Súng đạn ở Mỹ một bài toán không đáp số
Thái Hóa Lộc
Trong 128 ngày đầu tiên của năm 2023, nước Mỹ chứng kiến 201 vụ xả súng theo bản tin Reuters được dẫn lời bởi phát ngôn viên báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre tại cuộc họp báo ngày 9 tháng 5 năm 2023.Vụ thảm sát hôm Thứ Bảy ngày 6 tháng 5 tại thành phố Allen tiểu bang Texas là vụ xả súng thứ 201 trong năm nay…Vụ thảm sát này đã đẩy một bé trai 6 tuổi trong một gia đình hạnh phúc gồm có cha mẹ và em trai 3 tuổi đã trở thành mồ côi bơ vơ những ngày còn lại. Cùng số phận trong cuộc thàm sát lại thêm 5 người chết và 7 người khác bị thương. Và không bao lâu, một tuần lễ trước đó cũng tại tiểu bang Texas, một di dân lậu là Francisco Oropesa, 38 tuổi, quốc tịch Mexico đã dùng súng sát hại một gia đình 5 người, trong đó có em bé 8 tuổi. Các quan chức nhập cư cho biết Oropesa đã bị trục xuất khỏi Mỹ bốn lần kể từ năm 2009.
Bà Jean-Pierre cho rằng Quốc Hội Hoa Kỳ nên cấm những dòng vũ khí như loại súng bán tự động có băng đạn tháo rời; băng đạn có sức chứa lớn; tước bỏ quyền miễn trừ pháp lý vốn nhằm ngăn chặn việc truy cứu trách nhiệm trong các vụ xả súng; yêu cầu cất giữ an toàn súng ống và đạn dược và cần biện pháp kiểm tra toàn diện về nhân thân người sở hữu súng. Tổng thống Joe Biden đã ban hành hơn 20 sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế việc bán và sử dụng các dòng vũ khí độ sát thương cao. Tuy nhiên, đến nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua bất kỳ dự luật nào về vấn đề này. Dữ liệu về Bạo lực Súng ống 2023 cho thấy những vụ tự sát chiếm 57% trong tổng số 14.836 cái chết do súng đạn từ đầu năm đến nay. Đến 66 trong số 155 cái chết do súng đạn mỗi ngày là do nạn nhân tự kết liễu đời mình.
Bất chấp nhiều lời kêu gọi được đưa ra trong những năm gần đây, việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ vẫn là một “bài toán” chưa có đáp. Đa phần những nỗ lực nhằm thông qua các hạn chế mới về súng đều thất bại. Ngoài hai thảm kịch kể trên, thảm kịch tại Trường Tiểu học Robb ở bang Texas khiến 21 nạn nhân thiệt mạng, trong đó có 19 học sinh ngày 25-5 năm 2022 như gióng hồi chuông báo động cho vấn nạn này của nước Mỹ.
Theo Small Arms Survey - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), Mỹ là quốc gia có nhiều người dân sở hữu vũ khí nhất trên thế giới. Ước tính, người Mỹ hiện sử dụng khoảng 400 triệu khẩu súng. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng người mua súng tại Mỹ gia tăng đáng kể. Thống kê của Cục điều tra liên bang Mỹ cho thấy, năm 2021, có tới 691 vụ xả súng ở nước này với số nạn nhân lên tới 44.750 người.
Trên thực tế, bạo lực súng đạn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, kéo dài và khó giải quyết nhất ở Mỹ. Nhiều năm qua, đất nước Hoa Kỳ chia rẽ sâu sắc trong việc kiểm soát súng đạn. Mặc dù vấn đề này luôn là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của cử tri trước mỗi kỳ bầu cử quan trọng, song chưa bao giờ các nghị sĩ 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đạt được sự thống nhất. Phần lớn đảng Cộng hòa phản đối mạnh việc hạn chế súng vì cho rằng dự luật như vậy sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ về quyền sở hữu súng trong khi không giúp người dân Mỹ an toàn hơn. Ngay sau khi thảm kịch tại Trường Tiểu học Robb xảy ra, Tổng thống Mỹ J.Biden đã yêu cầu người dân nước này đấu tranh và gây áp lực với các thành viên của Quốc hội, nhằm thông qua các dự luật kiểm soát súng đạn. Ông cũng đề nghị tái khôi phục lệnh cấm mua bán vũ khí tấn công và các luật khác liên quan đến quyền sở hữu súng. Các nhà bình luận cho rằng, chủ đề này sẽ tiếp tục châm ngòi cho các cuộc tranh cãi mới tại cơ quan lập pháp Mỹ trong bối cảnh các cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2024.
Cho đến nay dù nhiều cuộc thảm sát xảy ra nhưng súng đạn vẫn còn là bài toán chưa tìm được đáp số bên cạnh tu chánh án thứ hai của Hiến Pháp Hoa Kỳ: “Vì một lực lượng dân quân quy củ là cần thiết cho an ninh của một đất nước tự do, quyền của người dân được nắm giữ và mang vũ khí sẽ không thể bị xâm phạm.”
Hiến pháp Hoa Kỳ không có một định nghĩa đầy đủ về khái niệm “quyền vũ trang”. Quyền sở hữu và trang bị vũ khí, khác hẳn với quan điểm pháp lý thông thường ở các quốc gia khác, không phải là một loại quyền đồng thuận xã hội (social contract right) mà người dân thỏa thuận trao cho nhau để hình thành. Một số nhà lập pháp và luật gia hiện đại của Hoa Kỳ cũng không ít lần cố gắng tranh luận sửa đổi ý nghĩa của Tu chính án thứ Hai. Họ quan niệm quyền vũ trang là một loại quyền tập thể, dành cho các tổ chức dân quân như lực lượng Phòng vệ Quốc gia chứ không phải là một dạng quyền cơ bản của công dân. Rõ ràng đây không phải là điều mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ kỳ vọng khi soạn thảo. Cụ thể hơn, Tu chính án này phải được hiểu là, chính phủ liên bang không có thẩm quyền xâm phạm quyền giữ và mang vũ khí của người dân. Quyền vũ trang, được lý giải là hiện thực hóa quyền tự vệ cá nhân, vốn là quyền tự nhiên cơ bản phát sinh từ quyền được sống.
Trong khi một số quyền được xem là quyền đồng thuận xã hội như quyền bầu cử, quyền tư pháp mang bản chất thỏa thuận giữa các thành viên trong cộng đồng; quyền vũ trang, tương tự như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng, quyền riêng tư vốn không thể bị xâm phạm. Đây chính là căn cứ cốt lõi để quyền vũ trang nằm trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Công dân Hoa Kỳ được phép giữ và trang bị vũ khí tại những nơi, vào những tình huống mà họ thấy cần thiết, và chỉ bị giới hạn hoặc tạm thời vô hiệu hóa theo một trình tự hay theo trường hợp luật định. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhà chức trách Hoa Kỳ được phép loại trừ một số khí tài hoặc một số vị trí trọng yếu nhất định có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, họ không được phép “giải giáp”, hoặc “tước” hoàn toàn vũ khí của người dân, vốn sẽ dẫn đến sự vi phạm quyền tự vệ của công dân (xét theo lý thuyết). Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những khó khăn mà các nhà lập pháp gặp phải khi cố gắng giải quyết tận gốc các vụ xả súng nghiêm trọng gần đây. Chúng ta cần nhớ rằng khi Hiến Pháp Hoa Kỳ ra đời, có một vấn đề quan trọng nhất là nỗi lo sợ về một chế độ độc tài và toàn trị. Nỗi lo vốn trở thành sự ám ảnh thường trực đối với các nhà lập quốc của Hoa Kỳ. Điều này có thể nhìn thấy từ cách họ trao quyền kiểm soát và đối trọng lẫn nhau giữa nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, hay cách họ lo lắng về phạm vi quyền lực và mô hình tổ chức của chính phủ liên bang. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi đa phần các nhà lập quốc Hoa Kỳ đều ngại ngùng đối với việc trao toàn quyền thành lập và kiểm soát quân đội cho chính phủ như cách mà các quốc gia Cựu Lục Địa vẫn thường làm. Dân biểu nổi tiếng James Madison cho rằng, do cấu trúc nhà nước Hoa Kỳ được xây dựng theo hướng kiểm soát lẫn nhau thay vì sự thống trị của hành pháp, khả năng chính phủ có thể dùng quân đội để áp bức là rất thấp. Thêm vào đó cũng cần lưu ý điểm khác biệt cơ bản của nhân dân Hoa Kỳ và tình thế của các quốc gia tại Châu Âu: công dân Hoa Kỳ sẽ được quyền sở hữu vũ khí và vũ trang, nhờ đó không thể bị khuất phục bởi một chính phủ chuyên quyền cho dù chính phủ đó có cố gắng làm như vậy.
Rõ ràng hầu hết các chính trị gia, các nhà hoạt động thời kỳ lập quốc của Hoa Kỳ đều ủng hộ quyền vũ trang được ghi nhận trong Tu chính án thứ Hai. Với tư tưởng tự do của những người đi tìm vùng đất mới và nỗi lo về một chế độ độc tài, các công dân Hoa Kỳ hình thành một văn hóa pháp lý đặc trưng về sự cần thiết của súng và các trang bị vũ khí.
Quyền sở hữu này, khơi nguồn từ những nhà lập quốc, có thể được xem là rào chắn cuối cùng đối với sự độc tài và sự xâm lược từ bên ngoài, nếu tất cả hệ thống pháp lý mà các nhà lập quốc kỳ công xây dựng cũng như quân đội Hoa Kỳ thất bại.
“Làm sao một quốc gia có thể bảo tồn sự tự do của nó nếu những kẻ cầm quyền không được nhắc nhở rằng nhân dân của họ luôn duy trì được tinh thần phản kháng? Hãy để nhân dân nắm giữ vũ khí” – Thư của Thomas Jefferson gửi cho James Madison ngày 20 tháng 12 năm 1787…Nhà hoạt động cải cách xã hội Frederick Douglass ghi nhận quyền tư hữu vũ khí như là chân thứ ba của chiếc kiềng tạo nên sự tự do của công dân Hoa Kỳ…
Chúng ta có thể hiểu được vì sao người dân Hoa Kỳ vẫn chưa thể xóa bỏ Tu Chính án Thứ Hai của Hiến pháp trong khi bạo lực súng đạn ngày càng cao. Nhưng thực trạng lạm dụng loại vũ khí nguy hiểm như súng để thực hiện những vụ giết người hàng loạt gần đây rõ ràng đã đặt nặng trách nhiệm lên chính phủ Hoa Kỳ phải có những điều chỉnh pháp lý phù hợp đối với quyền này.