đội vô địch giải bóng bầu dục sinh viên Mỹ đồ ăn nhanh - pizza và hamburger - khi các đầu bếp của Tòa Bạch Ốc nghỉ việc không lương.
Hiện nay dưới thời tổng thống Biden từ ngày 22/9, một tháng trước Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu các cơ quan liên bang chuẩn bị cho kịch bản đóng cửa chính phủ, khi chưa thấy tình trạng khả thi nào nhằm cung cấp kinh phí để chính phủ tiếp tục hoạt động trong ngắn hạn. Các dân biểu đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thừa nhận rằng không có đủ thời gian để Quốc hội thông qua tất cả 12 dự luật ngân sách trước thời hạn nửa đêm 30/9, nhằm bảo đảm ngân sách duy trì hoạt động của Chính phủ để bắt đầu năm tài chính mới (từ 1/10). Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa sau ngày 30/9 gần như là chắc chắn, trừ phi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy lúc bấy giờ có thể thuyết phục phe cánh hữu của đảng Cộng hòa cho phép Quốc hội thông qua một biện pháp cấp ngân sách tạm thời, trong khi các cuộc đàm phán tiếp tục.
Hạ viện và Thượng viện Mỹ vẫn hy vọng cân nhắc một đề xuất ngắn hạn, để các nhà làm luật có thêm thời gian đàm phán. Đề xuất này sẽ cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết các cơ quan liên bang và gia hạn ngân sách đến hết tháng 10. Tuy nhiên, các dân biểu thuộc đảng Cộng hòa - chiếm ưu thế ở Hạ viện Mỹ - vẫn bất đồng về dự thảo ngân sách cho phép Chính phủ tiếp tục hoạt động sau ngày 30/9…
Việc đóng cửa chính phủ rất hệ trọng, theo The New York Times: “Việc chính phủ đóng cửa đồng nghĩa với sự đình chỉ nhiều hoạt động của chính phủ, cho đến khi Quốc hội hành động để khôi phục nguồn tài trợ. Đối với hàng trăm nghìn nhân viên liên bang, điều đó có nghĩa là họ phải nghỉ phép trong khi chính phủ đóng cửa, hoặc tiếp tục làm việc không lương. Đối với công chúng, điều đó thường có nghĩa là phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nhiều dịch vụ của chính phủ và phải đối mặt với hàng loạt bất tiện cũng như gián đoạn trong cuộc sống hằng ngày”. Trước tình hình gay cấn đó, ngày 23/9, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden “đăng đàn” và kêu gọi: "Đã đến lúc phe Cộng hòa làm nhiệm vụ mà cử tri Mỹ đã giao phó cho họ. Hãy thực hiện thỏa thuận!". Nhưng tất nhiên, bởi đây chỉ là sự lặp lại những gì chính đảng Dân chủ của ông đã thực hiện để công kích cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa hồi năm 2018, nên ảnh hưởng lời kêu gọi của người đứng đầu Tòa Bạch Ốc lại rơi vào thinh không… Tuy nhiên, vào giờ chót (30-9) cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ cũng thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn chính phủ đóng cửa với sự ủng hộ áp đảo từ các đảng viên Dân chủ. Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 335 phiếu thuận và 91 phiếu chống, thông qua dự luật để tài trợ cho chính phủ hoạt động thêm 45 ngày nữa. Tại Thượng viện do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát, dự luật cũng được thông qua với kết quả áp đảo 88 phiếu thuận và 9 phiếu chống. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó ký thành luật. Đây là một bước thay đổi lớn so với trước đây, khi viễn cảnh chính phủ Mỹ phải đóng cửa từ sau nửa đêm 30-9 dường như là điều không thể tránh khỏi. Cuộc bỏ phiếu thông qua ngân sách lần này để chính phủ khỏi phải đóng cửa và hậu quả là Chủ tịch McCarthy bị bãi nhiệm…
Không khác gì lần trước hôm 14 tháng 11 tại Hạ viện với Tân Chủ tịch Mike Johnson lại thông qua ngân sách tạm thời nhằm ngăn chặn việc đóng cửa một phần chính phủ liên bang. Với tỷ lệ 336 phiếu thuận, 95 phiếu chống, cuộc bỏ phiếu vừa qua được xem là chiến thắng đối với Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người đã vấp phải sự phản đối của một số thành viên trong chính đảng Cộng hòa của mình, tại cuộc bỏ phiếu quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hạ viện.
Theo Reuters, nhiều nhà lập pháp lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thể hiện sự ủng hộ đối với dự luật này. Dự luật có tính ngắn hạn hiện đang được chuyển tới Thượng viện, nơi các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đã lên tiếng ủng hộ dự luật. Để ngăn chặn khả năng đóng cửa xảy ra, Thượng viện Mỹ cùng Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát phải ban hành quy định mà Tổng thống Joe Biden có thể ký thành luật trước khi nguồn tài chính hiện tại cung cấp cho các cơ quan liên bang hết hạn vào nửa đêm 17/11.
Ông Johnson, người giữ chức vụ Chủ tịch Hạ viện chưa đầy 3 tuần trước, cũng đã đi theo vết xe đổ của cựu Chủ tịch Kevin McCarthy có thể gây nguy hiểm cho tương lai chính trị của chính mình nếu kế hoạch hiện tại của ông không giành được đủ sự ủng hộ để thông qua và ông buộc phải đưa ra một đề xuất mà đảng Dân chủ có thể chấp nhận. Chính phủ Mỹ đã thoát cảnh đóng cửa trong gang tấc hồi đầu tháng 10 sau khi người tiền nhiệm của ông Johnson, Kevin McCarthy, đưa ra một kế hoạch mang tính lưỡng đảng về ngân sách tạm thời. Song hành động này đã khiến ông McCarthy bị bãi nhiệm chỉ vài ngày sau đó và Hạ viện Mỹ gần như tê liệt 1 tháng vì không có chủ tịch. Ông Johnson được bầu vào vị trí này chưa đầy 3 tuần trước, sau nhiều tuần lễ hỗn loạn khiến Hạ viện Mỹ rơi vào cảnh không có người lãnh đạo. Với thế đa số mong manh 221-213, ông chỉ được để mất không quá 3 phiếu của đảng Cộng hòa về đạo luật mà đảng Dân chủ phản đối. Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa bảo thủ tại Hạ viện nói rằng họ thất vọng khi dự luật chi tiêu ngắn hạn không bao gồm cắt giảm các khoản chi tiêu phóng đại và thiếu các biện pháp an ninh biên giới mà họ mong đợi. Tuy vậy, các dân biểu đã từng chống ông Kevin McCarthy trong Đảng Cộng hòa tại Hạ viện nói rằng họ sẽ không phản ứng quá đáng với ông Johnson như đã làm với ông McCarthy. Dân biểu Bob Good nói: “Chúng tôi không ủng hộ dự luật chi tiêu ngắn hạn. Nhưng chúng tôi ủng hộ ông Johnson”.
Như chúng ta đã biết, cuối cùng đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn đạt thỏa hiệp vào phút chót để duy trì hoạt động cho chính phủ. Giới quan sát cho rằng, từ những bất đồng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa khó có thể dung hòa thì điệp khúc Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ còn tái diễn trong tương lai.