Thành quả giáo dục và nấc thang giá trị xã hội

Ngô Viết Quyền.

“Giáo dục là khởi điểm và cũng là chung điểm” (Thiết Giáo - Lý Đông A).

Giáo Dục có nghĩa là dạy con người cho khôn ngoan, cho tài giỏi, cho đạt tới tinh hoa của sự hiểu biết, rồi nuôi cho lớn mạnh và phát triển làm ích lợi cho bản thân, gia đình và nhân loại. Vậy Giáo Dục gồm đủ cả hai phần tạo nên con Người là tinh thần và vật chất. Giáo Dục vì vậy không thể nghiêng trọng tinh thần mà lãng quên vật chất theo kiểu Duy Tâm, như thế xã hội sẽ là đền thờ và sinh hoạt phụng vụ thần linh, tôn vinh thượng đế. Nhưng nếu chỉ chấp nhận vật chất mà chối bỏ tinh thần như Cộng Sản Duy Vật, thì sẽ dẫn tới xã hội tranh đoạt vật chất để hưởng thụ, sa đọa xuống tới hàng thú tánh hạ liệt, không có nhân luân, cương thường, không có tư tưởng thanh cao vượt thoát khỏi thân phận “con người”. Giáo Dục phải hợp Nhân Tính đi theo đường lối trung dung Duy Nhân; đào tạo con người khuôn mẫu thăng bằng, văn minh, tốt đẹp, thiện lành… Tất cả vì “con Người.”

Giáo Dục làm công việc trồng người, huấn luyện người để Nối, Tiếp những truyền thống cao đẹp từ lâu đời của những thế hệ tiền nhân, để Tiếp Thu những cái hay, cái mới, cái tốt của Người, rồi từ những cơ sở tinh thần và vật chất đó, sẽ hình thành và tạo ra những phát minh hướng dẫn bước Tiến Hóa của nước nòi và của cả nhân loại. Nếu một nền Giáo Dục đã không làm tròn chức năng đào tạo đúng những mẫu người, những tài năng cần thiết, những trí óc sáng suốt phù hợp cho nhu cầu thời đại của xã hội, của quốc gia; thì sẽ dẫn tới tụt hậu, nghèo đói, loạn lạc, mất nước vào tay cường địch và ngoại bang. Do vậy, chúng ta phải ý thức được tầm quan trọng của Giáo Dục trong việc tồn vong của Dân Tộc và Đất Nước. Giáo Dục phải được nâng lên tầm vóc chính sách và việc Giáo Dục không giới hạn trong lãnh thổ quốc gia, mà cần có sự vươn tới ngang tầm các quốc gia văn minh tân tiến hơn; để học hỏi tiếp thu học thuật sao cho bằng Người, rồi không chỉ làm thứ “thư viện” chỉ tích chứa kiến văn của người như phế liệu theo thời gian…Trên hết là phát minh, sáng tạo hơn Người làm cho đời sống thăng hoa, xã hội phồn vinh và quốc gia thịnh vượng, giàu mạnh hơn người, xứng đáng với giá trị là Người và làm Người. 

1)- GIÁ TRỊ XÃ HỘI ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ THẾ NÀO?

Giá trị một xã hội là một trong ba phạm trù triết học. Trong đó, nhờ có ngôn ngữ, con người đã đặt tên cho các chương trình hay các đề án giáo dục. Đúng ra phải “nói” về giáo dưỡng; chính vì cốt để xây dựng một xã hội thiện lành với mục đích cao trọng là phục vụ con người. Vậy chính đề là chú tâm phục vụ con người. Do đó, giá trị xã hội được đánh giá thông qua nền giáo dục của quốc gia từ chương trình mầm non, tiểu học, trung học lên đến đại học. Căn cứ vào trình độ học vấn của đại thể người dân trên đất nước; mà người ta định hình được giá trị xã hội của một quốc gia. Nói rõ ra là trình độ dân trí qua nhận thức về sự giao tiếp lịch thiệp, biểu tỏ về thái độ hài hòa mang tính nhân bản, cung cách hành xử giữa con người với con người biểu hiện qua khuôn mặt, lời nói hay hành động (body language). Tất cả mọi sự, mọi thứ, đều phải dựa trên một nền tảng giáo dục vững chắc thông qua cái căn bản đạo đức của con người có giáo dục. Nói khác đi là của con người trí thức và cao hơn một bậc nữa là tri thức.

Giáo dục và đào tạo chuyên nghiệp hiện hữu cho giới sinh viên lúc nào cũng là những ưu tiên hàng đầu của bất kỳ chính phủ nào trên thế giới, nước Mỹ cho dù là một siêu cường hạng nhất cũng không thể ngoại lệ; nhằm trang bị cho lực lượng lao động các kỹ năng về khoa học, công nghệ và quản trị kinh doanh cao cấp. Ngoài ra, các gia đình Việt Nam từ nhiều thế hệ trước đã ước vọng và cố đặt nặng việc bảo đảm một nền giáo dục vững chắc cho con cái mình. Các bậc phụ huynh chủ tâm tạo cái vốn đầu tư không bao giờ bị hư mất hay bị đánh cắp. Khi các ngành nghề công nghiệp mới càng ngày càng mở rộng, cấp bằng đại học với trình độ tối thiểu là Cao học (MA/MS) và Tiến sĩ - Doctor Degree về các ngành nghề chuyên biệt ngày càng trở nên cần thiết đối với các anh chị em thuộc giới lao động trẻ Việt Nam ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc v. v... đang mong tìm kiếm công việc làm với mức lương cao hơn trong các lĩnh vực mới và đang trên dà phát triển, đặc biệt là ngành công nghệ cao như Artificial Intelligence (AI) ở các đại công ty hàng đầu thế giới. Vì vậy, giá trị xã hội phải được định hình và lượng giá trên lãnh vực học vấn của đại chúng qua các bằng cấp ở trinh độ đại học. 

2)- TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN - BẰNG CẤP ĐẠI HỌC:

Về mặt hình thức và thực thể thông qua các sinh hoạt hàng ngày của đại chúng, giá trị xã hội còn được định hình bởi tầm dân trí hay trình độ học vấn phổ thông, tổng quát thông qua qui định vững chắc và hầu như ‘bất thành văn’ là đi kèm theo các bằng cấp tốt nghiệp hàng năm của các sinh viên khi ra trường với hàng chục triệu hay cả trăm triệu sinh viên. Theo phạm trù giá trị xã hội hiện bây giờ ở thế kỷ 21 này, một người được coi là trí thức, tối thiểu phải có bằng Cao Học (MA/MS). Các sinh viên nào tốt nghiệp với bằng cấp Tiến Sĩ (Doctor Degree) về đủ các ngành nghề chuyên biệt như công nghệ nặng hay high-tech hoặc Artificial Intelligence (AI), sẽ có nhiều cơ hội hơn; hầu mau chóng và dễ dàng kiếm được việc làm. Những sinh viên với trình độ chuyên biệt loại này, họ là những tinh hoa thượng thặng của các nước Âu-Mỹ, họ không phải chỉ đơn thuần học sao cho tốt nghiệp đại học; rồi đi kiếm việc làm, mua xe, mua nhà, cưới vợ đẻ con; rồi cuộc đời họ sẽ bềnh bồng tựa đám lục bình trôi theo dòng đời hoài như vậy ... Ngược lại họ mơ ước cao hơn nhiều, họ đang hướng mắt nhìn đến hành trình lên tít tận Sao Hỏa và họ là một trong những người đóng góp công sức của mình vào công cuộc cách mạng của loài người lúc này. Đây là tôi đang nói về trình độ học vấn và bằng cấp đại học của các sinh viên tốt nghiệp Cao học hay Tiến sĩ ở các nước Âu-Mỹ và mơ ước của họ qua các “chit chat” hàng ngày khi họ nói chuyện với nhau ở bất cứ nơi nào hay vào thời điểm nào. Họ thường nói rằng mơ ước của họ bất kể là to lớn cỡ nào cũng có thể thực hiện được qua những nỗ lực bản thân, sức kiên trì học hỏi và phần thưởng sau cùng có rạng rỡ cũng là sự hiển nhiên.

Thế còn ở Việt Nam ta thì sao ? Với một nền giáo dục rất ư lạc hậu bởi đám “quan chức lãnh đạo” vốn ít học, chỉ cốt chú trọng đến phe phái và chủ trương “hồng hơn chuyên”, nay lại đấu đá, sàng lọc đối thủ tranh giành quyền chức với chiêu thức “cán bộ ngành phải có bằng cấp (giả)” và cũng để phô trương hào nhoáng tuyên truyền, nhà nước Việt Nam ra tiêu chuẩn đòi hỏi cán bộ các cấp dân sự cũng như quân sự phải có bằng cấp tương đương mới được cứu xét cho thăng chức, chuyển ngạch hay thăng cấp...

Thực tế, ở xã hội dân chúng đã có hàng mấy trăm ngàn sinh viện Việt Nam tốt nghiệp đại học trong nước hay đi du học trở về, hoặc tìm cách ở lại nước ngoài; cũng chỉ có được một số ít người thành đạt học vấn khoa bảng như Ngô Bảo Châu nhà toán học, được thưởng huy chương danh giá: Fields Medal và hai lần đoạt huy chương vàng International Mathematical Olympic 29th và 30th. (IMO) ở Úc năm 1988 và Đức năm 1989. Kế đó là Nguyễn Trọng Hiền và Vũ Thành Long đều làm cho NASA là hai chuyên gia phụ trách về giàn phóng và sức đẩy phản lực (JPL) cho phi thuyền không gian. Bùi Tiến Dzũng là chủ sự phòng thí nghiệm ở Rochester, NY của IBM và còn đảm nhiệm những vị trí quan trọng như Phó chủ tịch phụ trách thị trường Mỹ Châu Latin, Tổng giám đốc Sales và Marketing châu Âu hay Tổng giám đốc phụ trách giải pháp IT.  

3)- GIÁO DỤC TỐT VÀ NẤC THANG XÃ HỘI:

Xét về Giáo Dục tại miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa đã có một nền giáo dục rất nhân bản và khai phóng. Mặc dù Miền Nam đã phải trải qua cuộc chiến Quốc – Cộng khốc liệt, vừa chống giặc Cộng Sản Quốc Tế do Nga – Tàu và các nước theo Cộng Sản chủ trương xâm lăng nhuộm đỏ thế giới qua vai trò xung kích của Cộng Sản Bắc Việt. Chính quyền và dân chúng miền Nam tự do vừa phải cầm súng chiến đấu trên khắp chiến trường, vừa phải xây dựng xã hội dân chủ sau khi thực dân Pháp rời khỏi đất nước…Nhưng chỉ trong 2 thập niên ngắn ngủi các đại học của miền Nam đều đạt được đẳng cấp quốc tế và những sinh viên ở những quốc gia lân cận đã du học tại những trường đại học miền Nam Việt Nam. Trong khi đó cũng có những sinh viên Việt Nam Cộng Hòa xuất sắc có được học bỗng của quốc gia hay của các trường đại học Âu Mỹ, Nhật và Đài Loan được phép du học hay tu nghiệp, họ đều phải có trình độ ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Nhật lưu loát và tương ứng tại các đại học danh tiếng văn minh ngoại quốc. Chính nhờ vậy nên khi du học nước ngoài các sinh viên Việt Nam hội nhập nhanh chóng và đạt thành quả tốt đẹp không thua kém gì với hàng sinh viên bản địa. Do vậy, các sinh viên này tốt nghiệp với các bằng cấp Cao Học (MA/MS) hay Tiến Sĩ (Doctor Degrees), trở về nước, họ đều là những công chức trung cấp đến cao cấp phục vụ xuất sắc cho đất nước về các ngành nghề chuyên môn của họ. Họ là tinh hoa của xã hội miền Nam và “nói” thật rõ hơn là của cả dân tộc Việt Nam.

Thiển nghĩ, bất kỳ ai cũng đều nên có cơ hội được đi học và thành tài, vì giáo dục là phải mở rộng nhiều cơ hội cho dân chúng. Rất nhiều thứ khoa học mới, công nghệ mới, kinh doanh mới đã làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của người dân, cho dù số tuổi của họ có là bao nhiêu đi nữa. Như thế, ta cũng có thể “nói” chính sự thành đạt học vấn là nấc thang bậc cho phàm nhân trở thành nhân tài trong xã hội và đất nước. Đó cũng là châm ngôn “Nuôi trí sinh nhân tài”.

Đáng tiếc là tầng lớp tinh hoa này cũng như những người công dân Việt Nam Cộng Hòa khác đều trở thành nhân chứng và cũng là nạn nhân trong cuộc chiến Việt Nam. Sau ngày 30/4/ 1975 đảng chủ trương giam tù Dân, Quân, Cán, Chính của Việt Nam Cộng Hòa vào các trại tù lao động khổ sai không bản án, ít nhất là 3 năm đến hơn 20 năm (1975-1999); mà hầu hết đều là tinh hoa của dân Việt thuộc đủ mọi ngành nghề. Bọn lãnh đạo Việt Gian Cộng Sản Hà Nội thực chất đã quá ngu xuẩn, làm thui chột đi rất nhiều anh tài là những tinh hoa quý hiếm của quốc gia đã được đào tạo từ các đại học Âu-Mỹ - Nhật. Bọn chúng đã làm cho đất nước trở nên khốn khó, nghèo hèn, tụt hậu mất hơn 50 năm so với các quốc gia ở Đông Nam Á khác cùng thời điểm 1955-1975. Chính các lãnh đạo của các nước ở  Đông Nam Á này đã từng mơ ước cho quốc gia của họ được trở thành như “Hòn Ngọc Viễn Đông” thời Việt Nam Cộng Hòa.

-Thế Hệ Gốc Rễ:

Sau 30/4/1975, những người miền Nam Việt Nam thoát được ra khỏi đất nước, họ định cư ở những nước tự do và bắt đầu cuộc sống mới, có thể “gọi” là “thế hệ người Việt tỵ nạn Cộng Sản thứ nhất” hay có thể ví như “thế hệ gốc rễ” hiện nay đang ở vào lớp tuổi 70 – 80 phần đông phải cật lực lao động trong các hãng xưởng để thu hút “dưỡng chất” là tiền bạc mưu sinh cho gia đình và lo lắng cho các con học hành trong những trường lớp địa phương gần nhà ở…chỉ có một số ít cố gắng vừa làm, vừa học trong những Đại Học Cộng Đồng (College) và cũng có ít người theo học tại các University trong quận hạt hay tiểu bang đang cư ngụ. Nhưng thế hệ thứ nhất này chỉ là “thế hệ lót đường-làm phân bón tốt” cho thế hệ con cái vươn lên, du nhập vào hệ thống giáo dục dòng chính nơi bản xứ và cũng còn ở tầng bậc College – University chưa phải là hạng bậc các Đại Học Danh Tiếng thượng thừa (Ivy League Universities).

-Thế Hệ Thân Cây:

Qua đến thế hệ thứ nhì, nay đã đang ở lứa tuổi 40 – 50 là con em của thế hệ thứ nhất; thế hệ này ví như “thế hệ thân cây” đã mọc vững mạnh trên mãnh đất tự do, được nuôi nấng, học hành  tiến bộ và hòa mình hội nhập vững mạnh vào xã hội Âu-Mỹ…Tuy đã có một số sinh viên xuất sắc được thu nhận học tại các trường đại học danh tiếng (Ivy League Universities) ở Mỹ nhiều hơn ở thế hệ thứ nhất, và những nhân vật thời danh thuộc thế hệ thứ nhì đang nắm giữ các chức vị then chốt trong giới lãnh đạo guồng máy chính phủ tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức như Thủ tướng ở Đức, Thứ trưởng Tư pháp và cấp Tướng lãnh trong quân đội Mỹ.

Theo thống kê của cơ quan giáo dục Mỹ:[4] [5] có khoảng 20,000 sinh viên Việt Nam ở Mỹ tốt nghiệp riêng tại các đại học danh giá nhất (Ivy League Universities) của Mỹ? Sau đó, họ phục vụ trong các đại công ty hay trong chính quyền Mỹ ở cả ba ngành: hành pháp, tư pháp và lập pháp với các chức vụ lãnh đạo chỉ huy hay ít nhất cũng là Giám Đốc (Director) vài ba cơ quan mang đẳng cấp tương đương một Bộ (Department.). Ở đây, tôi chỉ xin đan cử một vài ba người tiêu biểu thôi, chứ thế hệ một rưỡi (1.5) của Việt Nam ở khắp các nước Âu-Mỹ thì khá nhiều. Điển hình về dân sự, như “Bomb Lady”: Dương Nguyệt Ánh, nhậm chức Giám đốc Khoa học và Kỹ thuật trong Bộ Hải Quân Mỹ (the Director of the Science and Technology of Naval) và nhiều chức vụ khác thuộc Bộ Quốc Phòng như năm 2005, làm cố vấn khoa học cho Phó Đề Đốc Hải Quân Mỹ về Thông tin và Chiến thuật và năm 2008 ở Bộ Nội An, bà làm  Giám đốc An ninh Biên giới và Lãnh hải (Director of the Borders and Maritime Security Division). Bà từng là người đại diện cho chánh phủ Mỹ trong lãnh vực chất nổ tại Tổ chức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bà cũng là tác giả của bom áp-nhiệt (thermobaric bomb). Đồng thời củng cố cái danh hiệu “Bomb Lady” của Pentagon [1].

Kế tiếp là Astronaut Amanda Nguyễn. Cô này là một nhà hoạt động xã hội và dự kiến phi hành gia. Cô sẽ trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên bay vào không gian khi tham gia chuyến phóng phi thuyền sắp tới của Blue Origin trên hỏa tiễn New Shepard. In 2022, cô cũng đã được vinh danh trên Time Magazine’s Women of the Year. Amanda Nguyễn đã mơ ước trở thành một phi hành gia ngay từ khi còn nhỏ. Trong một bài đăng trên Instagram, cô viết rằng cô khao khát được trải nghiệm hiệu ứng tổng quan đã đánh thức đứa trẻ bên trong người cô. Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, cô Amanda Nguyễn chia xẻ lý do vì sao sứ mệnh trở thành Phi Hành Gia (Astronaut) này đối với cô lại rất quan trọng: “…để mọi cô gái trẻ người Việt biết rằng chúng ta thuộc về đất nước Mỹ này, rằng họ có thể nhìn thấy chính mình giữa những vì sao, và rằng những ước mơ của họ, dù to lớn đến đâu, đều hoàn toàn có thể thành sự thật và xứng đáng.” [2] 

Tiếp theo, xin lạm bàn thuần túy trong lãnh vực của lực lượng quân sự Mỹ, phải kể đến ông Thiếu tướng Lương Xuân Việt. Vào tháng 5/2017, tướng Lương Xuân Việt được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Tác chiến (Deputy Commander of Operations) của Quân Đoàn số 8 là Lực lượng của Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Một năm sau, ông được thăng cấp thiếu tướng vào tháng 6/2018 và vào tháng 8/2018, ông đảm nhận chức vụ chỉ huy Lục quân Mỹ tại Nhật Bản. Ông hiện mang cấp bậc cao cấp nhất trong hàng ngũ tướng lãnh Mỹ gốc Việt. Cùng với khoảng 6-7 tướng lãnh (one star) khác trong quân đội Mỹ bao gồm: (Daniel J. Ngo-Army, Admiral Vu The ThuyAnh-Navy, John R. Edwards-Air Force, Admiral Nguyen Tu Huan-Navy, William Seely-Marine Corp, Lapthe Chau Flores-National Guard). Hy vọng rằng Quân chủng Không Gian (Space Force) cũng sẽ sớm có một tướng lãnh gốc Việt Nam được phong chức.[3] 

Nhưng “thế hệ thân cây” này cũng chỉ ví như thân cây lớn mạnh cưu mang những “hạt mầm” hứa hẹn sẽ sản sinh hoa thơm, trái ngọt cho “thế hệ thứ ba” có đầy đủ điều kiện học lực xuất sắc để bước vào nấc thang giáo dục loại thượng thừa tại các đại học danh tiếng như: Harvard University, Stanford University, Cornell University, Berkeley University, Yale University, Johns Hopkins University, Massachusetts Institute Of Technology (MIT), Princeton University, Học Viện Quân Sự West Point tại Mỹ và những trường đại học danh tiếng ở các nước Âu Châu có nền tảng đại học ưu hạng…

-Thế Hệ Hoa Trái:

Chính “thế hệ hoa trái” thứ ba này thể hiện tính chất của ý niệm thế hệ, hiện nay đang ở lứa tuổi 20 – 30 với trình độ giáo dục tân tiến vượt bậc của thời đại, nhận thức văn minh nhân bản, trong sáng hòa đồng, biết tôn trọng truyền thống tốt đẹp kinh qua đãi lọc lịch sử, mạnh dạn phá bỏ những điều xấu xa và tàn dư làm trì trệ con người,… Thế hệ thứ ba, với khoảng hơn 50% tổng số sinh viên Việt Nam hàng năm sẽ tốt nghiệp Cao học (MA/MS) hay Tiến sĩ (Doctor Degree) thuộc đủ mọi ngành nghề chuyên biệt từ các trường đại học danh giá (Ivy League Universities). Họ sẽ lập thành các “bệ phóng” để cho các thế hệ tiếp theo sau làm chuẩn mực, nhằm tiến bước đi lên, chính thức trưởng thành và vươn lên đỉnh cao quyền lực; ngõ hầu nắm giữ các vai trò lãnh đạo tối cao ở các quốc gia Âu-Mỹ. Khi đó, họ sẽ hiên ngang bước vào giai cấp thượng lưu (Platinum Class ) và chính họ sẽ thực sự xứng đáng là tinh hoa trong xã hội Âu-Mỹ sau này.

Chính thế hệ thứ ba này mới có thể hội nhập vào “thế giới” ưu tú, tinh hoa (Elite) “dòng chính” của người Âu-Mỹ.  

4)- TẠM KẾT:

Như đã nói đến ở phần đầu, gía trị xã hội là một trong ba phạm trù triết học trong một đất nước văn minh tất sẽ phải đi theo tiến trình “tuần tự nhi tiến” như các vấu của từng đốt trên một cây tre, chứ không thể nào xảy ra kiểu “chó nhẩy bàn thờ” như ở các nước nhược tiểu Á-Phi hay như ở Việt Nam. Cho nên các bạn trẻ Việt Nam ở khắp năm châu lục, tại các đất nước văn minh tiên tiến Âu-Mỹ cần phải suy niệm cho thật kỹ lưỡng và xét nét tận tình lý, để từ đó, nghiệm cho mình cung cách lập thân theo ước vọng bản thân. Khi các bạn trẻ đang có cơ hội để chọn lựa và chuẩn bị đi đến đích điểm nơi chốn chính bạn mong muốn. Tất cả đều tùy thuộc vào sự quyết tâm, hành động với dũng khí và lý tưởng cao thượng để “lên đường” như tráng sinh hướng đạo.

Chính quyền nào vì dân, do dân bầu cũng phải ủng hộ và cổ võ cho sự thật và tính minh bạch với toàn dân về mọi quyết định của nhà cầm quyền, chứ không phải là áp đặt bằng nòng súng. Một cuộc Cách Mạng Tự Do – Dân Chủ - Nhân Quyền cho Việt Nam trong tương lai tất sẽ xảy đến. Chính các bạn ở thế hệ tinh hoa ưu tú này sẽ là thành phần đóng góp tài năng, công sức, kiến thiết cho đất nước Việt Nam phồn thịnh. */*

Ngô Viết Quyền - Đầu Xuân Ất Tỵ 2025 – Florida

Nguồn:

1.    “Kỹ sư Dương Nguyệt Ánh và tấm lòng trăn trở với đất nước”. (Theo báo Người Việt – July 9. 2007 – vietbao.com và bài viết của tác giả Huy Phương cùng một tựa đề, đăng ngày 17 tháng 8 năm 2011.)

2.    Diversity Comm. digital.diversitycomm.net ›Diversitycomm-Magazine

3.    www.army.mil>article: 244704 on Mar. 29, 2021

4.    www.collegescorecard.ed.gov>data on Jan 16, 2025

5.    www.thedp.com  on June 23, 2024

Next
Next

Chuyện chung hay chuyện riêng