Tạp ghi - Bà nội tôi
Năm nay tôi vừa đúng 80, cũng là ngày bà nội tôi đã mất hơn 73 năm và bà ngoại mất đã 79 năm. Ngày giỗ bà nội và bà bà nội kế cận nhau, ngày hôm trước 18 tháng 3 âm lịch giỗ bà ngoại thì ngày 19 tháng 3 giỗ bà nội…Vợ chồng tôi đã làm một mâm cơm dâng lên bàn thờ với những món ăn mà tôi còn nhớ bà nội tôi rất thích như mắm cá thu xoài sống, rau muốn luộc, canh khổ qua. Vợ tôi thêm vài món cho nó thịnh soạn một chút nào là cá thu chiên, tôm rim, chả ram, bún song thần An Thái, xôi và không quên bánh tráng nướng phong tục của người Bình Định…
Tôi không còn nhớ một chút gì về bà ngoại nhưng được má tôi kể lại mỗi lần dắt tôi về quê Tân Đức để tham dự ngày giỗ của bà ngoại. Sau khi má tôi sinh tôi ra thì bà ngoại dành quyền nuôi dưỡng tôi vì cho rằng má tôi còn quá trẻ không có kinh nghiệm nuôi con trẻ. Nhưng thân phận tôi là số mồ côi. Tôi chưa được thôi nôi thì bà ngoại tôi qua đời. Tôi biết má tôi là con gái út của bà ngoại nên má tôi vừa thương bà ngoại và thương tôi nên má tôi khóc nhiều nhất khi được ba tôi kể lại. Tôi biết ba má tôi không yêu thương nhau từ đầu, ba tôi là một học sinh trung học ở Huế còn má tôi lại là một thiếu nữ nhà quê không được đến trường để có học vị. Học vừa biết đọc và biết viết là ông bà ngoại bắt ở nhà lo việc ruộng vườn, bếp núc nội trợ để chuẩn bị lấy chồng. Ba má tôi lấy nhau là từ sự quen biết, môn đăng hộ đối giữa hai gia đình. Ông nội tôi là ông Nghè Thái và ông ngoại tôi là ông Thất Tân Đức…
Sau khi bà ngoại mất, tôi về sống với bà nội. Cũng như bà ngoại, bà nội đem tôi về nuôi dưỡng hơn nữa tôi lại là đích tôn của dòng họ nữa. Cuộc sống ông bà nội càng ngày càng khó khăn vì trong khu vực liên Khu 5 của Việt Minh gọi là Nam – Ngãi – Bình – Phú (Quảng Nam – Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên). Tôi còn nhớ thời gian từ năm 1951 đến 1954. Ban ngày thì sợ máy bay Pháp oanh tạc thường xuyên, lúc nào cũng chuẩn bị tư thế chạy xuống hầm trú ẩn. Ban đêm lúc 6 tuổi tôi cũng đã cầm đèn đến trường học. Cũng trong thời gian này, ông bà nội tôi cộng sản đem ra đấu tố vì “tội địa chủ”. Những cơ ngơi trước đây được ông bà tôi tạo mãi là cái “nợ của nhân dân”. Họ bắt ông nội trầm mình dưới một hố nước không thể đứng cũng không thể ngồi phải khom lưng vì trên đầu là các cây xương rồng bắt ngang. Họ đào sân rạch trước đây để phơi lúa và dỡ nhà thờ để tìm vàng mà theo lời khai của những người làm công cho ông bà tôi trước đây. Tôi không thể quen đêm bà nội tôi ra đi khi tôi còn ngồi trong lớp học ban đêm. Trên đường về vì phải đi nhanh đèn tắt, tôi lầm lũi bước đi trong bóng tối và hình ảnh bà nội lúc nào cũng như trước mắt tôi. Có thể thời điểm này là thời điểm đen tối nhất đối với gia đình ông bà nội tôi. Sự độc ác của Cộng sản lúc bấy giờ không dừng lại ở đây. Tất cả mọi việc đều làm ban đêm, đào huyệt không thể để khi mặt trời đã lên cao vì phi cơ oanh tạc của Pháp. Khi quan tài của bà nội tôi đến nơi chon cất thì một số người ngăn cản không cho đặt xuống huyệt đã đào. Họ bảo rằng đất này là đất của nhân dân. Tội nghiệp cho bà nội tôi, gia đình tôi lại đem về mảnh đất gần nhà làm nơi an nghỉ cuối cùng; vừa di chuyển quan tài lại vừa sợ oanh tạc cơ của Pháp…
Trong lễ giỗ bà nội và bà ngoại vào thứ bảy tuần trước, vợ tôi hỏi tại sao người con gái mỗi lần sinh con lại về ngoại thay về nội. Tôi chia sẻ rằng, người xưa từng có câu “cháu bà nội, tội bà ngoại” ý chỉ bà ngoại gắn bó với đứa trẻ nhiều hơn so với bà nội. Khi trẻ được sinh ra, bà ngoại sẽ là người vất vả hơn cả. Bà sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để chăm sóc từ con gái mới sinh đến đứa cháu nhỏ vào chào đời. Chưa hết, những khó khăn hoặc vấn đề trong quá trình nuôi dạy cháu, dường như bà ngoại luôn là người nhận hứng chịu trách nhiệm. Tội vạ đâu đâu cũng đổ hết lên bà ngoại hết. Còn bà nội sẽ nhàn hơn. Nhưng khi trẻ lớn lên, bà nội dường như lại được hưởng phúc hơn. Bởi trong não trạng của xã hội, cháu nội thường được coi trọng hoặc ưu ái nhiều hơn là cháu ngoại.
Chính vì những điều này mà trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ bà ngoại luôn là một phần ký ức sâu đậm trong tâm trí. Để trẻ cảm nhận tốt hơn tình cảm bà cháu, mẹ hãy đưa bé về chơi với ông bà thường xuyên hơn…
Tôi sống với bà nội thời gian còn dài hơn má tôi. Khi bà ngoại mất, tôi về sống với bà nội gần 6 năm nhưng khi bà nội mất thì tôi về sống với má chỉ vỏn vẹn có hai năm…Đời tôi mồ cô ba lần…
Sống với bà nội tôi rất nhiều kỷ niệm, một phần bà cưng tôi nhất nhà hơn cả ông nội có lần bà nội nói với tôi như vậy! Tôi còn nhớ đôi chút về những lời dạy dỗ mộc mạc của Bà nội từ ngày xa xưa. Tiếng nói của bà tôi cứ rì rầm, nghe xa vời như là cổ tích! Bà luôn tưới mát giấc mơ tuổi thơ tôi bằng rất nhiều những câu chuyện kể. Những câu chuyện kể truyền miệng của thế hệ các cụ từ ngày xa xưa. Ngày xa xưa ấy, các cụ ta không được học hành nên thiệt thòi nhiều, hầu như không mấy người biết chữ. Bà nội tôi vốn là dân xứ đạo quê gốc ở làng Biểu Chánh. Bà biết cách kể nhiều chuyện hay, kể nhiều tích xưa, đọc kinh Cao Đài Minh Chơn Lý mỗi đêm trước khi đi ngủ, bên cạnh bà nội còn cho cô út của tôi cũng yêu thương tôi vô cùng cho đến ngày nay tôi đã là ông già 80 tuổi…
Chuyện từ xửa xưa, tôi hiểu ra rằng từ cái ngày ấy, những câu chuyện vẫn còn phảng phất trong trí nhớ trẻ thơ của mình. Nhiều chuyện tôi nghe xong nhưng không hiểu gì và có chuyện thì nghe xong không hiểu hết. Hiểu hết sao được khi tôi lúc ấy mới chỉ là một đứa trẻ con lên năm, lên sáu tuổi!
Hình ảnh bà nội và mấy người thân trên bàn thờ như xoáy vào tim tôi, nỗi đau niềm nhớ quay quắt! Trong giấc ngủ qua cơn mơ tôi muốn bà nội tôi về một lần vì từ ngày ấy hơn 73 năm tôi chưa gặp lại bà. Bà nội ơi? Bà đâu rồi ?
Cháu nội đích tôn vẫn nhớ bà !
Thái Hóa Lộc